(Ecolaw.vn) - Luật Đầu Tư quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, áp dụng đối với nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong Luật quy định về các hình thức đầu tư, kinh doanh cơ bản như sau.
Đầu tư kinh doanh là cơ hội, đòi hỏi nhà đầu tư phải nhạy bén và sáng suốt để thành công (ảnh minh họa)
I. Giải thích từ ngữ
Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án hoạt động độc lập với dự án đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
II. Các hình thức đầu tư
Theo giải thích như trên, có thể thấy có các hình thức đầu tư cơ bản sau đây:
1. Bỏ vốn ra để thành lập doanh nghiệp (công ty TNHH, cổ phần, …)
Ví dụ: Ông A rủ ông B thành lập Công ty TNHH AB để kinh doanh mua bán xe gắn máy.
2. Góp vốn hoặc mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp có sẵn.
Ví dụ: Ông A thấy công ty TNHH B (do các ông X, Y, Z góp vốn thành lập) làm ăn tốt, nên ngỏ ý góp thêm vốn vào công ty B (trường hợp này công ty B sẽ tăng vốn điều lệ), hoặc đề nghị ông X bán lại một phần vốn cho mình (gọi là mua lại phần vốn góp).
3. Đầu tư theo hình thức ký kết hợp đồng với đối tác:
Trường hợp này có hai hình thức hợp đồng, gồm:
- Hợp đồng đầu tư đối tác công tư (hợp đồng PPP): là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư (Chính phủ quy định chi tiết về các loại hợp đồng cụ thể tại Nghị định 15/2015).
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế (không thành lập doanh nghiệp mới).
Ví dụ: Công ty A ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty B, cùng triển khai dự án xây dựng và kinh doanh khu du lịch A-B ở tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án liên doanh, hai bên không thành lập thêm doanh nghiệp nào khác.
4. Đầu tư theo hình thức xây dựng các khu kinh tế để khai thác, kinh doanh:
Đây là trường hợp các nhà đầu tư bỏ vốn để xin Nhà nước cho phép thành lập các khu kinh tế (khu công nghiệp, khu chế xuất …) – bao gồm hạ tầng, sau đó cho các doanh nghiệp khác thuê lại (quyền sử dụng đất) hoặc tự mình đầu tư nhà máy, sản xuất kinh doanh …
III. Áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế
1. Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư và luật khác có liên quan.
2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật đầu tư và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.
3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
4. Đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam. (Xem điều luật bên dưới).
IV. Chính sách về đầu tư kinh doanh của Nhà nước Việt Nam
1. Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật đầu tư không cấm.
2. Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
4. Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
5. Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
-------
Quy định tại Luật đầu tư 2014:
Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.