Saturday, September 20, 2014

Cô giáo cướp tài sản của người tình: đắng cay tình & lý


Ảnh: Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2014 (ảnh Pháp luật TP.HCM)

Nhận mức án sơ thẩm 7 năm tù về tội cướp tài sản, bị cáo là một cô giáo đang có con nhỏ và sắp lấy chồng. Còn nạn nhân chính là "người tình" của "tên cướp"! Vụ cướp xảy ra ngay tại thời điểm hai bên cãi cọ về việc chấm dứt quan hệ tình cảm với nhau. Một vụ án đọng lại nhiều nỗi suy tư và có phần cay đắng giữa lý và tình! 


Sáng ngày 19-9-2014, TAND TP. Đà Nẵng sau phần thẩm vấn đã tuyên bố hoãn xử phúc thẩm vụ Lê Thị Ngọc Mai cướp vàng của người tình. Theo đó, toà sẽ xử vào sáng ngày 24-9-2014.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin trước đó, ngày 5-8-2014, TAND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Ngọc Mai (là một cô giáo, sinh năm 1980) 7 năm tù về tội cướp tài sản. Sau đó, bị cáo Mai đã kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội cướp, mà chỉ kề dao để yêu cầu ông Trần Ngọc Ngữ (sinh 1961, trong vụ án được xác định là nạn nhân) xin lỗi do đã xúc phạm mình là “giáo viên thấp cấp”.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật TP.HCM, cô giáo Mai rưng rưng “chỉ vì yêu đương một cách mù quáng mà vướng vào vòng lao lý. Giờ đây, công việc dở dang, cuộc sống gia đình bị xáo trộn. Nếu tôi đi tù, con gái tôi còn quá bé…”.

Trong khi đó, ông Ngữ (bị hại trong vụ án) cho biết đã làm đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho Mai. Khi hỏi về hành vi phạm tội của Mai, ông Ngữ cho rằng “vấn đề này đã có cơ quan điều tra, toà án xử lý”. Về lý do xin giảm án cho bị cáo Mai, ông nói “vì con người phải có tình người. Giờ cô ấy cũng có gia đình riêng, tôi cũng có gia đình riêng. Dù gì cũng là "bạn bè" nên tôi cũng muốn cô ấy được giảm án và sau này vào tù thì gắng cải tạo tốt để được giảm án, nhanh về với gia đình”.

Lấy tài sản của người tình để bù đắp tổn thương về mặt tình cảm

Theo cáo trạng - là văn bản thể hiện quan điểm kết tội của Viện kiểm sát, sự việc như sau (BLA: chúng tôi thêm từ "chị" và "ông" trước tên hai người Mai và Ngữ, trong báo Pháp luật TP.HCM chỉ viết tên):

Nguyên chị Mai và ông Ngữ từng có quan hệ tình cảm với nhau. Tối ngày 8-10-2013, chị Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc. Tại đây, ông Ngữ đang nhậu với một người bạn. Sau khi người bạn ra về, chị Mai và ông Ngữ trò chuyện với nhau và xảy ra mâu thuẫn giữa hai người.

Khi đó, chị Mai đã dùng tay đánh ông Ngữ nhiều cái. Sau đó, thấy ông Ngữ đeo một sợi dây chuyền vàng nên chị Mai nảy sinh ý định chiếm đoạt. Chị Mai dùng tay giật sợi dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, chị Mai lấy hai con dao đưa vào gần cổ ông Ngữ khống chế, yêu cầu ông Ngữ tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho mình. Do không có khả năng tự vệ nên ông Ngữ đã đưa nhẫn cho Mai và sáng hôm sau đi trình báo công an.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu chị Mai đã thừa nhận hành vi đúng như tố cáo của ông Ngữ và cho rằng việc lấy tài sản này là để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm.

Trên cơ sở đó, cơ quan công tố đã quyết định truy tố chị Mai về tội cướp tài sản. Chị Mai trở thành "bị cáo".

Quá trình xét xử

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 5-8-2014, bị cáo Mai thừa nhận có tát vào mặt ông Ngữ hai cái và dùng dao kề vào cổ ông Ngữ. Tuy nhiên bị cáo cho rằng hành động như vậy không phải là nhằm lấy tài sản mà vì quá bức xúc chuyện ông Ngữ xúc phạm mình.

Bị cáo Mai nói: “Sự việc xảy ra là do anh Ngữ biết bị cáo sắp có chồng nên cả hai xảy ra cãi vã. Anh Ngữ xúc phạm bị cáo là đồ “giáo viên thấp cấp”. Bị cáo nghĩ rằng đây là sự xúc phạm mình nên có tát vào mặt anh Ngữ và kề dao vào cổ yêu cầu anh Ngữ xin lỗi và rút lại câu nói này”.

Riêng sợi dây chuyền và chiếc nhẫn, thì bị cáo Mai cho rằng do ông Ngữ đã tự đưa cho mình, vì muốn Mai không kết hôn với người khác, mà tiếp tục quan hệ tình cảm với ông Ngữ.

