Thanh Nga có lẽ là người nghệ sỹ đầu tiên và duy nhất tới nay tại VN từng bị sát hại ngay trên sân khấu - khi đang trong vai diễn người nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Một trái lựu đạn đã quăng lên sân khấu và nổ tung. Nữ nghệ sỹ may mắn thoát chết để sau đó tiếp tục kiên cường đứng trên sân khấu mỗi đêm - thổi vào lòng người dân tinh thần yêu nước bất khuất. Đến tháng 11/1978, Thanh Nga một lần nữa bị sát hại và đã qua đời. Kẻ nào đã sát hại nàng "Trưng Trắc" Thanh Nga trên sân khấu có lẽ sẽ là một bí ẩn mãi mãi không bao giờ được làm rõ.
Nhân kỷ niệm 2000 năm sự kiện hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay giặc Hán, xin thành kính dâng một nén hương tưởng nhớ người nghệ sỹ tài năng, xinh đẹp dịu dàng - Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.
Ảnh: Nghệ sỹ cải lương Thanh Nga qua đời khi mới 36 tuổi. Trong tâm trí những người yêu mến, Thanh Nga mãi luôn là một nghệ sỹ xinh đẹp, tươi trẻ
"Bà Trưng" Thanh Nga bị quăng lưu đạn sát hại ngay trên sân khấu
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, những năm đầu tiên tình hình chính trị xã hội tại miền Nam nói chung còn nhiều bất ổn. Ở biên giới phía tây nam chính quyền Polpot có những hoạt động quân sự xâm lấn biên giới, gây cẳng thẳng. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi và vùng biên giới phía bắc rất căng thẳng (qua năm 1979 TQ đã bất ngờ tấn công VN trên toàn tuyến biên giới). Tại TP.HCM tình hình an ninh trật tự không hoàn toàn tốt, có sự mất đoàn kết giữa người Việt và Hoa kiều, người Việt gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam ồ ạt về nước...
Thời gian này nghệ sỹ Thanh Nga đã là một ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương Miền Nam, được người hâm mộ đặt danh là "Nữ hoàng sân khấu". Vì có dáng vẻ rất xinh đẹp, giọng ca ngọt ngào quyến rũ - nên Thanh Nga thường xuyên đóng những vai chính như công chúa, nữ hoàng ... Đặc biệt thời gian này nhằm đề cao tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm phương bắc, nên đoàn cải lương của chị đã dàn dựng những vở cải lương mang đậm truyền thống lịch sử như vở Tiếng trống Mê Linh nói về cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng (người chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị), vở Thái Hậu Dương Vân Nga ... và Thanh Nga là người thủ vai quan trọng nhất: bà Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh.
Tháng 3/1978 (có thông tin nói là năm 1975), một sự kiện chấn động chưa từng có đã xảy ra ngay tại Sài Gòn. Trên sân khấu rạp Lux B (đường Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM ngày nay) khi Thanh Nga đang vào vai Trưng Trắc cùng nghệ sỹ Thanh Sang (vai Thi Sách) diễn vở Tiếng trống Mê Linh thì một kẻ nào đó đã ném một trái lựu đạn lên sân khấu. Quả lựu đạn phát nổ đã làm nhiều khán giả và người trong đoàn bị thiệt mạng. Rất may là nghệ sĩ Thanh Nga đã thoát chết trong gang tấc. Chị chỉ bị trúng thương bởi miểng lựu đạn. Tuy thoát chết nhưng cái miểng lựu đạn ấy đã vĩnh viễn theo Thanh Nga đến tận ngày mất, vì nó quá gần phổi, các bác sĩ không thể mổ lấy ra được.
Có thể nói đây là một vụ giết người rất nghiêm trọng và có màu sắc chính trị, thách thức an ninh trật tự tại TP. Hồ Chí Minh khi đó. Nhất là trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang xấu đi từng ngày, trong khi thời gian này, những vai diễn của Thanh Nga có sức tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm phương bắc ...
Thế nhưng, nghệ sỹ Thanh Nga đã thể hiện một tinh thần yêu nước thiết tha, một ý chí dũng cảm mà không phải ai cũng có thể làm được. Mặc dù bị sát hại hụt, Thanh Nga vẫn quyết không rời bỏ những vai diễn có thể nguy hiểm và đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Nữ nghệ sỹ vẫn đóng Bà Trưng, vẫn vào vai thái hậu Dương Vân Nga - dù trước nhà bà nhiều lần xuất hiện những lá thư nặc danh đe dọa, yêu cầu Thanh Nga phải bỏ vai Dương Vân Nga... Nghệ sĩ Hữu Châu nhớ lại: 'Lúc đó nói cô tôi không sợ thì không phải. Cô tôi rất sợ, nhưng diễn thì... vẫn cứ diễn!"
Dưới đây là vài dòng trích trong vở Tiếng Trống Mê Linh mà Thanh Nga đóng vai Trưng Trắc, để có thể cảm nhận được tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm bất khuất của "Trưng Trắc" Thanh Nga khi đó:
Trưng Trắc: Đói rét chịu được, nhưng nhục mất nước không thể nào chịu được. Đó là đạo lý của dân tộc ta đời đời truyền lại
Trong ngày Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương:
Trưng Trắc: Nước đã mất thì tránh sao được nhục... Phu tướng, giờ đây ta hãy tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục.
Thi Sách: Phải, phải tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục. Cụ Đô Trinh, mời cụ hãy giục trống đồng tuyên thệ.
Cụ Đô Trinh: Tuân lịnh.
(nổi trống đồng, tiếng trống vang hào hùng)
Trưng Trắc: Hỡi đồng bào trăm họ, giặc Đông Hán đang xéo dày đất nước, nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang, thà chết mà đứng thẳng không cam chịu sống quì, đất nước Nam cẩm tú người dân Nam anh hùng, trước đền thờ Quốc Tổ thề hy sinh giết giặc cứu non sông.
Mọi người: GIẾT GIẶC CỨU NON SÔNG. XIN THỀ. XIN THỀ.
Bị sát hại (lần 2) ngay sau khi diễn thành công vai thái hậu Dương Vân Nga suất đầu tiên!
Thời gian này ở Sài Gòn còn xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em những nhà giàu có để tống tiền. Năm 1977, dư luận Sài Gòn từng chấn động bởi vụ án bắt cóc con trai 5 tuổi Toro của nghệ sĩ Kim Cương. Sau khi gia đình giao nộp 20 lượng vàng, Toro mới được bọn cướp thả ra trước nhà thờ Đức Bà để về nhà.
Chính vì vậy, nghệ sĩ Thanh Nga khi đó cũng có tâm trạng rất hoang mang, lo sợ cho con mình. Bởi mãi đến năm 33 tuổi Thanh Nga mới sinh được người con duy nhất là cậu bé Cúc Cu (nghệ sỹ hài Hà Linh). Thời điểm này dù đi diễn ở đâu, Thanh Nga cũng mang con theo. Bé Cúc Cu thường "bị bắt ngồi" ở cánh gà, để người mẹ trẻ vừa diễn vừa trông con.
Khoảng 11h đêm 26/11/1978, sau khi vừa diễn xong vở cải lương 'Thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Nga ra về. Theo thường lệ, Thanh Nga và cậu con trai Cúc Cu, khi đó mới 5 tuổi, ngồi ở băng ghế phía sau chiếc ô tô hiệu Volkswagen của gia đình. Chồng nữ nghệ sỹ (ông Phạm Duy Lân) là người cầm lái.
Khi chiếc xe dừng bánh trước cổng nhà (số 114 đường Ngô Tòng Châu, nay là Bùi Thị Xuân, quận 1), người vệ sỹ tên Nguyễn Văn Các mở cửa xe. Ngay lúc đó bất ngờ một chiếc xe máy Honda 67 ập đến. Từ trên xe, hai tên cướp giơ súng uy hiếp, khống chế người vệ sĩ úp mặt vào xe, rồi yêu cầu vợ chồng Thanh Nga phải giao bé Cúc Cu cho chúng.
Giữa hai bên đã xảy ra giằng co. Khi thấy có thể bị bại lộ và thực hiện kế hoạch không thành, hai tên cướp đã nổ súng bắn vào người cả hai vợ chồng Thanh Nga, sau đó lên xe chạy mất dạng. Thanh Nga được chở đi cấp cứu và nhắm mắt tại bệnh viện.
Vụ át hại ngôi sao cải lương Thanh Nga đã gây chấn động dư luận cả nước khi đó. Lễ tang của người nữ nghệ sỹ đã có hàng vạn người dân từ khắp nơi về, thắp hương vĩnh biệt, tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh.
Cái chết của Thanh Nga đã làm "đau đầu" cơ quan công an. Ban đầu, người ta tin rằng vụ sát hại có mục đích chính trị. Nhưng việc điều tra phá án hầu như không thu được kết quả nào. Tất cả như chìm trong mây mù.
Tình cờ khoảng mấy tháng sau đó, đã xảy ra một vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nữa tại Sài Gòn. Thủ phạm vụ bắt cóc này sau khi bị bắt đã khai rằng chúng chính là kẻ đã gây ra cái chết oan nghiệt cho vợ chồng Thanh Nga! Tại cơ quan điều tra, hai tên Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức nói rằng ban đầu chỉ có ý định bắt cóc Cúc Cu để tống tiền. Nhưng do bị cha mẹ bé chống cự quyết liệt nên chúng đã giết họ để thoát thân.
