Wednesday, September 3, 2014

Khi "bầu" không thương lấy "bí"


Phú Kim

(Ecolaw.vn) - Một vụ án mà tất cả anh chị em cùng nhau hầu tòa đã hiếm, nhưng yêu cầu của bên nguyên đơn thì quả thật còn hiếm hơn: Đòi bốc mộ cha mẹ. Lý do: tranh chấp một căn nhà, trong khuôn viên có mộ cha mẹ, nên bên nguyên đơn kiện đòi nhà và buộc phải bốc mộ cha mẹ đi.

Tranh chấp di sản thừa kế

Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời được hơn một năm, vợ chồng bà G. đâm đơn kiện đòi lại căn nhà mà vợ chồng bà cho rằng đã mua từ năm 1987, tại quận Thủ Đức Tp. HCM.

Căn nhà này hiện đang được người em ruột của bà G. ở. Ngoài việc đòi lại nhà, vợ chồng bà G. còn yêu cầu cả 3 người em của mình phải lập tức bốc đi hai ngôi mộ nằm trên phần đất trống trong khuôn viên căn nhà.
Điều đáng nói là hai ngôi mộ đó cũng chính là cha mẹ ruột của bà G.

Vụ án trở thành một vụ tranh chấp di sản thừa kế, phía những người em (bị kiện) nói rằng đó là nhà của cha mẹ để lại chứ không phải do vợ chồng bà G. mua.

Cuối cùng Tòa đã phải triệu tập đầy đủ cả sáu anh chị em ruột của bà G., trong đó có người chị cả và người em thứ của bà G. đang định cư ở Mỹ tham gia phiên Tòa để làm rõ việc tranh chấp này.

Tại Tòa, bà G. trình một tờ giấy viết tay, nội dung ghi “bà L. bán cho ông S. (chồng bà G.) căn nhà số xx trị giá 4 cây vàng”. Để đáp lại, phía những người chị em còn lại của bà G. cũng đưa ra một tờ giấy viết tay, nội dung ghi “bà L. bán cho vợ chồng ông K. (tức cha mẹ của chị em bà G.) căn nhà số xx trị giá 2, 5 cây vàng.

Để xác minh rõ ai là người mua căn nhà này, Tòa đã mời bà L., người bán nhà, tới làm chứng. Tòa còn mời thêm tổ trưởng dân phố, nơi có căn nàh đang bị tranh chấp. Tại Tòa, bà L. khẳng định chỉ bán nhà cho ông K. thôi, chứ không hề bán cho vợ chồng bà G. và bán với giá 2,5 cây vàng chứ không phải bốn cây.

Tổ trưởng dân phố cũng chỉ biết ông K. là người mua nhà, rồi chuyển về ở nhập khẩu vào đây, nay vẫn còn hộ khẩu…

Theo trình bày của phía bị kiện, căn nhà được mua từ năm 1987, do tiền của người con trai ở nước ngoài gửi về. Do lúc này, hai người con lớn nhất đã định cư ở nước ngoài, ba người con sau còn nhỏ, nên hai người con lớn gửi tiền về nhờ vợ chồng bà G. đứng tên mua dùm căn nhà cho cha mẹ và các em ở. Mua xong, ông bà K. cùng các con (ba người em) từ tỉnh Bến Tre lên Tp. HCM sinh sống. Tại Tòa, người con trai trực tiếp gửi tiền về nói: “Qua thư từ với chị G. tôi cứ tưởng căn nhà giá 4 cây, nên gửi về 4 cây vàng để chị G. mua cho ba má và các em ở, nay qua lời bà L. tôi mới biết chỉ mua có 2,5 cây…”.

Bốc mộ cha mẹ để lấy lại nhà?

Phiên Tòa khá sôi động, hai bên tranh cãi khá căng thẳng và nặng lời, khiến Tòa phải thường xuyên nhắc nhở. Vợ chồng bà G. khăng khăng đó là nhà của mình, mua bằng tiền của họ. Do vậy, nay họ đòi nhà và đòi những người em phải bốc hai cái mộ đi. Hội đồng xét xử tỏ ra khá thận trọng trong việc đánh giá, xác minh chứng cứ. Nhiều bức thư anh chị em họ gửi cho nhau những năm trước được đọc tại Tòa cho thấy một thời gian khổ và khó khăn của gia đình họ. Khi đó, cả nhà bên này hàng tháng trông đợi vào những thùng hàng do những anh chị gửi từ Mỹ về để đi bán, lấy tiền sinh sống.

Hai người con ở nước ngoài về tham dự phiên Tòa tỏ vẻ bất bình về vợ chồng bà G. Họ kể: “ Khi mẹ chết, cha thì mù lòa, chúng tôi trở về thăm cha thấy nhà cửa tối thui không có đèn đốm, mạng nhện giăng đầy. Thấy cha bệnh quá, tụi tôi phải đưa tới bệnh viện. Tiền gửi về mà không chăm nuôi cha, thật tệ”.

Trước Tòa, bà G. nói lý rằng việc bà bắt buộc các em bà phải trả nhà và bốc hai nấm mộ (cũng chính là mộ của cha mẹ bà) vì đó là nhà của vợ chồng bà; vì tụi nhỏ (những đứa em) không cho bà vào nhà. Và giả sử bà thằng kiện, thì bà vẫn đề nghị những người em bốc mộ cha mẹ đi…

Vì có những tình tiết cần phải xác minh thêm, nên Tòa tuyên tạm hoãn.

Phiên Tòa tạm kết thúc, vợ chồng bà G. lạnh lùng và nhanh chóng bước ra ngoài, không hề ngoái lại trước câu gọi đầy tha thiết “chị ba, nghe em nói nè” của người em ở nước ngoài về.

Nhìn phong cách và trang phục của vợ chồng bà G. hoàn toàn không có vẻ gì là khó khăn, thiếu thốn. Họ cũng có một căn nhà trong nội thành, trong khi những người em của họ không còn chỗ trú ngụ nào khác ngoài căn nhà đang bị tranh chấp.

Người Việt mình có câu “bầu ơi thương lấy bí cùng” nói về tình anh em ruột thịt. Lại có câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Nói về đạo làm con. Thế mà…Thật là đáng sợ nếu vợ chồng bà G. thắng trong vụ kiện này.

( Bài viết này dựa trên một câu chuyện có thật, đã được xét xử tại TAND quận Thủ Đức, TP.HCM)

-----------------------

“Con có bổn phận yêu quý kính trọng cha mẹ, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình, nghiêm cấm có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ".


Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình