Đôi mắt bé Phi sưng tím vì bị đánh đập
Trúc Linh
(Ecolaw.vn) - Theo báo Pháp luật TP. HCM ngày 16-02-2012, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có tới 170 vụ giết trẻ em. Rất nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến việc bạo hành trẻ em, mới đây bé gái Nguyễn Thục Phi (9 tuổi) bị ba mẹ nuôi là ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến cùng ngụ tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành bạo hành gây bức xúc trong dư luận.
Theo đó, chiều ngày 14-2-2012, Công an huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã bắt khẩn cấp Nguyễn Mùi (59 tuổi, ngụ thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung) về hành vi đánh đập, hành hạ con nuôi 9 tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Nguyễn Mùi cùng vợ là Đoàn Thị Hồng Yến (50 tuổi) bán quán bún tại nhà. Năm 2003, một phụ nữ tên Vân làm nghề mại dâm thường xuyên dẫn một bé gái khoảng 2 tuổi đến quán của vợ chồng Mùi ăn bún. Khi đã quen biết, chị Vân thuê vợ chồng Mùi chăm sóc bé gái và trả tiền hàng tháng. Được 20 ngày, người phụ nữ tên Vân bỏ đi biệt tích. Vợ chồng ông Mùi đành nhận nuôi bé gái bị bỏ rơi và đăng ký khai sinh lấy họ tên Nguyễn Thục Phi.
Sáng 10-2-2012, bà Yến phát hiện bị mất tờ tiền 500.000 đồng nên nghi ngờ bé Phi lấy cắp. Khoảng 11 giờ 30 bé Phi đi học về, bà Yến tra hỏi nhiều lần nhưng bé Phi trình bày không lấy cắp số tiền trên. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, ông Mùi đi làm về nghe vợ nói mất tiền nên kéo bé Phi ra tra hỏi, đánh đập dã man, dùng tay nắm tóc bé Phi đập vào tường. Bé khóc ré thảm thiết, người dân gần đó chạy đến nên ông Mùi đóng cửa nhà, tiếp tục dùng tay đánh vào mặt bé. Sau đó ông Mùi lột sạch quần áo bé Phi rồi đánh đập tra hỏi. Bé Phi quỳ lạy van xin. Khi Công an xã Hành Trung đến nhà yêu cầu vợ chồng Mùi mở cửa hợp tác làm việc thì vợ chồng Mùi chống đối, tắt điện.
Sáng ngày 11-2-2012, Công an xã Hành Trung yêu cầu vợ chồng Mùi đưa bé Phi đến Trung tâm y tế khám và điều trị thương tích. Đến khoảng 14 giờ, bé Phi được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng vùng trán của bé bầm dập, gò má, mắt, môi sưng tím, rướm máu; ngoài ra, trên lưng, chân tay còn nhiều lằn bầm. Tinh thần luôn hoảng loạn, khóc ré và không chịu gặp ai.
Theo nhiều người hàng xóm kể lại, Phi đã nhiều lần bị đánh đập khi làm điều gì trái lời bố mẹ nuôi. Nhiều lần ông Mùi lột quần áo bé, rồi dùng sắt hay cây quất vào người.
Bà Trần Thị Thủy, hàng xóm nhà ông Mùi, kể lại: “nghe tiếng la khóc của bé Phi vì bị bố mẹ nuôi đánh đập. Tôi và nhiều người khác định chạy qua can ngăn nhưng cổng nhà ông Mùi đã khóa trái. Nhìn con bé bị cả hai vợ chồng đánh, đạp mạnh vào người rồi nắm tóc, đập đầu bé vào tường, chúng tôi vô cùng bức xúc...”.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND huyện Nghĩa Hành kiểm tra, xác định mức độ vết thương trên người cháu Phi, làm rõ nguyên nhân bạo hành và thăm hỏi kịp thời; tập trung xử lý nghiêm các đối tượng liên quan. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ đề nghị tước quyền cha mẹ nuôi của ông Mùi, bà Yến đối với cháu Phi.
Ngoài việc bắt khẩn cấp ông Nguyễn Mùi, Công an huyện Nghĩa Hành tiếp tục điều tra về hành vi của bà Yến, đồng thời củng cố hồ sơ để xem xét khởi tố vụ án. Bước đầu hai người này đã khai nhận hành vi ngược đãi dã man con nuôi của mình. Hiện cháu Phi đang nằm điều trị tại BV Đa khoa Quảng Ngãi, tinh thần vẫn chưa ổn định, những vết thương chi chít trên cơ thể vẫn còn hành hạ cháu từng giờ.
(Theo báo Pháp luật TP. HCM và báo CATP)
--------------------------------------------------------
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có tới 170 vụ giết trẻ em. Rất nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận. Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian này, cả nước đã xảy ra hơn 3.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, trung bình hơn 1.000 vụ/năm (số vụ hiếp dâm chiếm tới trên 65%). “Đây là một hiện tượng báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới năm tuổi, hiếp rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí đã xảy ra một số vụ mang tính loạn luân”
-------------------------------
Quy định của pháp luật:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.
( Điều 104 và 110 Bộ luật hình sự)