Saturday, August 2, 2014

Bà Liễu đã phạm tội giết chồng

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

Mặc dù trong những lời nói cuối cùng khi nghe Tòa tuyên án, bà Liễu đã tuyệt vọng kêu lên “tôi không giết chồng” thì mức án chung thân do Hội đồng xét xử tuyên đã nói lên điều ngược lại. Bà Liễu đã phạm tội giết chồng.

Dưới đây là bình luận của luật sư Trần Hồng Phong về phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này.

Bà Liễu tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh chụp qua TV đặt trước sân Tòa án Long An



Xét xử công khai, nhiều người dự khán

Sáng ngày 29-3-2012, tôi đi Long An với ý nghĩ để xem và đánh giá về phiên tòa của một vụ án "đình đám" và đang gây được sự chú ý lớn của dư luận xã hội trong suốt hơn 1 năm qua – với tư cách là một người dự khán và sẽ cố gắng viết một bài bình luận trên site Ecolaw.vn theo đề nghị của nhiều người.

Một lý do khác mà tôi muốn đi dự phiên tòa là vì nạn nhân Hoàng Hùng là người mà tôi quen biết. Hay đúng hơn anh Hùng từng là đồng nghiệp của tôi trong thời gian khoảng năm 2002. Khi đó, cả tôi và anh Hùng đều là phóng viên của báo Pháp luật TP.HCM. ( Sau đó anh Hùng chuyển qua báo Người Lao Động).

Luật sư Nguyễn Đức, người bảo vệ quyền lợi cho phía người bị hại, người có quan điểm cho rằng trong vụ án này, ngoài bà Liễu, còn phải có một ai khác là “đồng phạm” cũng là người mà tôi quen biết từ lâu. Luật sư Đức trước đây là phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam, sau đó là báo Đất Việt. Trong thâm tâm, tôi cũng phần nào đồng ý rằng khả năng và Liễu “đơn thân độc mã” đốt chồng là khó. Có thể bà Liễu đã suy nghĩ và làm một mình. Nhưng phải có ai đó (mà cụ thể là ông Tâm) biết về việc này, nhưng đã không báo cho cơ quan điều tra. Đây là dấu hiệu của hành vi “không tố giác tội phạm” – qui định tại Bộ luật hình sự.

Khi tôi tới Tòa án Long An, lúc 8h30 phút, phiên tòa đã khai mạc được khoảng mươi phút. Qua chiếc loa phóng thanh treo trước sân Tòa án, nghe tiếng chủ tọa đang ở phần thủ tục, thẩm vấn kiểm tra căn cước. Nghe rõ giọng một phụ nữ đang “dạ” trả lời các câu hỏi của tòa, mà qua nội dung có thể đoán là bị cáo Nguyễn Thúy Liễu, vợ của nạn nhân Hoàng Hùng. Giọng bà Liễu nghe có vẻ hiền, nhỏ nhẹ và dễ gây thiện cảm.

Ngoài sân, hành lang ngay trước phòng xử án đông nghịt người tò mò đến xem xét xử. Phòng xử án chật kín và không còn chỗ ngồi, được một hàng cảnh sát chặn không cho vào. Phía bên ngoài, rất nhiều người kê ghế, thậm chí trèo lên cả khung rào, các bờ tường nhìn vào bên trong phòng xử án. Cảnh sát khá nhiều và rải rác khắp nơi. Tuy nhiên, thái độ là dễ chịu và không gây khó khăn gì với ai. Nói chung, phiên tòa về mặt hình thức đã bảo đảm được nguyên tắc “xét xử công khai”, mọi người đền có quyền và có thể đến nghe xét xử. Song đối với một nơi uy nghiêm như tòa án, thì quang cảnh như vậy là có phần bát nháo, mất trật tự.

Nhìn vào phía trong phòng xử, là cả một “rừng” phóng viên, ống kính. Bị cáo Liễu được bố trí ngồi ngay ở khu vực trung tâm ( bà Liễu được ngồi chứ không phải đứng – có lẽ vì lý do sức khỏe), hai tay bị còng, được “chăm sóc” và giám sát bởi 4 cảnh sát, trong đó có 3 cảnh sát nữ. Nhìn từ phía sau, chỉ thấy bà Liễu mặc một chiếc áo kiểu bà ba màu xanh dương khá đậm. Có lẽ bà Liễu xưa nay vẫn được xem là “người đẹp”, nên thỉnh thoảng vẫn có tiếng của những người bên ngoài khen bà Liễu “đẹp”, “lớn tuổi mà vẫn còn đẹp”, “người đẹp mà sao ác quá”…

Chủ tọa “né” những nội dung “nhạy cảm”

Phiên tòa diễn ra nhanh hơn sự mường tượng của tôi nhiều. Chỉ khoảng sau 1 tiếng đồng hồ, đã xong phần thủ tục, công bố cáo trạng và chuyển qua phần xét hỏi.

Nói chung, bà Liễu khai nhận toàn bộ hành vi đốt chồng của mình. Từ việc mua dây thừng, buộc thành 5 nút thả từ lan can lầu 1 xuống để “anh Hùng tưởng là người khác”, đến việc mua xăng bỏ vào bịch nilon để trong tủ đựng quần áo trong phòng anh Hùng, rồi bật quẹt đốt …vv – đều là những thông tin báo chí đã đăng đưa.

Chủ tọa hỏi có “ai khác” bày vẽ hay tham gia việc đốt anh Hùng hay không, bà Liễu một mực khẳng định không có, chỉ một mình mình thực hiện. Qua lời khai của bà Liễu, có thể xác định việc bà đã đốt chồng là có thật. Ít nhất là một mình bà đã thực hiện.

Có một điều hơi bất ngờ là bà Liễu khai “anh Hùng đã nhiều lần đánh đập tôi”. Theo đó, người ta có thể hình dung là vợ chồng bà đã không có được sự êm ấm, hạnh phúc. bà Liễu, lý do bị đánh đập là nguyên nhân chính dẫn đến việc bà đã đốt chồng.

Bà Liễu cũng nói là sau khi chồng bị đốt và đưa đi cấp cứu trong đêm 18-1-2012, bà không gọi điện hay nhắn tin gì cho ai cả. Bà Liễu nói “điện thoại của tôi có khi bé Châu (con gái) dùng”.

Tại tòa, bà Liễu thừa nhận có “quan hệ tình cảm” với ông Tâm. Nói chung, qua phần trả lời của bà Liễu, người ta cảm nhận bà Liễu còn khá “nặng tình” với ông Tâm và không nói điều gì xấu hay bất lợi cho ông Tâm.

Tiếp đó, chủ tọa mời má anh Hùng. Bà nói “tôi tin rằng một mình Liễu không thể làm việc đó. Mong tòa xét xử công bằng, khách quan”.



Con gái anh Hùng dũng cảm tố ông Tâm (đứng bên cạnh). Nhưng lời khai của em đã không được chủ tọa quan tâm thích đáng

Tòa mời con gái của nạn nhân. Người con gái nhỏ của ông Tâm, đứng ngay sát ông Tâm, mạnh mẽ và dũng cảm tố “bác Tâm nhiều lần ban đêm đến nhà con”. Tuy nhiên, thay vì hỏi rõ hơn về việc này, chủ tọa chỉ nói “thôi được rồi”.

Nhân chứng Tâm tại tòa thừa nhận có quan hệ tình cảm với bà Liễu. Tuy nhiên, nhân chứng này khẳng định mình không liên quan gì đến hành vi đốt chồng của bà Liễu.

Vợ ông Tâm thì cho biết đã “đốt lá thư bà Liễu gửi cho ông Tâm” vì “quá tức”. Như vậy, tang vật này, nếu có thể xem là vậy, nay đã không còn nữa.

Hai nhân chứng là người đầu tiên chạy qua nhà anh Hùng chữa cháy có những lời khai theo kiểu “né tránh” về tình tiết cánh cửa dưới nhà đóng hay mở khi chạy sang nhà anh Hùng. Theo đó, họ cho rằng “không thể nhớ vì đã quá lâu”. Trong khi đó, đây là một tình tiết quan trọng, có thể chỉ ra hướng có một “ai khác” đã tham gia vào vụ phóng hỏa hay không.

Các vấn đề về mối quan hệ giữa bà Liễu và ông Tâm, các lá thư, tin nhắn, cuộc gọi giữa bà Liễu và ông Tâm không được tòa đào sâu, truy xét. Và trên thực tế thì hầu như cũng không có, không được đưa vào hồ sơ vụ án.

Theo tôi, chủ tọa đã xét hỏi hết sức “an toàn” và “nhẹ nhàng” né tránh những tình tiết, thông tin nhạy cảm. Trong khi theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử có quyền hạn rất lớn và được quyền truy xét về mọi nội dung, tình tiết – nếu xét thấy có dấu hiệu phạm tội.

Luật sư hỏi nhiều tình tiết ngoài hồ sơ vụ án

Phần tham gia xét hỏi của luật sư Đức được mọi người hết sức chăm chú lắng nghe. Bà Liễu đã có những lúc tỏ ra mất bình tĩnh, khó trả lời.

Có lẽ với mục tiêu tìm ra một “ai khác” đã cùng bà Liễu phóng hỏa đốt anh Hùng, luật sư Đức đã đặt ra nhiều tình tiết chưa rõ hoặc chưa có trong hồ sơ vụ án.

Luật sư Đức hỏi:

- Bà đã dùng xăng hay dầu đốt anh Hùng? ( theo kết quả giám định thì chất gây cháy là “xăng dầu”).

- Bà đã dùng 1 hay 2 hộp quẹt để đốt ? ( Theo kết quả điều tra thu giữa tại hiện trường 2 hộp quẹt).

- Bà nghĩ gì về hàng chục tin nhắn từ máy điện thoại của bà tới điện thoại của ông Tâm ngày trước và sau thời điểm xảy ra sự việc ?

Những câu trả lời của bà Liễu là “xăng”, “1 hộp quẹt”, “ không nhắn tin, liên lạc”…

Liệu ông Tâm có thể là “đồng phạm”?

Trong lúc tòa đang xét hỏi, tôi có gặp và nói chuyện một với nhà báo, bạn thân của anh Hoàng Hùng.

Theo nhà báo này thì khả năng ông Tâm là đồng phạm là rất khó. Vì “ông Tâm không có lý do hay động cơ gì để giết anh Hùng”. Theo nhà báo này, anh Hùng từ lâu biết rõ vợ mình có quan hệ tình cảm với ông Tâm nhưng đã bất lực và để điều đó tiếp diễn. Như vậy, ông Tâm chẳng cần giết anh Hùng làm gì, nhất là khi ông Tâm cũng có vợ con, gia đình. Đối với một người đàn ông, bồ là bồ, không bao giờ có thể xánh bằng và đánh đổi với một “người tình”.

Tôi hỏi anh bạn nhà báo: Vậy khả năng ai đó đã giật dây tác động vào việc bà Liễu giết chồng. Vì theo thông tin trên báo chí thì tại thời điểm xảy ra vụ án, anh Hùng đã tìm hiểu để viết về một vụ án ly hôn của một nữ đại gia, liên quan đến thẩm phán Lắm tại TAND tỉnh Long An ( vì việc này thẩm phán Lắm đã bị kỷ luật, không được tái bổ nhiệm làm thẩm phán). Để vụ việc không bị “khui” ta, liệu có thể ai đó đã tác động một cách gián tiếp để anh Hùng không bao giờ có thể viết về vụ án này nữa?

