Friday, August 8, 2014

Bản kết luận giám định

 Bản kết luận giám định là văn bản kết luận về ý kiến chuyên môn của các chuyên gia (giám định viên) đối với một vấn đề, sự kiện hay vật chứng, chứng cứ nào đó. Bản kết luận giám định có ý nghĩa và được xem chứng cứ quan trọng và khoa học, được Tòa án sử dụng để đưa ra phán quyết về một nội dung/vấn đề nào đó trong một vụ án nói chung.


Dưới đây là Bản kết luận giám định Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Long An, về kết quả giám định dấu vân tay của hung thủ Hồ Duy Hải - trong vụ án hình sự nổi tiếng về việc sát hại 2 nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) năm 2008.





---------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong một vụ án nói chung (dân sự, hình sự …) khi có những vấn đề cần phải làm rõ, thì đương sự hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu hoặc tự mình ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Trong vụ án hình sự, khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định ( xem phần dưới) hoặc xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định. Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự qui định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định những vấn đề sau:

- Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

- Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

- Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;

- Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

- Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.

3. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.

4. Nội dung Bản kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.

5. Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

6. Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định. Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này được ghi vào biên bản.

7. Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết.

8. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.

9. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.

10. Trong Bản kết luận giám định nói trên, cơ quan điều tra công an tỉnh Long An đã ra quyết định giám định đối với mẫu các dấu tay thu được tại hiện trường vụ án ( được xác định là do hung thủ để lại) và dấu vân tay (10 ngón) của bị can (người bị nghi ngờ phạm tội) Hồ Duy Hải, để nhằm mục đích xác định đó có phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải hay không. Và theo Bản kết luận giám định, xác định rằng “không phát hiện trùng khớp” với dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Điều này có nghĩa là dấu vân tay tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải mà là của một ai đó khác. Tuy nhiên, Tòa án (cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm) vẫn cho rằng chính Hồ Duy Hải là hung thủ giết người và tuyên án tử hình đối với Hải. Tôi (luật sư Phong), qua đề nghị của gia đình tử tội Hồ Duy Hải, đã có Đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Đơn của tôi đã không được chấp thuận và lý do đưa ra thì cũng rất là đơn giản, chung chung ( xem thêm bài liên quan).

----------------------------------------

Bài liên quan:

Đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (vụ án tử tù Hồ Duy Hải, Long An)

Đơn đề nghị giám định lại về thương tật