Wednesday, September 3, 2014

Vụ án hoa hậu Mỹ Xuân: Các bị cáo bị xâm hại quyền hình ảnh cá nhân


Mỹ Xuân cúi đầu giữa một rừng ống kính tại phiên tòa ngày 27-7-2013

Luật sư Trần Hồng Phong

(Ecolaw.vn) - Ngày 27-7-2013, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ án “hoa hậu Mỹ Xuân môi giới mại dâm”. Với mức án 30 tháng tù dành cho bị cáo đầu vụ, đây là một vụ án không nghiêm trọng. Điều mà tôi “ấn tượng” nhất về vụ án này không phải là hành vi phạm tội của các bị cáo, mà là cảnh hàng chục nhà báo chen nhau chỉa máy ảnh vào bị cáo Mỹ Xuân và hình ảnh bị cáo người mẫu Thiên Kim trong chiếc áo hoa, đang giơ bàn tay với những ngón tay trắng nuột lên che mặt để tránh một rừng ống kính đang rào rào nháy quanh mình.


Bị cáo tại tòa không bị tước quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình

Điều 31 Bộ luật dân sự qui định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự nói chung, tại một phiên tòa nói riêng, theo Bộ luật hình sự, bị can, bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân sự như: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm một số nghề, cấm đi khỏi nơi cư trú ... Hoàn toàn không có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của họ. Hay nói khác đi, bị cáo vẫn có quyền đối với hình ảnh của mình ngay tại phiên tòa xét xử.

Thế mà, trong rất nhiều phiên tòa xét xử nói chung, và trong phiên tòa xét xử hoa hậu Mỹ Xuân nói riêng, cả một “rừng” nhà báo đã vây quanh, chỉa những ống kính chuyên dùng vào mặt, vào người các bị cáo từ mọi góc độ - mà không một lời hỏi hay “xin phép” các bị cáo. Sau đó, trên báo chí tràn ngập hình ảnh về phiên tòa này, với ảnh của các bị cáo, người thì “cười”, người thì dùng tay che mặt … với những lời bình bàn, thậm chí đàm tiếu về những tình tiết không liên quan gì đến vụ án, đến hành vi phạm tội của các bị cáo.

Báo chí đã vi phạm qui định pháp luật

Tôi cho rằng việc báo chí “sử sự” như vậy là đã vi phạm qui định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bị cáo. Việc đăng ảnh như vậy hoàn toàn không thể nói là vì “lợi ích nhà nước hay công cộng”.

Việc các báo đăng kèm hình ảnh của các bị cáo trong một vụ án ít nghiêm trọng, cùng thông tin phân tích chi tiết về quá trình môi giới, bán dâm, giá mỗi lần mua dâm, phân tích về độ tuổi, hình thể của các bị cáo phụ nữ … là sự cố ý mang tính chất dèm pha, bôi bác, khinh rẻ, hạ thấp và làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các bị cáo.

Chúng ta cần nhớ rằng chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử và ra hình phạt để phạt các bị cáo về hành vi phạm tội. Dù vậy, Tòa án cũng không có quyền xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, hình ảnh của bị cáo. Vậy thì báo chí lấy quyền gì để tự ý chụp ảnh và đăng như vậy? Nhất là khi việc đăng báo sẽ làm “phát tán” thông tin, hàng triệu người đọc, bàn luận.

Tủi hổ và … chịu thua báo chí !

Hầu hết các phiên tòa, người ta thường thấy hình ảnh các bị cáo cúi đầu, lấy tay che mặt, hoặc cố quay mặt đi hướng khác mỗi khi có người cầm máy ảnh chĩa vào mình. Ánh mắt họ khi thì như năn nỉ, van lơn, khi bày tỏ sự phẫn nộ.

Có thể khẳng định không ai muốn hình ảnh của mình bị đăng, xuất hiện trên báo chí hay ngoài tầm kiểm soát của mình. Chính tôi, đã có lần được bị cáo nhờ “cản” việc nhà báo chụp ảnh. Tôi đã thấy có người thậm chí bật khóc vì bất lực khi bị chụp ảnh. Họ nói thật xốn sang khi biết rằng cha mẹ, người thân sẽ thấy hình ảnh của mình mà đau lòng, gia đình càng tủi nhục. Nhất là khi hình ảnh trên báo chí hầu như sẽ còn lưu giữ lâu mãi, như một "vết nhơ" không bao giờ có thể gột rửa. Trong khi luật qui định dù phạm trọng tội còn được xóa án tích.


Người mẫu Thiên Kim dùng ta che mặt để không bị chụp ảnh tại phiên tòa ngày 27-6-2013

Luật báo chí qui định sai nguyên tắc dân sự?

Tại Việt Nam, tuy trong luật báo chí không có quy định, nhưng tại Nghị định 51/2002 hướng dẫn Luật báo chí lại cho phép nhà báo được phép đăng ảnh những “cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án”.

Qui định như trên cho thấy có sự mâu thuẫn với qui định tại Bộ luật dân sự và Luật hình sự về quyền đối với hình ảnh. Đó là chưa kể khi tham dự một phiên tòa, dù xét xử công khai, mọi người, trong đó có nhà báo, bắt buộc phải tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Chỉ khi nào chủ tọa cho phép thì nhà báo mới được chụp ảnh các bị cáo. Xét về nguyên tắc, thì những văn bản dưới luật, mà mâu thuẫn với luật thì không có giá trị.

Tuy vậy, qua đó chí ít cũng thêm một lần nữa khẳng định rằng: các bị cáo trong vụ án Mỹ Xuân đã bị chụp và sử dụng hình ảnh cá nhân một cách trái phép.

------------------------------

Nhiều nước cấm chụp ảnh tại tòa

Pháp luật Mỹ quy định các phiên tòa dân sự phải được bảo mật, không cho công chúng xem, nên việc quay phim chụp hình bị cấm. Còn trong phiên tòa hình sự, các phóng viên chỉ được phép dùng hình thức vẽ tranh nhân vật để minh họa cho bài báo của mình chứ không được chụp ảnh.

Luật hình sự của Anh không ai được phép chụp bất cứ một tấm ảnh nào tại Tòa án, dù là ảnh của bị cáo hay thẩm phán, hội thẩm hay nhân chứng …, bất kể đó là vụ án dân sự hay hình sự.