Wednesday, September 10, 2014

Án oan Nguyễn Thanh Chấn đòi 2 tỷ đồng bồi thường danh dự, nhân phẩm: khó được chấp nhận vì luật đã "đóng khung"

Luật sư Trần Hồng Phong

Danh dự, nhân phẩm của con người là vô giá, được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, quy định về mức bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do bị xâm hại danh dự, nhân phẩm lại quá rẻ mạt, không tương xứng. Dù bị giam oan tới 10 năm tù, số tiền bồi thường danh dự, nhân phẩm mà ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận chắc chắn sẽ không nhiều như yêu cầu của ông, vì luật đã "đóng khung"

Ảnh: Anh Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được ra tù sau 10 năm vì án oan. Bức ảnh đã gây xúc động cho tất cả mọi người
Đòi 2 tỷ đồng bồi thường danh dự, nhân phẩm 

Ngày 10-9-2014, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin mới đây trong đơn gởi lần 2 cho TAND Tối cao, ông Nguyễn Thanh Chấn - người từng bị án oan phải ở tù gần 10 năm,  muốn được Tòa bồi thường 2 tỷ đồng cho những tổn thất danh dự, nhân phẩm của mình.

Ngoài ra, ông Chấn cũng đề nghị Tòa tính đến những thiệt hại mà người thân ông phải chịu cùng với những phí tổn khác trong gần 10 năm ông bị ngồi tù oan. Tổng số tiền ông đòi bồi thường là hơn 9,3 tỷ đồng, nhiều hơn 122 triệu đồng so với số đề nghị trong đơn yêu cầu bồi thường lần đầu - do phải trả tiền lãi ngân hàng vì cầm sổ đỏ. Trong đơn, ông Chấn cho rằng mình bị ngồi tù oan 3.699 ngày, một ngày ở tù tính ra bằng 3 ngày lương tối thiểu chung theo Luật nên số tiền yêu cầu của ông là hơn 584 triệu đồng.

“Ngoài ra, trong 10 năm ngồi tù oan, tôi còn bị bức cung, nhục hình, bị đánh đập, hành hạ. Chính vì thế ngoài mức quy định của pháp luật tôi và gia đình yêu cầu bồi thường thêm 2 tỷ đồng để bù đắp phần nào danh dự, nhân phẩm của cá nhân tôi phải chịu trong suốt 10 năm tù oan” - ông viết.

Báo Pháp luật TP.HCM cho biết ông Chấn không làm đơn theo mẫu như TAND Tối cao hướng dẫn trong lần gởi đầu tiên. Lý giải điều này, gia đình ông Chấn cho biết  trong mẫu đơn của Tòa chỉ đề cập đến bồi thường thiệt hại đối với cá nhân ông Chấn mà không nhắc đến những thiệt hại đối với những người thân liên quan, vì vậy gia đình ông Chấn mới phải làm đơn riêng. Để bù đắp những tổn thất này, ông Chấn yêu cầu bồi thường hơn 3,6 tỷ đồng bao gồm tiền tổn thất sức khỏe và tinh thần cho mẹ, vợ và các con.

Trước đó, trong lần làm việc đầu tiên với TAND Tối cao vào ngày 15-8-2014, Tòa đã yêu cầu gia đình bổ sung thêm những giấy tờ cần thiết và làm đơn theo mẫu chứ chưa xem xét đến nội dung lá đơn. Tuy nhiên, việc này đã làm khó cho gia đình ông Chấn vì trong 10 năm đi kêu oan, giấy tờ tài liệu đã bị thất lạc khá nhiều.

Pháp luật Việt Nam hiện quy định mức bồi thường tối đa chỉ là 10 tháng lương tối thiểu

Trước hết, cần khẳng định yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Chấn là có cơ sớ pháp luật. Cho nên, khả năng được chấp thuận và bồi thường hầu như là chắc chắn. Tuy nhiên, về giá trị thì có sự khác biệt "một trời một vực" giữa mức yêu cầu và mức quy định của pháp luật hiện hành.

Theo qui định tại khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì: “Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa 10 quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 33/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH, hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP, về mức lương tối thiểu vùng, thì vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng. (Vùng I là vùng thành thị, vùng II là vùng nông thôn, miền núi). Như vậy, về mặt lý thuyết, có thể suy ra là mức bồi thường cao nhất theo luật, về tổn thất tinh thần do bị xâm hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín - như trường hợp của ông Chấn chỉ là 27.000.000 đồng (hai mươi bảy triệu đồng)/người. Nếu người nhà ông Chấn nhiều người (cha mẹ, vợ, con), thì cứ thế nhân lên, mỗi người 27.000.000 đồng. Thì cũng chỉ khoảng một vài trăm triệu là tối đa. Mà chưa chắc đã được tòa chấp nhận!

Như vậy, có thể thấy mức yêu cầu của ông Chấn đưa ra là cao gấp hơn 10 lần so với quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, có lẽ sẽ rất khó để yêu cầu của ông được chấp nhận. 

Danh dự, nhân phẩm tuy trừu tượng, nhưng không thể rẻ bèo!

Liên quan đến mức yêu cầu bồi thườngnhư trên của ông Chấn, một số người bình luận (trên báo chí, mạng xã hội ...) cho rằng như vậy là nhiều, quá nhiều. Thậm chí có người còn phán ông Chấn là: tham, quá tham, lợi dụng ... . Tôi hoàn toàn không đồng ý với những ý kiến này.

Chúng ta đều biết rằng con người khác con vật ở chỗ biết suy nghĩ, biết tự trọng, biết xấu hổ, tủi nhục, khóc cười... Chính vì vậy, xã hội loài người từ lâu đã thừa nhận vấn đề danh dự, nhân phẩm như là một đặc tính không tách rời mỗi cá nhân. Ngay từ thời cổ đại, người ta đã sẵn sàng đấu kiếm, thậm chí giết nhau chỉ vì bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình. Những người yêu văn học hẳn không quên trường hợp "mặt trời thi ca" của nước Nga, nhà thơ Puskin, đã chết trong một cuộc đấu súng vì danh dự!

Dần dần, theo đà tiến bộ xã hội, danh dự, nhân phẩm được luật hóa, bảo vệ. Nói rộng ra, thì đây cũng chính là vấn đề nhân quyền.

Ngay tại Việt Nam, danh dự, nhân phẩm con người từ lâu đã được pháp luật thừa nhận  (việc thực hiện và nhận thức như thề nào là một vấn đề khác, tôi không nói tới ở đây). Khi danh dự, nhân phẩm cá nhân bị xâm hại ở mức độ thấp thì ngoài việc phải bồi thường, người xâm hại phải xin lỗi, chấm dứt hành vi sai phạm. Ở mức độ cao hơn, thì bị xử lý hình xử. Những tội danh như tội vu khống, tội hiếp dâm ... - chính là thể hiện việc danh dự, nhân phẩm con người được pháp luật bảo vệ.

Là một người làm việc trong lĩnh vực pháp luật, đã rất nhiều lần tôi được thân chủ nhờ tư vấn hay khởi kiện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong các vụ việc liên quan đến vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Chính vì vậy, tôi hiểu và thấy rất rõ rằng DANH DỰ, NHÂN PHẨM LÀ VÔ GIÁ. Việc quy đổi danh dự, nhân phẩm thành giá trị (tiền) thực chất chỉ là một phương cách để bù đắp những tổn thất, mất mát cho người bị xâm hại mà thôi. Chứ trên thực tế, những tổn thất về danh dự, tinh thần thường hằn sâu như một vết thương không thể nào xóa được, cho đến chết - đối với một con người.

Tôi từng chứng kiến trường hợp một phụ nữ cứ mỗi đêm khi ngủ là giật mình la thét, cào cấu ... như một người điên. Người thân phải đè, giữ chị trong nhiều phút. Chỉ vì khi còn trẻ chị từng bị tra tấn, hãm hiếp.

Vì danh dự, một cá nhân sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng triệu, chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ để nhận được một lời xin lỗi, 1 đồng bồi thường danh dự.

Gần đây, tôi có nhận làm luật sư cho nhạc sỹ Hoàng Long, người đã sáng tác nhạc phẩm nổi tiếng Giấc Mơ Xưa khởi kiện báo Thanh Niên. Chỉ vì trong một bài viết, báo đã đăng một câu viết về ông là "Ông luôn chê nhạc sĩ Th.O là cả đời chỉ làm được một bản nhạc!". Người nhạc sỹ đã gần 80 tuổi ấy khẳng định suốt đời mình ông chưa hề chê nhạc sỹ nào cả. Do vậy, việc báo nói ông chê nhạc sỹ Th. O nào đó là sai, là sự xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông. Cuối cùng, hai bên đã phải đưa nhau ra tòa, báo Thanh Niên đã phải cải chính xin lỗi nhạc sỹ Hoàng Long. 

