Saturday, August 2, 2014

"Kỳ án vườn mít": Nguyễn Bá Mai là hung thủ hiếp dâm, giết người, y án chung thân

(Ecolaw.vn) - Đúng 18h ngày 30-8-2013, sau một ngày xét xử liên tục không nghỉ trưa (tòa chỉ nghỉ đúng 45 phút từ 14h đến 14h45), HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tại phiên xử phúc thẩm lần 3 đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng nghị tăng án tử hình của VKS tỉnh Bình Phước, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai (31 tuổi) tù chung thân về hai tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Ảnh: Lê Bá Mai tại phiên tòa ngày 30-8-2013


NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng, khoảng 9 giờ sáng ngày 12-11-2004, cháu Út (12 tuổi) và cháu Hằng (9 tuổi, là cháu con dì của Út) đi mót củ đậu (củ sắn) trong khu vực trang trại của ông Dương Bá Tuân ở xã An Khương (Hớn Quản, Bình Phước).

Khi đó, có một thanh niên đi xe máy tới chở Út đi. Khi lên xe, Út đang cầm tay ăn một củ sắn và dặn Hằng nhớ đem chiếc xe đạp về.

Tối hôm đó, gia đình không thấy Út về nên hỏi Hằng ( Út được bà mẹ gửi ở nhà của người dì ruột là mẹ Hằng). Theo lời kể của Hằng, gia đình tới chòi của Lê Bá Mai ( là người làm thuê cho ông Tuân) trên khu đất cách đó vài trăm mét, hỏi "bé Út đâu?". Mai trả lời không biết.

Sau mấy ngày tìm kiếm không có, đến ngày 15-11, gia đình Út mới đi báo công an xã. Khi đó, công an xã tên Sinh có ghi biên bản lấy lời khai của cháu Hằng. Cháu Hằng khai có "một thanh niên" chở Út đi và mô tả người thanh niên này ngồi trên xe máy, cao khoảng 1,55m, trên ghi đồng (tay lái) xe có bình xịt thuốc sâu, bình nước đá ... ( bút lục 54 trong hồ sơ vụ án).

Đến trưa ngày 16-11, mọi người nhà phát hiện xác cháu Út nằm xấp trong khu vực vườn mít của trang trại ông Tuân. Quần bị cởi, có dấu hiệu bị hiếp dâm. ( Kết luận pháp ý sau đó xác định cháu Út bị xiết cổ đến chết vì chính chiếc quần của cháu).

Ngay sau đó, Lê Bá Mai bị bắt như là nghi phạm duy nhất.

Quá trình xét xử

Ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu năm 2005, bị cáo Mai bị tuyên án tử hình về tội hiếp dâm trẻ em và giết người.

Sau đó, Lê Bá Mai kháng cáo xin giảm án. Nhưng bản án phúc thẩm vẫn tuyên y án tử hình.

Tuy nhiên sau đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo đã có kháng nghị đề nghị xét xử lại vì căn cứ kết tội trong các bản án sơ thẩm và phúc thẩm "chưa vững chắc".

Cùng đó, báo chí trên cả nước đăng đưa rất nhiều về vụ án này, cho thấy trong quá trình điều tra có nhiều sai sót.

Tiếp đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao.

Tháng 5-2011, tại phiên sơ thẩm lần hai, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước vẫn đề nghị mức án tử hình, TAND tỉnh Bình Phước đã bất ngờ tuyên bị cáo Mai không phạm tội, vì cho rằng có nhiều sai phạm trong điều tra, các chứng cứ không đủ cơ sở để kết luận bị cáo đã có hành vi phạm tội như trong Cáo Trạng. Đồng thời thả tự do cho Mai.

Nhưng sau đó, bán án "vô tội" của TAND tỉnh Bình Phước đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, xét xử lại từ đầu.

Lúc này, dư luận báo chí dấy lên quan điểm Lê Bá Mai có khả năng đã bị xử oan.

