Friday, August 8, 2014

Đơn đề nghị đối chất


(Ecolaw.vn) - Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa các bên, thẩm phán hoặc chính đương sự có quyền làm đơn đề nghị Tòa tiến hành đối chất để làm sáng tỏ những tình tiết mâu thuẫn ấy. Qua đó góp phần chứng minh sự thật khách quan, làm cơ sở để giải quyết vụ án một cách đúng đắn.

Dưới đây là một Đơn đề nghị tiến hành đối chất mà công ty luật hợp danh Ecolaw soạn thảo cho thân chủ của mình và đã được tòa chấp thuận.
--------------------------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2012

ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(V/v: Tiến hành đối chất giữa ông Lê Quang D. và bà Nguyễn Thị Th.)

Kính gửi :                   TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 11
                                    VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN QUẬN 11

Tôi tên: NGUYỄN THỊ NG. sinh 1971.
CMND số: XXX.
Địa chỉ: XXX

Là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” do bà Nguyễn Thị Th. khởi kiện. Vụ án đang do TAND Quận 11 thụ lý giải quyết.

Nay tôi có đơn này kính đề nghị Qúi tòa tiến hành đối chất giữa ông Lê Quang D. và bà Nguyễn Thị Th. - để làm rõ việc giao nhận 2 chiếc máy cán. Vì lời khai của ông D. và bà Th. về việc này có mâu thuẫn lớn.

Cụ thể như sau:

Trong “Bản thỏa thuận” ngày 7-1-2012, phía bà Th. ghi như sau: “ bà Nguyễn Thị Th. đã giao máy cho ông An”.

Trong Biên bản hòa giải ngày 19-4-2012 và Biên bản ghi nhận sự việc ngày 19-3-2012, bà Thu kh: “Vào tháng 8/2010, ông L. lại đến cửa hàng của tôi để mua 2 máy cán cao su, 01 cái nhông. Ông L đi cùng ông An. Sau khi thỏa thuận xong, ông L dặn dò ông An chở máy về nhà ông L”.

Như vậy, có thể tóm tắt lời khai của bà Th. như sau: Bà Th. đã giao 2 máy và 1 cái nhông cho ông An tại cửa hàng, có ông L. cùng đi.

Trong khi đó, trong Đơn trình bày ngày 9-4-2012, lời xác nhận trong Đơn trình bày của ông L. ngày 21-3-2012 và Biên bản làm việc ngày 10-4-2012 - ông Lê Quang D. (nhân chứng, người chạy xe cẩu) khai như sau: “Khoảng ngày 9-8-2010, ông An gọi điện cho tôi, nói tới cửa hàng Phú Hưng nhận 1 cái máy chở về cho anh L. Sau đó ngày 7-11-2010, anh An lại gọi điện cho tôi lần nữa. Nói tới Ao Đôi cẩu một máy cán nữa giao cho anh L. Tôi không thấy cái nhông nào hết”.

Như vậy, rõ ràng sự mâu thuẫn rất lớn trong lời khai của bà Th và ông D. (Trong khi lời khai của ông D. hoàn toàn trùng khớp với lời khai của ông L.).

Theo qui định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự, khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa các bên thì đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán “tiến hành đối chất giữa đương sự và người làm chứng – việc đối chất phải ghi thành biên bản”.

Do vậy, để làm rõ các vấn đề sau:

- Ông An hay ông D. là người đã giao 2 máy cán cho ông L.?

- Bà Th. có giao máy cho ông An hay không?

- Việc giao nhận 2 chiếc máy ở đâu, cách thức vận chuyển như thế nào? Có chứng từ giao nhận hay không?

- Có cái nhông hay không?

Nay tôi có Đơn này, kính đề nghị Qúi tòa cho tiến hành đối chất giữa ông D. và bà Th. - để làm rõ các vấn đề nêu trên.

Kính mong Qúi tòa xem xét giải quyết. Xin chân thành cám ơn.

                                                                                                                  Người đề nghị

---------------------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong một vụ án nói chung, việc xác định đâu là sự thật khách quan là rất cần thiết, vì có như vậy, vụ án mới có cơ sở giải quyết một cách công bằng, khách quan và đúng pháp luật. Theo qui định của pháp luật, trong vụ án dân sự, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Bị đơn có nghĩa vụ chứng minh ý kiến phản hồi/phản tố của mình là có căn cứ. Hay nói cách khác, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự.

2. Điều đó có nghĩa là các bên có quyền và nên vận dụng mọi qui định của pháp luật, cùng trí tuệ của mình, hoặc với sự giúp đỡ của luật sư – đưa ra những tình tiết, chứng cứ có lợi nhất cho mình. Tất nhiên là phải trên cơ sở tôn trọng sự thật. Một trong những cách thức để chứng minh là tìm ra bằng chứng (lời khai) bằng cách đề nghị tiến hành đối chất.

3. Theo Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự, khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa các bên thì đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán “tiến hành đối chất giữa đương sự và người làm chứng – việc đối chất phải ghi thành biên bản”.

4. Nhìn chung, do yêu cầu đối chất là quyền luật định của đương sự, nên hầu như đều được Tòa án chấp thuận và thực hiện. Việc đối chất sẽ được lập thành “Biên bản đối chất”.

-----------------------------------------------

Bài liên quan:

* Biên bản đối chất


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  Đơn từ, tranh chấp dân sự

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn