(Ecolaw.vn) - Việc xác định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và vấn đề bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân do sai sót chuyên môn trong khám chữa bệnh được quy định tại các điều 73 - 77 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Trong lĩnh vực y tế, y đức là một yêu cầu quan trọng (ảnh minh họa)
I. Nguyên tắc chung:
Khám bệnh chữa bệnh được xác định là một dịch vụ. Do vậy, nếu bên cung cấp dịch vụ có sai sót (sai sót về chuyên môn, kỹ thuật) gây thiệt hại cho bệnh nhân (sức khỏe, tính mạng, tiền bạc ...vv) thì phải có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, việc kết luận/xác định người hành nghề khám bệnh chữa bệnh (thường là bác sỹ, kỹ thuật viên y khoa) có sai sót trong chuyên môn, kỹ thuật hay không phải do "Hội đồng chuyên môn" xem xét và xác định. Hay nói khác đi, Hội đồng chuyên môn là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xác định một bác sỹ có sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa bệnh hay không.
"Hội đồng chuyên môn" có thẩm quyền xác định sái sót chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh phải được thành lập hợp pháp, theo đúng quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh (trình bày ở mục III bên dưới).
II. Việc xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật
1. Những hành vi bị kết luận là "có sai sót chuyên môn, kỹ thuật":
Người hành nghề bị kết luận là có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi bị Hội đồng chuyên môn xác định đã có một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
c) Xâm phạm quyền của người bệnh.
2. Những hành vi được kết luận là "không có sai sót chuyên môn, kỹ thuật"
Người hành nghề được kết luận không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
b) Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.
III. Thành lập, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng chuyên môn (có thẩm quyền xác định sai sót trong khám bệnh, chữa bệnh)
1. Thành lập Hội đồng chuyên môn và Ý kiến kết luận của Hội đồng chuyên môn
Khi có yêu cầu/ đơn khiếu nại của bệnh nhân/gia đình bệnh nhân đề nghị giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh, khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, thì phải thành lập "Hội đồng chuyên môn" để xác định có hay không việc có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Thủ tục thành lập Hội đồng chuyên môn như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ( Giám đốc bệnh viện, Trưởng phòng khám) phải tự mình đứng ra thành lập Hội đồng chuyên môn.
- Nếu không thể tự thành lập được, thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp (Sở Y tế) thành lập Hội đồng chuyên môn. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp (Sở Y tế) phải thành lập xong Hội đồng chuyên môn.
- Hội đồng chuyên môn sẽ xem xét vụ việc, hồ sơ bệnh án, thảo luận (theo nguyên tắc tập thể) và đưa ra kết luận, xác định có hay không sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong vụ việc bị khiếu nại.
2. Quyền đề nghị Bộ Y Tế thành lập Hội đồng chuyên môn khác
- Trường hợp các bên tranh chấp không đồng ý với kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định ở trên, thì các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập một Hội đồng chuyên môn khác để xem xét, đánh giá lại.
Ví dụ: Gia đình ông A khiếu nại Bệnh viện B có sai sót chuyên môn, làm tử vong ông A. Khi đó, Giám đốc bệnh viện B sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn. Hội đồng chuyên môn này (tạm gọi là Hội đồng chuyên môn do Bệnh viện thành lập) đưa ra kết luận là không có sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong trường hợp bệnh nhân A bị tử vong. Nếu gia đình bệnh nhân A không đồng ý với kết luận này, thì có quyền gửi đơn lên Bộ Y Tế, đề nghị thành lập một Hội đồng chuyên môn khác (tạm gọi là Hội đồng chuyên môn do Bộ Y Tế thành lập), để xem xét và đánh giá lại, từ đó đưa ra kết luận là so sai sót chuyên môn, kỹ thuật hay không.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Y tế phải thành lập Hội đồng chuyên môn (Hội đồng chuyên môn này khác với Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám chữa bệnh thành lập trước đó).
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y Tế phải tiến hành họp. Quá trình làm việc có thể mời các bên liên quan đến tranh chấp tham gia một số phiên họp và tham dự phiên họp kết luận.
Lưu ý: Trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo hướng khởi kiện dân sự (theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự), thì Tòa án có quyền và có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế ( Sở Y tế hoặc Bộ Y tế) thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Hoặc có thể căn cứ vào các Kết luận giám định tư pháp ...vv.
3. Thành phần, nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ của Hội đồng chuyên môn
Thành phần của Hội đồng chuyên môn bao gồm:
a) Các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp (bác sỹ, giáo sư ...);
b) Các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh;
c) Luật gia hoặc luật sư.
Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.
Hội đồng chuyên môn có trách nhiệm xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để Tòa án xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề (xử phạt hành chính, rút giấy phép hành nghề ...).
Lưu ý: Trong mọi trường hợp, kết luận của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập sẽ là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
IV. Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh
Theo quy định của pháp luật, khi một bên có lỗi, gây thiệt hại cho bên kia, thì bên thiệt hại có quyền trực tiếp yêu cầu bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho mình. Trường hợp hai bên không tự thỏa thuận được, thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án (gọi là nguyên đơn), yêu cầu bên kia phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Trong mối quan hệ pháp lý giữa cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện) và bệnh nhân, việc bồi thường thiệt hại được xác định theo những quy định sau đây:
1. Nếu có sai sót chuyên môn thì phải bồi thường cho phía bệnh nhân:
Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định nếu kết luận có sai sót về chuyên môn kỹ thuật, gây ra tai biến cho người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nói một cách cụ thể, là phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bao gồm cả tổn thất tinh thần - theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) trước đó có mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh - thì công ty bảo hiểm sẽ cho trả tiền bồi thường - theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
2. Xử lý trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề (bác sỹ):
Ngoài việc bồi thường cho phía bệnh nhân như quy định ở trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh còn phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể là có thể bị xử phạt hành chính, bị rút giấy phép hành nghề ...
3. Nếu không có sai sót chuyên môn thì không phải bồi thường:
Trường hợp có xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng được Hội đồng chuyên môn kết luận là không có sai sót chuyên môn, đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh - thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
--------------------
Vụ án dân sự
- Viện KSND TP Buôn Ma Thuột bị buộc bồi thường hơn 2,8 tỷ đồng do giam oan một doanh nhân (5/2015)
- Vụ khách hàng kiện Quốc Cường Gia Lai: từ thắng thành thua (12/2014)
- Cùng một vụ, thẩm phán không được tham gia xử hai lần (11/2014)
- Đang yên lành bị bắt tống vào bệnh viện tâm thần, rồi bị chiếm đoạt tài sản (11/2014)
- Án oan Nguyễn Thanh Chấn đòi 2 tỷ đồng bồi thường danh dự, nhân phẩm: khó được chấp nhận vì luật đã "đóng khung" (9/2014)
- Những vấn đề pháp lý xung quanh căn biệt thự 43 tỷ đồng mà Huyền Như kháng cáo đề nghị trả lại cho mẹ mình
- Vụ chìm tàu Dìn Ký & Vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần
- Hoãn phiên tòa vì Kiểm sát viên bị tố ăn nhậu với phía nguyên đơn
- Kháng nghị giám đốc thẩm vì không mời luật sư
- Tòa không xử vẫn ra bản án?
- Luật sư “tố” tòa bỏ qua chứng cứ mới
- Vụ kiện siêu mẫu Ngọc Thúy & quy định về đối chất trong tố tụng dân sự
- Bệnh viện Bình Dân bồi thường do sai sót trong điều trị
- Bài học đắt giá liên quan đến qui định về thời gian thử việc
- Hộ kinh doanh thắng kiện Chi cục thuế Hội An
- Con kiện mẹ đòi tiền “nuôi dưỡng”
- Khi "bầu" không thương lấy "bí"
- 1,6 triệu đồng và lòng tự trọng
- Xử ngoài giờ
- Tự ý bán xe
- Cái máy rắc rối
- YouTube thắng trong vụ kiện “tỷ đô”
- Vi phạm bản quyền máy sản xuất gạch, phải bồi thường 412 triệu đồng
- Độc quyền rửa ảnh
- Vụ kiện con gà chết