Hai tên cướp và băng nhóm này sau đó đã bị xét xử và kẻ trực tiếp bắn Thanh Nga đã bị tuyên án tử hình.
Thanh Nga biết trước về cái chết của mình?
Trước khi vụ sát năm 1978 xảy ra, có lẽ do dư âm của vụ bị ném lựu đạn trước đó, dường như Thanh Nga đã có dự cảm về sự ra đi của mình. Theo lời kể của người nhà, hàng đêm, khi rời ánh đèn sân khấu, Thanh Nga thường có tâm trạng lo lắng bất an. Thời gian đó Thanh Nga hầu như tin vào tâm linh, lúc nào Thanh Nga cũng lần tràng hạt, tụng kinh niệm đức Phật Bà Quan Âm.
Ngay trong tháng bị sát hại, người nhà nhiều lần nghe Thanh Nga nửa đùa nửa thật về cái chết của mình. Thanh Nga nói nếu mình chết thì đừng cắt tóc, liệm mình bằng chiếc áo tuồng màu đỏ mà Thanh Nga rất yêu thích. Thanh Nga còn dặn em gái Lư Ánh Mai: "Nếu chị chết, Chín phải xức dầu thơm cho chị, phải làm mặt cho chị, đừng để chị xấu".
Thật kỳ lạ là đêm xảy ra án mạng, do nhà nữ nghệ sĩ bị phong tỏa hiện trường, nên người nhà đã không thể lấy quần áo, nên đã liệm Thanh Nga bằng chính chiếc áo đỏ diễn tuồng đêm đó!
Sinh thời Thanh Nga cũng đã tính chuyện gửi gắm con trai Cúc Cu cho người nhà. Bà luôn lo lắng rằng con trai sẽ không được cưu mang và thương yêu. Vì vậy, khi bà bầu Thơ (mẹ nghệ sĩ) nghe tin báo về vụ sát hại, chạy vào bệnh viện tìm con thì Thanh Nga vẫn còn mở mắt. Chỉ khi mẹ nói: 'Con hãy yên tâm, má sẽ lo cho thằng Cúc Cu', thì mắt Nữ hoàng cải lương mới khép lại.
Cuộc đời Thanh Nga bị cướp đi ở tuổi 36, khi bà đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng hàng triệu người dân - về một bông hoa tài sắc vẹn toàn.
Vĩnh viễn không biết kẻ sát hại Trưng Trắc Thanh Nga là ai?
Như vậy, kẻ sát hại Thanh Nga đã bị đền tội.
Song một câu hỏi lớn đặt ra là: ai là kẻ đã quăng lựu đạn sát hại Thanh Nga lần thứ nhất - khi nữ nghệ sỹ đang trong vai diễn Trưng Trắc trên sân khấu Lux thì tới nay vẫn chưa và có lẽ sẽ không bao giờ được làm rõ. Mà có lẽ hồ sơ vụ án này cũng đã được xếp lại vì đã quá lâu.
Có thể thấy việc kẻ nào đó quăng lựu đạn lên sấn khấu cố tình giết người nghệ sỹ đang biểu diễn là hành vi hết sức táo tợn, nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm. Hậu quả là đã gây ra chết người (dù Thanh Nga may mắn thoát chết trong gang tấc). Nếu bị bắt, thủ phạm chắc chắn sẽ bị truy cứu về hành vi giết người. Thậm chí có thể bị tuyên án tử hình.
Mặt khác, cũng qua việc cố tình sát hại "Trưng Trắc" Thanh Nga, có thể khẳng định kẻ giết người này chắc chắn phải là đối tượng có tư tưởng thân Trung Quốc, thậm chí là "điệp viên" TQ (?) - không muốn nhân dân ta tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng và bất khuất từ 2000 năm trước, quyết chống giặc xâm lược Bắc Kinh khi đó. (Thực tế qua năm 1979, quân đội chúng ta đã "giã" cho bọn bành trướng Bắc Kinh một trận, đánh đuổi chúng lui khỏi toàn tuyến biên giới phía bắc).
Năm 2014 này cũng là dịp kỷ niệm 2000 năm ngày Hai bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, phá tan chế độ áp bức của giặc Hán ngày xưa, xin thành kinh dâng một nén hương lên hai Bà, lại xin dâng một nén hương để tưởng nhớ hương hồn của người nữ nghệ sỹ tài năng và xinh đẹp Thanh Nga - một người phụ nữ đẹp miền Nam đẹp mong manh như một nhành liễu, nhưng những vai diễn của bà thì có sức mạnh lay động triệu con tim!
-----------------------
Thanh Nga - tài sắc vẹn toàn,
bất khuất chống giặc xâm lược phương Bắc trên sân khấu
Nữ nghệ sỹ Thanh Nga tên khai sinh là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh 31 tháng 7 năm 1942 tại Tây Ninh. Mất 26 tháng 11, 1978 (36 tuổi). Thanh Nga là một nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam. Bà được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm những năm 1970.
Cuộc đời và sự nghiệp
Cha của bà là Nguyễn Văn Lợi, mẹ của bà là Nguyễn Thị Thơ, tức bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga là một Phật tử, pháp danh Diệu Minh.
Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (một sĩ quan Quân lực VN Cộng hòa), lần sau với ông Phạm Duy Lân (luật sư). Bà có 1 con trai (với ông Lân) là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch, đang sống tại TP.HCM).
Thanh Nga sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, với nhiều nghệ sĩ nổi danh như: Năm Nghĩa (cha dượng), Bảo Quốc (em cùng mẹ khác cha), Hữu Châu (cháu ruột, con nghệ sĩ Hữu Thìn) ...
Bà bị sát hại cùng chồng ngày 26-11-1978, an táng tại nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ.
Nghệ sỹ Thanh Nga được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984.
Giải thưởng tiêu biểu:
• 1958: Giải Thanh Tâm triển vọng (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới)
• 1966: Giải Thanh Tâm xuất sắc (vai Giáng Hương, vở Sân khấu về khuya)
• 1984: Truy phong Danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Các vai diễn nổi bật
Cải lương:
• Bé Nghi Xuân (trong vở Phạm Công - Cúc Hoa)
• Bàng Lộng Ngọc(trong vở Khói sóng tiêu tương)
• Bàng Quý Phi (trong vở Xử án Bàng Quý Phi)
• Bà mẹ cách mạng (trong vở Sau ngày cưới)
• Điêu Thuyền (trong vở Phụng Nghi Đình)
• Dương Thái Chân (trong vở Chuyện tình An Lộc Sơn)
• Diệu Thiện (trong vở Ni cô Diệu Thiện)
• Diệp Thúy (trong vở Đôi mắt người xưa)
• Dương Vân Nga (trong vở Thái hậu Dương Vân Nga)
• Lượm (trong vở Sông Dài)
• Kim Anh (trong vở Đời cô Lựu)
• Mía (trong vở Bọt biển)
• Nga (trong vở Bông hồng cài áo)
• Giáng Hương (trong vở Sân khấu về khuya)
• Hoa Mộc Lan (trong vở Hoa Mộc Lan tùng chinh)
• Hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu (trong vở Gió ngược chiều)
• Hương (trong vở Nửa đời hương phấn)
• Quỳnh Nga (trong Bên cầu dệt lụa)
• Sơn nữ Phà Ca (trong vở Người vợ không bao giờ cưới)
• Tuyết Vân (trong vở Nắng sớm mưa chiều)
• Thanh (trong vở Tấm lòng của biển)
• Trinh (trong vở Con gái chị Hằng)
• Trưng Trắc (trong vở Tiếng trống Mê Linh)
• Uyên (trong vở Ngã rẽ tâm tình)
• Vân (trong vở Bóng tối và ánh sáng)
• Xuân Tự (trong vở Áo cưới trước cổng chùa)
• Xuyên Lan (trong vở Tiếng hạc trong trăng)
Điện ảnh:
Thanh Nga cũng tham gia nhiều bộ phim, đáng chú ý nhất là:
• Đôi mắt người xưa (vai Diệp Thúy)
• Hai chuyến xe hoa
• Loan mắt nhung (vai Xuân - 1970)
• Mùa thu cuối cùng (1971)
• Bụi Phấn Hồng
• Vết thù trên lưng ngựa hoang (1971)
• Lan và Điệp (vai Lan - 1971)
• Xa lộ không đèn (vai Liễu - 1972)
• Sau giờ giới nghiêm (vai Nhàn - 1972)
• Người cô đơn [4] (1972)
• Nắng chiều (cô gái Huế) (1973)
• Triệu phú bất đắc dĩ (1973)
• Năm vua hề về làng (1974)
• Quái nữ Việt Quyền Đạo
• Thương muộn
• Tìm lại cuộc đời (1977)
( Nguồn tham khảo Wikipedia)
--------------------
Một số hình ảnh về nữ nghệ sỹ Thanh Nga
Trái tim người nữ nghệ sỹ đã ngừng đập khi mới 36 tuổi, nên trong tâm trí những người yêu mến, Thanh Nga mãi mãi là một phụ nữ trẻ trung và xinh đẹp.
Thanh Nga năm 16 tuổi, nhận Huy chương vàng đầu tiên (năm 1958) - giải Triển Vọng vai Phà Ca trong vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới . Ảnh: Huỳnh Công Minh
Thanh Nga và Phùng Há (nghệ sỹ nhân dân) năm 1959
-----------------------
Tham khảo:
Tường thuật vụ án sát hại Thanh Nga - qua một bộ phim thời sự do hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và hãng phim Tổng hợp thực hiện năm 1979.