Saturday, August 2, 2014

Tự ý bán xe

PHƯƠNG LOAN

Ông T. không phạm tội lạm dụng vì không có “thủ đoạn gian dối” hoặc “bỏ trốn”. Tài sản ông “bán” để thu hồi vốn chứ không phải “chiếm đoạt”. Chủ xe yêu cầu khởi tố vụ án nhưng cơ quan tố tụng cho rằng không có dấu hiệu tội phạm.

Theo hồ sơ, L. và ông T. (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cùng là thành viên hội chơi xe cổ Volkswagen ở trong quận.


Không trả tiền, bị mất xe

Ngày 22-9-2009, ông L. mượn ông T. 45 triệu đồng và cầm chiếc xe cổ hiệu Volkswagen mua chưa sang tên (vì còn nợ chủ cũ 15 triệu đồng) cho ông T. Hai bên thỏa thuận miệng rằng trong vòng bốn tháng, ông L. phải trả tiền thì mới được nhận lại xe.

Hết thời hạn cam kết, ông L. không trả tiền và mất liên lạc. Tình cờ một lần gặp nhau, ông L. xin khất nợ thêm một thời gian nữa nhưng ông T. không đồng ý. Do vậy, tháng 7-2010, ông T. bỏ tiền ra sửa xe, đem bán lấy 200 triệu đồng, các giấy tờ mua bán, ông đã nhờ dịch vụ làm...

Biết chuyện mua bán xe bằng giấy tờ giả, ông L. nhiều lần yêu cầu ông T. trả lại xe nhưng không thành nên làm đơn tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản của ông T.

Lúng túng xử lý hình sự

Sau khi xác minh, Công an quận Tân Phú đã trao đổi với VKSND quận theo hướng không khởi tố vụ án do đây chỉ là quan hệ dân sự. Nghiên cứu hồ sơ, viện cũng thống nhất quan điểm trên.

Ông L. không đồng ý nên khiếu nại. Từ đây, ở VKSND quận phát sinh nhiều quan điểm không thống nhất. Một luồng ý kiến cho rằng cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông T. về tội lạm dụng tín nhiệm... Luồng ý kiến khác lại cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú là đúng quy định.

Trước tình trạng trên, VKSND quận Tân Phú đã gửi hồ sơ lên VKSND TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo...

Chỉ có thể kiện dân sự

“Theo tôi, công an và VKSND quận Tân Phú không khởi tố vụ án là có cơ sở” - luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói. Theo luật sư, do ông L. không trả tiền đúng cam kết, vi phạm hợp đồng nên ông T. mới bán xe để nhằm mục đích thu hồi nợ. Tuy nhiên, ở đây, ông T. không phải là chủ xe, tự xử lý tài sản cầm cố khi chưa có sự đồng ý của ông L. nên đã vi phạm nghĩa vụ dân sự. Nếu có tranh chấp, hai bên có thể kiện dân sự chứ không thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bổ sung thêm, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 140 BLHS (về tội lạm dụng tín nhiệm), người nào có hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì phạm tội... Ông T. không phạm tội lạm dụng vì không có “thủ đoạn gian dối” hoặc “bỏ trốn”. Tài sản ông “bán” để thu hồi vốn chứ không phải “chiếm đoạt”.

------------------------------------------

Xử lý dịch vụ làm giả giấy tờ

Ông T. nhờ dịch vụ làm giấy tờ mua bán để bán xe. Dịch vụ làm xong việc thì ông trả tiền. Do vậy, cơ quan tố tụng không thể buộc tội ông được. Trường hợp này, ông T. không làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc lừa bên mua xe.

Một thực tế đang tồn tại trong xã hội là có đội ngũ chuyên chạy, làm giả giấy tờ, tài liệu... giúp người khác mà chúng ta thường gọi là “cò”. Cơ quan tố tụng có thể xử lý đội ngũ “cò” này tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Muốn vậy, cơ quan tố tụng phải tìm chứng cứ chứng minh được hành vi sai phạm này...

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH (Đoàn Luật sư TP.HCM)
--------------------------------------------------

(Bài viết này đã được đăng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 4-11-2011), vì trong bài viết có ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Ecolaw, nên chúng tôi đăng lại làm tư liệu).

Bài gốc trên báo Pháp luật TP.HCM:

http://phapluattp.vn/20111103111625681p1063c1016/tu-y-ban-xe.htm