Cuộc sống vốn trúc trắc khó lường nên những bi kịch như thế này vẫn thường xảy ra. Nhưng có lẽ những người trong cuộc, và ngay cả hệ thống tư pháp, nên có những lựa chọn thích đáng hơn về cách xử sự để giảm thiểu rắc rối, hướng đến một đoạn kết nhân văn và hợp lẽ hơn.
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Vợ vừa mồ yên mả đẹp chưa được bao ngày, anh Đ.V.L. được người đàn ông tên là N.P.V. (49 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) từng làm trong cửa hàng kinh doanh của mình mời đi uống cà phê. Ly cà phê chưa kịp uống xong, người đàn ông đó cất lời: “Đứa trẻ do vợ anh sinh ra là con tôi!”.
Sau câu nói đó là câu chuyện tranh chấp pháp lý liên quan đến yêu cầu xác định cha con kéo dài từ năm 2013 đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Tôi quá bàng hoàng
Người đàn ông tên là Đ.V.L. nói anh và người vợ đã qua đời yêu thương nhau nhất mực, anh chưa bao giờ mảy may nghi ngờ về tình cảm hay lòng chung thủy của vợ - người cùng anh từ quê ra thành phố học hành, lập nghiệp.
“Chúng tôi chung lưng đấu cật vượt qua từ khó khăn này đến khó khăn khác để mở được hai cửa hàng kinh doanh. Rồi vợ tôi sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh. Công việc làm ăn đang tốt thì vợ tôi đổ bệnh, từ khi phát hiện đến khi cô ấy mất chỉ vài tháng.
Chỉ vài tháng sau đó, người làm công trong cửa hàng nói rằng con tôi là con ruột của anh ta” - anh L. kể về những rắc rối phát sinh với mình. “Tôi chịu đựng sự khủng hoảng, hai cửa hàng giờ chỉ còn một, một mình tôi vừa chăm con vừa lo cho cửa hàng.
Sau đó, anh V. khởi kiện, yêu cầu tôi trả quyền nuôi dưỡng, chăm sóc đứa bé cho anh ta. Anh ấy vốn được vợ chồng tôi trả lương để làm việc ở cửa hàng, trong quan hệ hằng ngày không có gì bất thường khiến tôi đặt dấu hỏi hay sự nghi ngờ về lòng chung thủy của vợ tôi” - anh L. kể.
Nén xúc động, anh L. kể tiếp: “Khi V. nói điều đó với tôi, bé N. (con gái tôi) mới 2 tuổi. Một đứa bé vừa mất mẹ, còn chưa ý thức được nỗi mất mát lớn lao ấy nên tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ bù đắp tình cảm thiếu thốn cho con, chăm sóc nuôi dưỡng cháu.
Nghe những lời thốt ra từ miệng V., tôi đứng dậy bỏ đi, vì nếu tôi không kiềm chế, sợ rằng đã có điều gì đó không hay xảy ra. Sau khi đưa ra yêu cầu trả con nhưng không được tôi đáp lại, V. đưa đơn ra tòa, yêu cầu tòa tuyên bé N. là con ruột của V. và yêu cầu tôi phải giao bé N. cho anh ta chăm sóc.
Đến nay, gần hai năm vụ kiện diễn ra, không biết bao nhiêu lần tôi bị tòa mời lên làm việc, phiền phức vô cùng, trong khi vẫn một mình chăm con, vẫn phải lao động kiếm tiền nuôi cháu.
Trong một lần hòa giải tại tòa, tôi nói với V., nếu thật sự yêu thương đứa bé, anh có thể đến thăm, cùng tôi chăm sóc và nuôi cháu trưởng thành, khi bé lớn, có đủ nhận thức thì cháu sẽ tự biết nhận ai là cha ruột. Nhưng V. không chịu, cương quyết kiện đến cùng, rồi tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) đối với tôi, buộc tôi phải đưa con đi lấy mẫu giám định ADN”.
Tôi rất xót xa
Ông N.P.V., nguyên đơn của vụ kiện, cho biết ông làm việc cùng chị P. trong chuyện kinh doanh, vợ chồng chị P. là người trả lương tháng cho ông. “Chúng tôi quý mến và thân thiết với nhau, nhiều chuyện vui buồn P. đều kể với tôi hết.
Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đi quá giới hạn của bạn bè”. V. cho biết trước khi qua đời, chị P. có đưa cho ông giấy khai sinh của bé và bảo ông mang đi xét nghiệm ADN: “Dù cô ấy không nói với tôi đó là con tôi nhưng với việc yêu cầu tôi đi xét nghiệm ADN, tôi hiểu cô ấy muốn nói gì”.
Ông V. cho biết khoảng tháng 9-2012, ông tự lấy mẫu tế bào của bé N. và chính mình đi xét nghiệm ADN, kết quả tương thích đến 99,99%. “Tôi rất xúc động với điều này, bởi tình cảm thiêng liêng cha và con, tôi đã nói với P. về kết quả, cô ấy dặn tôi hãy chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ với trách nhiệm của người cha” - ông V. kể.
“Tôi rất xót xa khi không được trực tiếp chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ cháu nên đề nghị L. giao lại đứa bé cho tôi. Nhưng vừa nghe tôi nói xong, L. đứng phắt lên bỏ đi. Từ đó tôi không thể tiếp xúc với L. cũng như với bé N.. Hằng ngày tôi chỉ được quan sát bé N. từ xa bằng cách đi theo người chở cháu từ trường học về nhà hoặc ngược lại. Nhiều hôm đi gần con, muốn được ôm con mà không được, tôi đau xót lắm” - ông V. kể.
“Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là được gần gũi chăm sóc bé. Từ ngày khởi kiện L. đến nay cũng đã gần hai năm, cũng không biết đến khi nào thì vụ kiện mới xong” - ông V. nói và khẳng định nếu được giao quyền nuôi con, ông tự tin mình hoàn toàn có thể chăm sóc cho bé N. tốt nhất.
Tòa đã làm gì?
Tháng 10-2013, ông N.P.V. gửi đơn lên TAND Q.4 yêu cầu xác định cháu N. (sinh năm 2010) là con ruột của ông, kèm đơn là biên bản giám định ADN (do một trung tâm phân tích ADN xác nhận) xác định ông V. và bé N. là cha con. Tòa xác định đây là vụ án dân sự hôn nhân và gia đình “xác định cha cho con” đồng thời xác định ông Đ.V.L. (40 tuổi, ngụ Q.4), hiện là cha hợp pháp của cháu N., là bị đơn.
Tháng 1-2014, TAND Q.4 căn cứ điều 115 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định áp dụng BPKCTT buộc ông L. đưa cháu N. đến Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tại TP.HCM để lấy mẫu giám định ADN. Tuy nhiên, ông L. không chấp nhận đưa bé N. đi lấy mẫu xét nghiệm.
Tháng 4-2014, Chi cục Thi hành án dân sự Q.4 ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn không thi hành được. Ngày 1-6-2015, TAND Q.4 ra quyết định hủy bỏ BPKCTT. Song ngày 2-6-2015, TAND Q.4 tiếp tục ra quyết định áp dụng BPKCTT mới, buộc ông L. phải đưa bé N. đến Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM để cung cấp mẫu vật tiến hành giám định ADN.
Ngày 15-6-2015, tòa này cũng ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả giám định ADN của bé N. và ông V..
Góc nhìn của các luật sư
Theo ông Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND tối cao, trong vụ kiện “xác định cha cho con” này, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông V. cho thấy về mặt tố tụng, TAND Q.4 đã xác định sai bản chất của vụ kiện và xác định sai đối tượng kiện.
Đơn khởi kiện của ông V. gồm hai yêu cầu: công nhận là cha con giữa ông V. và cháu N., yêu cầu tòa giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé cho ông. Tuy nhiên, trên giấy khai sinh của cháu bé, tên cha là ông L., mà hôn nhân của ông L. và mẹ cháu bé là hợp pháp.
Như vậy, dựa vào yêu cầu khởi kiện của ông V., yêu cầu xác định bé N. là con mình, bản chất thật sự của vụ án này là “xác định con cho cha mẹ”. Vấn đề này trong Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định tại khoản 1 điều 64, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại khoản 1 điều 89: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”.
Do đó, đối tượng để ông V. “kiện” ở đây chính là đứa trẻ chứ không phải là ông L.. Tuy nhiên, do đứa trẻ còn quá nhỏ nên không thể tham gia vụ kiện, bé cũng chưa thể “từ chối” hay “nhận” cha theo yêu cầu của ông V.. Đứa trẻ và người giám hộ của cháu (ông L.) không yêu cầu xác định cha cho bé, nên việc tòa dựa vào đơn của ông V. và xác định ông L. là bị đơn là sai đối tượng bị kiện.
Và xét về bản chất vụ tranh chấp, do đây là án dân sự, nguyên tắc người khởi kiện (tức là ông V.) phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, không thể buộc người khác cung cấp chứng cứ.
Ông Hùng cho rằng về góc độ xã hội, những vụ kiện như thế này không chỉ khiến một gia đình mà có thể có nhiều gia đình lâm vào bi kịch, gây chia rẽ và mất mát tình cảm nghiêm trọng nếu các bên không tìm được giải pháp ngoài tòa án mà xử sự với nhau cho thấu tình đạt lý.
Còn theo TS Lê Minh Hùng - khoa dân sự Trường đại học Luật TP.HCM, trong vụ việc này có hai vấn đề xung đột với nhau: quyền được yêu cầu tòa án xác định con cho mình của ông V. và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của bé N. - thuộc nhóm quyền nhân thân đã được Hiến pháp và luật bảo vệ.
Đối với quyền yêu cầu tòa xác định con cho mình, ông V. có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng chứng minh mình là cha, ông L. không có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng. Việc tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu ông L. phải cung cấp mẫu để giám định ADN là vi phạm quyền nhân thân của bé N..
Hành vi cưỡng chế một đứa trẻ để lấy mẫu giám định gây hoang mang và làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của trẻ sau này. Trong trường hợp này, ông L. đang là cha hợp pháp của trẻ, nên ông có nghĩa vụ bảo vệ quyền nhân thân và quyền bất khả xâm phạm đối với thân thể của bé N..
....................
“Xét về bản chất, đây là vụ án “truy nhận con”. Bộ luật dân sự (điều 43 về quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con, khoản 1) quy định: Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó”.
Như vậy, việc ông V. gửi đơn đến tòa án để nhờ giải quyết, xác định bé gái N. là con của mình là thực hiện “quyền” của ông. Vì vậy mà tòa quận 4 đã thụ lý.
Nhưng về mặt tố tụng, do đây là vụ án dân sự nên nguyên tắc chung là nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự: ông V. phải có chứng cứ chứng minh cháu bé là con của mình thì mới được tòa công nhận cháu là con ông V..
Hiện nay, chứng cứ để xác định quan hệ huyết thống cha - con chính xác nhất có lẽ là kết quả giám định ADN. Nên ông V. phải có được chứng cứ này cung cấp cho tòa, muốn vậy ông V. phải có được “mẫu vật” lấy từ cơ thể cháu bé (máu, tóc...).
Theo hồ sơ, ông V. đã cung cấp một bản kết quả giám định ADN nhưng đây là chứng cứ do ông tự đi giám định nên “không có giá trị tố tụng”. Do vậy, để kết quả giám định được sử dụng làm chứng cứ phải có quyết định trưng cầu giám định của tòa án.
Luật cũng quy định trong trường hợp đương sự không thể có được chứng cứ thì có quyền yêu cầu tòa thu thập giúp. Theo đó, tòa sẽ ra quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ - gửi cá nhân, tổ chức đang giữ chứng cứ đó. Đến đây, tòa đã làm đúng.
Nhưng việc tòa áp dụng “biện pháp khẩn cấp tạm thời” là sai, do trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà luật quy định, không có chuyện phải giao một “mẫu vật” trên cơ thể người, chưa kể đây là thân thể của một cháu bé, việc “cưỡng chế” hay “ép buộc” đều không đúng luật. Đây là vụ án dân sự chứ không phải hình sự.
Tuy nhiên, dù đau lòng hay tức giận, người lớn cũng cần có trách nhiệm hợp tác xác định sự thật cháu bé là con ai. Vấn đề là ở sự lựa chọn thời điểm, có thể đợi khi cháu N. đã trưởng thành, tránh tổn thương, gây hại cho cháu. Bởi vấn đề này thuộc phạm trù đạo đức hơn là pháp luật.
LS Trần Hồng Phong
Hoàng Điệp
----------------------
(Ghi chú: bài viết trên đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 30/7/2015. Vì trong bài viết có ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Ecolaw, nên chúng tôi lưu lại làm tư liệu).
----------------------
Quyền trẻ em:
- Mẹ dùng gối đè con 1 tuổi chết rồi treo cổ tự tử (10/2014)
- Một bé gái 4 tuổi bị bố mẹ đánh đập dã man (9/2014)
- Người cha “giả”
- Có ông già Noel
- Một ông già Noel bị sa thải
- Cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ
- Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự
- Em muốn tự tử vì bị mẹ chửi bới, sỉ nhục
- Bé gái 9 tuổi ở Quảng Ngãi bị bạo hành
- Tưởng ống kính là súng, bé gái 4 tuổi giơ tay đầu hàng
- Cô bé 9 tuổi hỏi tổng thống: "Tại sao tờ đôla không in hình phụ nữ?"