Sunday, April 12, 2015

Vụ án Hồ Duy Hải: liệu có thực sự "đến đây là hết rồi, không còn cách nào khác"?

Luật sư Trần Hồng Phong

Báo Pháp luật TP.HCM, trong bài Quốc hội yêu cầu không để xảy ra oan sai - tường thuật về  phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội để nghe báo cáo về kết quả giám sát tình hình oan sai vào sáng ngày 10-4-2015. Liên quan đến vụ kêu oan đang được dư luận cả nước quan tâm của tử tù Hồ Duy Hải, báo có trích ý kiến của ông Trương Hòa Bình - Chánh án TANDTC, nguyên văn như sau: 

Ảnh: Mạng sống của tử tù Hồ Duy Hải quá mong manh, khi đang có một bản án kết tội tử hình về tội giết người và người có thẩm quyền kháng nghị cho rằng đã "hết cách"! Ảnh: Tử tù Hồ Duy Hải


Vụ này chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình. Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu, liên ngành đã xem xét lại và xác định chưa thấy căn cứ để kháng nghị. “Chúng tôi sẽ họp lại một lần nữa để có kết luận cuối cùng. Nếu không có căn cứ kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn thì tới đây giải quyết thế nào? Theo quy định của pháp luật đến đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác”. 
Liên quan đến ý kiến trên, trước đó ngày 13-3-2015, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ QH, khi Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương hỏi về vụ án Hồ Duy Hải,  rằng “Bản án tử hình đối với Hải về tội giết người, cướp tài sản xảy ra từ năm 2008 có oan hay không? Tại sao Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá, bị án cũng từng có đơn xin thi hành án (THA) sớm mà đến nay lại hoãn THA?”. Báo Pháp luật TP.HCM đã ghi ý kiến trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình như sau (nguyên văn):
Đây không phải là vụ án bắt quả tang nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều tra, Hải nhận tội giết người. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra (CQĐT) xác minh một số chứng cứ gián tiếp khác về việc nhận tội của Hải. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải nhận tội, khai không có bức cung, nhục hình. Phúc thẩm, Hải nói mình không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không rõ.
Bản án phúc thẩm sau đó tuyên quá trình điều tra thu thập chứng cứ có một số sai sót, vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án và tuyên Hải án tử hình.
“Chúng tôi đã lập một tổ liên ngành do VKSND Tối cao chủ trì. Khi đoàn liên ngành vào hỏi, Hải vẫn nhận tội và đơn của Hải chỉ là xin được giảm án tử hình hoặc THA ngay nên chưa có căn cứ khẳng định Hải bị oan”. 
Vụ án này chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị. 

Theo quy định của pháp luật, Hồ Duy Hải là người đang bị một bản án kết tội có hiệu lực pháp luật - tuyên tử hình về tội giết người - dù kêu oan suốt trong bao năm qua, chỉ có 2 khả năng có thể được minh oan. Đó là:

- Một là, bản án kết tội Hồ Duy Hải được Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng hủy án, điều tra xét xử lại. Trường hợp này gọi tắt là "giám đốc thẩm".

- Hai là, có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Trong trường hợp này, vụ án sẽ được xét xử lại theo thủ tục gọi là "tái thẩm". Đây chính là tình huống đã xảy ra và giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn trong vụ án ông bị kết tội oan giết người, đã ngồi tù oan 10 năm cho đến ngày thủ phạm thật sự tự ra đầu thú. Trong sự "choáng váng" của các cơ quan tiến hành tố tụng và chấn động dư luận cả nước.

Trong vụ án Hồ Duy Hải, có thể nói, vì khả năng tìm ra chứng cứ mới để được tái thẩm là rất khó và cũng mang tính "may rủi". Nên từ khi được gia đình Hồ Duy Hải nhờ hỗ trợ pháp lý, kêu oan cho con, tôi (và luật sư Nguyễn Văn Đạt) chủ yếu tập trung vào hướng cố gắng tìm ra những tình tiết để đáp ứng điều kiện bản án được xem xét và kháng nghị giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm là việc xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Theo Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự, các căn cứ để một bản án đang có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là (chỉ cần 1 trong số 4 căn cứ):

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Cá nhân tôi, trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải - trên cơ sở sau đã khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng và trực tiếp tiếp xúc, tìm hiểu với một số nhân chứng quan trọng, xem xét hiện trường - đã tập trung phân tích, trình bày và nêu quan điểm rằng trong vụ án Hồ Duy Hải - có đủ cả 4 yếu tố như nêu ở trên - để bản án cần được xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.


Quan điểm của luật sư chúng tôi hoàn toàn không phải là đơn độc, hay khác biệt về mặt nhận thức, kiến thức chung. Thực tế đã rất nhiều người có hiểu biết sâu về pháp luật tố tụng hình sự - trong đó có Ban lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam, và rất nhiều luật sư đồng nghiệp ... đồng tình, ủng hộ. 

Và mới đây nhất là ý kiến của bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc Hội cũng cho rằng vụ án này cần được giám đốc thẩm.

Xin xem ở đây:  Đại biểu QH Lê Thị Nga: Kết tội Hồ Duy Hải chủ yếu dựa trên chính lời khai nhận tội của Hải, Cáo trạng có những suy diễn ... chết người !

Một lần nữa, tôi muốn minh định cho rõ, là việc tôi đề nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải hoàn toàn không có nghĩa là tôi khẳng định Hồ Duy Hải bị kết án oan. Mà là để vụ án này có cơ hội được điều tra, xét xử lại một cách thật sự khách quan, đúng pháp luật, tìm ra được sự thật khách quan, và tránh khả năng có thể bỏ lọt kẻ phạm tội thật sự. (Nếu xảy ra tình huống khi xét xử lại, xác định được Hải đã bị oan).

Tôi cũng thấy rất kỳ lạ, là một trong những tình tiết ngoại phạm quan trọng nhất của Hồ Duy Hải - là những dấu vân tay thu giữ tại hiện trường, đã được giám định và kết luận không phải của Hải. Vậy thì dấu vân tay này của ai ? - gần đây hầu như không được nhắc tới.

Bây giờ, tôi muốn nêu quan điểm của mình về ý kiến của ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, rằng - “Theo quy định của pháp luật đến đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác” , như sau.

Trước hết, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng đã "hết rồi" trong vụ án Hồ Duy Hải. 

Ngay sau khi báo Pháp luật TP.HCM đăng ý kiến của ông Chánh án như trên, tôi đã gửi ý kiến của mình vào mục "Ý kiến bạn đọc" và được báo đăng nguyên văn, như sau:



Sau đây, tôi chỉ muốn nói rõ thêm một chút nữa, ngắn gọn như sau:

1. Luật tố tụng hình sự không hề có quy định nào nói rằng sau khi Chánh án TANDTC và/hoặc Viện trưởng VKSNDTC quyết định không kháng nghị - thì sẽ không còn quyền ra quyết định thêm một lần nữa trong cùng một vụ án. Và lần sau là ra quyết định kháng nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Hay nói khác đi, về mặt thủ tục không phải là đã "hết rồi, không thể giải quyết gì khác". Vì điều gì pháp luật không cấm, tức là có thể thực hiện.

2. Nhưng theo quy định hiện hành, đúng là cũng có một tình huống "hết cách" thật. Đó là khi nhận thức và quan điểm của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC là không thay đổi. Tóm gọn là cả hai vị này đều cho rằng "hết cách"! Nếu vậy, thì vấn đề cần đặt ra và không thể không giải quyết: là tại sao cùng một vụ việc, mà quan điểm, nhận thức và cách đánh giá giữa các bên khác biệt đến vậy? Pháp luật mà có nhiều cách hiểu thì thật là vô cùng nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Càng nguy hiểm hơn nếu người có thẩm quyền quyết định lại hiểu khác số đông người khác. 

3. Việc xét xử của Tòa án, bất luận thế nào, đều phải bảo đảm nguyên tắc và hướng đến mục tiêu ban hành được một bản án thật sự khách quan, tiếp cận sự thật, đúng người đúng tội, không làm oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Lý tưởng nhất là bản án phải nhận được sự "tâm phục khẩu phục" của tất cả mọi người, bao gồm chính bị cáo. Và cũng chính vì vậy, pháp luật mới có quy định về giám đốc thẩm, về tái thẩm. 

4. Trong vụ án Hồ Duy Hải, cho dù Hải thực sự đúng là hung thủ giết người, nhưng một khi đã có những sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ - như chính ông Trương Hòa Bình đã thừa nhận - thì cho dù là "không làm thay đổi bản chất vụ án" - theo quan điểm hoàn toàn chủ quan của Hội đồng xét xử hay của bất kỳ ai - vẫn là căn cứ theo luật định - để bản án được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vấn đề ở đây là căn cứ pháp luật - thể hiện bởi chứng cứ, bằng chứng. Chứ không phải là vấn đề quan điểm, nhận định. 

Nói cách khác, căn cứ để giám đốc thẩm là các chứng cứ - thể hiện sự sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra, xét xử - chứ không phải là quan điểm chủ quan của bất kỳ một cá nhân nào. Mà chứng cứ về việc này luật sư đã nêu ra trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm - tới chưa hề bị ai bác bỏ hay chỉ ra là sai chỗ nào? Và cũng đã được chính ông Chánh án thừa nhận. Thì tức là đã có đủ căn cứ để giám đốc thẩm - theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. (Ghi chú: Lời khai, thừa nhận là một nguồn chứng cứ - theo quy định tại Bộ luật hình sự).

5. Việc giám đốc thẩm vụ án này hoàn toàn không có nghĩa là khẳng định bản án kết tội Hồ Duy Hải hiện nay là sai, là Hải bị oan. Mà chỉ để xem xét, điều tra và xét xử lại - theo hướng khắc phục những sai sót trước đây, làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng. Thậm chí sau này xét xử lại, càng chứng minh rõ là Hồ Duy Hải chính là hung thủ giết hai nạn nhân, thì càng thể hiện sự khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Chỉ có tốt cho nền tư pháp nước nhà, có lợi cho uy tín của ngành Tòa án nói riêng, của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung - trên tầm cả nước. Vậy tại sao không làm?

6. Vượt lên trên tất cả, thậm chí vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật - vốn lạnh lùng và máy móc, theo tôi điều không thể thiếu - là cái tâm, tính nhân văn của những người làm pháp luật. Pháp luật đươc xây dựng và đặt ra, là để hướng đến sự công bằng, khách quan. Chứ không phải cứ nhất nhất phải làm cho đúng luật bằng được, cho dù điều đó có thể làm cho một con người bị chết oan. Vả lại pháp luật là sản phẩm của con người, vốn luôn đi sau thực tế cuộc sống và chắc chắn không bao giờ hoàn thiện. Ngay như trong vụ án này, việc tạm đình chỉ thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải vào phút chót thực ra cũng không hề đúng theo những quy định của luật thi hành án hình sự đó thôi.