Ảnh: Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm
Không giám định được…vẫn tuyên án tử hình
Ngay sau thời điểm tòa tuyên án Hồ Duy Hải án tử hình, luật sư Nguyễn Văn Đạt (Đoàn Luật sư TPHCM) đã có đơn gửi Chủ tịch nước, khiếu nại bản án hình sự phúc thẩm số 281 ngày 28/4/2008, tuyên phạt Hồ Duy Hải án tử hình, đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, vì các chứng cứ kết tội chưa được các cơ quan tư pháp làm rõ và có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng.
Ngày 17/2/2011, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn số 98, gửi Viện trưởng Viện KSNDTC, nội dung: Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, chuyển đến đồng chí Viện trưởng đơn của ông Nguyễn Văn Đạt. Về trường hợp này, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có công văn số 723 ngày 1.7.2009, gửi Chánh án TANDTC và Viện KSNDTC để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả để Chủ tịch nước biết. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả và đương sự tiếp tục có đơn gửi đến Chủ tịch nước. Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đến đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC để sớm chỉ đạo, cho xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và báo cáo kết quả để Chủ tịch nước biết.
Sáng 2/12, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Đạt cho biết, ông mới chỉ nhận được văn bản trả lời của TANDTC. Nội dung: căn cứ theo tài liệu hồ sơ TANDTC thấy tòa án cấp sơ và phúc thẩm tuyên án Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người và cướp của là có căn cứ và đúng pháp luật, còn Viện KSNDTC đến nay đã gần tròn 3 năm. Trong khi sinh mệnh của tù nhân Hồ Duy Hải như…ngàn cân treo sợi tóc.
Ngày 11/1/2012, Luật sư Trần Hồng Phong - người được gia đình phạm nhân Hồ Duy Hải mời hỗ trợ pháp lý trong việc kêu oan cho phạm nhân cũng đã có đơn gửi Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC và Văn phòng Chủ tịch nước, đề nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 281 của Tòa phúc thẩm TANDTC đã tuyên Hồ Duy Hải án tử hình.
Ngày tử hình phạm nhân Hồ Duy Hải đã cận kề, một lần nữa, chúng tôi xin lật lại hồ sơ vụ án, để thấy chứng cứ bộc tội Hồ Duy Hải có căn cứ và đúng pháp luật hay không.
Thứ nhất: Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An cũng như nhận định của HĐXX phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khi giết hai nạn nhân đã dùng tay để thực hiện: bóp cổ, đánh, kéo xác, dùng thớt, dao, ghế đập đầu, cắt cổ, rửa tay, đẩy cửa…Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận có dấu vết đường vân trên cửa kính buồng ngủ, cửa nhà vệ sinh, vòi rửa tay…đã được cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ và gửi đến Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Long An để giám định với đối tượng nghi vấn Hồ Duy Hải sinh năm 1985. Ngày 11.4.2008, Phòng KTHS đã có bản kết luận giám định ( số 158) khẳng định các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải. Như vậy, thủ phạm giết người có phải là Hồ Duy Hải?
Thứ hai: Dấu máu thu được tại hiện trường được giám định cũng không phải là của bị cáo Hồ Duy Hải. Vậy, máu này là của ai?
Rất tiếc, hai tình tiết hết sức quan trong này đã được cơ quan giám định khẳng định, nhưng Viện KSND tỉnh Long An vẫn căn cứ để truy tố Hồ Duy Hải tội giết người, cướp của. Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm vẫn khăng khăng nhận định: “Đặc biệt là vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo. Song các thiếu sót trên là không lớn. Đặc biệt là vết máu không thu đủ lượng, thời gian kéo dài nên không xác định đươc vết vân tay cũng như mẩu tóc ngắn bị gãy, không giám định được là đương nhiên…”
Tính mạng của một con người mà kết quả giám định không phải là của Hồ Duy Hải mà những người cầm cán cân công lý lại xác định là “thiếu sót” đó là không lớn, rồi không giám định được thì căn cứ vào đâu để tòa án vẫn tuyên phạt án tử hình với Hồ Duy Hải?
Mua tang vật vụ án từ…chợ
Theo kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An thì Hồ Duy Hải dùng ba hung khi là thớt, dao, nghế có ở Bưu cục Cầu Voi để giết người, để lại hàng loạt vết máu…nhưng tại hiện trường thì cơ quan điều tra lại không thu giữ được chiếc thớt cũng như con dao, không có bất kỳ vật nào có dấu hiệu phạm tội. Để có chứng cứ là hung khí gây án, ngày 24/6/2008, cơ quan điều tra đã yêu cầu chị Lê Thị Thu Hiếu đi mua chiếc thớt để bổ sung vào hồ sơ vụ án.