Trả lời: Đó chỉ là suy đoán chủ quan và không có căn cứ. Vì thời điểm đó, anh Hùng có hẹn với một nhà báo khác, có kế hoạch làm việc với TAND tỉnh Long An, để tìm hiểu về vụ án ly hôn bất thường và những đơn thư tố cáo liên quan đến một lãnh đạo ở Tòa án tỉnh Long An. Tuy nhiên mới chỉ là kế hoạch thôi. Thực tế anh Hùng dự định qua tết mới đi. Hay nói cách khác là chưa có gì cả. Thậm chí vụ việc có bị khui ra thì cũng không đến mức gì phải giết anh Hùng.

Tôi hỏi: vậy tình tiết trên báo nói rằng sau khi vụ án xảy ra, có ba thanh niên lạ mặt đã tự ý đến nhà anh Hùng, kiểm tra và chép những thông tin trong máy tính của anh Hùng. Tại sao không làm rõ là ai đã làm việc này? Tại sao cơ quan công an lại bất cẩn đến mức để cho việc đó xảy ra?

Trả lời: Thực chất đó là 3 công an. Nhưng họ đã làm sai thủ tục, trình tự.

Vẫn còn băn khoăn về vai trò của ông Tâm

Trong phần tranh luận, hai luật sư bào chữa cho bà Liễu đã có quan điểm khác nhau về hành vi của “thân chủ” của mình. Một vụ cho rằng cho rằng bà Liễu đã phạm tội giết người là đúng. Xin giảm nhẹ cho bà Liễu. Một vị khác cho rằng bà Liễu chỉ phạm tội cố ý gây thương tích. Vì thực chất bà Liễu chỉ “đốt” chứ không “giết” chồng.

Luật sư Đức đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ về cơ quan điều tra để làm rõ các tình tiết liên quan đến lời sinh cung của nạn nhân, các tin nhắn giữa bà Liễu và ông Tâm.

Sau thời gian nghị án ngắn ngủi, vào lúc 16h30 phút chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử đã nhận định bà Liễu hành động một mình, không có đồng phạm.

Tòa cho rằng những vấn đề do luật sư Đức nêu ra chỉ là “suy nghĩ của luật sư”.

Theo Tòa, hành vi của bà Liễu đã phạm vào tội giết người và tuyên hình phạt “chung thân”. Với kết quả này, trước mắt xem như bà Liễu đã phạm tội giết người.



Rất nhiều người đã có mặt tại Trụ sở TAND tỉnh Long An trong ngày 29-3-2012 để dự khán phiên tòa sơ thẩm

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc tòa kết luận bà Liễu phạm tội giết người là đúng. Bà đã rất tàn ác khi tự tay mình phóng hỏa đốt chết người chồng ngay trong mái nhà của mình, ngay khi anh nằm ngủ. Dù có thể là trong thâm tâm khi đó, bà không mong muốn anh Hùng chết mà chỉ là “dọa” hay “cảnh cáo”. Thì với việc bất chấp hậu quả xảy ra, và thực tế anh Hùng đã chết, đó là hành vi giết người.

Có lẽ, vấn đề mà tôi cảm thấy băn khoăn nhất là vai trò của ông Tâm trong vụ án này. Qua việc “liên lạc” dồn dập giữa bà Liễu và ông Tâm ngay trong thời điểm vụ án xảy ra, thật khó mà nói rằng ông Tâm không biết rằng chính bà Liễu là thủ phạm.

Là “người tình” của bà Liễu, việc ông Tâm không tố cáo bà Liễu là điều dễ hiểu. Nhưng nếu ông Tâm biết mà không tố cáo thì đó là hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, nếu vì bất kỳ một lý do nào đó, mà kết quả cho thấy ông Tâm đã biết và có sự trao đổi với bà Liễu về việc đốt anh Hùng trước khi bà Liễu hành động, thì cũng không phải là quá bất ngờ. Dù rằng điều đó thật đáng … rùng mình !

Chúng ta hãy cùng chờ phiên tòa phúc thẩm và những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra. Khi mà trên báo Người Lao Động đang công bố công khai lời sinh cung của anh Hùng là những tình tiết khác có liên quan đến vụ án.