Qua báo chí, tôi được biết trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, trong một lần đi biểu tình (tự phát) phản đối Trung Quốc, ông bị Đài truyền hình Hà Nội ghi hình, rồi phát sóng với những lời bình luận có hàm ý nói ông (và những người khác) là những kẻ gây rối, phản động! Nhà văn đã nộp đơn khởi kiện Đài truyền hình Hà Nội. Cũng không biết là vụ kiện này nay sao rồi.

Danh dự, nhân phẩm của con người tuy là một khái niệm trừu tượng, nhưng hoàn toàn có thật, vô giá và không thể bù đắp. Chính vì thế, có thể hiểu và khẳng định rằng nỗi đau đớn nội tâm, sự hoảng loạn, vết thương và những mất mát về tinh thần (chưa nói về vật chất) của ông Nguyễn Thanh Chấn và những người thân trong vụ án oan là không thể diễn tả, không thể bù đắp.

Chính vì vậy, thiết nghĩ không có lý do gì mà người bị xâm hại, bị tổn thất về danh dự, nhân phẩm không sử dụng quyền của mình, để đòi đến mức tối đa số tiền bồi thường cho mình. Nhất là khi mình đang trong hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Điều đó là hoàn toàn hợp lý, không có gì là xấu hổ cả.

Nhận tiền bồi thường của Nhà nước, đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Qua thực tế tại Việt Nam những năm qua, có thể thấy trước là con đường đi đòi bồi thiệt hại vì bị kết án oan, trong đó có nội dung đòi bồi thường về danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Thanh Chấn là không đơn giản, nhanh chóng. Ngoại trừ khi ông chấp nhận ngay mức bồi thường "rẻ bèo" như nêu ở trên.

Để kết thúc, tôi xin kể ra đây một trường hợp có thật, mà tôi là người trong cuộc (làm đơn, tư vấn ... giai đoạn khởi đầu) về yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại. Đó là trường hợp một gia đình ngư dân ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tạm gọi là gia đình anh T.

Khoảng năm 2008, từ một vụ kiện dân sự, mà bản án tuyên gia đình anh T phải trả nợ cho một cá nhân số tiền tkhoảng 100 triệu đồng, cơ quan thi hành án địa phương đã kê biên một con tàu đánh cá của gia đình anh T, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, nhằm mục đích phát mãi, thi hành án. Trong khi con tàu này đang nằm chờ xử lý trên bờ, thì cơ quan thi hành án tiếp tục ra quyết định kê biên tiếp con tàu thứ hai của gia đình anh T. Kết quả là toàn bộ gia sản của gia đình (bao gồm cả vốn vay ngân hàng) chẳng bao lâu tan thành đống phế liệu. Hai còn tàu nằm bờ sau vài năm mà không được xử lý bị mục nát, hư hỏng toàn bộ, máy móc bị tháo gỡ. đánh cắp.

Điều đáng nói là việc kê biên phương tiện làm ăn sinh sống của người dân như vậy là hoàn toàn sai luật. Trong khi số tiền phải thi hành án của gia đình anh T chỉ là số tiền nhỏ, cơ quan thi hành án có thể kê biên căn nhà, hoặc thậm chí chỉ một con tàu.

Từ chỗ là gia đình được xem là khá giả, hạnh phúc tại địa phương, gia đình anh T bỗng tán gia bại sản, phân tán khắp nơi. Họ gần như trắng tay, với thiệt hại thực tế lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Cũng may chị T là người vô cùng nhẫn nại và "lì lợm"! Suốt trong nhiều năm, chị gửi hàng trăm lá đơn, ăn dầm nằm dề ngoài công viên ở Hà Nội. Thậm chí nhiều lần cả gan chặn xe Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường kêu oan, nhờ giúp đỡ ... Mãi đến năm 2013 gia đình chị T đã được Nhà nước bồi thường khoảng 2 tỷ đồng. Tuy không hoàn toàn khắc phục hết mọi thiệt hại, nhưng có thể nói đối với gia đình đó là cả một giấc mơ! Qua báo chí, tôi được biết hình như đây là trường hợp rất đặc biệt, không dễ mà được "ưu ái" như vậy.  

Chúc gia đình anh Nguyễn Thanh Chấn sớm nhận được tiền bồi thường, và với số tiền lớn nhất có thể!

---------------------------

Quy định tại Bộ luật dân sự:


Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

------------------------