Saturday, August 2, 2014

Tòa không xử vẫn ra bản án?

Gia đình bị cáo cho rằng tòa không xử nhưng vẫn ra bản án, luật sư bào chữa cũng bảo mình không được mời dự phiên tòa. Một hội thẩm nhân dân khẳng định phiên xử hôm đó đã bị hoãn vì bị cáo vắng mặt.

Bà Nguyễn Thị Thu ngụ huyện Tân Thạnh (Long An) vừa gửi đơn khiếu nại đến chánh án TAND huyện và viện trưởng VKSND huyện này, yêu cầu làm rõ việc tòa án huyện không hề xét xử vụ án liên quan đến cha bà nhưng vẫn ra bản án...


Tự dưng nhận được bản án

Theo hồ sơ, tháng 5-2011, Nguyễn Văn Đương cùng nhóm bạn đánh bài thì bị bắt quả tang rồi bị truy tố về tội đánh bạc. Tháng 7-2012, TAND huyện Tân Thạnh ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Hơn một tháng sau, TAND huyện đưa vụ án ra xét xử nhưng bị cáo Đương vắng mặt không có lý do nên tòa buộc phải hoãn. Bốn ngày sau (14-8), tòa án quyết định áp giải bị can Đương đến tòa để xét xử. Tuy nhiên, khi cán bộ Công an huyện Tân Thạnh đến tận nhà áp giải thì không thể thực hiện được vì bị cáo già yếu và không thể đi lại được. Ngày 17-8, TAND huyện Tân Thạnh mở phiên tòa xét xử vắng mặt đối với Đương. Theo đó, tòa này tuyên phạt Đương ba tháng tù treo.

Sau khi nhận được bản án, bà Thu cho rằng cha của bà già yếu, bị tai biến cùng với chứng bệnh mất trí nhớ nên theo quy định phải bắt buộc đưa đi chữa bệnh hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Tuy nhiên, gia đình vô cùng ngạc nhiên khi nhận được bản án của tòa mà chẳng có ai hay biết trước đó có phiên tòa diễn ra...


Bà Thu, người nhà của bị cáo Đương, bên hồ sơ khiếu nại. Ảnh: TH ( báo Pháp luật TP.HCM)

Người nói xử, người bảo không

Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi liên hệ với luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư cho biết ông được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo Đương nhưng không hề được tòa thông báo khi xét xử vắng mặt.

Ông Ngô Khắc Tâm, Phó Giám đốc BV huyện Tân Thạnh (có tên trong thành phần hội đồng xét xử trong bản án), khẳng định ông được mời làm hội thẩm nhân dân trong phiên tòa đó nhưng vì bị cáo vắng mặt nên phiên tòa phải hoãn lại chứ không xét xử. Đồng thời, ông Tâm hướng dẫn phóng viên “nên liên hệ với tòa để tìm hiểu thêm”.

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã rất cố gắng liên hệ với người hội thẩm còn lại có tên trong bản án nhưng chưa thể liên lạc được vì bà này không nghe máy điện thoại. Chúng tôi cố gắng tìm đến nhà nhưng cũng không thể gặp được.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Ái Bân (kiểm sát viên tại phiên tòa) thì ông cho biết phía bị cáo không nhận các quyết định của tòa nên tòa đã phải xét xử vắng mặt đối với bị cáo... Việc luật sư không biết việc xét xử là do luật sư bào chữa cho bị cáo theo hợp đồng chứ không phải là luật sư chỉ định. Vì vậy, trách nhiệm là luật sư phải tự liên hệ với tòa hoặc thân chủ để biết lịch xét xử (?!).

----------------------------------------

Chờ câu trả lời của chánh án

Ngày 5-11 vừa qua, phóng viên đến gặp chánh án TAND huyện Tân Thạnh để tìm hiểu sự việc nhưng chánh án cho biết mới về nhận chức nên không nắm rõ sự việc. Chánh án đề nghị phóng viên để lại yêu cầu để kiểm tra hồ sơ rồi trả lời sau. Đến nay, chúng tôi liên hệ lại với chánh án nhưng vẫn chưa có câu trả lời vì vị này bận việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có trả lời của TAND huyện Tân Thạnh về những vấn đề liên quan đến vụ án.

( Theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 9-11-2012)

http://phapluattp.vn/20121108110750662p1063c1016/toa-khong-xu-van-ra-ban-an.htm

-------------------------------------

Bài liên quan:

* Đơn đề nghị của luật sư (đề nghị trưng cầu giám định)

---------------------------------

Lời bình của luật sư Trần Hồng Phong :

1. Đây là một vụ án mà tôi được gia đình bị cáo nhờ bào chữa trong quá trình xét xử. Sau khi đọc hồ sơ vụ án, và trực tiếp vào thăm bị cáo (là một ông cụ 87 tuổi, nhà giáo về hưu) tại Bệnh viện tỉnh Long An. Công việc đầu tiên của tôi là viết lá đơn đề nghị giám định tâm thần cho bị can.

2. Nói một cách khách quan, ban đầu Tòa án đã nhiệt tình cho tôi nghiên cứu hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận người bào chữa và các diễn biến tố tụng đều có gửi văn bản thông báo cho luật sư. Đây là việc rất đáng ghi nhận, vì khoảng cách giữa huyện Tân Thạnh và TP.HCM là cả trăm km.

3. Sau đó, hồ sơ vụ án được trả lại cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung, đồng thời Tòa ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần theo đề nghị của luật sư. Kết quả giám định cho thấy bị can đã quá "già yếu, không thể kiểm soát được hành vi và nhận thức". Theo qui định khoản Điều 43 Bộ luật tố tụng hình sự: “ Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

4. Tuy nhiên, sau khi có kết quả giám định ( mà tôi chỉ biết qua gia đình của bị cáo), thì Tòa không thông báo gì nữa cho luật sư. Cho đến ngày gia đình bị cáo cho biết là đã xử và có bản án sơ thẩm. Cá nhân tôi nghĩ rằng có thể Tòa đã đơn giản hóa vấn đề, nghĩ rằng bị cáo đã quá già yếu, mà mức án thì cũng rất nhẹ (3 tháng tù cho hưởng án treo) - tức là không phải vào tù. Cho nên cũng "không có chuyện gì lớn" chăng ? Về nguyên tắc, Tòa án có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trong quá trình giải quyết một vụ án. Tuy nhiên bất luận thế nào, thiết nghĩ pháp luật cần phải được tôn trọng và thực thi.