Được một đối tượng lạ mặt "đặt hàng" mua hổ và gấu về để nấu cao, hai người dân đã móc nối với đối tượng khác để thực hiện đơn hàng, tuy nhiên, trên đường vận chuyển cả nhóm đã bị cảnh sát môi trường bắt giữ, sau đó bị phạt tù. Đáng nói là sau khi ra tù, hai người này phát hiện ra người từng "đặt hàng" mình là một cán bộ công an và đi tố giác.
Ảnh: Ông Uông Bá Quyển tiến hành nhận dạng đối tượng Đông - người đã đặt mua hổ và gấu.
Tố giác đồng phạm sau khi ra tù
Ngày 10-6-2014, ông Uông Bá Quyển (ngụ xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông) gửi đơn đến các cơ quan chức năng ở TP.HCM, tố giác một đồng phạm. Ông Quyển là bị cáo trong vụ án mua bán động vật hoang dã, bị TAND quận 1, TP.HCM tuyên phạt 8 tháng tù giam vào năm 2008.
Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 9.2007, một người tên là Đông, nhà ở quận 8, TP.HCM đến quán cà phê đồng thời cũng là nhà ông Quyển tại Đắc Nông đặt mua xác một con hổ và một con gấu để nấu cao. Sau khi nhận yêu cầu của Đông, Quyển liên hệ với chủ quán nhậu thịt rừng quen biết với Quyển đặt mua xác hổ, gấu là Nguyễn Văn Dương. Dương đặt mua hàng của Nguyễn Đình Nam (ngụ Diễn Châu, Nghệ An, là tài xế lái xe tuyến Bắc – Nam). Nam đặt tiếp một người tên La Tuấn (ở Lào). Đến ngày 26.11.2007, La Tuấn giao hàng cho Nam. Nam đem vào TP.HCM giao cho Dương và Quyển để Quyển giao cho Đông. Trên đường đi giao nhận hàng, Nam và Quyển bị Cảnh sát môi trường (Cục Cảnh sát môi trường – C49, Bộ Công an) phát hiện, bắt giữ. Thời điểm này, Đông và người của Đông cùng đi với nhóm Quyển, Nam nhưng không bị bắt giữ.
Sau đó, TAND quận 1 tuyên phạt Quyển 8 tháng tù giam, Nam 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”; đồng thời tịch thu, tiêu hủy xác hai con thú này. Liên quan đến đối tượng Đông, kết luận điều tra và cáo trạng cũng như bản án đều nêu rõ: “Do Nam và Quyển không biết được nhân thân lai lịch của Đông vì vậy chưa có cơ sở điều tra xử lý. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh truy tìm, khi nào phát hiện được Đông sẽ tiến hành điều tra làm rõ và xử lý sau”. Bản án cũng nêu rõ, các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nhân thân tốt, động cơ phạm tội có tính chất nhất thời.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau khi ra tù, ông Quyển đã tìm ra đồng phạm của mình - đối tượng Đông. “Ngay sau khi ra tù, tôi bắt đầu đi tìm và cuối cùng phát hiện đối tượng Đông - người đã đặt hàng tôi mua hổ và gấu - thật ra là thượng tá Võ Văn Đông, cán bộ C49 phía Nam”.
“Chuyên án của chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm”
Trao đổi với báo chí về vụ việc này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng C49 đã xác nhận: Thượng tá Võ Văn Đông chính là người đã đặt mua hổ và gấu từ ông Quyển trong vụ án xảy ra năm 2007. Tuy nhiên, khi được hỏi sâu thêm về vụ việc này, Thiếu tướng Lý từ chối khi cho biết: “Đây là bí mật Nhà nước nên sẽ không cung cấp thông tin cho báo chí. Trong vụ án này, anh Vinh, Cục phó (đại tá Phan Hữu Vinh – Cục phó C49) là trưởng ban chuyên án. Chuyên án của chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Nhà báo có quyền tìm hiểu, chúng tôi có luật riêng của chúng tôi. Từ năm 2008 có người đã nêu vấn đề này ra và đã chốt lại rồi”.
Tuy vậy, phân tích về vai trò của thượng tá Võ Văn Đông trong vụ án này,
Luật sư Trần Hồng Phong - Cty Luật Hợp danh Ecolaw (quận 10, TP.HCM) cho rằng:
Trong vụ án này, việc xử lý hình sự đối với ông Quyển và ông Nam là chính xác. Nhưng nếu đã xác định được người mua thì phải khởi tố bị can để xử lý tiếp, không thể để lọt tội phạm. Trong trường hợp "người mua" là công an thì hành vi sai phạm càng nặng hơn, bởi pháp luật cấm gài bẫy để người khác vi phạm pháp luật. Do đối tượng Đông trong vụ án chưa được làm rõ nên cần thiết các cơ quan tố tụng phải tiếp tục làm rõ để xử lý đúng pháp luật.
LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Ranh giới mong manh
Trong hoạt động điều tra phát hiện tội phạm không bao giờ được phép gài bẫy, mà chỉ có quy định dùng biện pháp nghiệp vụ. Giữa việc gài bẫy và hành vi trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan điều tra nhiều khi ranh giới mong manh, khiến người bị "dính" có thể nghĩ mình bị gài bẫy. Tuy nhiên nói việc bị công an gài bẫy thì anh phải chứng minh được, còn không trở thành vu khống.
Trong vụ việc này theo tôi có những vấn đề sau: Thứ nhất, đối với hành vi buôn bán động vật quý hiếm là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, là một công dân anh phải biết điều đó. Cho nên nói do bị ai mồi chài, rủ rê cũng không thể trốn tránh được trách nhiệm khi sai phạm của anh bị phát giác. Vấn đề thứ hai nếu là một người bình thường, không am hiểu trong lĩnh vực mua bán động vật quý hiếm thì cho dù có người muốn gài bẫy thật thì cũng khó có thể mắc vào.
Luật sư Võ Đức Toàn – Đoàn Luật sư TP.HCM: “Hiếm có chuyên án nhỏ như thế này!”
Bản án có nêu hai đối tượng này phạm tội lần đầu, động cơ mang tính chất nhất thời, thuộc trường hợp ít nguy hiểm nên nói đây là chuyên án của Bộ Công an thì phải nói là rất hiếm. Nếu là chuyên án thì họ phải phạm tội nhiều lần, mang tính chất chuyên nghiệp, còn vụ này án giản đơn quá. Hành vi của họ bị xử lý là đúng, nhưng nếu hồ sơ vụ án có dính tới người mua, giờ phát hiện được thì phải làm rõ.
Trong các vụ án lớn, công an vẫn phải thâm nhập đường dây hoặc dùng đặc tình, nhưng phải rút ra kịp thời và không được thực hiện hành vi tội phạm. Vụ này nếu thực sự là chuyên án, có kế hoạch hẳn hoi mà “người mua” cũng thực hiện hành vi phạm tội thì cũng phải bị xử lý.
-------------------------
(Bài báo này đăng trên báo Dân Việt ngày 18-6-2014. Vì trong bài có ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên công ty luật hợp danh Ecolaw nên chúng tôi đăng lại làm tư liệu.
Bài gốc trên báo Dân Việt ở đường link sau đây:
http://danviet.vn/phap-luat/vao-tu-sau-khi-duoc-cong-an-dat-hang-mua-ho-449302.html