Đến phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba tháng 6-2012, TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội. Tuy nhiên, lần này thay vì tuyên tử hình như trước, thì tòa này lại tuyên mức án chung thân dành cho Lê Bá Mai.

Bản án này đã bị VKS tỉnh Bình Phước kháng nghị, đề nghị tăng nặng hình phạt thành tử hình.

Về phần mình, Lê Bá Mai kháng cáo kêu oan.

Diễn biến phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba (ngày 30-8-2013)

Phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba diễn ra với sự quan tâm rất lớn của báo chí trong cả nước. Hầu hết các báo đều loan tin xét xử trước vài ngày. Báo Pháp luật TP.HCM còn tổ chức Tường thuật trực tiếp phiên tòa.

Trước đó, tháng 5-2012, bị cáo Mai bất ngờ bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM ra lệnh bắt tạm giam trở lại.

Ngoài ra, còn có tình tiết tháng 6-2013, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (người từng gửi thư đến Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án tử hình bị cáo Lê Bá Mai vì chứng cứ kết tội quá yếu) đã đi kiểm tra tại hiện trường nơi xảy ra vụ án.

Phiên tòa phúc thẩm lần ba có ba luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai là luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) và luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng đến trực tiếp tham dự phiên tòa.

Tuy báo chí khá "ồn ào" về vụ án này, nhưng thực tế số người tham dự phiên tòa hầu như rất ít. Phòng xử A Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM ( 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1) chỉ có khoảng 40 người, trong đó hầu hết là nhà báo.

Phiên tòa đã diễn ra khá dân chủ, thải mái và không thực sự căng thẳng. Các luật sư đều được tạo điều kiện thuận lợi để trình bày quan điểm bào chữa của mình.

Tại tòa, cả HĐXX, công tố viên và luật sư đều tập trung làm rõ lời khai của các nhân chứng về chi tiết quan trọng của vụ án: Ai là người chở nạn nhân Út đi vào sáng 12-11-2004? Bởi trong lời khai đầu tiên (ngày 15-11-2004), nhân chứng Hằng (khi ấy mới chín tuổi) khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi.

Trong đơn trình báo cùng ngày, ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, nhân chứng Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu thay đổi lời khai, từ “thấy người thanh niên” đến “người thanh niên giống Mai” và cuối cùng là “người thanh niên chở Út đi là Mai”.

Luật sư Trịnh Thanh cho rằng trong toàn bộ vụ án này chỉ có Hằng là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở Út đi. Thế nhưng lời khai ban đầu của Hằng chỉ khai người chở Út đi là một thanh niên. Điều này được chính ông Sinh lặp lại trong một bản khai khác, ở đó ông thừa nhận lúc đầu Hằng chỉ nói là “một người thanh niên” chứ không nói đó là Mai. “Nếu Hằng thật sự thấy Mai thì phải nói đó là Mai chứ sao lại nói là một người thanh niên?” - luật sư Thanh nói.

Tuy nhiên, công tố viên lại cho rằng ngay trong buổi tối Út mất tích, ông Điểu Cẩn (cha Út) và ông Điểu Ky (cha Hằng) có đến trang trại nơi Mai làm để hỏi thăm Mai về Út. “Nếu như Hằng không xác định đó là Mai và không nói cho người nhà biết người thanh niên đó là Mai thì sao người nhà lại chỉ qua hỏi Mai mà không phải ai khác?” - công tố viên đặt vấn đề.

Đáp lại, luật sư Thanh nói khu vực trang trại rất vắng nhà và ít người, người nhà biết việc Hằng và Út mót củ sắn ở trang trại ông Tuân nên qua trang trại hỏi thăm là điều rất bình thường. Vả lại, việc hỏi này rất sơ sài, qua loa, không hề có sự ám chỉ chính Mai là người chở Út đi.

