Friday, August 8, 2014

Quyết định phân công kiểm sát viên kiểm sát và tham gia phiên tòa

 Trong quá trình giải quyết và xét xử một vụ án nói chung, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân, gọi là “kiểm sát viên”.

Ngoài chức năng chung là kiểm sát/giám sát việc tuân thủ pháp luật của các bên liên quan, của tòa án, tùy theo tính chất của vụ án (dân sự hay hình sự), kiểm sát viên có vai trò khác nhau.


Dưới đây là một Quyết định phân công kiểm sát viên giám sát việc tuân theo pháp luật và tham dự phiên tòa của Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM trong một vụ án dân sự - về tranh chấp hợp đồng xây dựng.




-------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong vụ án hình sự, kiểm sát viên giữ vai trò công tố (kết tội bị cáo) tại phiên tòa xét xử. Trong vụ án dân sự, kiểm sát viên có trách nhiệm tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, tòa án; hoặc có thể phát biểu ý kiến về nội dung vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

2. Trước năm 2005, khi chưa có Bộ luật tố tụng dân sự, thủ tục giải quyết một vụ án dân sự thực hiện theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự năm 1989. Khi đó, trong các vụ án dân sự có sự tham gia của Kiểm sát viên. Tuy nhiên, qua năm 2005, luật tố tụng dân sự ra đời đã loại bỏ sự tham gia của Viện kiểm sát trong vụ án dân sự. Vì nhiều ý kiến cho rằng trong vụ án dân sự, quyền định đoạt thuộc về đương sự, thì rõ ràng việc có kiểm sát viên tham gia và phát biểu theo kiểu can thiệp sâu chỉ làm cho rối thêm. Luật sư thay vì tranh luận với phía bên kia, trong nhiều trường hợp phải tranh luận với cả ông kiểm sát viên. Bản thân tôi cũng từng có một bài viết trên báo Pháp luật TP.HCM, đề nghị loại vai trò của kiểm sát viên trong vụ án dân sự.

3. Thế nhưng, theo luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 (có hiệu lực từ đầu năm 2012), thì kiểm sát viên đã quay lại tham gia phiên tòa dân sự. Lý do là vì nhiều người cho rằng tòa dân sự bây giờ “loạn” quá, chạy án tiêu cực bùng phát, tòa một mình một chợ, quá to, chẳng coi các bên ra gì… Nên cần phải có kiểm sát viên tham gia để “kềm” tòa lại. Tuy nhiên, chẳng biết có kềm nổi hay không. Hay là lại làm “khổ” cho các bên giống như trước kia. Cá nhân tôi vẫn cảm thấy không nên có kiểm sát viên tham gia vào phiên tòa dân sự. Đặc biệt là không nên phát biểu can thiệp vào nội dung vụ án.

4. Phần dưới đây nói về vai trò của kiểm sát viên trong vụ án dân sự. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011), kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên toà. Trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên toà hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên toà xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên toà xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên toà từ đầu.

5. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên được “phát biểu”. Cụ thể sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Từ đầu năm 2012 đến nay, tôi đã tham gia khoảng 20 phiên tòa, và hầu như 100% các kiểm sát viên đều phát biểu là “Tòa đã thực hiện đúng”. Nhưng cá nhân tôi, với tư cách là một luật sư, thì thấy không phải như vậy. Tuy nhiên, luật không qui định về việc luật sư có quyền “cãi” với kiểm sát viên về những điều kiểm sát viên phát biểu. Cho nên các đương sự dù nghe xong nhiều khi tức ánh ách và đành chịu chết !

6. Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên còn có quyền nhiều hơn. Được phát biểu quan điểm về nội dung vụ án, về nội dung kháng cáo của các bên, thậm chì còn đề nghị tòa chấp nhận hay bác nội dung kháng cáo …vv. Và cũng như phiên tòa sơ thẩm, các đương sự chỉ được nghe mà không được thắc mắc gì về ý kiến của kiểm sát viên (bất luận là đúng hay sai). Nói chung đa số, thì tôi thấy thông thường tòa hay thống nhất/đồng ý với ý kiến của kiểm sát viên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Tòa “không thèm” nghe ý kiến của kiểm sát viên. ( Tòa có quyền độc lập trong xét xử). Chính điều này càng cho thấy có điều gì đó khập khiễng, chưa rõ về vai trò của kiểm sát viên trong vụ án dân sự.

7. Cũng theo luật, thì tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên có quyền “xuất trình bổ sung chứng cứ”. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới mẻ nên tôi cũng chưa nắm hết.

8. Bất luận thế nào, thì chúng ta nên biết và tuân theo rằng: trong một vụ án dân sự, kiểm sát viên sẽ tham dự phiên tòa, có quyền hỏi các bên và sau đó phát biểu ý kiến. Các bên đương sự không có quyền tranh luận đối với những ý kiến do kiểm sát viên phát biểu, dù đúng hay sai.