Saturday, July 26, 2014

Con kiện mẹ đòi tiền “nuôi dưỡng”


Một bà mẹ vùng quê bắc bộ. Ảnh internet, không liên quan đến bài viết

Hoàng Phúc

(Ecolaw.vn) – Tháng 7-2008, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử phúc thẩm một vụ án dân sự mà nguyên đơn có yêu cầu đi ngược với đạo lý làm người và đạo đức xã hội : con kiện mẹ đòi tiền công nuôi dưỡng.


Mỗi ngày nuôi là 50 ngàn đồng

Nguyên đơn của vụ kiện này là ông T. ngụ ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Còn bị đơn là mẹ đẻ của ông – cụ Tr., một mẹ liệt sỹ.

Theo đơn kiện, ông Th. là con trai cả của hai cụ Tr. và Ng. Năm 1997, khi tuổi đã cao sức đã yếu, hai cụ có làm một tờ di chúc, bày tỏ nguyện vọng sẽ giao cho ông Th. quản lý toàn bộ tài sản của mình sau khi các cụ qua đời.

Tuy nhiên, năm 1998, khi cụ ông qua đời, giữa ông Th. và mẹ mình phát sinh mâu thuẫn. Do vậy, bà cụ đã quyết định xin hủy bỏ bản di chúc đã lập, không cho ông Th. hưởng số tài sản như đã ghi. Việc làm của cụ Tr. tuy hoàn toàn đúng luật và cũng chưa làm cho ông Th. thiệt thòi gì. Nhưng ông Th. đã tỏ ra rất tức tối, cay cú vì chuyện này.

Tới năm 2005, để tỏ lòng biết ơn, chính quyền địa phương đã quyết định xây tặng cụ Tr. một ngôi nhà tình nghĩa. Thế nhưng ông Th. đã ngăn cản, không cho chính quyền xây dựng căn nhà tình nghĩa trên phần đất có nguồn gốc của chính hai cụ mà ông đang ở. Ông Th. ngang ngược cho rằng khu đất đó là thuộc quyền sử dụng của ông, bất chấp việc tòa án đã phán quyết công nhận việc hủy bản di chúc trước đó của cụ Tr.

Trước diễn biến như vậy, chính quyền địa phương đã cấp cho cụ Tr. 100 m2 đất ở chỗ khác và xây tặng cụ ngôi nhà tình nghĩa trị giá 17 triệu đồng trên phần đất này.

Thay vì phải thấy vui mừng khi mẹ mình được chính quyền quan tâm cấp nhà tình nghĩa thì ngược lại, ông Th. lại chỉ thấy mình bị thiệt thòi (!?). “Bức xúc” chịu không nổi, ông Th. đã làm đơn kiện chính bà mẹ già của mình ra Tòa, đòi cụ phải chi trả tiền công “nuôi dưỡng” mà ông đã nuôi dưỡng cụ trong thời gian 8 năm, từ ngày 7-7-1997 đến ngày 8-7-2005, là ngày mà cụ Tr. chuyển sang ở trong ngôi nhà tình nghĩa của mình.

Rất chi ly, ông Th. tính toán ra mỗi ngày đã chi mất 50 ngàn đồng để nuôi dưỡng mẹ. Chi vị 8 năm là 146 triệu đồng. Không chỉ vậy, ông Th. còn đòi mẹ mình phải thanh toán cho ông số tiền 8,5 triệu đồng (bằng một nửa giá trị ngôi nhà tình nghĩa), nếu muốn ở “yên ổn” trong ngôi nhà tình nghĩa. Lý do : đây là nhà căn nhà chung của cả bố ông, nên ông có quyền được hưởng một nửa.

Tòa dân sự TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử phiên phúc thẩm bác toàn bộ các yêu cầu của ông Th.. Dù vậy, được biết ông Th. vẫn chưa chịu thua. Ông cho biết sẽ tiếp tục việc đòi lại "công bằng" cho mình ở cấp tòa cao hơn.

Lẽ ra tòa có quyền không thụ lý đơn kiện

Mặc dù Tòa án qua hai cấp xét xử đều đã bác đơn kiện của người con bất hiếu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ Trước, nhưng về mặt pháp lý, vẫn có nhiều điều đáng bàn trong vụ án dở cười dở khóc này.

Trước hết, theo qui định tại Bộ luật dân sự, việc xác lập và thực hiện các quyền về tài sản và nhân thân đều phải dựa trên nguyên tắc “tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” của dân tộc.
Tình mẫu tử là thiêng liêng và cũng là đạo lý của người Việt (ảnh minh họa)

Mặt khác, theo qui định tại Luật Hôn nhân và gia đình, con cái có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ già yếu. Điều này tương đồng với qui định cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái khi còn nhỏ. Bởi vậy, việc ông Th. nuôi dưỡng mẹ mình khi cụ đã già yếu là “nghĩa vụ” mà ông phải thực hiện. Còn việc cụ Tr.  “được” nhận sự nuôi dưỡng là “quyền” và cũng chính vì vậy, ông Th.  không thể xem các chi phí mà mình đã bỏ ra để nuôi dưỡng ngay chính mẹ mình như một khoản tiền nợ - để khi tức giận thì có quyền đòi lại.

Nói cách khác, chúng tôi cho rằng lẽ ra ngay từ đầu, Tòa án đã có quyền không nhận đơn kiện của ông Th. - vì không có căn cứ pháp luật.

Trên thực tế, nước ta từ ngàn đời nay vẫn có truyền thống tốt đẹp về quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ với con cái.

Thậm chí con cái còn cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi được có được điều kiện và cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ già. Vì dù vậy thì cũng chỉ là một cách nhỏ nhoi để phần nào báo đáp công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Bởi nếu không có cha mẹ thì đâu có mình.

Nói về công ơn cha mẹ, chắc ai cũng thuộc câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Làm tròn chữ hiếu mới là đạo con

Chính vì vậy, hành động kiện đòi tiền công nuôi dưỡng mẹ già của ông Th. đã khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ. Người ta thương cho bà cụ Tr. và qua đó thậm chí cảm thấy thương hại cho chính ông Th.. Không hiểu từ đâu, mà ông lại có những ý nghĩ và hành động “lạ lùng” như vậy. Rồi đây những đứa con của ông lớn lên sẽ nghĩ gì về cha của mình?

Vụ án đã khép lại nhưng hẳn sẽ còn đọng lại trong mỗi chúng ta những cảm xúc và suy tư khác nhau. Đưa tin về vụ án này, chúng tôi có mong muốn sẽ không bao giờ còn có những vụ án đau lòng như vậy nữa.

---------------------------

Cha mẹ yêu con vô cùng

Con yêu dấu,

Ngày nào con thấy cha mẹ quá già thì hãy cố nhẫn nại và thông cảm nghe con.

Nếu cha mẹ ăn uống đổ lên đổ xuống, nếu cha mẹ mặc đồ khó khăn, con hãy nhẫn nại. Hãy nhớ lại khoảng thời gian mà cha mẹ đã bỏ ra để chỉ dạy cho con biết bao điều tốt đẹp khi con còn thơ.

Nếu cha mẹ cứ nói đi nói lại một điều gì đó, hãy cố lắng nghe! Khi còn bé, con vẫn muốn cha mẹ đọc mãi một câu chuyện từ đêm này sang đêm khác, cho đến khi con thiếp ngủ. Và cha mẹ đã chìu con...

Nếu cha mẹ không còn siêng năng tắm rửa như trước thì đừng rầy la cha mẹ, đừng mắng cha mẹ rằng đó là điều nhục nhã. Hãy nhớ lại: cha mẹ đã phải nghĩ ra bao nhiêu sáng kiến để cho con chịu tắm lúc con còn bé thơ...


Hai mẹ con (tranh minh họa)

Nếu cha mẹ không biết gì về những công nghệ mới thì đừng chế nhạo cha mẹ mà hãy để từ từ cha mẹ hiểu ra. Cha mẹ đã dạy cho con biết bao nhiêu điều: dạy ăn, dạy mặc, dạy đối xử, dạy cho con phương cách đối đầu cuộc sống...

Nếu thỉnh thoảng cha mẹ quên đi điều gì hoặc không theo kịp lời con nói, hãy để cho cha mẹ đủ thời gian mà nhớ lại. Và nếu cha mẹ không nhớ ra, con cũng đừng cau có, cằn nhằn. Bởi vì điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là được ở bên cạnh con và nói chuyện với con mà thôi.

Khi cha mẹ không muốn ăn thì đừng ép. Cha mẹ biết khi nào mình đói và khi nào thì không.

Khi chân cha mẹ không còn sức để bước đi, con hãy giúp cha mẹ như xưa kia, cha mẹ từng dạy con chập chững những bước đi đầu đời...

Rồi đến một ngày kia, khi cha mẹ nói rằng mình không còn muốn sống nữa, con cũng đừng nổi giận với cha mẹ. Vì sẽ đến một lúc nào đó, tới lượt mình, con sẽ hiểu vì sao. Hãy cố hiểu rằng, đến một tuổi nào đó, con người ta không còn thực sự sống nữa, mà chỉ tồn tại mà thôi...

Một ngày kia, con sẽ hiểu rằng, mặc cho bao nhiêu sai lầm, cha mẹ lúc nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con và đã chuẩn bị chu đáo cho tương lai của con để con có thể sống cuộc sống vững vàng.

Con đừng buồn, khổ hay bối rối trước tuổi già và thể trạng của cha mẹ. Con hãy cứ ở bên cạnh cha mẹ, gắng hiểu ba mẹ. Hãy cố gắng hết sức mình như cha mẹ từng cố gắng hiểu con ngày con mới chào đời.

Hãy giúp cha mẹ bước đi, giúp cha mẹ hoàn tất cuộc đời với tâm tình yêu thương và nhẫn nại. Cách duy nhất mà cha mẹ còn có thể làm để cảm ơn con, ấy là nở với con một nụ cưới tràn ngập yêu thương. Con biết không, cha mẹ yêu con vô cùng!

(Theo báo Áo Trắng)