Thursday, August 7, 2014

Giấy triệu tập đương sự

(Ecolaw.vn) - Trong quá trình giải quyết một vụ án, theo trình tự và thủ tục qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, tòa án sẽ nhiều lần làm việc với các bên đương sự, nhằm mục đích làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến yêu cầu khởi kiện hoặc tiến hành hòa giải, xét xử …vv. Để đương sự (nguyên đơn, bị đơn …) có mặt làm việc, tòa sẽ ban hành một văn bản có tên gọi là “Giấy triệu tập đương sự” gửi trước cho đương sự.

Dưới đây là một Giấy triệu tập đương sự do Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành.



---------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Giấy triệu tập đương sự, cũng như bất kỳ văn bản tố tụng nào khác, đều có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Hiểu một cách nôm na, đây là văn bản “triệu tập” của tòa án đối với các bên đương sự. Theo qui định, nếu giấy triệu tập được gửi ( thuật ngữ pháp lý gọi là “tống đạt”) một cách hợp lệ, thì bắt buộc đương sự (người được triệu tập) phải có mặt tại Tòa án - theo nội dung ghi trong giấy triệu tập.

2. Nếu đương sự không có mặt theo giấy triệu tập (dù là cố tình hay vô ý), thì sẽ phải chấp nhận hậu quả pháp lý do sự vắng mặt “không phép” của mình. Hậu quả này nói chung là theo chiều hướng không có lợi cho đương sự. Chẳng hạn nếu đương sự là nguyên đơn (người khởi kiện) mà vắng mặt, thì sau nhiều lần như vậy (tùy trường hợp cụ thể), Tòa sẽ ra quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ việc giải quyết vụ án (xem như từ chối việc giải quyết đơn kiện). Nếu đương sự là bị đơn, thì sau 2 lần triệu tập hợp lệ và vẫn vắng mặt, tòa sẽ xét xử vắng mặt đương sự ( khi đó, đương sự sẽ không có cơ hội để trình bày, nêu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho mình …).

3. Chính vì vậy, khi nhận được giấy triệu tập, nếu vì lý do nào đó không thể có mặt, thì đương sự cần phải có đơn xin phép vắng mặt gửi tòa. Nếu lý do là xác đáng, khách quan – thì tòa sẽ xem như đương sự vắng mặt “có phép”, không tính là “vắng mặt không lý do”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là muốn vắng mặt bao nhiêu lần thì vắng. Thông thường, đương sự chỉ có quyền và nên vắng mặt tối đa khoảng vài lần trong quá trình giải quyết một vụ án.

4. Qua đó, ngược lại, nếu tòa gọi điện thoại mời lên làm việc, nhưng không có giấy triệu tập, thì đương sự có quyền từ chối không lên. Vì nhiều khi tòa muốn “đi đêm” hay vì lý do gì đó, mà chỉ gọi điện mời lên làm việc mà không có giấy tờ gì cả.

5. Qua qui định như trên, cũng có thể thấy nhiều trường hợp đương sự đã lợi dụng việc có thể xin phép vắng mặt để làm đơn xin vắng mặt. Nhằm mục đích cố tình kéo dài quá trình giải quyết, xét xử của tòa án. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài một cách vô bổ, gây bức xúc cho bên còn lại. Nhưng luật là luật, đành phải chấp nhận mà thôi.

6. Theo qui định, trong giấy triệu tập sẽ ghi rõ việc mời lên để làm gì. Thông thường trong giấy triệu tập hay ghi các câu như sau : “để giải quyết vụ án” – được hiểu là tòa sẽ mời lên lấy lời khai hoặc yêu cầu viết bản tự khai, trình bày về các vấn đề chưa rõ. Hay “ để hòa giải” – được hiểu là mời lên để hòa giải, với sự có mặt của tất cả các bên. Hay “để tham dự phiên tòa xét xử” – được hiểu là tòa sẽ xét xử ( ngoài Giấy triệu tập, trước khi xét xử tòa còn ra “Quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Hay cũng có khi tòa ghi “để nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử” …vv. Trên thực tế, nhiều khi nhận được giấy triệu tập của Tòa các đương sự trở lên rất hốt hoảng, mất bình tĩnh. Thực ra, cần bình tĩnh đọc kỹ xem tòa mời lên làm gì. Và nếu đương sự có mời luật sư, thì nên báo ngay cho luật sư để bàn về “đối sách” tiếp theo.

7. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rất nhiều tòa án khi mời đương sự lên là thu luôn bản chính Giấy triệu tập của đương sự. Nếu như vậy, đương sự xem như sẽ chẳng còn bằng chứng gì về việc tòa đã triệu tập lên làm việc. Trong khi ý nghĩa và hậu quả của việc có mặt hay vắng mặt theo giấy triệu tập là rất quan trọng. Chính vì vậy, tôi vẫn khuyên các đương sự nên nhất thiết phải photo Giấy triệu tập ra thành một bản khác và chỉ nên đưa bản photo lại cho cán bộ tòa án mà thôi. Nhiều đương sự đã phải “khóc hận” vì không còn giữ lại được bản chính hay thậm chí là bản photo các Giấy triệu tập của tòa án.

8. Chính vì việc giao (tống đạt) một cách hợp lệ giấy triệu tập là rất quan trọng, cho nên ở nửa sau mẫu Giấy triệu tập đương sự có hẳn một phần dành cho việc tống đạt Giấy triệu tập trong trường hợp cán bộ tòa án ( thường là thư ký tòa) không trực tiếp giao cho đương sự. Khi đó, việc tống đạt phải qua trung gian là công an hoặc UBND phường. Nếu Tòa giao cho một người khác nhờ chuyển giúp cho đương sự thì tòa còn bắt người nhận phải ký tên vào phần ghi là “Biên bản giao nhận Giấy triệu tập” (tòa sẽ cắt ngang và lấy phần “Biên bản” này đem về). Khi đó, người nhận có nghĩa vụ “bắt buộc” phải giao giấy triệu tập đến tận tay đương sự.

--------------------------

Bài liên quan: