Saturday, August 2, 2014

Những vấn đề pháp lý xung quanh căn biệt thự 43 tỷ đồng mà Huyền Như kháng cáo đề nghị trả lại cho mẹ mình

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng, tòa án đã ra quyết định kê biên một căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng. Huyền Như cho rằng căn biệt thự này là của mẹ mình, nên tòa phải trả cho bà. Có nhiều vấn đề pháp lý xunh quanh vấn đề này.


(Ảnh: Căn biệt thự H2, có diện tích 2.939m2, thuộc khu Nghỉ mát The Nam Hải, tọa lạc ở Hội An, Quảng Nam, một dự án của Indochina Capital)

NỘI DUNG SỰ VIỆC

Chỉ một ngày trước khi hết thời hạn kháng cáo, ngày 14-2-2014 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (trong vụ án nổi tiếng lừa đảo 4.000 tỷ đồng) đã có đơn kháng cáo, với nội dung đề nghị tòa phúc thẩm trả lại một căn biệt thự trị giá 43 tỷ tại Quảng Nam cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Lang. Điều đáng lưu ý là tuy bị tuyên mức án cao nhất trong khung tội danh lừa đảo là tù chung thân, nhưng bị cáo Như không kháng cáo xin giảm án mà chỉ tập trung vào việc xin lại nhà cho mẹ mình.

Trong vụ án của mình, Huyền Như bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tài sản chiếm đoạt được, theo tòa, là một con số khổng lồ: gần 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, để bảo đảm thi hành án (trả lại những tài sản mà mình đã chiếm đoạt được), trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra quyết định kê biên 12 bất động sản và nhiều tài sản khác (tiền mặt, vàng …) của Huyền Như hoặc Huyền Như khai là của mình. Tổng trị tài sản bị kê biên được định giá là hơn 229,4 tỷ đồng (thực ra cũng chỉ còn là một phần rất nhỏ trong số tiền 4.000 tỷ đồng mà Huyền Như bị quy kết là đã chiếm đoạt).

Trong số tài sản bị kê biên có một căn biệt thự thuộc khu Villa H2 (dự án The Nam Hai (Nam Hải) resort) tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Căn biệt thự này được định giá có giá trị 43 tỷ đồng (thời điểm 2013). Điều đáng lưu ý là người đứng tên chủ sở hữu căn biệt thự này không phải là Huyền Như, mà là mẹ ruột của bị cáo, bà Nguyễn Thị Lang.

Trình bày trong đơn kháng cáo, Huyền Như cho rằng căn biệt thự H2 là tài sản của mẹ mình, không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo. Trước đó, bà Lang cũng đã có đơn xác nhận căn biệt thự là của mình. Bà đã cho con gái mượn tài sản này "để có vốn làm ăn".

Cùng với việc Huyền Như kháng cáo, bà Nguyễn Thị Lang cũng đã thuê luật sư tiến hành việc đòi lại căn biệt thự nói trên - mà bà đang đứng tên là chủ sở hữu.

Báo điện tử VnExpress, dẫn lời bà Lang, cho rằng căn biệt thự trị trên không phải do con gái (Huyền Như) mua bằng tiền chiếm đoạt được và bà đã nhờ luật sư yêu cầu tòa án cho tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong vụ án Huyền Như. Bà cũng cho rằng, việc TAND TP HCM xét xử sơ thẩm không mời bà tham gia vụ án với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan là “trái luật”.

Theo bà Lang, căn biệt thự này bà đã mua từ tháng 4/2009, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp trước khi Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội. Sau này, vì lo sợ bị chủ nợ siết mất nên Như khai báo cho cơ quan điều tra để phong tỏa.

------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

1. Theo quy định của pháp luật, bất động sản (biệt thự, nhà, đất) là tài sản thuộc loại có đăng ký. Người nào là chủ sở hữu sẽ được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Hay có thể nói ngược lại, là người nào đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhà, thì người đó chính là chủ sở hữu căn nhà đó. Trong vụ án này, mặc dù không có đầy đủ thông tin, nhưng nếu quả thật bà Lang (mẹ bị cáo Huyền Như) đang đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhà. Và giấy tờ sở hữu này chưa bị cơ quan nào (tòa án) tuyên là vô hiệu, không có giá trị, thì về nguyên tắc bà Lang vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp tài sản đó.

2. Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (cũng được áp dụng trong phần dân sự trong các vụ án hình sự), thì khi việc giải quyết một vụ án có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi hay nghĩa vụ của một cá nhân, tổ chức nào khác, mà không phải là bị cáo, hay nguyên đơn, hay người bị hại … – thì tòa án phải triệu tập cá nhân, tổ chức đó tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án. Ở đây, Tòa án đã kê biên căn nhà do bà Lang là chủ sở hữu, việc kê biên dẫn đến hậu quả là tình trạng pháp lý của căn nhà bị “treo”, không thể mua bán, chuyển dịch - chính là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc tòa sơ thẩm (TAND TP.HCM) không triệu tập bà Lang tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” khi xét xử phúc thẩm là không đúng quy định của pháp luật về mặt tố tụng.

3. Tuy nhiên, xét về bản chất, thì việc Tòa án kê biên cũng chưa làm mất đi quyền sở hữu của bà Lang đối với căn biệt thự, mà mới chỉ bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Tức là hiện nay bà Lang vẫn còn cơ hội đòi lại căn biệt thư này. Hay nói chính xác hơn là đòi tòa án trả lại sự “tự do” cho tài sản này, để bà có thể thực hiện trọn vẹn quyền sở hữu của mình (sử dụng, chiếm hữu, định đoạt). Nhưng để làm được điều đó, bà Lang phải chứng minh được mình là chủ sở hữu hợp pháp/thực sự đối với căn biệt thự đó.

4. Tại sao một căn biệt thự đang đứng tên mình – chủ sở hữu, mà mình lại phải đi chứng minh điều có vẻ hiển nhiên: mình là chủ sở hữu? Là bởi vì trong giải đoạn giải quyết vụ án trước đây, Huyền Như đã khai đó là tài sản của mình, nhờ bà Lang đứng tên, còn bà Lang thì từng xác nhận cho con (Huyền Như) mượn làm vốn kinh doanh. Hay thậm chí là cơ quan điều tra cho rằng căn nhà này có nguồn gốc từ tiền của Huyền Như, thì tòa vẫn có quyền kê biên để bảo đảm cho việc thi hành án sau này. Kê biên tài sản là một trong những biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời mà tòa án có quyền quyết định, để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hay thi hành án được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, như đã nói, kê biên tài sản của một người mà không triệu tập người đó tham gia tố tụng là sai.

5. Theo quy định, tòa phúc thẩm sẽ xem xét và xét xử những nội dung mà các bị cáo kháng cáo. Như vậy, chắc chắn vấn đề xác định ai là chủ sở hữu thực sự của căn biệt thự sẽ được đặt ra. Tức là tòa có quyền yêu cầu Huyền Như và cả bà Lang giải trình về nguồn gốc tiền mà bà đã mua căn biệt thự này. Có thực sự là tiền của bà Lang? hay là của Huyền Như đưa cho bà.

6. Lưu ý là cho dù là tiền mua biệt thự là của bà Lang thực sự, nhưng nguồn gốc do Huyền Như cho, thì tài sản này vẫn bị buộc phải trả lại hay bị tịch thu. Vì khi đó luật xác định đây là tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, pháp luật không công nhận. Nói một cách ngắn gọn là tài sản phải được hình thành từ nguồn gốc hợp pháp, hay do thành quả của sức lao động thì mới được pháp luật công nhận.

7. Nói chung, nếu bà Lang chứng minh được biệt thự thực sự là của mình, thì việc giải quyết hậu quả của việc kê biên cũng không phức tạp gì. Tòa án chỉ cần ban hành một quyết định hủy bỏ quyết định kê biên là xong. Khi đó, xem như căn biệt thự được “trả lại “ cho bà Lang.

8. Tuy nhiên, hiện nay bà Lang không có tư cách tố tụng gì trong vụ án Huyền Như, nên con đường pháp lý mà bà phải đi qua không đơn giản và có thể nói là cũng chưa có tiền lệ. Như đã nói, về nguyên tắc, bà Lang lẽ ra phải được tham gia tố tụng từ khi giải quyết sơ thẩm, nhưng tòa sơ thẩm đã không triệu tập. Nay nếu tòa phúc thẩm triệu tập thì cũng không được. Cho nên theo tôi có lẽ tòa phúc thẩm sẽ giải quyết yếu cầu của bà Lang một cách gián tiếp – thông qua việc xem xét nội dung kháng cáo của Huyền Như.

9. Nói về tố tụng, tôi nghĩ khả năng hợp lý và đúng luật nhất là tòa phúc thẩm phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại - theo hướng triệu tập bà Lang tham gia vào vụ án với tư cách là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” ngay từ đầu. Xem như đây là một thiếu sót về mặt tố tụng không thể khắc phục tại giai đoạn phúc thẩm. (Xung quanh những sai sót, sai phạm khác của tòa sơ thẩm trong vụ án này, luật sư Đinh Văn Quế đã có ý kiến phân tích. Chúng tôi không bàn thêm trong bài viết này).

10. Tóm lại, việc mẹ bị cáo Huyền Như có đòi lại được căn biệt thự hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc bà phải chứng minh được nguồn gốc số tiền mua căn biệt thự là của bà, hoàn toàn hợp pháp và không liên quan gì đến Huyền Như. Theo chúng tôi đánh giá, khả năng thành công của bà Lang hầu như là rất thấp. Vì theo thông tin trên báo chí, cha mẹ, anh chị em của Huyền Như (gồm bà Lang) đều thuộc thành phần bình dân trong xã hội, không phải thuộc dạng giàu có, đại gia. Trong khi đó, việc mua một căn biệt thự trị giá khoảng 2 triệu USD (tương được 43 tỷ đồng), ngay cả ở những nước giàu có như Mỹ chẳng hạn, cũng không có nhiều người có thể có được. Dẫu vậy, chúng ta hãy cùng chờ xem.

------------------------------

Bài liên quan (đăng trên Bình luận án blog):

Vụ án Huyền Như: Tòa sơ thẩm có sai phạm và chưa làm rõ nhiều vấn đề
Đơn tố cáo của một đương sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như