Thursday, November 12, 2015

Bán hàng đa cấp tại Việt Nam: “hút máu” người thân

Ls. Trần Hồng Phong

Hẳn ai cũng hiểu giá bán một món hàng về nguyên tắc phải phù hợp với giá thành của sản phẩm đó. Đây chính là quy luật giá trị, điều tiết hoạt động của nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, mô hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay lại không đi theo quy luật này, hậu quả là gây ra biết bao cảnh giở khóc giở cười, không ít người bị lừa dối, mất tiền, còn người bán hàng “thành công” thì tuy có được nhiều tiền, nhưng thực chất là đi lừa dối, “hút máu” chính người thân của mình, đánh mất quan hệ, tình cảm bạn bè. Một kiểu kinh doanh không có đạo đức và lương tâm. 

(ảnh minh họa, nguồn ảnh internet)

Thực chất và cũng là bản chất của bán hàng đa cấp, là người tham gia trong đường dây bán hàng phải nhanh chóng tìm người “thế thân”, mua hàng cho mình càng nhiều càng tốt. Để từ đó thu hồi vốn và được hưởng hoa hồng (lợi nhuận) từ việc lôi kéo được những “con thiêu thân” khác vào đường dây bán hàng đa cấp của mình.

Ta có thể thấy rất rõ công việc bán hàng là một dịch vụ, bản thân nó không hề có sự tích tụ, làm tăng trị của sản phẩm. Để thu được lợi nhuận siêu cao, không gì khác hơn là người bán hàng phải bán với giá cắt cổ. Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ sản phẩm là một cái ghế massage, trị giá thực nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng, nhưng được công ty bán hàng đa cấp quy định giá bán là 30 triệu đồng! Người tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp phải bỏ ra 15 triệu đồng để mua chiếc ghế đó, sau đó nếu bán được thì sẽ được hưởng hoa hồng tới 15 triệu đồng. Đúng là siêu lợi nhuận.

Chính vì không dễ tìm ra những khổ chủ (hay nạn nhân) mua hàng, nên mới có cảnh giở khó giờ cười là người bán phải tìm mọi cách thuyết phục chính người thân trong gia đình, bạn bè, bà con, thậm chí có chuyện học trò dụ bán hàng cho thầy cô giáo … 

Bán hàng đa cấp xét thuần túy về phương diện thương mại, thì là một mô hình bán hàng thông minh và hiệu quả. Vì thiết lập được một hệ thống chân rết các “đại lý” cấp dưới và tăng trưởng rất nhanh theo cấp số nhân. Đây là mô hình kinh doanh có nguồn gốc ở nước ngoài và đã xuất hiện từ rất lâu.

Tại Việt Nam, bán hàng đa cấp không bị cấm, mà còn được hợp pháp hóa bởi các văn bản quy phạm pháp luật (trước đây là Nghị định 110/2005 và nay là Nghị định 42/2014). Tuy nhiên, theo tôi mô hình bán hàng đa cấp hiện nay ở Việt Nam đã bị biến tướng về bản chất, trong khi pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở.

Tại Điều 5 Nghị định 42/2014 quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất nhiều hành vi. Chẳng hạn như không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định; không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; …vv. Nhưng trên thực tế, hầu hết các điều cấm nêu trên đều bị doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm dưới những hình thức khác nhau, với sự che dấu tinh vi hoặc biến tướng. Hoặc do cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện, buông lỏng….

Nhưng cũng có một thực tế khác, là đa phần những người tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp đều từ “tự nguyện”, nên không dám, không thể, hay không muốn nói ra những điều vi phạm khi mình đã lỡ tham gia vào đường dây. Hoặc do đã có được nhiều lợi nhuận rồi, nên mờ mắt, mờ cả lương tâm. 

Theo đánh giá của tôi, sự “thành công” của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian qua là ở chỗ họ đã xây dựng được những chương trình huấn luyện có tính “dụ dỗ”, thuyết phục rất cao và chuyên nghiệp. Cùng với việc đưa ra mức hoa hồng siêu cao đã làm mờ mắt, như một cái bẫy để những “con thiêu thân” nhào vào một cách tự nguyện. Đây cũng chính là lỗ hổng trong quản lý của nhà nước.

Để giảm thiểu mặt tiêu cực, vi phạm trong bán hàng đa cấp hiện nay, theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có biện pháp ngăn chặn những lỗ hổng này. Chẳng hạn trực tiếp tham gia, giám sát các buổi huấn luyện, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Công ty bán hàng đa cấp bắt buộc phải phổ biến pháp luật, phổ biến những điều cấm trong bán hàng đa cấp cho người tham gia… Ngoài ra, có thể đưa ra quy định khống chế trần hoa hồng bán hàng (vì không thể cấm được) …

Có thể nói không quá, mô hình bán hàng đa cấp hiện nay ở Việt Nam là một mô hình lệch lạc, trái quy luật thị trường, mà ở đó người bán “hút máu” chính những người thân của mình. Trong thực tế này, có sự yếu kém trong quản lý của Nhà nước.



Bài đăng trên báo Thế giới Tiếp thị ngày 12-11-2015

(Ghi chú: Bài viết này đăng trên báo Thế giới Tiếp thị ngày 12-11-2015 với tiêu đề "Nhà nước cần mạnh tay". Vì đây là bài viết của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên công ty luật hợp danh Ecolaw nên chúng tôi đăng lại làm tư liệu).

------