Xung quanh một vụ mua bán trinh tiết luôn có nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm (ảnh minh họa)
(Ecolaw.vn) - Trinh tiết của người con gái nhiều khi được xem như là một món hàng thuộc hàng "đặc sản", mang lại cảm giác khoái lạc đặc biệt và may mắn (?) cho người "hưởng thụ". Tuy nhiên, việc mua bán trinh tiết có thể bị xem là hành vi phạm tội tại Việt Nam.
Bắt quả tang một vụ bán trinh
Báo Thanh Niên đưa tin ngày 27-12-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 (TP.HCM) đã bắt khẩn cấp một cô gái có tên là Nguyễn Thị Ánh Th. (25 tuổi, ngụ quận 10) để điều tra làm rõ về hành vi môi giới mại dâm.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 15 giờ ngày 23-12-2013, trinh sát của Công an quận 1 đã bất ngờ ập vào khách sạn V.P trên đường Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) và bắt quả tang 2 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại đây.
Qua điều tra, có dấu hiệu cho thấy có dấu hiệu của một đường dây môi giới mại dâm nên cơ quan công an đã bắt giữ Th..
Tại trụ sở công an, bước đầu Th. khai nhận trước đó đã cùng hai kẻ khác môi giới cho hai cô gái còn rất trẻ là N.T.U (17 tuổi), L.T.N.H (19 tuổi) bán trinh cho 2 người đàn ông với giá 30 triệu đồng. Trong đó, cô gái bán trinh tiết của mình chỉ được hưởng 5 triệu đồng/người, số tiền còn lại ba kẻ dẫn mối nói trên chia nhau.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
--------------------
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
Với sự việc như trên, nhiều khả năng cơ quan tiến hành tố tụng quận 1 sẽ khởi tố vụ án môi giới mại dâm, với dấu hiệu là phạm tội có tổ chức (gồm nhiều người). Theo pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi môi giới mại dâm như của Th là hành vi tội phạm.
Trong lịch sử xã hội loài người, mại dâm thực ra và được xem là một nghề có nguồn gốc cổ xưa nhất và hiện vẫn tồn tại, thậm chí là hợp pháp tại rất nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, mua bán dâm sau năm 1975 bị xem là "tàn dư của chế độ cũ" (ở Miền Nam trước năm 1975), là sự hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ và bị cấm, không thừa nhận. Tuy nhiên, việc mua bán dâm trên thực tế vẫn luôn tồn tại và là một thực tế không thể né tránh. Và gần đây nhà nước không còn xem là "tàn dư của chế độ cũ" nữa. Hi.
Nói chung, việc mua bán sự "sung sướng tình dục", nếu có, trực tiếp giữa các đương sự (nam và nữ, hoặc thậm chí là giữa những người đồng tính) không bị xem là hành vi phạm tội, mà chỉ bị xử lý về mặt hành chính, xem như hành vi yếu kém về mặt đạo đức, tư cách. Chẳng hạn như nếu cơ quan chức năng kiểm tra và bắt quả tang một cặp nam nữ đang quan hệ tình dục với nhau trong khách sạn, và xác định họ không phải là vợ chồng, thì hành vi đó bị xem là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính.
"Giao cấu với trẻ em" & "Hiếp dâm trẻ em"
Căn cứ vào sức khỏe tâm sinh lý, pháp luật quy định lứa tuổi được quyền quan hệ tình dục mà ...không sao cả. Đó là trên 18 tuổi - tức là chính thức là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật.
Vì vậy, mặc dù cả hai đồng thuận quan hệ tình dục, nhưng nếu một trong hai người, là "cô gái", hay "chàng trai" mà tuổi đời từ 13 đến dưới 16 tuổi, thì người kia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "giao cấu với trẻ em".
Không chỉ vậy, trong mọi trường hợp, người nào giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi, dù có sự đồng thuận của chính trẻ em đó, vẫn bị truy tố về tội "hiếp dâm trẻ em" - theo quy định tại các điều 115 và 112 Bộ luật hình sự.
Việc mua bán trinh tiết (mà theo quan niệm á đông, trinh tiết được xem là "ngàn vàng", biểu tượng về phẩm hạnh và danh giá của một người con gái) - xét theo nghĩa đen thì cũng chỉ là một quan hệ mua bán tình dục. Do vậy, trinh tiết không phải là yếu tố làm phát sinh hoặc để xác định hành vi phạm tội.
"Mua dâm người chưa thành niên"
Nếu thuần túy xem xét về phương diện dân sự, thì mặc dù đó mua bán dâm là hành vi bất hợp pháp (không được pháp luật thừa nhận), nhưng nếu không ai ép buộc ai, không ai lừa dối ai - thì suy cho cùng đó cũng chỉ là một "giao dịch" mua bán theo kiểu thuận mua vừa bán.
