Sáng ngày 9-10-2013, HĐXX TAND tỉnh Kiên Giang sau khi hội ý đã quyết định tuyên hoãn phiên xét xử phúc thẩm một vụ án dân sự với lý do khá hy hữu là vị kiểm sát viên nắm quyền kiểm sát tại phiên tòa bị phía bị đơn “tố” đã ăn nhậu với nguyên đơn trong vụ kiện, nên không đảm bảo tính khách quan khi xét xử vụ án.
Ông Nguyễn Văn Thương, đại diện bị đơn, chỉ hình ảnh ông Vinh "nhậu" với bà Thủy (nguyên đơn trong vụ kiện mà Vinh ngồi ghế kiểm sát viên tại phiên xử phúc thẩm) - ảnh Người Lao Động
NỘI DUNG VỤ VIỆC
Thông tin trên được báo Người Lao Động phản ánh.
Được biết đây là phiên tòa xét xử phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trị giá 11 tỉ đồng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (tạm trú huyện Phú Quốc) và bị đơn là ông Nguyễn Văn Khanh (ngụ huyện Phú Quốc).
Sau khi khai mạc phiên xử khoảng 5 phút, ông Nguyễn Văn Thương (người đại diện theo ủy quyền của ông Khanh) đã trưng ra tại tòa một số hình ảnh chứng minh về việc kiểm sát viên Phạm Phú Vinh (VKSND tỉnh Kiên Giang) đang ngồi ăn uống chung bàn với nguyên đơn là bà Thủy. Từ đó cho rằng cần phải thay thế người khác, để bảo đảm sự công bằng, khách quan.
Khi Tòa mời có ý kiến, ông Vinh cho rằng lúc đó mình đang ngồi nhậu ở bàn bên cạnh, thấy có người quen nên bước sang bàn (có bà Thủy) để "giao lưu" chứ không hề biết bà Thủy là nguyên đơn của vụ tranh chấp hôm nay. Ông Vinh khẳng định việc tới quán nhậu có việc riêng nên không ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ của mình.
Tuy nhiên, sau đó HĐXX đã quyết định tạm ngưng để hội ý về phản ánh của phía bị đơn. Sau đó, chủ tọa phiên tòa Trương Ngọc Hồng (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Kiên Giang) tuyên bố tạm hoãn phiên xét xử vì , đồng thời cho rằng việc chỉ định kiểm sát viên thay thế cho ông Phạm Phú Vinh thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang. Khi nào có kiểm sát viên mới, tòa sẽ ấn định ngày xét xử nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ việc.
------------------------------
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong
1. Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong tố tụng nói chung, là phải bảo đảm sự công bằng, khách quan, vô tư trong quá trình giải quyết, xét xử một vụ án. Chẳng hạn như Tòa án ( Hội đồng xét xử), anh là người có thẩm quyền (và cũng là nhiệm vụ) lắng nghe ý kiến của các bên, xem xét đánh giá chứng cứ và đưa ra phán quyết của mình - quyết định bên nào thắng bên nào thua. Như vậy, nếu anh không thực sự khách quan, vô tư thì làm gì còn công lý, lấy đâu ra lẽ công bằng?
2. Chính vì vậy, trong bộ luật tố dụng dân sự ( và cả tố tụng hình sự, hành chính ...) đều có những điều luật quy định nguyên tắc bảo đảm sự vô tư, khách quan trong xét xử. Đồng thời, các bên đương sự có quyền đề nghị thay đổi các thành viên trong Hội đồng xét xử hoặc Kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người giám định, phiên dịch ... khi có căn cứ cho rằng họ có dấu hiệu không vô tư khách quan, "bao che", "bênh vực" ... cho bên kia ...
3. Các dấu hiệu thể hiện sự thiếu vô tư khá nhiều và thậm chí không trường hợp nào giống trường hợp nào. Chẳng hạn như: thẩm phán là bà con hay có quan hệ "đặc biệt thân thiết" với một bên trong vụ án, có bằng chứng cho thấy thư ký phiên tòa đã nhận tiền của một bên đương sự; trong quá trình giải quyết vụ án, khi lấy lời khai thẩm phán liên tiếp ép một bên, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án, không giải quyết các yêu cầu hợp lý của một bên ... Và như trong trường hợp vụ án kể trên, kiểm sát viên đã "ăn nhậu" với một bên đương sự. Rõ ràng, khi anh đã ăn nhậu thân thiết, cụng ly chúc tụng với người ta, thì anh khó có thể nói là không có cảm tình với bên đó. Mà như vậy, liệu anh có bảo đảm sự vô tư, khách quan được hay không?
4. Do vậy, tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc Tòa án quyết định hoãn phiên tòa để thay kiểm sát viên giữa quyền kiểm sát sự tuân thủ pháp luật trong vụ án này là cần thiết. Dù thực sự mà nói, vai trò của vị kiểm sát viên này cũng không phải là quá quan trọng và có ý nghĩa quyết định gì. Vì trong xét xử, thì quyền to nhất vẫn là Hội đồng xét xử.
5. Nhưng nói cho cùng, thì việc thay đổi các thành viên trong Hội đồng xét xử hay kiểm sát viên ... cũng chỉ là chuyện hình thức. Cái quan trọng nhất vẫn là nội dung, bản chất. Có biết bao phiên tòa, đặc biệt là phiên tòa dân sự, Hội đồng xét xử bề ngoài thì nhất nhất theo luật, miệng nói rất hay. Nhưng kết quả xét xử thì hoàn toàn thiếu khách quan, bỏ qua chứng cứ của bên này, nhưng lại ghi nhận quan điểm của bên kia. Cho nên, kết quả xét xử về bản chất là oan, là sai. Thế nhưng bên oan chẳng biết làm sao. Cũng chẳng có bằng chứng gì để khiếu nại. Không phải ngẫu nhiên mà uy tín của ngành Tòa án ngày càng xuống thấp đến mức khó có thể tệ hại hơn. Vì sao? Thật là một câu hỏi tế nhị và rất khó giải thích!
6. Tuy nhiên, nói không phải để nản. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người luôn thực sự khó khăn, đòi hỏi phải có những quyết tâm và lòng bền bỉ. Mặt khác, cần phải hiểu và vận dụng thật hiệu quả, linh hoạt những quy định của pháp luật, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Bản thân tôi đã tham gia rất nhiều vụ án, và có tới hàng chục vụ chúng tôi ( tôi và thân chủ) đã có ý kiến hoặc văn bản khiếu nại và kiến nghị thay đổi thẩm phán vì có dấu hiệu thiếu khách quan, vi phạm pháp luật. Khoảng 50% đơn kiến nghị được chấp thuận ( quý vị có thể tham khảo những mẫu đơn này trên website ecolaw.vn). Tôi cũng đã từng chứng kiến rất nhiều phiên tòa luật sư hoặc các bên đương sự khiếu nại, đề nghị thay đổi hội đồng xét xử... Và cũng không ít lần những kiến nghị đó được chấp thuận. Vấn đề là phải có bằng chứng xác đáng, tức là chứng cứ.
7. Vô phúc đáo tụng đình, chỉ có ai vướng vào vòng lao lý, hoặc dính tranh chấp, kiện tụng ... mới thấu hiểu vì sao ông bà tư xưa đã nói đó là điều "vô phúc". Để tránh đáo tụng đình, thiết nghĩ không gì tốt hơn là hãy tự bảo vệ và phòng ngừa từ khi giao dịch bắt đầu thực hiện. Chẳng hạn như trong vụ án kể trên, nếu hai bên làm hợp đồng đặt cọc thật chặt chẽ, thỏa thuận rõ hướng giải quyết tiền đặt cọc trong các tình huống có thể xảy ra, thì có lẽ không đến nỗi phải kéo nhau ra tòa. Hoặc thậm chí có ra Tòa, thì việc giải quyết sẽ đơn giản, dễ dàng hơn.
------------------------------------------
Quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự:
Điều 16. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự
Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên Hội đồng định giá không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
Điều 214. Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch
Trong trường hợp có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật này quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.