Saturday, August 2, 2014

Vụ án nữ sinh giết người : câu chuyện buồn ngày cuối năm

Suốt nhiều tháng qua và đặc biệt trong ngày hôm qua (30-12-2009) và hôm nay (31-12-2009), trên trang nhất của hầu hết các báo ở Việt Nam đều đưa tin về vụ án nữ sinh viên Kim Anh giết người trên xe ô tô. Chiều nay 31-12-2009, trong những giờ phút cuối cùng của năm 2009 này, tòa án sẽ ra phán quyết của mình. Thật là một câu chuyện buồn trong ngày cuối năm.


Bị cáo Kim Anh tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30-12-2009 ( ảnh Vietnamnet)


Động cơ giết người chưa rõ?

Theo các báo, phiên toà sơ thẩm ngày hôm qua 30-12-2009 đã “nóng” cho đến tận khi đã kết thúc. Do thái độ có phần quá khích của gia đình bị hại, cảnh sát đã phải bảo vệ bà mẹ của bị cáo Kim Anh ra tận xe.

Báo Vietnamnet tả “Hoà lẫn trong tiếng gào khóc, la ó của gia đình bị hại là tiếng nấc khe khẽ của mẹ bị cáo. Bà không dám khóc to, cố gìm từng tiếng nấc nhỏ và khẽ gọi “con ơi, con ơi...”. Thật là một cảnh tượng nặng nề, tang thương trong một ngày cuối năm, khi mà lẽ ra tất cả đang vui vẻ đón chào năm mới.

Tranh luận tại tòa, luật sư Phạm Hồng Hải, người bảo vệ cho bên bị hại cho rằng: động cơ phạm tội của bị cáo chưa được làm rõ. Theo ông Hải cho rằng trong lời khai của Kim Anh còn nhiều điểm vô lý. Ông Hải cho rằng chưa xác định đựợc động cơ của Kim Anh khi đi chơi với ông Chính vì trước khi đi chơi với nạn nhân, Kim Anh có nhắn cho ông Chính nội dung “Ông vớ vẩn quá đấy”. Nội dung tin nhắn thể hiện sự không hài lòng của bị cáo với ông Chính, nhưng vì động cơ gì mà Kim Anh lại chịu đi chơi với người tình cũ ? Phải chăng còn có ai đó đứng sau vụ giết người này ?

Với quan điểm như vậy, luật sư Hải cho rằng cần trả hồ sơ điều tra lại vụ án.

Sờ ngực “người tình cũ” không phải là hành vi sàm sỡ ?

Theo quan điểm của luật sư Hải, không có bằng chứng cho thấy ông Chính đã sàm sỡ với Kim Anh. Việc Kim Anh khai ông Chính đã 3-4 lần sờ ngực rồi có ý định hiếp dâm cô ta, chỉ là lời khai một phía, không có tài liệu nào chứng minh.

Cũng theo ông Hải, giả sử có hành vi sàm sỡ của ông Chính ( nạn nhân) thì Kim Anh cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ ( Phạm tội trong tâm trạng bị kích động, khi người kia có hành vi vi phạm pháp luật trước với bị cáo).

Theo quan điểm của ông Hải thì "sờ tay vào ngực người tình cũ không phải là hành vi vi phạm pháp luật".
Bào chữa cho bị cáo Kim Anh, luật sư Hằng Nga cho rằng hành vi sàm sỡ của ông Chính là đã vi phạm pháp luật vì bị cáo không đồng ý. Hành vi đó có thể coi là hành vi xâm hại tình dục. Không thể nói rằng ngày hôm qua Kim Anh đồng ý đi nhà nghỉ với ông Chính thì hôm nay Kim Anh sẵn sàng để cho ông Chính sàm sỡ.

Theo chúng tôi ( ecolaw.vn), bất luận như thế nào thì hành vi sờ ngực một phụ nữ khi họ không đồng ý không thể nói là hành vi không sàm sỡ.

Kim Anh : "Những lời bị cáo khai là thật "

Tại tòa, bị cáo Kim Anh đã khóc nức nở nhiều lần. Bị cáo nói : “Những lời bị cáo khai là sự thật. Con dao gây án là con dao bị cáo phát hiện được trên xe. Luật sư vu khống cho bị cáo vì việc ông Chính túm tóc và đè ngửa bị cáo ra là sự thật”.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Kim Anh nói : “Thưa gia đình ông Chính, cháu biết cháu đã gây ra mất mát cho gia đình. Cuộc đời cháu đã đánh mất tất cả. Gia đình và bố mẹ cháu cũng đã rất đau khổ rồi, xin cô tha thứ cho lỗi lầm của cháu”.

Cũng theo Vietnamnet, khi phiên tòa kết thúc “người ta cảm nhận được nỗi đau lớn của gia đình bị hại và sự ăn năn hối hận của bị cáo”.

Với lý do vụ án phức tạp, Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án lâu và sẽ tuyên án vào 14 giờ nay 31-12-2009.
-----------------------------------

Tin cập nhật :

14 năm tù cho bị cáo Kim Anh

Chiều 31-12-2009, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Kim Anh, sinh năm 1987, 14 năm tù về tội giết người.


Tòa đang tuyên án (sơ thẩm)

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo phải bồi thường 69,5 triệu đồng tiền tang lễ, thu nhập của người bị hại; đồng thời phải trợ cấp 200.000 đồng/tháng chi phí phụng dưỡng bà Đinh Thị Tẹo, mẹ đẻ nạn nhân Nguyễn Tiến Chính, kể từ khi nạn nhân bị sát hại đến lúc bà Tẹo qua đời.

Theo đánh giá của Hội đồng xét xử, lời khai của bị cáo trước tòa phù hợp với hồ sơ, có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội giết người, có tính chất đôn đồ. Hội đồng xét xử cũng nhận định bị cáo không phải người chủ động rủ nạn nhân Nguyễn Tiến Chính đi chơi tối 13-2-2009, không có động cơ mục đích khi dùng dao cứa cổ anh Chính, việc giết người là tức thời và không có đồng phạm.

Hội đồng xét xử cũng kết luận việc anh Chính có hành vi sàm sỡ đối với bị cáo là có cơ sở nhưng không xác định được đã đến mức vi phạm pháp luật hay chưa. Tuy nhiên, điều này có thể khẳng định anh Chính có một phần lỗi trong vụ án.

Hội đồng xét xử lên án mối quan hệ bất chính của bị cáo và bị hại trong vụ án, lên án lối sống suy đồi về mặt đạo đức của một bộ phận thanh niên trong xã hội mà điển hình là bị cáo Kim Anh và hi vọng đây là một bài học cảnh tỉnh đối với những người đang có những lối sống vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Trước những luận cứ trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Vũ Thị Kim Anh 14 năm tù giam tính từ ngày bị bắt.

Ngay sau khi tòa tuyên án đối với bị cáo, hội trường xử án trở nên hỗn loạn, người nhà bị hại hò hét phản đối bản án do Hội đồng xét xử tuyên, sử dụng nhiều lời lẽ nặng nề thóa mạ Hội đồng xét xử.

Một số thân nhân bị hại vượt qua hàng rào cảnh sát bảo vệ, lao lên khu vực vành móng ngựa định hành hung bị cáo buộc lực lượng cảnh sát phải sử dụng những biện pháp cứng rắn. Ngay sau khi đưa bị cáo ra xe dẫn giải an toàn, lực lượng công an tiếp tục phải hộ tống mẹ đẻ và thân nhân của bị cáo ra khỏi trụ sở tòa án.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Y.L, vợ của nạn nhân Nguyễn Tiến Chính, khẳng định gia đình sẽ tiếp tục kháng án lên TAND tối cao.

                                                                    (Theo Tuoitre.com.vn)

------------------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong vụ án này, bị cáo Kim Anh đã bị truy tố theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người – có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh này. Kim Anh thuộc trường hợp phạm tội “có tính chất côn đồ”. Nếu chiếu theo chi tiết của điều luật này (xem ở cuối bài viết này), có thể thấy mức án mà Viện kiểm sát đề nghị 17-19 năm tù là không hề nhẹ.

2. Theo qui định, Hội đồng xét xử có quyền tuyên án với mức hình phạt cao hơn hoặc nhẹ hơn mức đề nghị của bên công tố ( Viện kiểm sát). Thậm chí Tòa cũng có quyền tuyên mức hình phạt dưới khung của điều luật (tức dưới 12 năm). Nhưng đây là trường hợp mà luật sư của bị cáo Kim Anh phải chứng minh được bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vậy, tình tiết giảm nhẹ là gì ? – xin vui lòng xem điều luật phía cuối bài viết này.

3. Theo lẽ thường, phía bị hại bao giờ cũng muốn trừng trị thích đáng kẻ thủ ác, nên thường cố gắng tìm ra các tình tiết tăng nặng để bị cáo phải chịu mức hình phạt cao nhất có thể. Trong trường hợp này, có thể thấy luật sư phía bị hại cố gắng bác bỏ việc người quá cố đã có hành vi sàm sỡ bị cáo, đồng thời cố gắng tìm ra một động cơ giết người khác với động cơ giết người do Viện kiệm sát đưa ra là bị cáo tức giận vì hành vi sàm sỡ của người quá cố.

4. Nếu chiếu theo qui định tại Điều 48 Bộ luật hình sự về các tình tiết tăng nặng, thì theo tôi nếu luật sư Hải muốn chứng mình về mặt “động cơ” khi cho rằng bị cáo có động cơ khác – thì có hai “cửa” : một là chứng minh Kim Anh giết người vì “động cơ đê hèn”. Vì trong điều 48 không có qui định nào khác liên quan đến ‘động cơ” phạm tội. Hoặc là phải chứng minh rằng bị cáo phạm tội có sự tổ chức, liên quan đến người khác. Có lẽ vì vậy mà luật sư Hải đề nghị trả hồ sơ đề điều tra bổ sung.

5. Ngoài ra, theo chúng tôi còn có một tình tiết tăng nặng mà luật sư của phía bị hại cũng có thể vận dụng. Đó là tình tiết “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” ( Khoản e điều 48). Hành vi cắt cổ nạn nhân của bị cáo liệu có phải là hành vi “ cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” – khi kết quả là nạn nhân đã tử vong ?

6. Trong khi đó, ở phía đối diện, luật sư của bị cáo Kim Anh cũng có nhiều luận điểm có thể vận dụng để đề nghị Tòa xem xét như là tình tiết giảm nhẹ. Chẳng hạn : Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại (vậy nên mới có chuyện cãi nhau sờ ngực có phải là hành vi trái pháp luật hay không), phạm tội vì bị người khác đe dọa cưỡng bức, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải ( đều qui định tại điều 46 Bộ luật hình sự).

7. Chúng ta hy vọng rằng Hội đồng xét xử thực sự công tâm, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, cân nhắc kỹ càng để có thể tuyên một bản án (hoặc một quyết định như trả hồ sơ điều tra lại chẳng hạn) thực sự khách quan, công bằng và có tính nhân đạo cao.

8. Bất luận thế nào, chắc chắn không ai trong chúng ta muốn những vụ án như thế này xảy ra. Thật là đáng buồn cho tất cả. Và đáng tiếc, đáng tiếc cho bị cáo Kim Anh. Bị cáo Kim Anh phạm tội giết người là không oan. Nhưng đáng tiếc biết bao.

9. Các tình tiết trong vụ án này làm cho chúng ta phải suy tư về một xã hội hiện đại, với các mối quan hệ tình cảm, vật chất chồng chéo và phức tạp, các chuẩn mực đạo đức thông thường bị phá bỏ.

-----------------------------------------------

Qui định của pháp luật :

Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

                                                   ( Điều 93 Bộ luật hình sự)

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

                                               ( Điều 46 Bộ luật hình sự)

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

                                                        ( Điều 48 Bộ luật hình sự)