Trẻ em là người chủ tương lai của đất nước, nếu các em thiếu được chăm sóc, bảo vệ sẽ “góp phần” tạo nên một xã hội lệch lạc trong tương lai. Hàng ngày, chúng ta vẫn thấy trên đường phố rất nhiều em bé, có khi chỉ khoảng bảy, tám tuổi phải nhọc nhằn lê bước đi bán vé số, không ít em thậm chí bị đánh đập tàn tệ cho đến thành tàn tật, bị ép đi ăn xin chỉ để nuôi người lớn.
Trẻ em cần được người lớn chăm sóc, bảo vệ (ảnh minh họa)
Điều ấy diễn ra công nhiên, đến mức trở thành bình thường, trong khi pháp luật đã quy định rất rõ không được bóc lột sức lao động trẻ em. Hay nói khác đi, chúng ta đang dung túng cho tội ác, rẻ rúng pháp luật.
Từ lâu, chúng ta nói tới việc thành lập tòa án trẻ em, và đề ra những tiêu chí trong xét xử, đối xử riêng biệt dành cho tội phạm là trẻ em. Nhưng suốt bao năm qua tất cả vẫn chỉ là những dự án. Trẻ em đã và đang bị xét xử, đối xử trong những phiên tòa hình sự, với thành phần thẩm phán, luật sư giống như dành cho người lớn.
Một điều rất kỳ lạ khác là không ít trẻ em, có khi chỉ khoảng 10 tuổi hoặc thậm chí ít hơn, lại bị người lớn “sử dụng” làm nhân chứng trong những vụ án có tính chất rất nghiêm trọng.
Như trong vụ án vườn điều nổi tiếng ở tỉnh Bình Phước chẳng hạn. Một cô bé mới tám tuổi được xem là nhân chứng quan trọng trong vụ án. Đây là điều không thể chấp nhận. Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định rõ không được ép buộc trẻ em làm nhân chứng trong các vụ án hình sự.
Bản thân tôi từng có lần dự khán một phiên tòa xét xử một vụ án hình sự liên quan đến một cậu bé mới học lớp 5. Điều đáng nói là phiên tòa này lại được xét xử lưu động ngay trong ngôi trường mà cậu bé đang theo học tại một quận nội thành ở TP.HCM.
Và những người dự khán phiên tòa chính là toàn thể học sinh trong trường. Không hiểu những người lớn đã nghĩ gì, nghĩ sao mà lại có thể làm một điều như vậy. Chẳng lẽ họ cho rằng phiên tòa như vậy có ý nghĩa “tuyên truyền pháp luật”, có “tính răn đe” đối với các em?
Dường như sự an toàn về sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em đang ngày càng bị coi thường. Đó cũng là một hệ quả tất yếu trong bối cảnh sự suy thoái về đạo đức xã hội ngày càng nghiêm trọng.
Chúng ta đã biết qua báo chí không ít vụ các em phải tự tử từ áp lực do bị cha mẹ la mắng, răn đe và xúc phạm liên quan đến thành tích trong học tập. Có biết bao trẻ sơ sinh đã bị cha mẹ bỏ rơi bên vỉa hè, quăng xuống sông, bô rác…
Có không ít những vụ mà cha mẹ vì những lý do hoàn toàn của riêng mình, do quẫn trí, đã cố tình và “vô tư” ôm con cùng tự tử, hay nhẫn tâm sát hại con rồi tự tử. Mới đây nhất là vụ người chồng giết vợ và hai con rồi tự tử ở tỉnh Thanh Hóa. Rõ ràng, cái chết của các em đều có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ cha mẹ.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới tệ phân biệt đối xử đối với trẻ em. Kiểu như chuyện nhà trường tổ chức bán vé xem xiếc ngay trong trường, em nào mua vé thì được xem, em nào không có vé thì bị “đuổi” về không phải là hiếm.
Rõ ràng các em đã bị phân biệt đối xử ngay trong ngôi trường của mình, bởi chính những người có trách nhiệm dạy dỗ, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cho các em.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc từ năm 1990. Nhưng đã 25 năm trôi qua, vẫn còn rất nhiều vấn đề mà Nhà nước, xã hội chưa quan tâm, chưa thực hiện theo đúng cam kết. Phải nhận thức đó là trách nhiệm, là lỗi của Nhà nước, xã hội và của chính mỗi bậc cha mẹ.
Trẻ em là người chủ tương lai của đất nước, nếu các em thiếu được chăm sóc, bảo vệ và sống trong một môi trường bị đối xử lệch lạc sẽ “góp phần” tạo nên một xã hội lệch lạc trong tương lai. Thậm chí chúng ta sẽ phải trả giá qua nhiều thế hệ.
Ghi chú: Bài viết này đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 6/11/2015. Vì luật sư Trần Hồng Phong là thành viên công ty luật Ecolaw, nên chúng tôi xin đăng lại tại đây làm tư liệu.
-----------
Quyền trẻ em:
- Hai người đàn ông và một đứa trẻ (7/2015)
- Mẹ dùng gối đè con 1 tuổi chết rồi treo cổ tự tử (10/2014)
- Một bé gái 4 tuổi bị bố mẹ đánh đập dã man (9/2014)
- Người cha “giả”
- Có ông già Noel
- Một ông già Noel bị sa thải
- Cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ
- Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự
- Em muốn tự tử vì bị mẹ chửi bới, sỉ nhục
- Bé gái 9 tuổi ở Quảng Ngãi bị bạo hành
- Tưởng ống kính là súng, bé gái 4 tuổi giơ tay đầu hàng
- Cô bé 9 tuổi hỏi tổng thống: "Tại sao tờ đôla không in hình phụ nữ?"