Theo báo Pháp luật TP.HCM thì:

- Đây là vụ án "gây nhiều tranh cãi", chính vị kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm cũng phải thốt lên: “ Tôi rất áy náy và cắn rứt khi đề nghị mức án đối với bị cáo”. Tuy nhiên, theo vị kiểm sát viên, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cướp nên phải xử lý.

- Nhiều chuyên gia cho rằng bị cáo Mai không phạm tội cướp tài sản, bởi lẽ trong vụ án này bị hại không hề bị tê liệt ý trí. Cụ thể, theo cáo trạng, khi Mai kề dao vào cổ Ngữ và yêu cầu tháo nhẫn ra, Ngữ nói cổ (cô ấy) cầm đi, mai nói chuyện…”. Điều này chứng tỏ, bị hại mặc nhiên thừa nhận việc bị cáo cầm giữ tài sản của mình và còn có hẹn nhau nói chuyện tiếp.

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 19-9-2014, bị cáo Mai muốn xin hoãn phiên tòa vì muốn mời luật sư Trần Thiên Thanh tiếp tục bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm. Trước đó, luật sư Thanh đã tham gia bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm, nhưng bị cáo chưa làm thủ tục để mời luật sư tham gia trong phiên phúc thẩm.

Trước yêu cầu của bị cáo Mai, Tòa đã quyết định tạm hoãn phiên tòa đến ngày 24-9-2014.

Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin xét xử vụ án này.

-------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

1. Đây là một vụ án có yếu tố đạo đức. "Nạn nhân" là ông Ngữ đã lớn tuổi, có gia đình. Chị Mai thì còn trẻ, chưa chồng, tức là biết là sai, mà vẫn có quan hệ tình cảm với ông Ngữ. Chính vì mối quan hệ có hơi hướng "ngoài luồng" này có rủi ro, nguy hiểm nên hậu quả xảy ra ngày hôm nay tuy là cay đắng, nhưng có sự hợp lý của nó. Vì thật khó có thể nói rằng đó là một tình yêu trong sáng, đúng nghĩa. Vì nếu hai người thực sự yêu nhau, quý trọng nhau thì không có lý do gì họ không đi đến hôn nhân nghiêm túc, mà phải một người thì sắp đi lấy chồng, một người thì muốn tiếp tục duy trì "quan hệ" - theo lời bị cáo Mai.

2. Thực ra, quan hệ tình cảm của họ bên trong như thế nào, họ đã có những ràng buộc ân oán nào - thì cũng chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Khi sự việc/vụ cướp xảy ra cũng chẳng có ai chứng kiến (không có nhân chứng), cho nên nếu ông Ngữ là người tố cáo, mà chị Mai lại nhận hết là đúng, thì quả thật rất bất lợi, khó gỡ cho bị cáo. Luật sư cũng khó có đường cãi.

4. Theo quy định của điều luật về tội cướp tài sản, chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hay thậm chí chỉ đe dọa dùng vũ lực, thì chó dù tài sản chỉ là một điều thuốc là, một chiếc nón vải trị giá vài ngàn đồng đã xem như đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Ở đây chị Mai lại thừa nhận có sử dụng dao dí vào cổ ông Ngữ, có lời lẽ hăm dọa ... nên về mặt khoa học pháp lý, có thể nói rằng việc tòa sơ thẩm kết luận bị cáo Mai đã phạm tội cướp tài sản là không sai.

5. Tuy nhiên, đúng là trong vụ án này có sự cay đắng lý tình - vốn nhiều khi giống như một trò đùa của số phận. Thật khó lòng "vui vẻ" khi hình dung hai người từng yêu nhau, quan hệ ân ái với nhau, Rồi nay đùng một cái một người thành cướp, một người là nạn nhân. Một người ngồi trong tù đằng đãng nhiều năm, một người ung dung tự tại! 

6. Trong vụ án này, có thể thấy ý định cướp tài sản của bị cáo Mai, nếu có, chỉ là sự bộc phát bất ngờ kể từ thời điểm G - là lúc hai người xảy ra chuyện cãi nhau. Có lẽ khi tìm đến gặp ông Ngữ, chị Mai không nghĩ rằng mình sẽ là về với tài sản của ông. Khi bị cáo tìm đến nơi, "nạn nhân" đang nhậu với người bạn. Thế mà trong một khoảnh khắc, tất cả đã đổi thay, số phận một con người được định đoạt! Có biết bao nhiều vụ án đã xảy ra theo kiểu như vậy, chỉ trong một tích tắc nào đó - vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tâm lý, tình cảm!

7. Chính vì bị cáo Mai đã thừa nhận ngay từ đầu về hành vi dùng vũ lực, hung khí nên tội cướp đã khép lại với bị cáo. Chỉ trừ một tình huống: Đó là có sự thay đổi lời khai về tình tiết vụ cướp từ chính phía nạn nhân. Chẳng hạn như ông Ngữ khai lại rằng chị Mai không có hành vi đe dọa, không dùng dao cướp của, mà do chính ông tự nguyện đưa cho chị Mai vì lý do XYZ nào đó. Nhưng khả năng này có lẽ là không tưởng!

---------------------

Quy định tại Bộ luật hình sự

Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

-------------------------

Hình sự