Tháng 8/2014, tại Myanmar đang diễn ra một sự kiện khá lạ, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân: truy tìm một quả chuông đồng được cho là đang nằm dưới đáy dòng sông Yangon chảy xiết. Đây là một quả chuông linh thiêng và huyền thoại có tên là Dhammazedi, được cho là quả chuông lớn nhất thế giới với trọng lượng lên đến 270 tấn, đã mất tích suốt 4 thế kỷ qua.
Ảnh: Một bức tranh ở Myanmar mô tả quả chuông Dhammazedi có kích thước khổng lồ
Có một quả chuông bí ẩn dưới đáy sông?
Quả chuông Dhammazedi được đông đảo người dân Myanmar tin rằng đang nằm đâu đó dưới đáy sông Yangon suốt 400 năm qua. Lâu nay nó vẫn được xem là biểu tượng tự hào của đất nước phật giáo có 60 triệu dân. Và nay đã tới lúc cần tìm lại quả chuông.
Một số nhà lãnh đạo Myanmar tin rằng việc tìm thấy quả chuông có thể giúp mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, biến quốc gia này thành hòn ngọc của châu Á, phát triển du lịch, văn hóa ...
Tuy nhiên, những điều người ta biết về quả chuông này hiện giống như một bức màn đầy bí ẩn. Người ta nói rằng nhà vua Dhammazedi, một người sùng bái Phật giáo, đã ra lệnh đúc chuông vào cuối thế kỷ 15. Một lượng đồng khổng lồ khi đó đã được thu gom trên khắp đất nước để đúc quả chuông.
Sau khi hoàn thành, chuông được dâng tặng cho chùa Shwedagon - ngôi chùa thiêng nhất Myanmar, nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở Yangon.
Quả chuông nằm tại đó trong hơn 130 năm, cho tới khi nó bị tay lính đánh thuê người Bồ Đào Nha là Philip De Brito cướp mất. Tư liệu Myanmar nói rằng De Brito muốn chở quả chuông qua bên kia sông, tới vùng đất Thanlyin, khi đó được gọi là Syriam, để đun chảy nó ra, lấy một lượng đồng lớn phục vụ việc đúc súng đại bác đặt trên tàu chiến.
Phải rất khó khăn, người của De Brito mới đưa được quả chuông xuống chân đồi và sau đó khiêng nó đặt lên một con tàu vận tải. Nhưng do quả chuông quá nặng, con tàu đã chìm khi mới ra tới giao điểm giữa sông Yangon và sông Bago. Vì vậy, quả chuông chưa bao giờ tới được Syriam, nơi từng thuộc về vương quốc Mon và về sau trở thành một bến cảng của người Bồ Đào Nha cùng người Pháp vào thế kỷ 16.
Ngày nay, phần lớn người Myanmar đều tin quả chuông vẫn nằm sâu dưới đáy sông, bị chôn vùi dưới nhiều lớp bùn.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều nỗ lực tìm kiếm quả chuông, thậm chí có sử dụng các thiết bị soi quét đáy sông và rađa sóng âm đều không thành công. Người ta vẫn chưa xác định chính xác vị trí của qua chuông.
Nhờ đến tâm linh để tìm chuông quý
Tháng 8/2014, cuộc tìm kiếm mới nhất, dự kiến kéo dài 45 ngày và tốn kém 250.000 USD- khoản tiền thu được nhờ quyên góp từ các nhà hảo tâm, đang nằm dưới sự lãnh đạo của một cựu sĩ quan hải quân tên San Lin đã được triển khai.
Ông này tin rằng quả chuông quý đang được bảo vệ bởi một lời nguyền! Hồi tháng 7/2014, khi San Lin mở một cuộc họp báo, ông nói rằng ông là hiện thân của 1 trong 14 người bảo vệ quả chuông và có khả năng giao tiếp với các linh hồn đang cản bước hoạt động tìm kiếm. Rất nhiều nhà báo Myanmar khi đó đã cười lớn, cho đó là chuyện “tào lao”!.
Nhưng thời gian gần đây, hoạt động tìm kiếm của San Lin đã thu hút sự chú ý của dư luận, khi ông vào cuộc không phải bắng cách dùng công nghệ cao mà nhờ tới sự trợ giúp về mặt tâm linh. Ông nhờ một nhà sư đọc các bài kinh cầu nguyện, tổ chức cúng tế cho các “nat” hay các linh hồn đang bảo vệ quả chuông. Nhà sư này cũng sẽ cung cấp thông tin về các vị trí tiềm năng có quả chuông khổng lồ để thợ lặn xuống kiểm tra.
Hiện tại câu chuyện xung quanh hoạt động tìm kiếm của San Lin đã xuất hiện tràn ngập trên trang nhất các tờ báo địa phương. Và nhờ sức mạnh của mạng xã hội, nhiều tin đồn thất thiệt liên quan tới việc tìm chuông đã xuất hiện, ví dụ như người ta đã tìm thấy dấu vết của quả chuông. Các tin đồn đó đã khiến hàng ngàn người hiếu kỳ đổ tới hai bờ sông Yangon để theo dõi cuộc tìm kiếm.
Hoạt động tìm chuông đã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho những người sở hữu những con thuyền nhỏ. Họ sẽ thu phí để chở các vị khách ra tới một địa điểm chỉ cách thuyền của thợ lặn vài mét, để họ được chứng kiến cụ thể hơn cuộc tìm kiếm.
Trên bờ, người ta có thể mua các bản photocopy chứa nội dung mô tả về quả chuông và lịch sử ấn tượng của nó, với giá 0,2 USD mỗi tờ. Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh và đồ uống cũng đã xuất hiện chóng vánh.
"Chúng tôi tới đây vì với tư cách các Phật tử, chúng tôi có trách nhiệm cầu nguyện để quả chuông trở lại với cái gốc của nó” - Tin May, 43 tuổi, chia sẻ. Chị đã mặc chiếc váy truyền thống đẹp nhất của mình khi tới chứng kiến cuộc tìm kiếm chuông.
Đội tìm kiếm đang đổ sữa xuống sông để cúng tế các linh hồn bảo vệ chuông, trước khi các thợ lặn lặng xuống đáy sông tìm kiếm
Chờ đợi và hy vọng
Chit San Win, một sử gia đã tham gia vào vài cuộc tìm kiếm chuông trong 2 thập kỷ qua, nói rằng ông cũng muốn tin câu chuyện về quả chuông.
Nhưng khi nhìn thấy cảnh các thợ lặn nhảy xuống dòng nước, và một số người đã nổi lên ngay chỉ sau vài phút, bởi dòng chảy quá mạnh của sông Yangon, ông đã bắt đầu thể hiện sự nghi ngờ. Ít nhất là về khả năng và năng lực tìm kiếm, trục vớt trong thực tại khó khăn như vậy.
Mặt khác, theo lời ông, trong ba văn kiện lịch sử gần đây viết về Myanmar trong giai đoạn cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 không có chi tiết nào nói gì về quả chuông. Ngoài ra vua Dhammazedi, người thường cẩn thận ghi chép lại mọi hoạt động hiến tặng của ông, cũng không nhắc gì tới việc từng cho đi một quả chuông nặng bằng 100 con voi châu Á.
Dữ liệu duy nhất mà Win tìm thấy là cuốn nhật ký của một thương gia người Italy có tên Gasparo Balbi. Ông này đã đi tàu tới Myanmar trong thế kỷ 16 và viết vào nhật ký rằng ông có tận mắt nhìn thấy quả chuông khổng lồ!
Về việc San Lin đang sử dụng “ thuật siêu nhiên” để tìm chuông, Win nói rằng ông chẳng tin cựu quân nhân này sẽ thành công. “Người ta không thể tìm thấy quả chuông nhờ sự giúp đỡ của thuật chiêm tinh hay các linh hồn” – Win nói – “Chuyện chẳng khác gì anh nhờ một thầy bói giúp tìm con bò lạc và ông này trả lời rằng anh nên tìm nó ở tứ phía”.
Chúng ta hãy cùng chờ xem và hy vọng một điều kỳ diệu sẽ xảy ra vậy.
----------------------------
Cộng hòa liên bang Myanmar - đất nước của bình minh dân chủ
Myanmar (tên chính thức: Cộng hòa Liên bang Myanmar) là một quốc gia ở Đông Nam Á khá gần Việt Nam. Đất nước này nằm ở tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Có 5.876 km đường biên giới với Trung Quốc (2.185 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), Lào (235 km) và Bangladesh (193 km). Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích 676.577 km².
Các chùa và đền tại Bagan ngày nay, nơi từng là thủ đô của Vương quốc Pagan (Myanmar ngày nay)
Myanmar có nền văn hóa lúa nước đa dạng, đạo Phật là tôn giáo lớn nhất ở đất nước ngàn chùa tháp này.
Myanmar từng là thuộc địa của Anh cho tới năm 1948. Sau khi giành được độc lập, nhiều chục năm qua ở đất nước này vẫn luôn tồn tại những căng thẳng sắc tộc, những cuộc đảo chính trên chính trường ... nhưng những năm gần đây đã đi vào ổn định.
Từ năm 1992, hệ thống chính trị của nước này nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang, của chính phủ quân sự do Thống tướng Than Shwe lãnh đạo.
Ngày 22-10-2010, Myanma đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, thay đổi quốc kỳ và quốc ca. Ngay sau đó là cuộc bầu cử dân chủ đa đảng đầu tiên được tiến hành sau 20 năm kể từ lần bầu cử gần nhất trước đây vào năm 1990. Ông Than Shwe nay đã thành một tổng thống trong chính phủ dân sự từ cuộc bầu cử này.
Nhìn chung, Myanmar đang trên đường phát triển kinh tế và đổi mới về thể chế chính trị - đi theo con đường dân chủ, đa đảng phái.
-----------------------
Cuộc sống muôn màu
Việt Nam
- Lại lo vỡ quỹ lương hưu (8/2014)
- Á khoa Ngoại thương khởi nghiệp với nghề dạy tiếng Anh
- Báo Thanh Niên “hoàn toàn không có hàm ý giễu cợt” nhạc sĩ Lê Hoàng Long?
- Kẻ nào đã sát hại Thanh Nga khi nữ nghệ sỹ đang diễn vai Trưng Trắc trên sân khấu năm 1978?
Quyền trẻ em:
- Cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ
- Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự
- Em muốn tự tử vì bị mẹ chửi bới, sỉ nhục
Quốc tế