THANH TÙNG
Công ty điện lực nói cái máy bị thu giữ là máy tạo dòng để trộm điện, đương sự lại khăng khăng rằng đó chỉ là cái ổn áp. Hai cơ quan giám định đều lắc đầu chào thua, không biết cái máy tang vật là máy gì.
Năm 2005, nhà ông B. bị cơ quan điện lực cắt điện, thu giữ hai điện kế điện tử và một thiết bị mà theo công ty điện lực đó là máy tạo dòng để ăn cắp điện. Nhân viên điện lực đã lập biên bản bắt quả tang việc vi phạm, ra thông báo phạt hơn 25 triệu đồng.
Máy tạo dòng hay máy ổn áp?
Sau đó, ông B. khởi kiện, yêu cầu Công ty Điện lực TP.HCM phải xin lỗi gia đình, gắn lại hai chiếc điện kế đã tháo và bồi thường 5 triệu đồng.
Ông B. khẳng định: “Gia đình tôi không dùng bất cứ máy tạo dòng nào để làm cho điện kế chạy ngược nhằm ăn cắp điện như cơ quan điện lực nói. Các kỹ sư điện cũng bảo với tôi không có thiết bị nào có thể làm cho điện kế điện tử chạy ngược lại được. Thiết bị mà công ty điện lực thu giữ chỉ là máy ổn áp”. Ông B. còn bảo việc kiểm tra, lập biên bản của nhân viên điện lực sai vì không có người làm chứng, không có đại diện chính quyền, niêm phong không đảm bảo...
Tháng 2-2007, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông B. Tòa nhận định, căn cứ vào biên bản kiểm tra của nhân viên điện lực thì đủ cơ sở kết luận ông B. đã dùng máy tạo dòng để ăn cắp điện, vi phạm hợp đồng mua bán điện. Việc kiểm tra, lập biên bản, niêm phong tang vật của nhân viên điện lực cũng không sai quy trình.
Tuy nhiên, xử phúc thẩm sau đó, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, nội dung biên bản nghị án và quyết định trong bản án không giống nhau. Trong hồ sơ có hai quyết định đưa vụ án ra xét xử cùng số, cùng ngày nhưng ghi hai hội đồng xét xử khác nhau và không biết đương sự được tống đạt quyết định nào.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn lưu ý: Khi xử lại, cấp sơ thẩm nên xem xét kỹ về trình tự thu thập tang vật và chấp nhận yêu cầu xin giám định của các đương sự.
Cơ quan giám định… chào thua
Tháng 6-2009, TAND quận Tân Bình mở phiên sơ thẩm lần hai. Tại phiên xử, phía ông B. cho rằng chiếc máy ổn áp tang vật đã bị đánh tráo, không giống với chiếc máy trong ảnh mà nhân viên điện lực chụp khi thu giữ. Dấu niêm phong trên tang vật cũng bị bóc ra và dán lại, các chữ ký trên đó “đều là giả mạo”...
Về phần mình, đại diện Công ty Điện lực TP cũng yêu cầu tòa trưng cầu giám định để kết luận rõ xem chiếc máy tang vật có phải là máy tạo dòng hay không. Vì thế, tòa đã hoãn xử để trưng cầu giám định.
Đầu tiên, tòa quyết định trưng cầu giám định tại Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Ba tháng sau, cơ quan giám định phúc đáp là máy tang vật không bị đánh tráo. Tuy nhiên, để xác định máy này là máy tạo dòng hay ổn áp thì cần phải có thiết bị giám định chuyên dùng. Hiện tại cơ quan giám định chưa có thiết bị này nên chưa kết luận được đây là loại máy gì.
Đầu năm 2010, TAND quận Tân Bình tiếp tục trưng cầu giám định cấu tạo và chức năng của chiếc máy trên tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM. Tuy nhiên mới đây, cơ quan này cho biết chưa có giám định viên về lĩnh vực này nên không thể giám định và trả lại toàn bộ hồ sơ.
Sắp tới, sau gần năm năm chưa thể giải quyết dứt điểm, TAND quận Tân Bình sẽ tiếp tục xử sơ thẩm lại vụ kiện hy hữu này dù vẫn chưa có kết quả giám định. Chúng tôi sẽ theo dõi, thông tin đến bạn đọc.
--------------
Giám định không được, bị đơn sẽ bất lợi
Theo tôi, nếu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM và Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an không xác định được máy tang vật là máy gì thì tòa nên tiếp tục trưng cầu giám định ở cấp cao hơn. Nếu việc trưng cầu không có kết quả, tòa phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường, xin lỗi… của nguyên đơn. Bởi nghĩa vụ chứng minh đương sự ăn cắp điện thuộc về cơ quan điện lực. Cơ quan này không chứng minh được đó là máy tạo dòng thì có nghĩa là không thể kết luận người dân đã ăn cắp điện.
Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang
Nguồn: Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
----------
Bài liên quan:
• Đơn đề nghị bác bỏ giá trị pháp lý của một văn bản