Luật sư Tân cho rằng quá trình điều tra cho thấy điều tra viên có tài "đi mây về gió". Vì cùng lúc lập được 2 biên bản hỏi cung tại 2 địa điểm cách nhau trên 50km. Việc bác sĩ Hùng ký vào Biên bản giám định pháp y trong khi chưa có quyết định bổ nhiệm làm giám định viên và chỉ có một mình bác sĩ Hùng giám định là sai luật (theo luật sư Tân, thành phần giám định phải nhiều người). Có một người là người kinh ở gần khu vực khai rằng thủ phạm là một người đàn ông tên là Điểu Mười (nhưng ông này đã chết từ năm 2010). Luật sư Tân khẳng định quá trình đều tra sai từ đầu và sai toàn diện, liên tục.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm phân tích thêm: “Lời khai ban đầu của cháu Hằng là thấy một thanh niên chở Út đi, sau đó ông Sinh cho rằng không ghi rõ là Mai vì có sự mâu thuẫn với ông Tuân. Đây là sự sắp đặt khéo léo chứ không phải là sự thật, không phải là lời khai của cháu Hằng mà là sự mong muốn của ông Sinh. Nếu nhận thức việc ghi Mai sẽ dẫn đến người khác trả thù thì sao ông Sinh không từ chối lập hồ sơ ngay từ đầu?”.

Luật sư Trịnh Thanh nói đa số các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được đều mâu thuẫn. Nếu đối chiếu các chứng cứ có trong hồ sơ với lời khai nhận tội của Mai có rất nhiều điều vô lý, không đúng thực tế, giống như Mai khai bừa.

“Biên bản lời khai ghi khi đi Út đang ăn củ sắn và tại hiện trường có thu được một củ sắn đang ăn dở. Thế nhưng khám nghiệm tử thi thì trong bao tử của nạn nhân không có chất nào là thành phần của củ sắn. Sự việc được phát hiện sau năm ngày nhưng củ sắn thu được tại hiện trường vừa mới, vừa trắng như vừa mới ăn” - luật sư Thanh nói.

Bổ sung, luật sư Tân cho rằng có hàng loạt biên bản lời khai cho thấy thời gian lập biên bản trùng nhau hoặc cách nhau không lâu trong khi địa điểm để lập các biên bản này lại cách xa nhau đến 5 km. Luật sư cho rằng hoặc đây là sự dàn dựng cho đủ trong hồ sơ hoặc điều tra viên, nhân chứng và cả bị cáo có thể “đi mây về gió”. Ngoài ra, luật sư Tân chỉ ra dấu dép (của hung thủ) tại hiện trường có hình sin, trong khi đôi dép mà cơ quan tố tụng thu giữ của Mai đế dép có hình caro…

Trong phần tranh luận trở lại, công tố viên cho rằng mặc dù có nhiều mâu thuẫn, vi phạm tố tụng nhưng lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của nhân chứng, phù hợp với các biên bản hiện trường, biên bản thực nghiệm, sơ đồ hiện trường… Bị cáo khai bị hại có cầm củ sắn ăn dở, khám nghiệm hiện trường thu được củ sắn ăn dở. Bị cáo khai nạn nhân nằm trên cây khoai mì nên bị cáo nhổ đi, khám nghiệm hiện trường có cây khoai mì bị nhổ gốc đang héo. Bị cáo khai người bị hại không mặc quần lót, khám nghiệm tử thi người bị hại không mặc quần lót…

VKS cho rằng việc các luật sư tập trung vào chứng cứ gỡ tội duy nhất là bút lục 54 ( công an xã ghi lời khai của cháu Hằng vào ngày 15-11-2004) là thiếu toàn diện. VKS căn cứ vào nhiều chứng cứ khác. Mặt khác, bản khai 54 cũng chỉ là chứng cứ tham khảo, bổ sung, vì ông Sinh không phải là điều tra viên.

Những tình tiết mâu thuẫn, sai sót của điều tra viên là có thật nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án, không quyết định đến tình tiết buộc tội Mai. Không có nghĩa bình nước đá màu xanh thì Mai phạm tội, còn bình màu đỏ thì Mai không phạm tội.

Trong hồ sơ chưa thấy Mai có dấu hiệu bị ép cung, mớn cung hay nhục hình. Những bản cung nhận tội của Mai đều có luật sư tham dự.

Những nỗ lực điều tra của các luật sư là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên không đúng về thủ tục và đã quá lâu về thời gian, nên không thể chính xác và sử dụng. Trong khi Biên bản khám nghiệm hiện trường là công phu và khách quan.

Không có lý do gì để các điều tra viên phải nhất quyết buộc tội Mai. Chính việc xét xử kéo dài, hủy án ... cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng đã thận trọng.

VKS cũng cho rằng việc bác sĩ Hùng ký vào Biên bản giám định pháp y là hoàn toàn đúng luật tại thời điểm đó. Mặt khác, bác sĩ Hùng là người đã học qua trình độ đại học, có kinh nghiệm, từng qua khóa đào tạo về giám định pháp y do Bộ công an tổ chức và được phân công giám định tại địa phương từ trước thời điểm xảy ra vụ án.

Từ đó, công tố viên khẳng định đủ cơ sở để kết luận chính bị cáo là hung thủ và đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình bị cáo.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Bá Mai tỏ ra khá bình thản. Bị cáo tiếp tục khẳng định mình không phải là thủ phạm. Trong lời nói cuối cùng, Mai nói mong tòa tuyên trắng án để được trở về với gia đình.

Tòa tuyên án

Sau khi nghị án khoảng 20 phút, HĐXX ra tuyên đọc bản án. Lúc này, đã là 18h, trời sập tối và trút xuống một cơn mưa rất lớn. Khu vực tòa án đã tối thui và vắng vẻ vì các bộ phận liên quan đã nghỉ từ lâu. Có thể thấy, bản án đã được soạn sẵn và chỉ bổ sung những tình tiết mới tại phiên tòa và phần quan điểm bào chữa của các luật sư.

Trong bản án, Tòa nhận định bị cáo Lê Bá Mai "có rất nhiều chứng cứ buộc tội" và có "một số chứng cứ gỡ tội". Tuy nhiên, phân tích và đối chiếu toàn bộ chứng cứ cũng như nội dung tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX xét thấy:

- Tại phiên tòa lần này, bị cáo khai không nhớ và nhớ không rõ sự việc xảy ra vào ngày 12-11-2004. Trong quá trình điều tra, bị cáo có những lời khai thừa nhận cũng như phủ nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm có những căn cứ để kết luận như sau:

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng như quá trình tạm giam, tình trạng sức khỏe của Mai thể hiện bình thường. Các biên bản lời khai của bị cáo dù nhận tội hay không nhận tội đều có sự chứng kiến của luật sư. Khi ký nhận cáo trạng, Mai cũng không kêu oan…

Dù Mai có lúc kêu oan nhưng lại không phủ nhận việc bản thân có mặt gần nơi xảy ra vụ án trong thời gian xảy ra vụ án.

Về lời khai của nhân chứng Hằng, cháu khai khi còn quá nhỏ, có một số chi tiết không nhớ rõ và nhận định không chính xác về quần áo của Mai. Lời khai ban đầu của cháu chỉ khai rằng đó là một người thanh niên mặc áo màu xanh, quần đen và những lần sau đó khẳng định người thanh niên đó là Mai.

Sau khi xem xét tính xác thực lời khai này, đối chiếu với thực tế vụ án, HĐXX nhận thấy lời khai của Hằng là đúng… Đồng thời, nhiều lời khai nhận tội của Mai phù hợp với khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, với người làm chứng, biên bản thực nghiệm điều tra tại hiện trường…

Từ đó, tòa cho rằng việc bị cáo kêu oan là không có căn cứ. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo án chung thân là có căn cứ, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.


---------------------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

1. Tôi đã đến dự phiên tòa này, lắng nghe quan điểm bào chữa của các luật sư và quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát. Với những gì diễn ra, mặc dù không bao giờ mong muốn một ai bị oan, tôi cho rằng bản án phúc thẩm lần này đã xét xử đúng người, đúng tội và có phần nhẹ cho bị cáo Lê Bá Mai - nếu so với 2 bản án tử hình trước đây và đề nghị của Viện kiểm sát.

2. Ý kiến bào chữa của các luật sư hầu hết đều tập trung khai thác và "đánh phá" những sai sót về tố tụng trong quá trình điều tra. Chẳng hạn như có lần lấy lời khai cháu Hằng không có người giám hộ, điều tra viên cùng một thời gian lấy cung ở hai nơi, sự mâu thuẫn trong mô tả màu sắc bình xịt, bình nước đá, công an viên Sinh (lấy lời khai cháu Hằng) là người có mâu thuẫn với ông Tuân (chủ trang trại nơi Mai làm thuê) ... Theo tôi, những sai sót, hay chính xác hơn là sai phạm này là có thật, rõ ràng và không thể sửa chữa.

3. Tuy nhiên, tôi đồng ý với quan điểm của VKS, phân tích rằng ngoài những sai sót như vậy, thì vẫn có nhiều chứng cứ, đặc biệt là chính sự khai nhận của bọ cáo Mai, thể hiện Mai chính là người phạm tội.

4. Tôi cho rằng, từ tình tiết "một thanh niên" chở nạn nhân Út vào buổi sáng định mệnh ngày 12-11-2004 cho thấy giữa Út và người này chắc chắn phải có sự quen biết ở mức độ tin tưởng và thân thiết, thì Út mới "vô tư" ngồi trên xe để người này chở đi. Chi tiết người thanh niên khi đi mang theo bình xịt, bình nước và Út ngồi sau đang cắn dở củ sắn ... càng cho thấy hai người có sự thân thiết khi đó.

5. Cháu Hằng cũng phải là người biết về "người thanh niên" này, vì khi thấy người thanh niên chở dì Út đi đã không tỏ thái độ hốt hoảng. Và ngay tối đó, khi thấy Út không về thì đã nói lại với gia đình là hồi sáng thấy chú Mai chở dì Út đi, nên gia đình đã tìm ngay đến chòi nơi ở của Mai tối đó. Lúc này, gia đình vẫn chưa tố cáo tới công an, chưa lấy lời khai cháu Hằng.

6. Ngoài ra, trên thực tế nhà Út, Hằng và nơi ở của Mai chỉ cách nhau khoảng 200m, hai khu đất sát nhau. Và cả Mai và Út đều đã ở đây thời gian dài, Mai có quen biết với gia đình và Hằng cũng biết mặt chú Mai, tuy lúc này chỉ mới 9 tuổi.

7. Như vậy, tình tiết liên quan đến Mai đã có từ trước khi công an xã lấy lời khai của bé Hằng. Đồng thời, chính Mai thừa nhận sáng ngày 12-11-2004 có "đi vào khu vực xảy ra vụ án", các nhân chứng (những người làm thuê ở chung với Mai) đều khai nhận sáng đó khoảng 9h Mai lấy xe máy đi đâu đó đến khoảng 1 giờ chiều mới về. Và tối hôm đó có gia đình Út đến tìm Mai, hỏi chở Út đi đâu và Mai trả lời không biết.

8. Ngoài ra, còn có một số tình tiết rất tế nhị trên cơ thể của nạn nhân đã trùng hợp với lời khai ban đầu của Mai (trên thực tế), nhìn qua bản ảnh thi thể nạn nhân. Đây là những tình tiết mà nếu Mai không tự khai ra thì không ai biết được.

9. Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất - theo quan điểm của tôi, là cả luật sư và Mai đều không/chưa chứng minh được tình tiết ngoại phạm của Mai. Quá trình xét xử cũng không thấy có tình tiết nào có thể dẫn đến khả năng có thể xuất hiện một thủ phạm nào khác. Vì nơi đây là khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Hung thủ không thể từ nơi khác đến "ung dung" chở Út đi, để rồi sau đó gây ra vụ án như vậy.

10. Trên thực tế, việc kết tội một con người bắt buộc cần phải tuyệt đối cẩn trọng, có chứng cứ rõ ràng hợp pháp và theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, bất luận thế nào, thì Tòa án vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phán quyết của mình.