Con dao gây án, theo cáo trạng là dao Thái Lan dài 28cm, ngang 3 cm, nhưng tại hiện trường cơ quan điều tra không tìm thấy con dao. Ngày hôm sau, khi dọn hiện trường thì dân phòng lại thấy một con dao không dính máu, không thu giữ mà chỉ báo cho công an và đem đốt. Sau đó dân phòng đi mua con dao khác để công an đưa vào làm tang vật vụ án, giống như chiếc thớt. Điều rất vô lý là tại hiện trường, khi khám nghiệm cơ quan điều tra thu giữ được từng hạt cơm khô, sợi tóc, vệt máu, nhưng sao lại không thấy con dao? Để rồi, ngày hôm sau dân phòng thu được, song lại chỉ báo cho công an. Tại sao chiếc dao Thái Lan, cán bằng nhựa, khi đốt chỉ cháy phần chuôi dao, vậy lưỡi dao ở đâu. Vì đốt không đủ độ nóng để nung chảy, biến dạng lưỡi dao.
Việc cơ quan điều tra cho mua thớt, dao để bổ sung vào hồ sơ vụ án là vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng. Thế nhưng, Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm dù thừa nhận là có sai sót nhưng vẫn nhận định: “Cho dù quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng nhưng không nghiêm trọng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá toàn bộ các chứng cứ, có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải đã dùng các hung khí là thớt gỗ, dao Thái Lan để đập đầu và cắt cổ chị Ánh Hồng, chị Thu Vân” (Bản án phúc thẩm số 281 ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM).
Như vậy, hung khí giết người không thu được - chỉ có lời khai của bị cáo; mẫu máu và dấu vân tay ở hiện trường được giám định cũng không phải của bị cáo. Vậy cơ sở pháp lý nào để hai cấp tòa án (sơ thẩm và phúc thẩm) tuyên phạt Hồ Duy Hải án tử hình?
Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được sử dụng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Luật sư Trần Hồng Phong đã phân tích những tình tiết mâu thuẫn về những chứng cứ buộc tội bị cáo với đầy đủ chứng cứ khách quan để chứng minh Hồ Duy Hải không có mặt tại Bưu cục Cầu Voi khi xảy ra vụ án. Nhân chứng nhìn thấy thanh niên có mặt ở bưu cục cũng không được cơ quan điều tra cho nhận diện Hồ Duy Hải.
Chính nhân chứng Đinh Vũ Trường cho hay chỉ thấy thấp thoáng qua cửa kính người thanh niên, ở một điểm xa gần 10 mét lại là buổi tối nên không nhìn rõ mặt. Thế nhưng trong cáo trạng lại ghi là nhân chứng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải…
Phạm nhân Hồ Duy Hải bị kết án tử hình, việc kết án oan hay không thì những chứng cứ buộc tội phải có căn cứ, cơ sở pháp lý đã được pháp luật quy định, phải được làm rõ để không oan người vô tội, lọt kẻ phạm tội. Người bị kết án cũng phải được “tâm phục, khẩu phục”. Pháp luật cần công bằng với tất cả mọi người!
...............
Ghi chú: Trong vụ án Hồ Duy Hải nói trên, luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Ecolaw được gia đình phạm nhân mời hỗ trợ pháp lý kêu oan. Trong bài viết trên có ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong nên chúng tôi đăng lại làm tư liệu.
------------------------------
Cập nhật:
Cử tri kiến nghị Chủ tịch Nước xem xét vụ án Hồ Duy Hải đăng trên báo Lao Động
Cử tri Nguyễn Hữu Vạn trình bày với Chủ tịch Nước
Đó là kiến nghị của cử tri Nguyễn Hữu Vạn (P.Bến Thành) với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch Nước với cử tri quận 1 (TP.HCM) sáng 3.12.
Ông Vạn trình bày, trên báo Lao Động có loạt bài viết về những điểm còn nghi ngờ, khuất tất trong vụ án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi, luật sư Trần Văn Tạo - nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM đã viết thư gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đề nghị Chủ tịch Nước chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ vụ việc.
“Nay tôi trình bày lại vụ việc này, với lòng thương xót cho một người thanh niên trẻ, có thể đã chịu nỗi oan khuất. Tôi kính mong Chủ tịch Nước xem xét lại vụ việc. Để tránh oan sai”, ông Vạn nói.
Bên cạnh đó, ông Vạn cũng cho rằng việc tòa án xử lý các vụ án dân sự hiện nay còn quá cảm tính mà không căn cứ vào luật, “90% án dân sự muốn xử sao cũng được”, ông Vạn nói.
Trả lời kiến nghị của ông Vạn, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói, về ý kiến “90% án dân sự xử sai như vậy là chưa đúng, nói hơi quá nhưng các bản án có sai sót là điều khó tránh”. “Riêng các vụ án oan sai, khi phát hiện oan sai thì những cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm. Quan tâm đến oan sai để bảo vệ công lý, bảo vệ công dân, một chế độ dân chủ thì phải hết sức coi trọng vấn đề này, cho nên khi phát hiện có oan sai chúng ta phải đeo đuổi đến cùng, phải xử đến nơi đến chốn”, Chủ tịch Nước nói.
----------------------------
Bài liên quan:
- Lật lại vụ án giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi: Tuyên án tử hình dễ thế sao?
- Vụ hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại: tử tội Hồ Duy Hải kêu oan
- Ý kiến của một sinh viên báo chí về Vụ án Cầu Voi