Thursday, August 7, 2014

Đơn thay đổi ý kiến hòa giải


(Ecolaw.vn) - Đơn thay đổi ý kiến hòa giải là một văn bản do đương sự làm và gửi cho Tòa án, nhằm mục đích thay đổi ý kiến, không đồng ý với việc đã hòa giải trước đó với bên « đối phương ».

Sau khi gửi cho Tòa án đơn thay đổi ý kiến hòa giải, xem như những nội dung mà các bên đã thỏa thuận/hòa giải trước đó sẽ không còn giá trị nữa. Về nguyên tắc, vụ án sẽ được đưa ra xét xử. Dưới đây là một Đơn thay đổi ý kiến hòa giải mà Công ty luật hợp danh Ecolaw đã soạn cho khách hàng của mình. Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, và chúng tôi đăng lại với sự đồng ý của khách hàng (giữ nguyên tên tuổi).

------------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.HCM, ngày 27 tháng 4 năm 2012

ĐƠN THAY ĐỔI Ý KIẾN HÒA GIẢI
(V/v: Thay đổi ý kiến, không đồng ý với kết quả hòa giải ngày 25-4-2012)


Kính gửi :    TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 3
                     VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN QUẬN 3

Tôi tên : NGÔ THỊ THU TH., sinh : ...
Ngụ tại : XXX ,Thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.


Là nguyên đơn trong vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với : Bị đơn : BỆNH VIỆN BÌNH DÂN ( Địa chỉ: 371 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3, TP.HCM).

Tôi cũng là người đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị T., Nguyễn Thanh T., Nguyễn Thị Bích Tr., Nguyễn Thị Bích T.

Vụ án đang do TAND Quận 3 TP. HCM thụ lý suốt gần 6 năm qua chưa xét xử xong.

Nay tôi có đơn này, đề nghị được thay đổi ý kiến tại phiên hòa giải ngày 25-4-2012, vì những nội dung thể hiện trong Biên bản hòa giải thành không thể hiện đúng bản chất vụ kiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và gia đình chúng tôi.

Cụ thể như sau:

Ngày 25-4-2012 vừa qua, tôi từ Tiền Giang chạy lên TP. Hồ Chí Minh tham dự phiên hòa giải với bị đơn Bệnh viện Bình Dân.

Trong vụ án này, tôi là người khởi kiện, đã nộp đơn khởi kiện từ tháng 10-2006, yêu cầu Bệnh viện Bình dân xin lỗi, bồi thường vì đã sai sót chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong quá trình theo dõi và điều trị, gây ra cái chết của chồng tôi là ông Nguyễn Văn T. (mới 50 tuổi) khi vào phẫu thuật tại bệnh viện.

Trong quá trình giải quyết vụ án, qua các kết quả giám định, đã từng bước xác định nguyên nhân chết của chồng tôi là do sự sai sót về chuyên môn của bệnh viện.

Ngày 30-9-2008, tòa án quận 3 đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, đại diện của bệnh viện đã thừa nhận ekip bác sĩ và điều dưỡng điều trị cho chồng tôi có sai sót. Hồ sơ bệnh án do bệnh viện lập và cung cấp cho Tòa cũng đã thể hiện rõ điều này.

Tuy nhiên, thay vì tuyên án, Tòa đã ra quyết định số 60/2008/QĐHPT, tuyên hoãn phiên tòa, với lý do : “Xét thấy cần có mặt của người giám định”.

Theo qui định tại khoản 1 điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự, trong trường hợp xét thấy cần có sự có mặt của người giám định (điều 205) thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm là không quá 30 ngày kể từ ngày tòa án ra Quyết định hoãn phiên toàn.

Thế nhưng, từ ngày hoãn phiên tòa (30-9-2008) tới nay đã gần 4 năm trôi qua, nhưng Tòa án quận 3 vẫn không ra Quyết định mở lại phiên tòa.

Tại buổi hòa giải ngày 25-4-2012 vừa qua, vì thẩm phán giải thích rất hay, vì vụ án đã quá lâu chưa giải quyết xong và do không đọc kỹ biên bản, nên phía chúng tôi đã ký vào Biên bản hòa giải thành.

Tuy nhiên, sau khi về xem lại, chúng tôi thấy trong Biên bản hòa giải thành chỉ ghi vỏn vẹn như sau : “Bệnh viện Bình Dân có trách nhiệm bồi thường cho các ông bà Ngô Thị Thu Th., Nguyễn Thanh T., Nguyễn Thị Bích T., Nguyễn Thị Bích T. số tiền 89.811.000 đồng trong thời hạn 1 tháng”.

Những nội dung này rõ ràng không xác định được bản chất của vụ án: bệnh viện bồi thường về việc gì ? Bệnh viện có sai sót chuyên môn và thiếu trách nhiệm trong quá trình điều trị cho chồng tôi hay không ? - Trong khi đây mới chính là vấn đề quan trọng nhất mà chúng tôi mong muốn tòa giải quyết.

Vì vậy, theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, nay chúng tôi có đơn này nêu ý kiến của mình như sau:

- Chúng tôi quyết định thay đổi ý kiến, không đồng ý với nội dung hòa giải thể hiện trong Biên bản hòa giải thành lập ngày 25-4-2012.

- Đề nghị Tòa án nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử vì đã quá lâu (tính từ khi khởi kiện tới nay đã 6 năm).

Kính mong Quí tòa xem xét giải quyết. Xin chân thành cám ơn.

                                                                                           Kính đơn (Đã ký)

----------------------------


Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự, tòa án thường tiến hành một thủ tục mang tính bắt buộc là « hòa giải » nhằm giúp các bên có thể thỏa thuận, tự giải quyết với nhau một cách nhẹ nhàng, ổn thỏa. Thay vì phải tiến hành xét xử.

2. Nếu các bên thống nhất được cách giải quyết với nhau, xem như đã hòa giải thành công. Khi đó, Tòa án sẽ lập một văn bản có tên là « Biên bản hòa giải thành », các bên cùng ký tên vào và giao cho các bên đương sự để về … xem và suy nghĩ cho kỹ. Chính vì vậy, Biên bản hòa giải thành chưa có giá trị thi hành, chưa phải là kết quả giải quyết chính thức của vụ án mà còn phải chờ trong vòng 7 ngày.

3. Trong khoảng thời gian 7 ngày kế từ ngày ký biên bản hòa giải thành, nếu không bên nào thay đổi ý kiến, thì Tòa án sẽ căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong Biên bản hòa giải thành, ban hành một văn bản có tên gọi là ‘Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ». Quyết định này có giá trị như là một bản án, có hiệu lực pháp luật ngay (tức là bắt buộc các bên có nghĩa vụ phải thi hành).

4. Ngược lại, nếu trong thời gian 7 ngày, sau khi suy nghĩ lại hoặc vì lý do nào đó, một hoặc thậm chí cả hai bên đều có quyền thay đổi ý kiến, từ chối nội dung đã thỏa thuận trước đó với phía bên kia. Việc thay đổi ý kiến này phải lập thành văn bản và gửi cho Tòa. Chính là Đơn thay đổi ý kiến hòa giải ở trên.

5. Luật không qui định phải nêu rõ lý do vì sao thay đổi ý kiến hòa giải, mà đó là quyền luật định của đương sự. Do vậy, cũng không nhất thiết phải kể lể dài dòng, thậm chí chỉ cần ghi là « tôi quyết định thay đổi ý kiến hòa giải » là xong. Tòa án « bắt buộc » phải nhận Đơn thay đổi ý kiến hòa giải. Và trong trường hợp này, xem như những nội dung thỏa thuận trong Biên bản hòa giải sẽ không còn giá trị nữa. Về nguyên tắc, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

6. Liên quan đến vấn đề hòa giải trong vụ án dân sự, có hai điều quan trọng cần lưu ý là : Thứ nhất, không nên nhầm lẫn « Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự » ( do Tòa ban hành sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành) với Bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm đương sự có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Còn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có giá trị giống như là Bản án phúc thẩm, có giá trị pháp lý và không thể kháng cáo. Hai là, thời gian 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành chính là thời gian « kháng cáo » (thay đổi ý kiến của các đương sự). 7 ngày sẽ trôi qua rất nhanh, vì vậy phải nhanh chóng quyết định ngay.

7. Trên thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp đương sự phải « khóc » vì cứ tưởng Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể kháng cáo được hoặc là đã để vượt qua thời gian 7 ngày, nên không còn cơ hội để thay đổi ý kiến nữa. Hậu quả là bị thiệt hại hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đồng vì bị "sập bẫy" hòa giải thành !

8. Cân lưu ý là vì nhiều lý do, không loại trừ lý do tiêu cực, cán bộ Tòa án có thể có chiêu nhằm mục đích « dụ » một bên đương sự ký vào Biên bản hòa giải thành, với những lời giải thích theo kiểu giả lả, mật ngọt hoặc vòng vo - không giống với những điều mà tôi đã trình bày ở trên, hoặc thậm chí không giao Biên bản hòa giải thành cho đương sự (nhưng lại bắt đương sự ký vào Biên nhận « đã nhận »). Thậm chí có trường hợp thẩm phán lập ra 2 biên bản hòa giải thành với nội dung khác nhau, nhằm mục đích « dụ « đương sự ký vào biên bản có nội dung có lợi cho mình ( nhưng bất lợi cho đương sự), sau đó « tiêu hủy » một biên bản.

9. Gần đây, người ta vẫn hay nói đùa là bây giờ «giang hồ hiểm ác». Theo tôi trong thì trong cái gọi là «giang hồ hiểm ác» đó, chắc chắn có một phần nằm trong ngành tòa án. Hay nói một cách khác, đừng nên quá tin vào những gì cán bộ tòa án nói. Mà hãy thực sự tỉnh táo, thận trọng và nên tìm hiểu kỹ các qui định của pháp luật, hãy tìm đọc Bộ luật tố tụng dân sự bán rất nhiều ở các nhà sách nếu vướng vào vòng kiện tụng.



Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  Đơn từ, tranh chấp dân sự

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn