Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn do cơ quan tiến hành tố tụng ( công an, viện kiểm sát, tòa án) có quyền quyết định và áp dụng đối với bị can, bị cáo - để bảo đảm việc điều tra, xét xử được thuận lợi.
Dưới đây là Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do Công an quận 10 TP. Hồ Chí Minh ban hành.
Phân tích pháp lý:
1. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn như : bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
2. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
3. Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.
4. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.
5. Bị can, bị cáo nếu vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nghiêm khắc hơn ( như : bị bắt tạm giam).