Sunday, July 27, 2014

Vụ hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại: tử tội Hồ Duy Hải kêu oan

Tháng 4-2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối Cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm, tuyên bị cáo Hồ Duy Hải mức án tử hình do phạm tội giết người (trong vụ hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi huyện Thủ Thừa, Long An bị giết hại dã man đầu năm 2008). Tuy nhiên, tới nay Hải vẫn liên tục kêu oan. Báo Pháp luật TP.HCM ngày 18-8-2009 đã có bài viết phản ánh về vụ án này, với nội dung chỉ ra rằng có nhiều sai sót trong quá trình điều tra.

Đây là Hồ Duy Hải - người đã bị tuyên án tử hình về tội giết người. Hiện nay (tháng 7/2014) tử tội này vẫn chưa bị thi hành án và vẫn đang gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng (ảnh do gia đình cung cấp và đăng trên báo Pháp luật TP.HCM. 

Giết hai cô gái một cách dã man

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, khoảng 20 giờ tối 13-1-2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi gặp hai nhân viên nữ ở đây là H. và V.

Khi Bưu điện đến giờ đóng của, Hải đưa tiền cho V. đi mua trái cây về ăn. Lúc V. đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với H. nên nắm tay kéo cô vào buồng, đẩy nằm ngửa xuống đi văng. H. kháng cự, đạp vào bụng Hải rồi ngồi dậy chạy về phía sau cầu thang. Hải đuổi theo xô H. vào góc tường và H. đã kêu la.

Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay đánh mạnh vào mặt, bóp cổ, đẩy H. ngã xuống sàn gạch. Hải lấy cái thớt tròn đập vào vùng mặt và vùng đầu làm cho H. ngất đi. Tiếp đó, Hải lấy một con dao inox cắt cổ H. Sau khi thấy H. nằm im, Hải ra phía sau phòng vệ sinh rửa dao và tay cho sạch máu.

Khi V. đi mua trái cây về, Hải sợ V. phát hiện nên dùng ghế xếp inox thủ sẵn đánh vào đầu V. Cú đánh khiến V. ngã xuống thềm gạch. Hải xốc nách kéo V. đến gần xác H., đặt đầu V. nằm trên bụng H. và lấy dao cắt vào cổ V.

Sau khi có hành động hết sức man rợ như vậy, vì bị máu của nạn nhân bắn vào tay và áo nên Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao rồi lên nhà trên bỏ dao vào tấm bảng lớn cặp vách tường gần cầu thang.

Tiếp đó, Hải lấy tiền, sim card, điện thoại của bưu điện, lấy vàng của các nạn nhân rồi về nhà tắm giặt và đi ngủ. Năm ngày sau, Hải đem số tài sản trên lên TP.HCM bán được 3,7 triệu đồng.

Hung khí gây án đã bị mất

Sau khi bị bắt, Hải bị truy tố về hai tội : giết người và cướp tài sản.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, Bản giám định pháp y xác định cả hai nạn nhân chết do bị vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước, gây choáng chấn thương, mất máu cấp. Hung khí là vật sắc bén, có bờ mép sắc gọn.

Tuy nhiên tại hiện trường không thu được con dao nào.

Về việc xác định hung khí, nửa tháng sau khi hai nạn nhân bị giết, cơ quan điều tra đã triệu tập những người được thuê dọn dẹp hiện trường để lấy lời khai. Những người này xác nhận khi dọn dẹp họ đã thu được một con dao sạch nằm cặp phía trong tấm bảng ngay chân cầu thang, gần nơi hai tử thi nằm.

Lúc đó họ đã báo cho cán bộ Công an huyện Thủ Thừa và Công an xã Nhị Thành nhưng cán bộ bảo rằng “Chắc không có gì đâu, thôi bỏ đi!” nên họ đã dùng con dao đó cạo máu trên nền gạch rồi đem dao đi đốt.

Qua ngày hôm sau, Công an huyện Thủ Thừa yêu cầu họ quay lại nơi đốt để kiếm con dao. Nhưng không tìm thấy dao, một người bèn chạy ra chợ mua một con dao khác giao nộp công an và khẳng định nó giống với con dao đã đốt. Chính mẫu dao này đã được cơ quan điều tra sử dụng để Hải nhận dạng như một hung khí gây án.

Với diễn biến như vậy, có thể thấy hung khi gây án chưa có và thực chất mới chỉ được xác định dựa trên sự suy luận của phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Phải chăng còn một ai khác?

Cơ quan điều tra đã thu được một số dấu vân tay ở tay nắm vòi nước trong phòng vệ sinh. Nếu theo đúng Cáo trạng, thì vì Hải đã vào phòng vệ sinh rửa tay, nên gần như chắc chắn dấu vân tay thu được trên vòi nước phải khớp với dấu vân tay của Hải. thế nhưng theo bản kết luận giám định, các dấu vân tay này không trùng với dấu vân tay của Hải. Vậy các dấu vân tay này là của ai ? Điều này chưa được làm rõ.

Nhưng theo chúng tôi, đáng chú ý nhất là lời khai của nhân chứng tên T.

Theo nhân chứng T. , khoảng 20 giờ hôm xảy ra án mạng, anh có ghé vào Bưu điện Cầu Voi để gọi điện thoại và nhìn thấy một thanh niên ở đây. Theo T., người thanh niên này mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ. Trong khi đó, Cáo trạng lại mô tả Hải mặc áo thun màu xanh, trên ngực có hàng chữ màu trắng.

Theo Cáo trạng, nhân chứng T. là người đã gọi điện thoại cuộc cuối cùng cho Hải. Nếu thực sự như vậy, theo lẽ thông thường T. và Hải phải quen biết nhau từ trước (thì mới gọi điện cho nhau). Nhưng T. lại không khẳng định người thanh niên đó chính là Hải mà lại mô tả Hải theo kiểu nhận dạng như đối với một người không quen biết.

Cũng theo Cáo trạng, khoảng 1 tuần sau khi gây án, Hải sợ bị phát hiện nên lấy bộ quần áo đã mặc khi gây án và dây thắt lưng bằng da đi đốt. Tuy nhiên, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM đối với tàn tro thu giữ được cho thấy “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo...”.

Với những tình tiết như vậy, liệu đã chắc chắn có đủ cơ sở để khẳng định người thanh niên mà anh T. trông thấy tối hôm đó chính là Hải, hay là một người khác ?

Tại hai phiên tòa sơ thẩm tại Long An cuối 2008 và tại Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tháng 4-2009, Hải đều kêu mình bị oan.

Thế nhưng, theo hai cấp tòa, trong quá trình điều tra Hải đã nhận tội và lời khai nhận tội của Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường cũng như lời khai của những người dọn dẹp hiện trường. Từ đó Tòa kết luận có đủ căn cứ xác định Hải đã giết chết H. và V..

Hai cấp tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) đã tuyên tử hình bị cáo Hải về tội giết người và 5 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi : với những chứng cứ đầy mâu thuẫn như đã phân tích trên, liệu các cấp tòa án có đủ cơ sở thuyết phục để tuyên án tử hình một con người?

--------------------------------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

 1. Kết tội một người là việc hết sức khó khăn, quan trọng, vì việc một người có tội hay không ảnh hưởng đến danh dự, uy tín không chỉ cá nhân người đó mà còn cả gia đình, nhân thân của họ. Chính vì vậy, pháp luật đã qui định cần hết sức thận trọng, khách quan, đúng thủ tục trong quá trình tố tụng của một vụ án : từ việc điều tra, truy tố cho đến xét xử. Việc bất kỳ ai, bất kỳ vị trí nào, vai trò nào trong vụ án, nếu có những sai sót, thiếu trách nhiệm … đều có thể dẫn đến việc truy tố, kết tội oan cho người khác.

2. Việc xác định có hay không hành vi phạm tội trong một vụ án cụ thể không phải bao giờ cũng đơn giản, kể cả trong những trường hợp tưởng chừng đơn giản, chứng cứ rõ ràng, có người nhận tội. Pháp luật hình sự qui định tòa án không được kết tội ai nếu không/chưa có đủ căn cứ vững chắc chứng minh rằng người đó có tội. Điều này đồng nghĩa với việc thà bỏ lọt còn hơn kết tội oan một con người.

3. Lời khai nhận tội của bị cáo không phải bao giờ cũng đúng. Chính vì vậy, luật qui định lời khai nhận tội của bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ khi phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Trong bối cảnh “một mình giữa muôn trùng vây”, dưới áp lực của sự răn đe, thậm chí là hành vi tra tấn ( cả về thể xác lẫn tinh thần) – dù rằng luật cấm điều này – từ phía cán bộ điều tra, không ít bị can đã khai nhận tội một cách hết sức “rõ ràng”, thậm chí “tuyệt vời đến mức vô lý”. Chính vì vậy, mới có cảnh ra tòa phản cung, kêu bị ép cung, bị đánh đập. Chính vì vậy mới có qui định luật sư được phép chứng kiến và tham gia phiên hỏi cung. Chính vì vậy, Liên hợp quốc mới kêu gọi các nước tham gia vào hiệp định chống tra tấn …

4. Ngược lại, các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) trong nhiều trường hợp phải chịu áp lực của dư luận xã hội, của phía gia đình nạn nhân, của các cấp chính quyền …, cùng với sự quá tải trong công việc ( nhiều việc, ít người, trình độ chuyên môn thấp …) nên đôi khi đã tiến hành việc điều tra, xét xử theo kiểu chạy theo thời gian, nặng về “thành tích” mà xem nhẹ hoặc bỏ qua những qui định mang tính nguyên tắc, những nghi vấn, nội dung lẽ ra cần phải được làm rõ, thiếu sự tỉnh táo và khách quan cần thiết.

5. Khoảng năm 2000, có trường hợp bị cáo Bùi Minh Hải (ở Đồng Nai) cũng đã bị tòa án tỉnh Đồng Nai tuyên án chung thân về tội giết người (nạn nhân cũng là một cô gái). Nguồn gốc của việc anh Hải bị “tóm cổ” là do anh đã đánh rơi chiếc đồng hồ đeo tay cách nơi xảy ra án mạng khoảng vài chục mét. Nhưng nay sau đó (thật may !) bất ngờ có một bị can khác trong một vụ án khác là Nguyễn Văn Tèo khai nhận chính mình là người đã giết cô gái trong vụ án của anh Hải. Nhờ vậy, anh Hải tự nhiên được “thoát tội”, báo chí đăng rần rần.

Chính tôi, khi đó là luật sư tập sự, được phân công bào chữa chỉ định cho bị cáo Tèo. Tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đã bày tỏ sự băn khoăn trong vụ giết cô gái mà Tèo khai nhận vì có quá nhiều tình tiết chưa rõ, mơ hồ, một chiều. Tòa án tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận đề nghị của tôi, tuyên tách vụ này ra điều tra bổ sung. Nhưng vì Tèo đã giết nhiều người (trong đó có cả bé gái 8 tuổi) nên vẫn bị tuyên tử hình. Tôi cũng chính là người đã bào chữa cho Tèo tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND Tối Cao tại TP.HCM xét xử. Kết quả Tèo vẫn bị tuyên án tử hình. Khoảng hơn 1 năm sau, qua báo chí tôi được biết Tèo đã bị tử hình. Thế nhưng, cô gái bị giết trong vụ án anh Hải thì vẫn còn nguyên đó. Và có lẽ do Tèo đã chết, nên không ai biết sự thật của vụ án này là gì ? Ai là người đã giết cô gái đó có lẽ vẫn là một bí ẩn vĩnh viễn. Sở dĩ tôi nêu ra vụ việc này là muốn nói rằng : các cơ quan tố tụng hoàn toàn có khả năng có thể sai sót. Do vậy, cần phải hết sức cẩn thận khi tuyên án.

6. Quay lại vụ án hai cô gái Cầu Voi, chúng ta thấy rõ ràng thấp thoáng đâu đó còn có một “người thanh niên” có sự khác biệt so với Hồ Duy Hải. Các chứng cứ quan trọng nhất và trực tiếp liên quan đến cái chết của hai cô gái chưa được xác định. Các chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để kết tội Hải đều là các chứng cứ gián tiếp. Động cơ, mục đích của Hải tại buổi tối định mệnh đó không rõ ràng hay chính xác hơn đều mang tính bất chợt, không phù hợp với tư duy và logic tâm lý của một người bình thường. Hành vi phạm tội kéo dài, nhiều động tác, man rợ một cách không cần thiết hoặc vô lý… Chính vì vậy, dù không hề có ý định “cãi” cho Hải, tôi vẫn thực sự băn khoăn và muốn nói rằng : bản án đối với Hải có thực sự là công bằng, khách quan ?

----------------------------------------------------

Quí vị có thể xem bài viết trên báo Pháp luật TP.HCM về vụ án này tại địa chỉ sau:

http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=266237