Saturday, September 19, 2015

Sức khoẻ và quyền được lao động, tự do kinh doanh

Ls. Trần Hồng Phong

Việc bộ Công thương đang dự thảo một thông tư, có nội dung quy định cá nhân, hộ gia đình buôn bán tạp hoá phải có giấy khám sức khoẻ làm tôi liên tưởng đến quy định ngực lép thì không được lái xe của bộ Y tế trước đây. Hay việc sở Tư pháp tỉnh Bến Tre từng ra quy định các luật sư từ 58 tuổi trở lên phải đi giám định sức khoẻ. Nếu luật sư nào không đủ sức khoẻ thì sẽ bị đề nghị bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề (!?).

Ảnh minh họa: Internet

Những quy định vô lý và thậm chí có phần khôi hài như vậy dĩ nhiên không thể tồn tại, nhưng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sức khoẻ là tài sản quý nhất của mỗi con người, của toàn xã hội. Ai cũng hiểu có sức khoẻ tốt thì sẽ là điều kiện quan trọng để lao động, làm việc hiệu quả. Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là người nào sức khoẻ kém thì không thể làm việc hay làm việc không hiệu quả. Vì phải tuỳ thuộc vào tính chất công việc, với những yêu cầu, tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thì trí tuệ, kiến thức mới quan trọng hơn so với sức khoẻ thể chất.

Trường hợp nhà bác học người Anh Stephen Hawking, nhà vật lý hàng đầu thế giới hiện nay là một ví dụ. Từ trẻ, Hawking bị mắc bệnh về thần kinh, gần như mất hết khả năng cử động, bị cắt khí quản và không thể nói chuyện. Từ nhiều thập niên qua, ông làm việc trên chiếc xe lăn, giao tiếp với thế giới xung quanh qua hệ thống máy tính. Nhưng hiệu quả công việc của ông thì ai cũng phải kính nể.

Theo đó, có thể thấy người bán tạp hoá không cần phải có sức khoẻ thật tốt, thậm chí có thể khuyết tật nhẹ, hay đã lớn tuổi, thì vẫn có thể bán hàng hiệu quả không thua kém gì người có sức khoẻ lực sĩ. Thực tế bao nhiêu năm qua chứng minh rõ điều đó. Rõ ràng chưa có nhiều trường hợp do sức khoẻ kém khi bán tạp hoá thì gây hại cho người khác.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, mọi người đều có quyền tự do kinh doanh, tự do mở doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp không hề có quy định phải có giấy khám sức khoẻ thì mới được đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thế nên việc nay bộ Công thương có ý định “đẻ” ra giấy khám sức khoẻ dành cho người bán tạp hoá, thì nói cách khác là cản trở quyền tự do kinh doanh, cản trở quyền được lao động của công dân? Điều mà Hiến pháp, pháp luật quy định và bảo hộ.

Tôi cho rằng quy định giấy khám sức khoẻ đối với người bán tạp hoá là một loại “giấy phép con” xa rời thực tế, thể hiện tư duy bao cấp, duy ý chí và trái với quy định của pháp luật. Đó là chưa kể giấy khám sức khoẻ bây giờ hoàn toàn có thể “mua” được một cách rất dễ dàng. Chỉ cần chi vài trăm ngàn, là có “sức khoẻ tốt” để đi làm.

Ở một phương diện khác, chúng ta cần biết rằng để giúp đỡ người có sức khoẻ kém, người khuyết tật, thương binh, đồng thời giảm gánh nặng cho xã hội, từ lâu Nhà nước có chính sách và đã ban hành nhiều văn bản pháp quy khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp nhận thương binh, người khuyết tật vào làm việc. Như vậy, rõ ràng “ý chí” của bộ Công thương còn trái ngược với chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thiết nghĩ việc ban hành những quy định xa rời cuộc sống, không phù hợp và có nội hàm trái pháp luật còn là sự dung dưỡng cho tiêu cực có đất sống, gây lãng phí cho toàn xã hội.

............

(Ghi chú: Bài viết này đăng trên báo Thế Giới Tiếp Thị ngày 17-9-2015. Vì luật sư Trần Hồng Phong là thành viên công ty luật hợp danh Ecolaw, nên chúng tôi đăng lại làm tư liệu).