Luật sư Trần Hồng Phong
(Ecolaw.vn) - Trong một buổi tư vấn pháp luật ở tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM, một bạn đọc tên Trần Thị N. (nguyên là một giáo viên đã về hưu ở TP.HCM) có đưa cho tôi xem tờ đơn xin được thi hành một bản án đã xử cách đây đã rất lâu.
Theo lá đơn, thì vụ việc đã được xét xử, và trong bản án ghi rõ như sau: “ Bà Phạm Thị Thanh L. xác nhận còn thiếu bà N. 1,6 triệu đồng và cam kết sẽ trả cho bà N. vào ngày 18-5-2001”.
Bà N. cho biết suốt thời gian qua, dù đã tới lui đội thi hành án nhiều lần nhưng bà vẫn chưa nhận được dù chỉ một đồng từ phía bà L. Bà L. đã “lặng lẽ” (hay “ù lì”) không chịu trả nợ, coi cam kết của mình trong bản án … như không!
Bà N. nói với tôi nếu thật sự bà L. không có tiền trả nợ vì hoàn cảnh khó khăn thì không nói. Đằng này chồng bà L. là chủ xe du lịch đang kinh doanh, con trai đang là chủ một cửa hàng bán máy vi tính…
Bà N. cũng cho biết thêm bà đã không biết bao nhiêu lần lên cơ quan thi hành án. Nhưng cán bộ đội thi hành án tỏ ra thiếu nhiệt tình, không kiên quyết trong việc buộc bà L. phải thi hành bản án không quá khó này. Không hiểu tại sao (?!)
1,6 triệu đồng đối với bà N. không phải là nhỏ. Việc bà đã phải đưa vụ việc nhờ toà can thiệp với hy vọng đòi được nợ để có thể giải quyết được nhiều việc trong gia đình cho thấy rõ điều đó. Nhưng đối với những người có gia cảnh như bà L., thì chắc chắn số tiền đó không phải lớn. Chưa kể về nguyên tắc đó là món nợ mà bà có trách nhiệm phải trả (kể cả tiền lãi).
Một vụ án nhỏ nhưng vấn đề xã hội của nó thì không hề nhỏ. Đó là lòng tự trọng của một con người. Dù trong không ít trường hợp pháp luật vẫn có những kẽ hở để những người như bà L. có đường né tránh trả nợ, bằng cách giao tài sản của mình cho người khác đứng tên… Nhưng một khi người ta đã tự làm mất đi lòng tự trọng của mình vì những toan tính vật chất nhỏ mọn, bất chấp lương tâm, đạo lý - thì thật là điều đáng tiếc – cho chính người đó.