Quần chúng bắt một kẻ cướp giật trên đường phố TP.HCM (ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)
Bài 1 :
Vụ cướp điện thoại và quá trình điều tra vụ án hình sự
Huỳnh Kiều giới thiệu
Ngày 25-2-2010, tại trụ sở TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã tiến hành xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự. Bị cáo Lê X. đã bị tuyên phạm tội “cướp giật tài sản” và chịu mức án 3 năm tù.
Trước đó, tối ngày 23-05-2009, chị T. (22 tuổi) đang đi bộ trong hẻm 36 Điện Biên Phủ, phường 15, Quận Bình Thạnh, vừa đi vừa nói chuyện bằng điện thoại di động thì bất ngờ một chiếc xe gắn máy chở hai thanh niên chạy ào qua. Người thanh niên ngồi phía sau đã dùng tay giật chiếc máy điện thoại trên tay chị T.
Sau khi bị cướp, chị T. truy hô và đuổi theo tên cướp. Chiếc xe chở hai thanh niên bị ngã, cả hai bỏ chạy. Sau đó, lực lượng Dân phòng và chị T. đã bắt giữ được kẻ cướp giật (tên là Lê X.).
Sau đó, Lê X. đã bị bắt tạm giam (cho đến ngày xét xử), và sau đó bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố bị can, điều tra Lê X. về hành vi cướp giật tài sản.
Sau một quá trình điều tra khá lâu (hơn 6 tháng), ngày 18 -12-2009, Cơ quan điều tra Công an quận Bình Thạnh có bản Kết luận điều tra vụ án. Nội dung như sau:
• Bản kết luận điều tra
(Tóm tắt nội dung – giữ nguyên câu chữ):
“Khoảng 20 giờ 50 ngày 23-05-2009, chị Nguyễn Thị T. (sinh 1988), đang đi bộ trong hẻm 36 đường Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thạnh, trên tay đang cầm điện thoại di động hiệu Samsum X520 để nghe thì bị tên V. (sinh 1990), điều khiển xe máy biển số 50M – XXXX chở tên Lê X. ngồi sau dùng tay phải cướp giật điện thoại của chị T. Sau khi bị cướp giật chị T. truy hô và đuổi theo cùng quần chúng hỗ trợ bắt giữ được tên X. và V. thu hồi tang vật và phương tiện gây án.
Tại cơ quan điều tra, Lê X. khai nhận tội và khai chỉ thực hiện cướp giật ĐTDĐ có một mình không bàn bạc với V., do đó Cơ quan điều tra Công an Q. Bình Thạnh khởi tố tạm giam đối với Lê X.
Đây là vụ án “Cướp giật tài sản” do bị can Lê X. thực hiện. Hành vi của bị can lợi dụng sơ hở của người đi đường để cướp giật tài sản nhằm mục đích kiếm tiền tiêu xài. Hành vi trên của X đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản và có thể gây ra nguy hại tính mạng sức khỏe của người khác, đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra và công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị Tòa án cần có bản án nghiêm khắc đối với Lê X. mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được cùng lời khai nhận của bị can có đủ cơ sở kết luận: Hành vi của bị can Lê X. đã phạm vào tội cướp giật tài sản được quy định tại điều 136 Bộ luật hình sự.
Đối với V., tại cơ quan điều tra y khai việc cướp giật ĐTDĐ ngày 23-5-2009 y không có tham gia cướp giật hay bàn bạc giúp sức cho X. Xét thấy chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cướp giật đối với V., nên cơ quan điều tra công an ra quyết định thông báo địa phương quản lý giáo dục đối với V. từ ngày 12- 12-2009”.
Theo đó, cơ quan điều tra công an quận Bình Thạnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang VKSND quận Bình Thạnh đề nghị truy tố bị can Lê X. ra trước pháp luật.
5 giai đoạn của một vụ án hình sự
Một vụ án hình sự điển hình bao gồm và trải qua 5 giai đoạn sau :
- Khởi tố : khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
- Điều tra : điều tra, làm rõ các tình tiết trong vụ án.
- Truy tố : hoàn tất bản luận tội (cáo trạng) chuẩn bị đưa ra xét xử.
- Xét xử (gồm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm).
- Thụ hình : thi hành án – đối với người bị kết án (có tội).
Như vậy, quá trình điều tra và ra Kết luận điều tra trong vụ án kể trên thuộc giai đoạn đầu của một vụ án hành sự : khởi tố, điều tra.
Theo qui định, khi có ai đó (trong trường hợp này là Lê X.) có hành vi nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tính mạng sức khỏe của người khác (trong trường hợp này là chị T.) có dấu hiệu phạm vào các qui định trong Bộ luật hình sự - thì bị xem là có dấu hiệu phạm tội.
Khi đó, người có dấu hiệu phạm tội sẽ bị cơ quan tiến hành tố tụng (trong trường hợp này là Công an Quận Bình Thạnh) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. ( Quyết định này phải được VKSND cùng cấp ( ở đây là quận Bình Thạnh) – là nơi sẽ nắm quyền công tố (kết tội) Lê X. tại phiên tòa xét xử sau này phê chuẩn (chấp thuận).
Lúc này (sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự), vụ việc sẽ chính thức được cơ quan công an tiến hành điều tra. Mục đích là nhằm làm rõ xem hành vi của Lê X. có đúng là hành vi phạm tội – theo qui định tại Bộ luật hình sự hay không. Những người trực tiếp và có thẩm quyền, nghiệp vụ điều tra là các ‘điều tra viên”.
Xét về mặt thủ tục tố tụng, lúc này Lê X. trở thành “bị can” – tức là người đang bị điều tra về hành vi phạm tội.
Trong sự việc này, có một tình tiết cần lưu ý là Lê X. đã bị bắt tạm giam ngay sau khi gây án (sau khi có hành vi cướp giật). Theo qui định, khi bị can đang bị điều tra về các tội bị đánh giá là nghiêm trọng hoặc có cơ sở cho rằng bị can có thể bỏ trốn – thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền bắt tạm giam, để phục vụ cho việc điều tra, xét xử. Biện pháp “bắt tạm giam” thuộc nhóm các “biện pháp ngăn chặn” – qui định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Sau khi điều tra, Cơ quan điều tra sẽ thể hiện kết quả điều tra của mình trong một văn bản tố tụng có tên gọi là “Kết luận điều tra”. Thông thường, kết luận điều tra sẽ thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:
- Đình chỉ vụ án. Tức là “dẹp bỏ” không tiến hành các bước tiếp theo. Đây có thể là các trường hợp như : không chứng minh được bị can phạm tội hoặc không tìm ra người phạm tội … Ví dụ như trong vụ chó cắn chết người trong rẫy cà phê ở Buôn Mê Thuột gần đây, cơ quan điều tra công an tỉnh Daklak (qua điều tra sơ bộ) cho rằng không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự vì không có dấu hiệu tội phạm (không có người thực hiện hành vi cố tình xua chó cắn người, mà do chó “tự do” cắn).
- Đề nghị truy tố. Đây là trường hợp cơ quan điều tra đã có đầy đủ chứng cứ để xác định bị can có hành vi phạm tội. Do vậy đề nghị đưa ra truy tố, xét xử và chuyển hồ sơ qua VKS để đưa ra truy tố.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra quận Bình Thạnh sau quá trình điều tra đã cho rằng cho có đủ căn cứ để đưa ra truy tố Lê X. về tội cướp giật tài sản theo qui định tại Điều 136 Bộ luật hình sự.
Như vậy, tới đây xem như vụ án hình sự này đã đi qua hai giai đoạn đầu tiên là khởi tố - điều tra và bước qua các giai đoạn tiếp theo là truy tố và xét xử.
Chúng ta sẽ cùng “theo bước” vụ án này trong bài viết tiếp theo.
----------------------------------------------------
Qui định của pháp luật :
Bắt tạm giam
Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND các cấp, Chánh án, Phó Chánh án TAND các cấp, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có quyền ra lệnh bắt tạm giam bị can, bị cáo để tạm giam.
Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Ai cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự
Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Hội đồng xét xử (Tòa án) ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định.
Khởi tố bị can
Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
( Theo các điều 80, 82, 104 và 126 Bộ luật tố tụng hình sự)