Saturday, December 13, 2014

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: 4 nghi vấn trong vụ án giết người tàn độc


Ecolaw: Trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải kêu oan trong vụ giết hai nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An), luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Ecolaw là người được gia đình Hồ Duy Hải nhờ hỗ trợ pháp lý làm đơn kêu oan. Theo đó, luật sư Trần Hồng Phong đã gửi Đơn đề nghị giám đốc thẩm  đến cơ quan chức năng. Bài viết dưới đây đăng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 5-12-2014.

(PLO)- Những nghi vấn ấy rất cần được các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét thấu đáo để có quyết định cuối cùng không làm oan người vô tội nhưng cũng không để kẻ thủ ác lọt lưới pháp luật.

Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11-2008. Ảnh: Tuổi trẻ

LTS: Ngày 4-12, chỉ một ngày trước thời điểm thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải, người bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi (Long An), TAND tỉnh Long An đã quyết định hoãn thi hành án đối với tử tù này để chờ cấp có thẩm quyền xem xét. 

Nhân sự kiện này, PLO nêu lại những nghi vấn được phía luật sư và gia đình tử tù Hồ Duy Hải đưa ra xung quanh vụ án đã từng làm rúng động dư luận mấy năm về trước. 

Phần 1: Dấu vân tay tại hiện trường của ai?

Vụ án đã khép lại, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình Hồ Duy Hải về tội giết người. Cả hai phiên tòa, luật sư bào chữa chỉ ra nhiều điểm bất thường như dấu vân tay để lại hiện trường, con dao gây án, lời khai của Hải, các nhân chứng bất nhất… Cả hai phiên tòa, Hải đều không nhận tội và kêu oan.

Sau phiên tòa phúc thẩm, mẹ Hải cũng gửi hàng trăm lá đơn, nhiều lần ra Hà Nội đến các cơ quan chức năng kêu oan cho con. Luật sư Nguyễn Văn Đạt, đoàn luật sư TPHCM, bào chữa Hải đứng đơn kêu oan cho Hải. Ngày 1-7-2009, Văn phòng chủ tịch nước cho công văn gửi TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Gần hai năm sau, TAND tối cao có công văn trả lời là bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Tiếp đến, luật sư Trần Hồng Phong, đoàn luật sư TP.HCM được gia đình Hải nhờ hỗ trợ pháp lý, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập một số tư liệu, gặp trực tiếp nhân chứng…, ông cũng đứng đơn kêu oan cho Hải.

Hồ sơ vụ án: Kẻ máu lạnh giết người tàn độc

Theo bản án phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM ngày 24-8-2009, khoảng 19 giờ ngày 13-1-2008, Hồ Duy Hải đi xe gắn máy của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột) đến bưu điện Cầu Voi. Hải vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân. Khoảng 20 giờ 30, Hải đưa tiền và kêu chị Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất rồi lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.

Sau đó, từ chân cầu thang, Hải thấy Vân đi mua trái cây về, kéo cửa sắt xuống đóng cửa và đi vào. Khi Vân vừa xuống phòng sau Hải dùng ghế đánh vào đầu làm ngã xuống nền gạch. Sau đó Hải xốc nách Vân kéo đến chỗ xác chị Hồng, đặt đầu Vân nằm trên bụng chị Hồng và lấy dao inox cắt vào cổ chị Vân 2-3 cái.

Sau đó, Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao, bỏ dao vào sau tấm bảng, mở tủ lấy 1,4 triệu đồng, sim card điện thoại, điện thoại Nokia 1.100, tiếp tục xuống nơi xác chị Hồng và chị Vân nằm lấy nữ trang của các nạn nhân. Sau đó, Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân phía sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về nhà dì ruột tên Len, kêu cửa mẹ ruột (chị Loan) mở cửa, cất nữ trang vào bịch nilon rồi đi ngủ.

HĐXX nhận định: “Mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn, dao thái lan - song những cung khai của bị cáo đều trùng khớp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm… có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox, có việc bị cáo đốt quần áo …

Các nhân chứng khi khám nghiệm thu con dao thái lan không dính máu phù hợp với cung khai của bị cáo rằng sau khi gây án đã rửa sạch dao. Những cung khai và bản tự khai của bị cáo còn phù hợp với các biên bản nhận dạng về hung khí, về các tài sản đã chiếm đoạt của các nạn nhân, về các địa điểm mà bị cáo đã đến sau khi gây án.Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thừa nhận chính là thủ phạm giết chết Hồng và Vân, ngay cả bản tự khai, các bản cung có luật sư, có đại diện VKS tham gia bị cáo đều xác định và mô tả tỉ mỉ hành vi giết người của bị cáo.

Toàn bộ chứng cứ có đủ căn cứ xác định Hải là người đã giết chết chị Hồng và chị Vân”.

Dấu vân tay tại hiện trường của ai?

Trên cơ sở nhận định như nêu trên, cả hai cấp tòa đều tuyên tử hình Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản. Tuy nhiên, theo phía các luật sư, vụ án còn nhiều nghi vấn cần được làm rõ.

Cụ thể, theo cáo trạng, khi giết hai nạn nhân, Hải đã thực hiện hàng loạt động tác bằng tay như: bóp cổ, kéo xác, dùng dao, thớt, ghế đập đầu, cắt cổ hai nạn nhân. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận trên kính cửa vào buồng ngủ, ở mặt trong của kính trên cánh cửa buồng vệ sinh trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân.

Những vết vân tay này đều đã được cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường thu giữ. Dấu vân tay tại hiện trường là một chứng cứ quan trọng để xác định hung thủ thật sự của vụ án. Thế nhưng, theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11-4-2008) thì: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.

“Lời nhận tội của Hải đi vào buồng ngủ của Hồng, ra nhà vệ sinh và quan trọng là mở vòi nước nhà vệ sinh để rửa dao, rửa tay và quần áo không phù hợp với kết luận giám định. Lời nhận tội của Hải trong trường hợp này không được xem là chứng cứ kết tội bị cáo…” -luật sư  Nguyễn Văn Đạt bình luận.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Phong phân tích: Khoa học đã khẳng định và tới nay chưa thể bác bỏ - mỗi người chỉ có dấu vân tay duy nhất, không trùng khớp với ai. Như vậy, đây là chứng cứ ngoại phạm quan trọng và rõ ràng nhất, đủ cơ sở khoa học chứng minh Hải không thể là thủ phạm đã giết hai nạn nhân.

Thế nhưng, tại bản án sơ thẩm đã nhận định: “Vết máu thu được tại hiện trường tuy giám định không phải là của bị cáo song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay cũng như mẫu tóc ngắn bị gãy không giám định được là đương nhiên. Tóm lại việc truy tố Hồ Duy Hải về tội giết người và cướp tài sản là hoàn toàn có căn cứ và khách quan đúng với diễn biến…”.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hồng Phong: “Không phải là “máu không đủ lượng” hay “không giám định được”, cơ quan giám định không hề nói như vậy mà đã giám định được và kết luận dấu vân tay không phải của Hải. Hai cấp bác bỏ chứng cứ khoa học về dấu vân tay là bỏ lọt chứng cứ ngoại phạm quan trọng nhất Hải…”.

Một câu hỏi không thể không đặt ra là: Dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Vì sao trong hồ sơ vụ án không có kết quả giám định vân tay của những người có quan hệ tình cảm và có khả năng có mặt tại bưu điện Cầu Voi tối 13-1-2008 như Nguyễn N., Nguyễn. S. Việc truy tìm dấu vân tay có thể làm được thông qua tàng thư căn cước nhưng các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử đều không được làm rõ.

Phần 2: "Kỳ lạ" con dao gây án

Con dao được dân phòng phát hiện đó thực tế vẫn là một con dao “ảo”, chỉ do các dân phòng thấy. Con dao này cũng đã bị mất, không được thu giữ.

Bưu điện Cầu Voi là một ngôi nhà gồm hai tầng (trệt và lầu 1). Tại thời điểm xảy ra vụ án, lầu 1 vẫn sử dụng bình thường. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14-1-2011 chỉ ghi đơn giản như sau: “ Trên lầu là khu vực để máy móc thiết bị, cửa còn khóa, không có dấu vết cạy cửa”.

Ai ở trong bưu điện đêm xảy ra vụ án?

Ngày 25-11-2011, luật sư Trần Hồng Phong gặp ông Nguyễn Văn Thu (một trong những người phụ trách dọn dẹp hiện trường vụ án) và chị Lê Thị Thu Hiếu (nhân viên Bưu điện xã Nhị Thành), bạn thân hai nạn nhân và là người có mặt tại bưu điện trong cả ngày 13-1-2008). Đây cũng là hai nhân chứng trong vụ án.

Trao đổi với luật sư Phong, chị Hiếu cho biết: Anh S. thường ghé thăm Hồng vào buổi tối và mỗi lần đều ngủ lại (điều này cũng hoàn toàn phù hợp với lời khai của S.). Khi S. ở lại thì S. và Hồng ngủ trên lầu 1, có lần chị Hiếu đã ngủ lại tại bưu cục lúc có S. nên biết rõ như vậy (Hiếu và Vân ngủ ở phòng bên dưới, Hồng và S. ở trên lầu).

Chị Hiếu khẳng định chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải, và chưa gặp Hải tại bưu điện Cầu Voi nhưng nhiều lần gặp S. và N.. Chị Hiếu cho biết ngày xảy ra vụ án, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với S. hai lần và Hồng khẳng định chắc chắn tối hôm đó S. sẽ về. Tới lúc 17 giờ chiều, Hiếu không hề nghe Hồng nói S. không về.

Ông Thu cũng kể lại với luật sư Phong: Tối 13-1-2008, lúc gần 19h ông đã chở Hải (ông Thu hành nghề xe ôm) về nhà. Hải xuống bến xe bus trên chuyến xe từ TP.HCM về Long An, tại ngã ba Bình Ảnh. Lúc này Hải mặc áo sơ mi, đội nón kết và trên tay cầm tờ báo. Ông Thu đã chở Hải tới tận cổng nhà. Sau đó, lúc khoảng 21h30-22h đêm, anh Thu chở 2 người khách, đi ngang qua bưu cục Cầu Voi và thấy “trên lầu 1 Bưu điện còn sáng đèn. Cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng”. Theo luật sư Phong, cả ông Thu và chị Hiếu đều cam kết về lời kể này và sẵn sàng làm việc với cơ quan điều tra.

Đây là những thông tin hoàn toàn mới. Nếu đúng thì rõ ràng trong đêm 13-1-2008 đã có người ở trên lầu 1 bưu điện. Người đó là ai? Đây là vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Kỳ lạ hung khí gây án

Theo cáo trạng, Hải đã dùng “con dao thái lan dài 28cm, ngang 3 cm” tại bưu điện để cắt cổ hai nạn nhân. Tuy nhiên, biên bản giám định khám nghiệm hiện trường ngày 15-1-2008, kết luận: “chúng tôi không phát hiện dấu vết đồ vật nào liên quan đến vụ việc”. Thế nhưng, qua ngày hôm sau, các dân phòng trong quá trình dọn dẹp hiện trường thấy một con dao “mới tinh” tại bưu cục nhưng không thu giữ mà đem đốt đi và sau đó người mua ve chai đã lượm lưỡi dao đi mất. Sau đó, các dân phòng đi mua con dao tương tự đưa cho công an.

Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người đã bào chữa cho Hải ở hai cấp tòa đặt vấn đề: Có phải hai nạn nhân bị giết bằng dao như lời nhận tội của Hải hay không? Và con dao đó phải là con dao mà các dân phòng tìm thấy không? Việc xem lời nhận tội của Hải sử dụng con dao để gây án và con dao ấy chính là con dao các dân phòng phát hiện như cáo trạng quy kết là suy diễn quá chủ quan.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Phong nhận định: “Con dao được dân phòng phát hiện đó thực tế vẫn là một con dao “ảo”, chỉ do các dân phòng thấy. Con dao này cũng đã bị mất, không thu giữ.

Liệu những tình tiết như trên, từ một con dao mơ hồ về nguồn gốc, không có dấu vết tội phạm và không còn tồn tại, căn cứ vào điều luật nào để có thể kết luận rằng đó là con dao của bưu điện và Hải đã dùng con dao đó để giết người? Trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định tang vật là phải “có thật” và “liên quan trực tiếp” đến tình tiết của vụ án?”.

Nhân chứng không nhìn thấy Hải?

Theo cáo trạng, nhân chứng Đinh Vũ Thường thấy Hải tại bưu điện Cầu Voi. Tại biên bản lời khai ngày 31-3-2008, Thường khai với cơ quan điều tra chưa bao giờ nói đã nhìn thấy Hải mà chỉ thấy thấp thoáng “một thanh niên” bên trong bưu điện - tầm nhìn bị ngăn cách qua một lớp kính, khoảng cách xa (6-12m), điều kiện ánh sáng ban đêm.

Ngày 7-12-2011, luật sư Phong đã trực tiếp gặp anh Thường. Anh Thường khẳng định mình không thể nhận diện “người thanh niên” được. Việc cáo trạng ghi anh đã “nhìn thấy Hải” là sai sự thật.

TRUNG DUNG

-------------------------

Tòa án