Thursday, June 18, 2015

Ra tòa, nhân chứng lắc đầu: ‘Bị cáo không phải là thủ phạm’


Ecolaw: Vụ án thuộc dạng nhỏ, đơn giản, nhưng đã bộc lộ nhiều sai sót nghiệp vụ thuộc dạng "kinh điển" của các cơ quan tiến hành tố tụng lâu nay. Cụ thể ở đây là cơ quan điều tra (công an) và cơ quan công tố (Viện kiểm sát). Án oan, án sai là từ những vụ án kiểu như thế này chứ đâu nữa. May mà nhờ Tòa còn có lương tâm và trách nhiệm. Chứ nếu dễ dãi là ... xong việc rồi!

Ngày 15-6-2015, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ cho VKS để điều tra làm rõ vụ Nhan Kim Hùng cướp giật tài sản. Lý do: Tại phiên tòa, nhân chứng nói bị cáo không phải là người thực hiện hành vi cướp giật.

Ai đã thực hiện hành vi cướp giật (ảnh minh họa)


Theo hồ sơ, chiều 17-4-2014, hai cặp vợ chồng người Đài Loan đi bộ qua đường Võ Văn Tần (phường 5, quận 3). Khi họ còn cách lề khoảng 1 m thì một phụ nữ trong nhóm bị giật túi xách. Người này giữ chặt giỏ nên “kẻ cướp giật” bó tay. Nạn nhân tri hô, chiếc xe tông thẳng vào chồng nạn nhân khiến “hai tên cướp” bị té xuống đường.

Hai người bị bắt là Hùng và Trần Thanh Tâm. Tại cơ quan điều tra, cả Tâm và Hùng đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Trong túi xách bị giật hụt có một số tài sản cá nhân cùng 800 USD và 26.000 nhân dân tệ. Từ đây, công an và VKS chỉ khởi tố, truy tố Hùng tội cướp giật tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS (dùng thủ đoạn nguy hiểm, có khung hình phạt 3-10 năm tù). Còn Tâm thì cơ quan tố tụng cho rằng chỉ là người chở Hùng, qua các chứng cứ thu thập không đủ căn cứ để xác định là đồng phạm nên không xử lý hình sự.

Trong quá trình thụ lý, TAND TP từng trả hồ sơ cho VKS yêu cầu thực hiện việc đối chất và làm rõ một số vấn đề của vụ án. Cụ thể, các nhân chứng trong hồ sơ xác định Hùng là người có hành vi cướp giật nhưng bị cáo này không thừa nhận mà nói đây chỉ là một vụ TNGT. Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm và không thực hiện việc đối chất.

Tại tòa, nhân chứng (là một trong những người tham gia “bắt giữ” Tâm, Hùng giao cho công an) lại có lời khai không như hồ sơ đã thể hiện. Nhân chứng Lê Tuân An (chứng kiến sự việc và tham gia “bắt giữ kẻ cướp”) trước tòa lại khẳng định Hùng không phải là người giật túi xách mà là người đi cùng.

Trước diễn biến này, tòa phải hoãn và trả hồ sơ.

---------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

1. Trước hết, tôi thấy chứng cứ và quan điểm kết tội của phía công tố là rất khiên cưỡng, theo kiểu "cố đấm ăn xôi", không muốn thừa nhận mình sai. Đối với một tội danh mà khung hình phạt là nhiều năm tù, thì việc này là không thể chấp nhận được. Vì rõ ràng đã quá coi thường uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Nếu oan sai thì sao? 

2. Đây có lẽ không phải là vụ án thuộc loại phạm tội bị bắt quả tang. Vì ngay từ đầu hai kẻ bị bắt đã không thừa nhận mình là người thực hiện hành vi cướp giật. Trong tình huống này, rõ ràng vai trò của nhân chứng (người chứng kiến) là vô cùng quan trọng. Và cũng không loại trừ tình huống khi đó đã bắt nhầm người, còn tên cướp thật sự đã tẩu thoát.

3. Tình tiết hai người (Hùng và Tâm) cùng đi trên một xe máy, nhưng việc cơ quan điều tra cho rằng Tâm chỉ là người chở, không đủ căn cứ xác định là đồng phạm, nên không truy tố - cho thấy một là cơ quan điều tra đã không có được chứng cứ và cơ sở để cho rằng Tâm và Hùng đã cùng "tổ chức" thực hiện hành vi cướp. Hai là như vậy, thì cho dù Hùng là kẻ có hành vi cướp, thì cũng chỉ có thể là hành vi phạm tội theo kiểu bộc phát. Tức là trước đó không hề tính toàn hay bàn bạc gì với Tâm. Mà chỉ khi đi ngang qua hai người khách du lịch nước ngoài mới nảy sinh ý định cướp. Và nếu như vậy, thì Tâm phải được xem là một "nhân chứng", vì đã chứng kiến hành vi cướp giật của Hùng (là người mà mình đã chở). Vậy Tâm đã khai như thế nào? Chẳng lẽ những lời khai này cơ quan điều tra không sử dụng, mà bỏ qua?

4. Chính vì có những mâu thuẫn, những điểm chưa rõ, nên Tòa án trả hồ sơ về để điều tra bổ sung. Cụ thể là tiến hành đối chất (những người có lời khai mâu thuẫn với nhau trực tiếp đối mặt, nói chuyện, trình bày với nhau dưới sự điều khiển của điều tra viên) để tìm ra sự thật khách quan. Thế mà Viện kiểm sát không thực hiện theo yêu cầu của Tòa, cho thấy họ đã thừa nhận sự yếu thế trong lý luận buộc tội. Vì nếu đối chất làm rõ được, thì chắc chắn họ đã tiến hành.

5.  Đặc biệt đáng lưu ý, là nhân chứng Lê Tuân An trong lời khai trong hồ sơ (do cơ quan điều tra và VKS lập) thì "nói" rằng Hùng chính là người có hành vi cướp. Nhưng ra Tòa nhân chứng này lại nói Hùng không phải là người cướp mà là "ngườ đi cùng" (tức là Tâm) - cho thấy ít nhất là cơ quan điều tra đã làm ẩu, hoặc có thể là "ép" hay "mớn" nhân chứng khai theo hướng quy kết Hùng phạm tội, để phù hợp với quan điểm kết tội của họ. Chính điều này là nguyên nhân có thể xảy ra oan, sai. Và đây cũng chính là một trong những vi phạm thuộc hàng "kinh điển" trong công tác điều tra, truy tố hiện nay: lời khai của các nhân chứng thường rất "khớp" với lời khai của bị cáo. Hồ sơ luôn có cảm giác rất "đẹp" về lời khai, nhưng lại hầu như không có chứng cứ gì (vật chứng, tài liệu liên quan ...). Trong khi thực tế không phải như vậy. Nói một cách nôm na là phong cách "trọng cung hơn trọng chứng" quá lộ!

6. Lẽ ra trong quá trình điều tra trước đây, cơ quan điều tra phải tiến hành việc nhận dạng. Tức là cho các nhân chứng nhận dạng (qua ảnh hoặc trực tiếp) "tên cướp" - xem có phải là Hùng hay không? Đây là phương pháp điều tra trực diện và khoa học nhất trong trường hợp này. Còn ở đây hồ sơ lại thể hiện nội dung "nhận dạng" qua bản lời khai. Khai, mà hai người trước đó không hề quen biết hay từng gặp mặt nhau, thì làm sao chính xác được. Hơn nữa theo quy định, nếu ghi lời khai nhân chứng thì có thể không cần người chứng kiến. Song nếu nhận dạng thì bắt buộc phải có người chứng kiến. Nói khác đi, kết quả nhận dạng luôn có giá trị và hiệu quả, chặt chẽ hơn trong việc xác định kẻ phạm tội là ai - so với "lời khai".

Vụ án nhỏ, nhưng nhiều điều chưa hề tỏ. Vậy mà vẫn đưa ra kết tội được. 

Ps. Nhân đây tôi cũng có câu chuyện "vui tá hỏa" muốn chia sẻ về tình huống nhân chứng "á khẩu" tại Tòa. Khoảng 10 năm trước, tôi có tham gia làm luật sư bảo vệ quyền lợi cho tờ báo P bị kiện ra tòa liên quan đến một bài báo. Phía nguyên đơn là một Hợp tác xã. Để có cơ sở và chứng cứ có lợi cho báo, tôi đã tìm gặp một nhân chứng trong vụ án. Qua trao đổi, anh này đồng ý sẽ ra Tòa và khai ra việc XXX. Đến ngày xét xử, khi bước vào phòng xử án tôi "phát hoảng" khi thấy trong phòng chật cứng người (phải cỡ 150 người), tất cả đều mặc đồng phục của Hợp tác giả đến theo dõi phiên tòa và "uy hiếp" tinh thần đối phương! Quá trình xét xử, nhiều ánh mặt thiếu thiện cảm, thậm chí đe dọa nhìn về phía anh nhân chứng của tôi. Đến phần hỏi, khi tôi mời nhân chứng thì anh này vì quá sợ, nên đã á khẩu, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của luật sư. Đây quả là tình huống bất ngờ nhất mà tôi từng gặp. Không biết làm sao, tôi đành phải mời nhân chứng về chỗ. Cả phiên tòa nhốn nháo, hiếu kỳ. Tuy nhiên vụ án cuối cùng kết thúc đẹp, sau khi tòa tuyên án (nội dung hòa giải), hai bên đều vui vẻ và rủ nhau ... đi nhậu! (hi). Thế cho nên mới có quy định bảo đảm an toàn cho nhân chứng là vậy.