(Ecolaw.vn) - VKS bảo đủ chứng cứ buộc tội, không vi phạm tố tụng, tòa sơ thẩm thì có quan điểm ngược lại.
Ông Nguyễn Văn Đồng vui mừng sau khi tòa tuyên vô tội. Ảnh: CTV
Ngày 24-8-2015, TAND tỉnh Bình Phước đã xử sơ thẩm, tuyên bố ông Nguyễn Văn Đồng (65 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, Bù Đăng) không phạm tội giết người và trả tự do ngay tại tòa dù trước đó đại diện VKS đề nghị mức án tù chung thân.
Chỉ có hai cháu bé chứng kiến tội phạm?
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước, khoảng 10 giờ ngày 28-1-2013, ông Đồng đi xe máy đến nhà ông Trần A Ửng (ngụ cùng xã) uống rượu, đánh bài ăn tiền. Do cháu C. (hai tuổi, con ông Ửng) khóc nên ông Ửng dừng chơi để dỗ con. Đang thua 36.000 đồng, ông Đồng bắt ông Ửng chơi tiếp. Ông Ửng không đồng ý, dẫn đến cự cãi, xô xát.
Ông Đồng đã dùng gạch và khúc gỗ đánh ông Ửng rách da đầu, chảy máu. Ông Ửng bỏ ra ngoài giếng ngồi thì ông Đồng chạy tới xô xuống giếng. Lúc này, hai con của ông Ửng (cháu C. và cháu T. hơn năm tuổi) khóc, đi ra cổng chờ người thân về. Sau đó, người nhà đi làm về phát hiện ông Ửng chết dưới giếng.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, một cặp vợ chồng đi làm rẫy, đến gần vườn cao su nhà ông Ửng thì thấy ông Đồng chạy xe máy đi theo chiều ngược lại.
Ngày 29-1-2013, ông Đồng bị bắt để điều tra về hành vi giết người. Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước, “nạn nhân có ba vết thương dập, rách da đầu do vật tày có cạnh tác động. Nạn nhân tử vong do ngạt nước và suy hô hấp cấp”. Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại TP.HCM, “các dấu vết ghi thu trên đồng hồ, trên nền nhà và trên tay quay giếng đều là máu người. Phân tích ADN cho thấy đây là máu của nạn nhân Ửng”.
VKS đề nghị tù chung thân, tòa tuyên vô tội
TAND tỉnh Bình Phước đã nhiều lần mở phiên xử nhưng phải trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vì ông Đồng không thừa nhận hành vi giết người, đồng thời chứng cứ buộc tội chưa rõ ràng, chắc chắn.
Tại phiên xử ngày 24-8-2015 vừa qua, ông Đồng nói ngày 28-1-2013 có đến nhà ông Ửng uống rượu, ăn cháo gà. “Sau đó, con của ông Ửng khóc và ông Ửng phải dỗ con nên bị cáo bỏ ra về. Lúc về bị cáo vẫn thấy ông Ửng cùng hai con ngồi ở thềm nhà. Bị cáo với ông Ửng là bạn thân, hoàn toàn không có mâu thuẫn gì để bị cáo giết ông Ửng” - ông Đồng khai.
Đại diện VKS tỉnh đã bác bỏ lời kêu oan của ông Đồng, cho rằng căn cứ để cơ quan này buộc tội ông Đồng là từ lời khai của các nhân chứng (trong đó có con của nạn nhân, lời khai của người đi làm rẫy qua nhà nạn nhân có gặp ông Đồng đi ngược lại). Ngoài ra còn một vật chứng quan trọng là chiếc đồng hồ mà ông Đồng đeo có một vệt màu nâu (sau này xét nghiệm ADN chính là máu của nạn nhân) và nhiều tang vật khác được CQĐT thu giữ.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX nhận định trong quá trình điều tra, truy tố, CQĐT cũng như VKS đã có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, CQĐT không tiến hành giám định dấu vân tay trên các vật chứng như gạch, khúc gỗ đánh nạn nhân; các vật chứng của vụ án không được niêm phong; chưa làm rõ thời gian liên quan đến vụ án để chứng minh tội phạm.
HĐXX cũng cho rằng nhân chứng trong vụ án là cháu T. không có năng lực hành vi dân sự vì chưa đủ sáu tuổi theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự. Mặt khác, lời khai của cháu T. có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng, không cụ thể. Lời khai của cháu cũng không thể hiện nguyên nhân chết hay là ai gây nên cái chết của nạn nhân… Từ đó, HĐXX đã tuyên ông Đồng vô tội.
Hai quan điểm trái ngược
PV Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với đại diện VKS tỉnh và HĐXX để làm rõ hơn quan điểm truy tố, xét xử ông Đồng.
Kiểm sát viên Vũ Thanh Sơn, người giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm cho biết VKS tỉnh đang làm thủ tục kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm vì “VKS tỉnh truy tố ông Đồng về tội giết người là có căn cứ theo quy định pháp luật”.
Theo ông Sơn, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ hay lấy lời khai đều đúng quy định pháp luật. Ngay khi xảy ra vụ án, Công an xã Đức Liễu đã thu giữ đồng hồ ông Đồng có dính vết máu của nạn nhân, vật chứng này có niêm phong. Về nhân chứng là cháu T., VKS có quan điểm khác HĐXX: “Bộ luật Dân sự không quy định cụ thể tuổi của người làm chứng. Có thể HĐXX viện dẫn Điều 21 nhưng không xem xét đầy đủ các điều luật khác trong bộ luật này. Lời khai của cháu bé thể hiện việc ông Đồng đánh, đẩy nạn nhân xuống giếng là phù hợp với chứng cứ thu thập được”.
Ông Sơn cũng cho biết nếu chứng cứ không đủ, VKS sẵn sàng áp dụng nguyên tắc suy đoán theo hướng có lợi cho ông Đồng. Tuy nhiên, ở đây VKS truy tố ông Đồng về tội giết người là căn cứ vào dấu vết máu nạn nhân trên đồng hồ của ông Đồng và lời khai của cháu T. cùng các chứng cứ liên quan. “Với các chứng cứ đã thu thập thì đủ căn cứ truy tố ông Đồng về tội giết người. Không phải sợ bồi thường oan mà chúng tôi cố gắng truy tố. Ở đây chứng cứ kết tội vụ án trên đã rõ và VKS không thể bỏ lọt tội người có tội” - ông Sơn khẳng định.
Trong khi đó, Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (chủ tọa phiên tòa) cho biết: “Do không đủ căn cứ kết tội nên sau ba ngày nghị án, HĐXX đã tuyên ông Đồng không phạm tội giết người. HĐXX áp dụng tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội để xét xử. Nếu không đủ chứng cứ kết tội thì HĐXX phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội. Việc tuyên án như vậy là lương tâm và trách nhiệm của HĐXX.
Theo ông Nhân, trong vụ án, tòa đã trả hồ sơ đề nghị VKS điều tra bổ sung hai lần nhưng yêu cầu của HĐXX vẫn không được VKS đáp ứng. Đó là yêu cầu bổ sung biên bản niêm phong chiếc đồng hồ của ông Đồng để đưa vào hồ sơ vụ án. Ngoài ra, như bản án đã nhận định, các vật chứng trong vụ án đã không được niêm phong, đưa đi giám định đầy đủ, toàn diện. CQĐT cũng không thu thập cái áo trắng mà ông Đồng mặc, không niêm phong, giám định cục gạch và cây gỗ được cho là dùng để đánh nạn nhân… Phía VKS đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên HĐXX có căn cứ để tuyên bị cáo vô tội.
Ông Nhân khẳng định: “Trước khi xét xử phải coi bị cáo như một người bình thường vô tội. Muốn tuyên họ có tội thì phải chứng minh bằng chứng cứ. Trong vụ án này chứng cứ thu thập không đầy đủ, vi phạm tố tụng thì HĐXX phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội. Bởi vật chứng không được thu thập đúng theo quy định pháp luật thì không thể được coi là chứng cứ của vụ án. Nếu còn nghi ngờ, chứng cứ còn không rõ thì không thể tuyên bị cáo có tội được”.
Như vậy, giữa VKS và tòa sơ thẩm có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ buộc tội cũng như đánh giá về thủ tục tố tụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả của phiên xử phúc thẩm.
---------------
Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân, HĐXX đã được lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước tạo điều kiện tối đa và việc xét xử dựa vào chứng cứ trên nguyên tắc xét xử độc lập. HĐXX không chịu bất kỳ sự chi phối và can thiệp nào. Chắc chắn là HĐXX không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. HĐXX không thể cố buộc tội khi chứng cứ còn mù mờ. Việc tuyên ông Đồng không phạm tội giết người là phù hợp với sự thật khách quan của vụ án...
------------------------
Hình sự
- Ra tòa, nhân chứng lắc đầu: ‘Bị cáo không phải là thủ phạm’ (6/2015)
- Luật sư vụ công an đánh chết người ở Phú Yên yêu cầu giám định lại (6/2015)
- Vụ áp giải học sinh lên xe đặc chủng giữa sân trường: Tòa 'bỏ quên' chứng cứ quan trọng (5/2015)
- Luật sư kiến nghị đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông Huỳnh Văn Nén (5/2015)
- Xét xử sơ thẩm lần 2 vụ nhục hình ở Phú Yên: "Là công an sao lại đánh người?" (4/2015)
- Tòa đổi tội danh, 3 người được tuyên 'trắng án' (2/2015)
- Phiên tòa xét xử hung thủ "thay thế" trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: hoãn xử vì vắng mặt bên bị hại (9/2014)
- Cô giáo cướp tài sản của người tình: đắng cay tình & lý (9/2014- Đà Nẵng)
- Vụ anh rể hiếp dâm em vợ: khung hình phạt quá rộng dẫn đến việc xử sao cũng ...đúng luật !? (9/2014 - Khánh Hòa)
- Mua bán trinh: phạm tội gì? ai phạm tội?
- Đánh đến chết hai người trộm chó - chỉ bị phạt 2 năm tù! (8/2014)
- Tuyên án tử hình Đặng Văn Khuyến - kẻ giết người yêu rồi lên Facebook giãi bày (8/2014)
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Cần khởi tố bác sĩ Tường về tội giết người (11/2013)
- Treo nghi can lên cửa sổ, ép nhận tội “giết người” (7/2013 - Sóc Trăng)
- Vì nghèo lấy phòng trọ cho gái mại dâm thuê 4 lần, thu lợi tổng cộng 90 ngàn đồng: 10 năm tù!
- Bữa nhậu 380.000 đồng khiến 7 người bị khởi tố
- Vụ án hoa hậu Mỹ Xuân: Các bị cáo bị xâm hại quyền hình ảnh cá nhân (7/2013)
- "Kỳ án vườn mít": Nguyễn Bá Mai là hung thủ hiếp dâm, giết người, y án chung thân
- Phiên tòa phúc thẩm vụ án "tiếng súng hoa cải" Đoàn Văn Vươn
- Thẩm phán vòi hối lộ hơn 230 triệu đồng lĩnh 10 năm tù (12/2014)
- Chánh án đòi hối lộ để cho "hưởng án treo" bị sập bẫy
- Bà Liễu đã phạm tội giết chồng
- Vụ án Hồ Duy Hải: liệu có thực sự "đến đây là hết rồi, không còn cách nào khác"? (4/2015)
- Vụ tử tù Hồ Duy Hải: 4 nghi vấn trong vụ án giết người tàn độc (12/2014)
- Vụ án Hồ Duy Hải: Dùng tang vật mua ở… chợ để kết án tử hình? (12/2014)
- Lật lại vụ án giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi: Tuyên án tử hình dễ thế sao?
- Vụ hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại: tử tội Hồ Duy Hải kêu oan
- Ý kiến của một sinh viên báo chí về Vụ án Cầu Voi
- Vào tù sau khi được công an "đặt hàng" mua hổ (7/2014)
- Tình vợ chồng & tội giết người
- Nguyễn Đức Nghĩa: man rợ vì đâu? (11/2010)
- Câu chuyện về một vụ án hình sự (bài 1)
- 3 thanh niên được 'minh oan' sau 10 năm tù vì tội hiếp dâm
- Nữ sinh 19 tuổi bị "bạn trai" lừa bán qua Trung Quốc làm gái lầu xanh với giá … 2 triệu đồng!
- “Kỳ án” Đặng Nam Trung: vô tội hay có tội?
- Đau lòng vụ án cha viết đơn xin tòa xử tử hình ... con trai!
- Vụ án nữ sinh giết người: câu chuyện buồn ngày cuối năm
- Vụ án Nông trường Sông Hậu và lời kêu oan của bà Ba Sương!