Wednesday, September 17, 2014

Con và mẹ bị bố "tịch thu" sim, phá thông tin trong điện thoại, xâm phạm đời tư - phải làm sao?


Hỏi: Chào luật sư. Vào năm ngoái, lần đầu ba em lấy điện thoại của em và mẹ với lý do là em và mẹ đã lấy trộm tin nhắn điện thoại của ông qua điện thoại. Như vậy là xâm phạm đời tư cá nhân của ông, nên ông có quyền tịch thu. Em biết ba em làm vậy chỉ là để phi tang những tin nhắn thân mật của ông ấy. Việc chiếm đoạt như vậy có phạm luật hay không?. 

Cách đây 1 tháng, ông ấy lại tiếp tục lấy 1 lần nữa. Điện thoại thì đưa đi bẻ khóa, còn sim thì tùy tiện gọi và nhắn tin với nhiều người khác. Và có lời xúc phạm mẹ em, vu cáo mẹ ngoại tình ... Ông ấy còn đánh đập con cái để dằn mặt, tịch thu hết giấy tờ nhà và tiền tiết kiệm của mẹ. Trong khi thực tế ông là người ngoại tình. Tuy mẹ em không có bằng chứng bằng hình ảnh, nhưng biết qua tin nhắn thân mật như vợ chồng với người phụ nữ khác (đang có chồng).  Nhiều lần bị xúc phạm, em và mẹ đã nói chuyện góp ý với ba, nhưng càng bị xúc phạm thêm. Em có báo với ban khu phố nhưng không thấy giúp đỡ.

Vậy em xin luật sư tư vấn giúp là: Mâu thuẫn gia đình ngày càng lớn, nên khi ly dị mẹ em có thể tố giác ba và người phụ nữ kia ngoại tình hay không? Và phải làm gì để lấy lại số điện thoại kia (tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng - vì trong đó lưu giữ nhiều kỷ niệm của em và mẹ, nên rất có ý nghĩa đối với em và mẹ).

Mẹ em có thể kiện Ba em về việc chiếm đoạt tài sản, hành vi bẻ khóa và tùy tiện sử dụng điện thoại hay không? và phải làm thế nào để ba biết lỗi. Vì em góp ý thì chỉ bị ba đánh, còn mẹ góp ý thì bị xúc phạm. Mong luật sư tư vấn giúp ạ. Em chân thành cảm ơn! (Tran V.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Nhận xét đầu tiên của tôi là ba bạn là một người đàn ông không được đàng hoàng, đứng đắn và có lối hành xử rất độc đoán, chuyên quyền. Ba bạn chưa xứng đáng là một người cha, người chồng tốt. Đây là chuyện nội bộ gia đình bạn, nên tôi cũng không muốn bình bàn thêm.

Về mặt pháp luật, có thể khẳng định ngay là việc ba bạn tự ý lấy điện thoại của bạn và mẹ, rồi nhắn tin đặt điều (nếu những lời bạn nêu là đúng sự thật), có hàm ý xúc phạm ...vv, là hoàn toàn sai trái, xâm phạm quyền bí mật đời tư, bí mật thư tín, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bạn và mẹ bạn - đều là những quyền về nhân thân và tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ. (Quy định tại Bộ luật dân sự).

Theo quy định của pháp luật, khi người nào có những hành vi như của ba bạn, thì người bị xâm hại có quyền khởi kiện, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (bao gồm cả tổn thất về vật chất lẫn tinh thần). Ngoài ra, nếu ở mức độ nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm thậm chí còn có thể bị xử lý về mặt hình sự, với các tội danh như: vu khống, hủy hoại tài sản ...

Theo tôi đánh giá, thì sự việc trong gia đình bạn cũng chưa đến mức quá nghiêm trọng. Nhưng cũng không thể nói là không nghiêm trọng, bình thường. Nhất là khi ai cũng hiểu là đối với mỗi con người, thì vấn đề danh dự, nhân phẩm là vô giá. Không thể có chuyện đơn giản là ba bạn tự cho mình có quyền thực hiện những hành vi sai trái với vợ, con mình như vậy. Cũng như không có lý do gì để bạn va mẹ bạn cứ phải cam chịu mãi.

Để giải quyết tình hình, theo tôi nghĩ bạn và mẹ trước mắt nên chọn giải pháp ôn hòa, giải quyết nội bộ trong gia đình là tốt nhất. Cụ thể là nên lập một văn bản (thay vì chỉ nói như lâu nay, có thể là một tờ Thư trao đổi với ba chẳng hạn) yêu cầu ba bạn phải chấm dứt những hành vi tự ý lấy điện thoại cá nhân, tự ý sử dụng sim nhắn tin cho người khác ... và trả lại điện thoại/dữ liệu/thông tin cho bạn và mẹ bạn. Vì đây là những tư liệu quý đối với bạn và mẹ.

Đồng thời trong văn bản cũng cần nêu rõ là nếu ba bạn không chấm dứt và giải quyết theo yêu cầu, thì bạn và mẹ sẽ cân nhắc khả năng có thể khởi kiện ra tòa hay tố cáo và đề nghị khởi tố ba bạn về hành vi vu khống, hủy hoại tài sản đến cơ quan công an.

Tôi cũng đồng ý bạn và mẹ bạn có thể in phần tư vấn trả lời này đưa cho ba bạn xem, để ông tham khảo, bao gồm cả những điều luật mà tôi trích dẫn bên dưới. Tôi hy vọng rằng sau bước đi nhẹ nhàng như vậy, ba bạn sẽ có sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của mình. Không đến nỗi cha con vợ chồng phải đưa nhau ra tòa án.

Riêng về chuyện ly hôn giữa ba bạn và mẹ bạn, thì đây là chuyện của chính bản thân hai người. Ly hôn là chuyện quan trọng, nên cần cân nhắc cẩn thận trước khi có quyết định. Việc ba bạn ngoại tình là sai về mặt đạo đức và cũng là vi phạm nghĩa vụ vợ chổng có trách nhiệm chung thủy với nhau (theo Luật hôn nhân và gia đình). Tuy nhiên hành vi này chưa đến mức bị xử lý hình sự (nếu họ chưa chung sống như vợ chồng với nhau). Còn nếu tố cáo về mặt hành chính thì cũng không có hiệu quả gì mấy. Nói chung đây là vấn đế thuộc tư cách đạo đức, bản chất con người.

Chúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình bạn. www.ecolaw.vn

-------------------------

Quy định tại Bộ luật dân sự:

Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Quy định tại Bộ luật hình sự:


Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 122. Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn