Friday, September 18, 2015

Giám hộ là gì? Quy định về Người giám hộ, Người được giám hộ

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

(Ecolaw.vn) - Trong cuộc sống, trong một số tình huống liên quan đến pháp luật, chúng ta hay nghe nhắc đến khái niệm "giám hộ", hoặc "người giám hộ", hoặc "người được giám hộ". Hay "người đại diện theo pháp luật", "người đại diện theo ủy quyền" ... và có khi, có người "lẫn lộn" giữa những khái niệm này, chả biết ai là ai! 

Thực ra đây là những chế định hoàn toàn khác nhau, đối tượng và điều kiện áp dụng/thực hiện khác nhau. Dưới đây là những quy định tại Bộ luật dân sự về giám hộ, người giám hộ và người được giám hộ. 

Người giám hộ phải có tình thương và trách nhiệm với người được giám hộ (ảnh minh họa)

Giám hộ là gì?

Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của:

- Người chưa thành niên, 

- Người mất năng lực hành vi dân sự 

(sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Ai là người được giám hộ? 

Cụ thể hơn, người được giám hộ gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;

b) Người mất năng lực hành vi dân sự.

Ghi chú: Để hiểu thế nào là mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự - xem tại đây:  Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ (trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà).

Điều kiện để làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có tư cách đạo đức tốt;

3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ

( Ghi chú: tức là điều kiện về vật chất để chăm sóc, bảo vệ ...).

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự ... được xác định như sau:

1. Anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

Giải thích: Ví dụ trong một gia đình cha mẹ vừa qua đời trong một tai nạn giao thông, còn lại 4 người con là A (25 tuổi), B (20 tuổi), C (14 tuổi) và D (5 tuổi). Trong trường hợp này, A sẽ là "người giám hộ đương nhiên" cho 2 em chưa thành niên là C và D. Tuy nhiên giả sử rằng A bị bệnh tâm thần, thì khi đó B sẽ là người giám hộ đương nhiên cho các em (và cả cho A nữa).

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Cử người giám hộ

Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. (Ví dụ có thể là Hội phụ nữ tại địa phương).

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi

Người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ;

2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

3. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

1. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

2. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự

1. Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

3. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Quyền của người giám hộ

1. Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ;

2. Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

3. Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Giải thích: Giả sử ông A là người giám hộ cho cháu ruột của mình là cháu B (10 tuổi, cha mẹ đã qua đời trong một tai nạn giao thông). Trong trường hợp này, khi cháu B đi học, thì ông A sẽ là người thực hiện việc đóng tiền học, mua bảo hiểm y tế, đi họp phụ huynh ... cho cháu. Ngoài ra hàng ngày ông có nghĩa vụ chắm sóc, nuôi dưỡng cháu B. Giả sử cha mẹ cháu B có tài sản để lại (cháu B là người được hưởng thừa kế), thì ông A có nghĩa vụ bảo quản tài sản cho cháu B cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Đồng thời ông A có quyền sử dụng một phần tài sản của cháu B để chi dùng cho việc chăm sóc, dạy dỗ và bảo vệ cháu B.  

Việc quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

2. Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

3. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Thay đổi người giám hộ

Người giám hộ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định;

b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố mất tích, tổ chức làm giám hộ chấm dứt hoạt động;

c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.

Thủ tục thay đổi người giám hộ được cử phải được thể hiện bằng văn bản, với sự đồng ý của người giám hộ mới.

Chấm dứt việc giám hộ

Việc giám hộ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (Chẳng hạn đang từ "người chưa thành niên" qua thời gian trở thành người thành niên, đủ 18 tuổi).

2. Người được giám hộ chết;

3. Cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

4. Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.