Thursday, July 17, 2014

Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự

Luật sư Trần Hồng Phong

Mới đây, một em học sinh 14 tuổi đã chết oan do đi dưới cột đèn bị hở mạch, phóng điện. Việc chết người trước mắt, mà ai cũng thấy rõ là do lỗi của con người, nhưng cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm hoặc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được ai là điều vô lý và không thể chấp nhận được – xét về mặt lý luận pháp lý.

Mẹ em Duy quá đau buồn trước cái chết của con (ảnh báo Pháp luật TP.HCM).

Chết oan vì cột đèn phóng điện

Khoảng 20 giờ 30 ngày 31-8-2009, em Cồ Quốc Duy cùng hai bạn học đi xe đạp về đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu thì trời mưa lớn. Đường ngập, lại bị cái “lô cốt” to đùng án ngữ giữa đường nên Duy rủ bạn đi lên vỉa hè. Vừa đưa xe lên vỉa hè, bất ngờ một luồng điện từ trụ đèn đường cạnh đó phóng thẳng vào người làm Duy ngã xuống. Hai bạn học vội nhảy đến kéo em ra cũng bị điện giật, phải kêu cứu.

Công an địa phương và lực lượng cấp cứu nhanh chóng có mặt nhưng … không ai dám đến gần em Duy. Mãi 30 phút sau, nhân viên của Công ty Điện lực Chợ Lớn, Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM mới xuống hiện trường cắt điện. Lúc đó, em Duy đã chết tại chỗ.

Các cơ quan chức năng đã tới xem xét. Thực nghiệm hiện trường cho thấy luồng điện 240V phát ra từ cột đèn chiếu sáng công cộng số 86 do hở mạch điện. Và đây chính là nguyên nhân gây ra cái chết đau lòng của em Duy.

Sẽ lại không có ai bị xử lý? 

Trên báo Pháp luật TP.HCM, gia đình em Duy đã bày tỏ sự bức xúc: “Cháu tôi bị chết oan uổng do sự tắc trách của ngành điện. Sau mỗi sự việc đau lòng tương tự, các đơn vị liên quan chỉ hỗ trợ hay bồi thường cho gia đình nạn nhân rồi mọi việc lại tiếp diễn. Tôi mong muốn đừng bao giờ xảy ra thêm những cái chết oan uổng như thế này”. Gia đình cho biết sẽ gửi đơn đến cơ quan công an đề nghị khởi tố vụ án ( xem xét về mặt hình sự).

Cái chết của em Duy không phải là chuyện cá biệt. Cuối năm 2008 ở Hà Nội cũng xảy ra một vụ tương tự làm chết một sinh viên. Cách đây không lâu, một cô gái trẻ cũng bị điện giật chết lúc trời mưa ở quận Tân Phú (TP.HCM).

Với hậu quả là chết người, có thể thấy các sự việc như trên đều có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Vì tính mạng con người là đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, để xác định ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước những cái chết đau lòng như vậy có thể nói là … “bó tay”! Vì hầu hết và chung qui lại, rồi sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả. Ông này sẽ chỉ ra lỗi của ông kia, rồi ông kia chỉ qua ông nọ … mà nói nôm na lại là lỗi chung của nhiều người, của cả một đơn vị nên không thể có chuyện một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Rồi cuối cùng là do lỗi của … ông trời ! Do ông trời đã làm mưa, là một dạng thiên tai, bất khả kháng, nên … (!?)

Mà theo nguyên tắc của pháp luật hình sự là không truy cứu trách nhiệm chung chung mà phải “cá thể” hóa trách nhiệm hình sự. Tức là chỉ xem xét về mặt trách nhiệm hình sự đối với một con người (cá nhân) cụ thể chứ không xem xét đối với tổ chức, pháp nhân. Nên trong trường hợp này “bó tay” là phải.

Thực ra, trong Bộ luật hình sự từ lâu đã có nhiều điều luật, qui định về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn, trật tự công cộng như : Tội cản trở giao thông đường bộ, tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn… nhưng không có tội danh nào đề cập đến chuyện nếu tài sản của một ai đó (chẳng hạn như trong sự việc này là cái cột điện của công ty điện lực) vì hư hỏng, phóng điện làm chết người thì sẽ có “ai đó” phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này là hết sức vô lý, khi so sánh với việc một người chỉ cần có hành vi “đua xe trái phép”, “cản trở giao thông đường sắt” … - dù không làm chết ai vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Hiện nay, có thể thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM … khi mà trên trời thì dây diện chằng chéo như những mạng nhện, rất thiếu an toàn, phía dưới thì “lô cốt” mọc khắp nơi, chỉ một cơn mưa nhỏ đã có thể gây ngập trầm trọng, trong khi lượng người tham gia giao thông rất đông - thì có thể thấy chúng ta đang bị vô số những cái bẫy nguy hiểm rình rập và tính mạng của mọi người hầu như có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Liên quan đến những cái chết vô lý như vậy, khi mà chỉ trong hai tháng 6-7 năm 2008, đã có tới 8 trẻ em bị chết do lọt vào các "bẫy" công trường tại TP.HCM đã làm dấy lên dư luận phẫn nộ đối với việc thi công coi thường mạng sống người dân của đơn vị thi công đào đường. Trên báo điện tử VNExpress ngày 17-7-2009, trong bài viết “Thi công 'lô cốt' gây chết người, nhà thầu sẽ bị khởi tố”, đã dẫn lại ý kiến của của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. HCM rằng từ nay "UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra việc thi công cẩu thả gây chết người, còn nhà thầu phải bị khởi tố hình sự".

Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật thì ý kiến trên cũng không đúng. Trước hết là ở chỗ Chủ tịch UBND TP.HCM không có thẩm quyền khởi tố hình sự đối với ai. Mà đó là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) – và phải theo đúng trình tự, qui định tại luật pháp hình sự.Và thực tế là đến nay, cũng chưa từng có nhà thầu nào bị khởi tố vì lý do trên.

Theo chúng tôi, việc chết người trước mắt, ai cũng biết là do lỗi của con người, mà lại không có ai chịu trách nhiệm hoặc không thể truy cứu trách nhiệm của ai là điều hết sức vô lý và không thể chấp nhận được.

Chúng tôi cho rằng đây là một “kẽ hở” hay chính xác hơn là sự khiếm khuyết của pháp luật hình sự hiện nay. Chúng ta cần phải sớm bổ sung những điều luật, theo đó phải áp sát với thực tế từ những vụ việc như trên, đưa ra những căn cứ cụ thể, rõ ràng - để có thể truy cứu cho được trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân nào do cẩu thả, tắc trách gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra những cái chết oan ức như của em Duy. Chẳng hạn như trường hợp này, phải xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân viên kiểm tra an toàn thiết bị điện hoặc thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm … Có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn và giảm thiểu những cái chết không đáng có như trường hợp em Cồ Quốc Duy.

----------------------------------------------------

(Bài viết này cũng đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ (Tuoitre online) ngày 6-9-2009. Đây là bài viết của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên công ty luật hợp danh Ecolaw)