Nhưng rõ ràng bất luận thế nào, thì "giao dịch" mua bán dâm thực sự là rất đau lòng, và làm xốn xang nếu xét trên nhiều khía cạnh. Vì trong giao dịch này, người phụ nữ, vì những lý do nào đó, mà phần đông là vì quá khó khăn, nghèo túng, đã đành lòng bán đi cái tình, cái tự trọng, thậm chí là nhân phẩm và sự cao quý của một người phụ nữ - vốn gắn với tình cảm, sự trong sáng trong mối quan hệ yêu thương nam nữ, cho những kẻ không có tình cảm và tôn trọng mình. Vì sao phải đến nông nỗi như vậy?
Tuy nhiên, cho dù pháp luật không xử lý hình sự chuyện bán dâm, thì không có nghĩa là không xử lý kẻ mua dâm.
Điều 256 Bộ luật hình sự quy định người nào có hành vi mua dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xem là phạm tội "mua dâm người chưa thành niên". Và theo quy định đã nói ở trên, nếu mua dâm người dưới 13 tuổi thì sẽ bị xem là phạm tội "hiếp dâm trẻ em".
Điều này đồng nghĩa rằng, dù có ham muốn hay chơi bời gì, thì mấy ông cũng cần tránh xa những cô bé, cậu bé dưới 18 tuổi (chưa thành niên).
"Chứa mại dâm" & "Môi giới mại dâm"
Liên quan đến việc mua bán trinh tiết, hầu hết đều thông qua những kẻ môi giới hoạt động chuyên nghiệp.
Vì trên thực tế khoảng cách giữa "bên bán" và "bên mua" là quá lớn. Người phải bán trinh tiết thường là những em thiếu niên hoặc những cô gái còn rất trẻ, hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp, quan hệ xã hội ...vv. Trong khi đó, kẻ có nhu cầu mua và hưởng thụ trinh tiết phụ nữ thường là những người nhiều tiền lắm của, mê tín và có những suy nghĩ, tâm lý lệch lạc, kỳ quái về tình dục, trinh tiết.
Để ráp nối hai đối tượng ấy luôn là những kẻ môi giới, những kẻ tạo điều kiện cho họ mua bán dâm.
Pháp luật Việt Nam quy định môi giới mại dâm là hành vi phạm tội. Môi giới mại dâm nói một cách đơn giản là hành vi giới thiệu bên mua và bên bán gặp nhau, rồi thu tiền của họ bỏ túi mình. Người môi giới mại dâm chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, những người cho thuê chỗ, tạo điều kiện để cho những người mua bán dâm "thực hiện hợp đồng" với nhau và thu tiền cũng bị xem là phạm tội. Đó là tội chứa mại dâm.
Bán dâm có thể là một nghề?
Đây là câu hỏi mà nhiều người đã nêu lên từ nhiều chục năm qua và luôn gây tranh cãi rất căng thẳng. Câu trả lời chỉ có thể là "có thể" hoặc "không thể", không có giải pháp trung dung.
Những người bảo thủ, không muốn thay đổi thì cho rằng không thể và nếu hợp thức hóa việc mại dâm là sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, phá vỡ truyền thống, hạ thấp nhân phẩm phụ nữ. Nói chung là xấu đủ điều.
Ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần hợp thức hóa nghề mại dâm, để dễ quản lý và thậm chí có thể giải quyết khó khăn cho những phụ nữ nghèo khó. Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy.
Cá nhân tôi ủng hộ (nhưng không cổ vũ) việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Hoàn toàn không phải là vì tôi muốn mua dâm hay sung sướng gì. Mà vì nếu chúng ta không thừa nhận và không quản lý, thì mọi việc sẽ càng rối beng và phức tạp hơn. Vì mại dâm chính là một quy luật, một sản phẩm của xã hội loài người - đã minh chứng qua chính lịch sử nhiều ngàn năm qua. Mà chúng ta thì không thể chống lại quy luật. Vả chăng nếu nói bán dâm là xấu, cần cấm. Thì những chuyện khác như: đánh bạc, đua xe ... cũng chẳng tốt hơn tý nào và đã từng bước được hợp thức hóa.
Tóm lại, chúng ta cần chia sẻ rằng:
- Mua bán dâm luôn tồn tại trong xã hội loài người, vì tình dục là một nhu cầu mang tính bản năng.
- Trong xã hội luôn có những người nghèo và kẻ giàu. Nên luôn tồn tại cả cung lẫn cầu trong hoạt động tình dục.
- Nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận mại dâm là một nghề hợp pháp, cấp chứng nhận hành nghề cho gái mại dâm để quản lý chặt chẽ, an toàn cho cả hai bên.
- Tại Việt Nam, bán dâm chưa được xem là hợp pháp.
---------------------------------
Quy định tại Bộ luật hình sự:
Điều 115. Tội giao cấu với trẻ em
1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
Điều 112. Tội hiếp dâm trẻ em
1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Đối với nhiều người;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61%trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIVmà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 254. Tội chứa mại dâm
1. Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Cưỡng bức mại dâm;
c) Phạm tội nhiều lần ;
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Điều 255. Tội môi giới mại dâm
1. Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội nhiều lần ;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Đối với nhiều người;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.
Điều 256. Tội mua dâm người chưa thành niên
1. Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng.