Saturday, August 2, 2014

“Kỳ án” Đặng Nam Trung: vô tội hay có tội ?

Ông Đặng Nam Trung, nguyên giám đốc IDC, người vừa bị tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt 6 năm 2 tháng 1 ngày tù về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng đã có đơn kháng cáo kêu oan gửi tòa. Trong khi đó, Viện kiểm sát cũng đã có đơn kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên ông Trung phạm tội tham ô.


Ông Đặng Nam Trung đang được cảnh sát áp giải rời khỏi tòa án ( ảnh báo Tuổi Trẻ)





Bị cáo : “tôi vô tội” , cơ quan công tố : tham ô !

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 19-2-2010, ông Đặng Nam Trung, nguyên giám đốc Công ty Đầu tư phát triển du lịch và khoa học kỹ thuật thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (gọi tắt IDC) người bị Viện kiểm sát đề nghị 12-14 năm tù về tội tham ô (nhưng tòa sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên phạt 6 năm 2 tháng 1 ngày tù về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng), đã gửi đơn kháng cáo cho tòa án.

Theo đơn kháng cáo, ông Trung kêu oan, cho rằng mình không phạm tội và không chấp nhận bồi thường khoản tiền thiệt hại 1,3 tỉ đồng mà bản án sơ thẩm cho rằng ông đã chiếm đoạt. Theo đơn kháng cáo, ông Trung cho rằng thực chất số tiền đó ông không rút ra bỏ túi riêng, không chiếm đoạt của Công ty IDC. Ngoài ra, ông Trung đề nghị tòa giải quyết phần tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên gồm căn nhà ông đang ở, hai lô đất và số tiền hơn 10 tỉ đồng có được từ việc phát mãi lô đất 9.216m2 tại Q.9 (TP.HCM) của gia đình ông. Số tiền này hiện nằm trong tài khoản của cơ quan điều tra.

Ở phía ngược lại, Viện KSND TP.HCM cũng vừa có kháng nghị phúc thẩm theo hướng kiên định lập trường Đặng Nam Trung phạm tội tham ô tài sản.

Như vậy, đây là một trong những vụ án hiếm hoi mà tòa án (dù là tòa sơ thẩm), đã tuyên bản án khác với tội danh do cơ quan công tố đề nghị truy tố.

Trước đó, tháng 6-2009, VKSND tối cao đã có bản cáo trạng truy tố bị can Đặng Nam Trungvề hành vi tham ô 1,3 tỉ đồng. Đây là bản cáo trạng thứ 7 truy tố bị can này.

Vụ án Đặng Nam Trung được gọi là “kỳ án” bởi giữ nhiều kỷ lục về tố tụng. Tới nay cơ quan điều tra đã ra tổng cộng chín bản kết luận điều tra, điều tra bổ sung, VKS cũng có bảy bản cáo trạng khác nhau để truy tố bị cáo Đặng Nam Trung.

Có bốn phiên tòa sơ thẩm và hai phiên tòa phúc thẩm đã được mở để xét xử bị cáo Trung. Hiện bị cáo vẫn đang bị tạm giam với quyết định “gia hạn tạm giam lần thứ 43”.

Hồ sơ truy tố bị trả nhiều lần do vi phạm tố tụng

Tháng 9-2002, ông Trung bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Việc này bắt nguồn từ đơn tố cáo của Công ty cổ phần TASK (Liên bang Nga) liên quan việc tranh chấp hợp đồng mua bán 1.000 tấn mủ cao su trị giá 1,2 triệu USD.

Sau khi mở rộng điều tra vụ án, ông Trung liên tiếp bị khởi tố bổ sung về nhiều tội danh nữa là : tham ô ( trong quá trình điều hành IDC), cố ý làm trái (ký duyệt giấy tờ vay tiền ngân hàng trái nguyên tắc) và sử dụng trái phép tài sản.

Sau gần ba năm điều tra, hành vi “lạm dụng tín nhiệm” của ông Trung được đổi thành tội tham ô. Tội sử dụng trái phép tài sản được đình chỉ điều tra vì không có cơ sở, còn hành vi “cố ý làm trái” thì có quyết định tách ra thành một vụ án khác.

Năm 2003, bản cáo trạng lần thứ nhất của VKSND tối cao truy tố ông Trung có hành vi tham ô 50 triệu đồng (trong hợp đồng mủ cao su với TASK), lập phiếu chi khống rút 1,8 tỉ đồng và tham ô 70.000 USD (trong việc ký hợp đồng mua máy nghiền sàng đá của Công ty Parker, Vương quốc Anh). Sau nhiều lần bị trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, hành vi tham ô 50 triệu đồng được đình chỉ, việc lập phiếu chi khống rút 1,8 tỉ đồng cũng được xác định là “không có cơ sở”. Đến bản cáo trạng lần thứ ba (năm 2005), VKS chỉ truy tố ông Trung về hành vi tham ô 1,3 tỉ đồng trong hợp đồng mua máy nghiền sàng đá của Công ty Parker.

Dù bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, các cáo trạng sau vẫn giữ quan điểm này. Theo cáo trạng đã truy tố, trị giá máy chỉ 997.000 USD nhưng Trung đã thỏa thuận với Sean McCormack (thương gia tiếp thị của Parker) để nâng giá máy lên hơn 1,3 triệu USD, nhằm chiếm đoạt của IDC 332.000 USD. Quá trình thanh toán, Trung chỉ đạo nhân viên kế toán chi tiền và thực tế đã chiếm đoạt được khoảng 1,3 tỉ đồng (gồm 70.000 USD và 225 triệu đồng).

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 4 mở tháng 6-2007, các luật sư nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ vụ án mới vỡ lẽ: hành vi mà VKS truy tố ông Trung tham ô 1,3 tỉ đồng trong vụ mua máy nghiền sàng đá chưa từng bị khởi tố trước đó. Trước kiến nghị của các luật sư, hội đồng xét xử đã cho dừng phiên tòa, trả toàn bộ hồ sơ để điều tra lại một lần nữa.

Một tháng sau, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với Trung về hành vi tham ô trong hợp đồng mua máy nghiền sàng đá từ năm 1998. Từ đó, VKS nhanh chóng ra cáo trạng lần thứ 6 truy tố Trung tham ô 1,3 tỉ đồng. Bản cáo trạng thứ 6 này chỉ khác về ngày tháng, còn nội dung giống hệt bản cáo trạng trước đó.

Trong phiên tòa sơ thẩm mở lại vào tháng 11-2007, bị cáo Đặng Nam Trung thừa nhận có việc thỏa thuận với Parker nâng trị giá máy lên nhưng nhằm mục đích vay được nhiều tiền của ngân hàng, bị cáo không chiếm đoạt khoản tiền 1,3 tỉ đồng mà dùng khoản này để thanh toán hợp đồng, thực tế McCormark có nhận. TAND TP.HCM đã bác lời kêu oan này, cùng với nhận định vụ án có nhiều vi phạm tố tụng nhưng đã được khắc phục nên tòa tuyên phạt bị cáo Trung 10 năm tù. Đặng Nam Trung kháng cáo kêu oan.

Trong phiên xử phúc thẩm tháng 12-2008, TAND tối cao đã tuyên hủy bản án kết tội Đặng Nam Trung vì nhiều chứng cứ cần phải điều tra làm rõ trước khi buộc tội bị cáo.

Còn nhiều vấn đề chưa được điều tra lại ?

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 16-6-2009, khi nhận lại hồ sơ vụ án bị TAND tối cao tuyên hủy, VKS đã có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra làm rõ lại bảy nội dung. Tuy nhiên, sau chưa đầy hai tháng điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận: tiếp tục đề nghị truy tố bị cáo về tội tham ô 1,3 tỉ đồng. Theo nhóm luật sư bảo vệ cho bị cáo Đặng Nam Trung, điều đáng nói là trong công văn trả hồ sơ, VKS nêu rõ bảy vấn đề cần điều tra lại nhưng có tới 6/7 vấn đề cơ quan điều tra không làm vì “không cần thiết”. Dù vậy, tháng 5-2009, VKSND tối cao cũng vẫn căn cứ kết luận điều tra này để ra cáo trạng tiếp tục truy tố bị can Đặng Nam Trung.

Theo các luật sư, một trong những chứng cứ để tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo Trung nâng khống 332.000 USD là bản thỏa thuận số 01 ngày 5-1-2001 có nội dung quá trình thanh toán, nợ nần giữa IDC và Parker cho thấy không có khoản tiền 332.000 USD. Trong hồ sơ vụ án, bản thỏa thuận 01 này chỉ là bản photo do McCormack cung cấp cho cơ quan điều tra và Đặng Nam Trung cho rằng đó là bản giả.

Chính vì vậy, VKS yêu cầu cơ quan điều tra phải thu thập bản chính nhưng cơ quan điều tra trả lời không thu thập được. Tại phiên tòa phúc thẩm, Phan Quang Hy (nguyên nhân viên kế toán IDC) khai một tình tiết quan trọng là có thấy McCormark nhận 70.000 USD, khi ký nhận tiền thấy Hy đánh máy sai chính tả còn sửa lại trong biên nhận. VKS đã yêu cầu điều tra làm rõ lời khai của Hy nhưng cơ quan điều tra chỉ dẫn lời của ông Hy trong một số bản cung trước đó và cho rằng “Phan Quang Hy cố tình khai báo không đúng sự thật tại tòa phúc thẩm”.

Cũng liên quan khoản tiền 332.000 USD, phía McCormark và Tom Hồng (người phiên dịch) có khai không nhận tiền, chỉ ký khống giấy biên nhận, còn Đặng Nam Trung và nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ của IDC cho rằng McCormark thật sự nhận tiền. VKS yêu cầu cơ quan điều tra phải cho đối chất để làm rõ sự mâu thuẫn trong lời khai của những người này nhưng cơ quan điều tra không làm với lý do “không cần thiết”.

Hồ sơ vụ án còn có một thư xác minh và tờ biên nhận của Công ty Parker xác nhận đã nhận đủ khoản tiền 332.000 USD từ IDC. VKS yêu cầu cơ quan điều tra phải giám định lại tài liệu này là thật hay giả nhưng cơ quan điều tra cũng trả lời “không cần thiết”. Một vấn đề mấu chốt mà các luật sư tham gia bảo vệ bị cáo Đặng Nam Trung nhiều lần đặt ra là nếu kết tội Đặng Nam Trung chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng của IDC thì cần phải có kiểm toán xác định IDC đã bị mất 1,3 tỉ đồng này.

Trong khi đó, cũng theo báo Tuổi Trẻ, IDC thực chất không có vốn, trong quá trình điều hành công ty ông Đặng Nam Trung thường phải đưa tài sản riêng của mình cho công ty mượn. Việc cần thiết là phải kiểm toán xem nguồn vốn mà IDC được Nhà nước cấp là bao nhiêu, huy động vốn của tập thể, cá nhân là bao nhiêu, ở thời điểm xảy ra vụ án thì ông Trung và IDC còn nợ nần nhau không..., từ đó xác định thiệt hại của IDC. Tất cả những điều này đã được bản án phúc thẩm và công văn yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND tối cao nêu rõ. Thế nhưng cơ quan điều tra trả lời rằng “không cần thiết”.