Saturday, July 26, 2014

Vụ chìm tàu Dìn Ký & Vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần


Sự đau buồn của gia đình các nạn nhân chính là "tổn thất tinh thần. Trong ảnh là cảnh cầu siêu cho các nạn nhân ngay tại hiện trường, trong khi đang tiến hành tìm vớt xác các nạn nhân

Huỳnh Kiều

(Ecolaw.vn) – Khi có nạn nhân qua đời do hành vi xâm hại đến tính mạng trái pháp luật, thì người xâm hại phải bồi thường tổn thất do mình gây ra. Trong các khoản bồi thường, có khoản gọi là “bồi thường tổn thất tinh thần”. Trong vụ chìm tàu Dìn Ký, đã có sự tranh cãi xung quanh mức bồi thường tổn thất tinh thần.


Vụ chìm tàu đau lòng

Khoảng 18h30 ngày 20-5-2011, chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký (chi nhánh cầu Ngang) đang di chuyển chậm trên sông Sài Gòn thì bất ngờ gặp trời mưa to kèm gió lớn làm tàu chao đảo, lật ngang.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn, ở lầu 1 đang tổ chức sinh nhật cho con trai ông Quách Lương Tài. 15 người tại đây được xác định mất tích trong đó có 5 trẻ em. Riêng gia đình ông Tài có tới 6 người gặp nạn bao gồm 2 đứa con. Chỉ mình ông Tài thoát ra được, bơi vào bờ.

Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, các thợ lặn đã vớt được thi thể những nạn nhân xấu số từ nhà hàng Dìn Ký. Đến ngày 23-5-2011, xác một bé trai 9 tuổi được tìm thấy trong đống sình bùn bên dưới hầm máy. Theo đó, tổng số người thiệt mạng được xác định là 16 người, trong đó có 4 người mang quốc tịch Trung Quốc (có 5 trẻ em và 7 phụ nữ).


Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, con tàu Dìn Ký đã hết hạn kiểm định hơn 3 tháng, người lái tàu không xuất trình được bằng lái, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký cũng hoạt động không phép. Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố 2 người liên quan đến sự việc này.

Chưa thống nhất được về giá trị bồi thường thiệt hại tinh thần

Liên quan đến vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn ngày 20-5-2011, ngày 5-6-2011, tại UBND thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), đại diện gia đình 4 nạn nhân người Trung Quốc và Doanh nghiệp Dìn Ký đã có buổi làm tiếp theo để thực hiện các vấn đề liên quan đến việc hồi hương các nạn nhân về quê mai táng. Tuy nhiên, mức bồi thường về “tổn hại tinh thần” do phía nạn nhân đưa ra vẫn chưa tìm được thống nhất giữa hai bên.

Trước đó, theo báo Thanh Niên, ngày 31-5-2011 hai bên (Dìn Ký và gia đình các nạn nhân) đã ký một bản thỏa thuận - có sự chứng kiến của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM, Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương, theo đó phía Dìn Ký chấp thuận khoản chi phí 68.250 USD cho gia đình các nạn nhân, bao gồm các khoản chi phí sau:

- Chi phí bảo quản, vận chuyển 4 thi hài về Trung Quốc mai táng (10.000 USD/ nạn nhân).

- Chi phí đi lại, ăn ở cho 19 thân nhân của các nạn nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam lo hậu sự.

Thế nhưng khi đại diện Dìn Ký mang tiền đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM thì người nhà của các nạn nhân không nhận số tiền trên mà đề nghị Dìn Ký phải bồi thường thêm một khoản tiền với tên gọi là “thiệt hại tinh thần và nhân mạng” với số tiền rất cao là 60.000 USD/nạn nhân. Như vậy đã “phát sinh” thêm 240.000 USD – cho 6 nạn nhân.

Dìn Ký đã không chấp nhận yêu cầu này và đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương tham gia giải quyết vụ việc.

Sau khi được các cơ quan chức năng hướng dẫn, giải thích, phía gia đình các nạn nhân đã đồng ý ký tên vào biên bản, bước đầu nhận 68.250 USD để lo hậu sự cho các nạn nhân.

Tuy nhiên, cuộc “tranh cãi” về mức bồi thường “tổn hại về tinh thần” vẫn chưa ngã ngũ. Dìn Ký chủ động đưa ra mức 7.000 USD/ nạn nhân. Phía gia đình các nạn nhân sau đó có hạ mức bồi thường xuống còn 50.000 USD/ nạn nhân.

Nhưng phía Dìn Ký vẫn không chấp nhận.

Luật Việt Nam: mức bồi thường thiệt hại tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu

Theo qui định, khi có nạn nhân nào đó bị chết (tính mạng bị xâm phạm) do hành vi trái pháp luật của người khác, thì phía người xâm hại tính mạng phải “bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại”.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Ngoài ra, người xâm phạm tính mạng của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (vợ, chồng, con, cha, mẹ).

“Tổn thất về tinh thần” là gì ? Hiện chưa có văn bản nào định nghĩa về vấn đề này. Tuy nhiên có thể hiểu là những tổn thất “bên trong” con người, chẳng hạn như vì đau buồn mà mất ngủ, suy nghĩ bi quan, chán nản, uể oải …vv – là những dấu hiếu ảnh hưởng đến hoạt động bình thường (về thể chất) hàng ngày.

Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Tuy nhiên, luật qui định nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Vấn đề này được quy định chi tiết hơn tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006).

Như vậy, nếu áp những qui định của pháp luật Việt Nam vào trường hợp Dìn Ký, có thể thấy nếu Dìn Ký không chấp nhận yêu cầu của phía gia đình các nạn nhân, thì cũng không có cơ sở pháp lý nào để cơ quan hay tổ chức nào có thể “buộc” Dìn Ký phải trả khoản tiền bồi thường tinh thần cao hơn mức qui định của pháp luật Việt Nam.

(Cũng cần phải nói thêm là sẽ có ý kiến thắc mắc : tại sao không phải là người lái tàu hay ai khác bồi thường mà lại là chủ Doanh nghiệp Dìn Ký? Là vì trước mắt các cơ quan xác định lỗi chủ yếu là do doanh nghiệp này đã có nhiều sai phạm như : lái tàu không có bằng lái, bến tàu trái phép … - đây là những lỗi hoàn toàn thuộc về chủ doanh nghiệp Dìn Ký. Nên Dìn Ký phải chịu trách nhiệm bồi thường).

Hiện nay, mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định là 810 ngàn đồng/tháng. Như vậy, 60 tháng lương sẽ là khoảng trên 48 triệu đồng. Từ đó, có thể thấy mức bồi thường mà Dìn Ký chấp nhận (7.000 USD) là khoảng 150 triệu đồng vẫn cao hơn khoảng 3 lần so với số tiền Nhà nước qui định.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu hai bên vẫn không thống nhất được, phía gia đình các nạn nhân Trung Quốc có quyền và có thể kiện tại Trung Quốc hay Tòa án ở một nước thứ ba nào đó. Tuy nhiên, vấn đề này là không thể. Vì nếu xem khoản tiền nói trên là tranh chấp dân sự, lại giữa các chủ thể (các bên tham gia) thuộc các quốc gia khác nhau thì giữa hai bên phải có hợp đồng, văn bản thỏa thuận trước về số tiền bồi thường, pháp luật áp dụng ( xử theo luật nước nào)…vv.

Nói tóm lại, theo đánh giá của chúng tôi thì nếu hai phía không bên nào chịu nhượng bộ, thì số tiền cao nhất mà gia đình các nạn nhân có thể đòi được không cao hơn mức 7.000 USD do phía Dìn Ký đã chủ động đưa ra.

--------------------------

Qui định của pháp luật

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

(Điều 610 Bộ luật dân sự)