Thursday, September 4, 2014

Tự tử online


Xuân Hoàng

(Ecolaw.vn) – Tìm nhau trên mạng trao đổi về việc tự tử, thậm chí rủ nhau tự tử hoặc tự tử online cho người khác xem đang là một xu hướng xã hội cần được khảo sát và nghiên cứu nghiêm túc. Nhất là khi số người tự tử có xu hướng tăng lên một cách đáng ngại trên qui mô toàn cầu.


Tự sát khi đang trả lời phỏng vấn truyền hình

BBC ngày 23-11-2008 đưa tin một cựu cảnh sát trưởng ở Argentina đã rút súng bắn vào đầu tự tử trong khi đang trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Đó là ông Mario Ferreyra - đang bị truy nã vì bị ngờ bắt cóc và tra tấn hàng nghìn người trong thời điểm chính phủ quân sự nắm quyền ở Argentina từ năm 1976 tới 1983.

Sự việc xảy ra khi Ferreyra trả lời phỏng vấn trên kênh Cronica tại nhà riêng ở tỉnh Tucuman. Ferrayra nói mình vô tội. Sau đó, ông nói với vợ là yêu bà suốt đời và rút sung … bắn vào đầu mình. Lần theo cuộc phỏng vấn, cảnh sát vừa tới trang trại này vội chạy tới nhưng không kịp. Máy quay của phóng viên chuyển trực tiếp hình ảnh của vụ tự tử trong khi gia đình của cựu cảnh sát trưởng vây quanh ông.

Một tình huống tương tự cũng đã diễn ra tại Mỹ mới đây. Giới phụ huynh và thanh niên Mỹ đã giật mình trước tin tức một sinh viên 19 tuổi, tên là Abraham Biggs, tại Florida đã tự sát trước sự chứng kiến trong nhiều giờ liền của ít nhất 1.500 người truy cập internet qua màn hình vi tính.

Hãng tin AP công bố phát hiện của giới điều tra hôm 21-11-2008 cho biết vào thời khắc quyết định lìa cõi trần, Abraham Biggs đã gửi thông điệp lên một diễn đàn dành cho người tập thể hình cho biết mình đã uống nhiều thuốc chống trầm cảm và kèm theo đường liên kết đến trang web Justin.tv, quay trực tiếp cảnh mình đang chết trong phòng ngủ !

Tuy nhiên, những lời cảnh báo này của Biggs không được nhiều người truy cập lúc đó quan tâm. Đến khi thành viên điều hành của diễn đàn phát hiện và báo cảnh sát thì Biggs đã chết. Kể từ khi anh chàng chán đời này lên mạng vào khoảng 4 giờ sáng hôm 19-11-2008, webcam vi tính của kẻ xấu xố vẫn tiếp tục quay suốt 12 giờ sau đó cũng như ghi luôn những hình ảnh đầu tiên lúc cảnh sát tiến vào phòng.

Những cảnh tự sát online ( cho người khác xem) như vậy thật đáng tiếc không phải là những trường hợp duy nhất và thậm chí đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn.

Hàn Quốc: lên mạng rủ nhau tự tử

Tại Hàn Quốc, người ta đang nghiên cứu về một “xu thế” đáng lo ngại. Đó là việc người sử dụng web để trao đổi thông tin về những vụ tự sát, và trong một số trường hợp, web là nơi họ rủ nhau … lìa đời.

Tờ Nytimes dẫn lời ông Kim, Tổng Thư ký Hiệp hội ngăn chặn tự tử ở Hàn Quốc - một nhóm tư vấn với nỗ lực ngăn chặn nạn tự tử ở Hàn Quốc nói “Có rất nhiều người trong số này làm như vậy’’. Theo ước tính của nhóm, số người tự tử từ năm 2000 (6.440 người) đã tăng gấp đôi trong năm 2005 (12.047 người).Trong một quá cà phê ở Hàn Quốc

Một trong những trường hợp ‘’hẹn tự sát qua mạng’’ đáng phải nói tới là đầu năm 2007, hai phụ nữ đã chết do nhiễm độc carbon trong một căn hộ tại phía nam Seoul.

Một trường hợp khác, năm thanh niên trẻ đã ‘’rủ nhau’’ chết qua mạng. Hai vụ tự sát đầu tiên không thành đã khiến họ gặp gỡ để thảo luận những biện pháp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cuối cùng, một người trong nhóm cảm thấy nao núng và quyết định báo cảnh sát.

Những con số mà Tổ chức phát triển và Hợp tác kinh tế đưa ra cho thấy, tỉ lệ tự sát ở Hàn Quốc là 18,7/100 người vào năm 2002 - tăng từ 10,2 năm 1985. Năm 2002, tỉ lệ người tự sát ở Nhật Bản giống Hàn Quốc, còn con số này ở Mỹ là 10,2/100 người.

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân là do việc gia tăng áp lực từ tốc độ hiện đại hoá nhanh chóng, sự xuống dốc của cuộc sống nông thôn, song họ cũng quan ngại rằng, Internet đang góp phần khiến tình trạng này tăng thêm. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ truy cập băng thông rộng cao nhất thế giới, và cũng như ở Nhật Bản mấy năm gần đây, Internet đã mang ý nghĩa sống còn đối với những người có ý định ‘’hẹn hò nhau tự sát’’.

Chưa có con số chính thức về bao nhiều trường hợp tự sát ‘’bắt nguồn’’ hay được ‘’hỗ trợ’’ từ internet. Nhưng trong phân tích 191 trường hợp tự sát đưa trên các phương tiện truyền thông từ tháng 6/1998 đến tháng 5/2006, Kim Jung-jin, một nhà xã hội học tại Đại học Nazarene Hàn Quốc đã nhận thấy rằng, gần 1/3 trong số này đã có những ‘’hẹn ước’’ tự sát thông qua các trang web.

Một nữ diễn viên khá nổi tiếng, Jeong Da-bin, 27 tuổi đã gửi gắm những suy nghĩ của mình trên trang web một ngày trước khi tự vẫn vào 10/2. Với tiêu đề: ‘’Kết thúc’’, cô viết: “Không còn lý do gì cho tất cả, tôi đang điên lên vì giận dữ, và rồi, tất cả sẽ trở nên yên lặng. Rồi Chúa đến bên tôi, Ngài nói, tôi sẽ thanh thản, vâng, tôi sẽ được thanh thản’’.

Theo Trung tâm tư vấn tại Seoul, các cuộc gọi tới trung tâm tăng mạnh vài ngày sau cái chết của nữ diễn viên. Đáng lưu ý là trường hợp của Jeong hay một ai khác gọi tới trung tâm - đều dễ dàng tìm thấy trên internet tại Hàn Quốc. “Tôi muốn tự vẫn’’, vào tháng 4, một thiếu niên giấu tên đã gửi lên Yahoo lời nói như vậy, người này giải thích do bị bắt nạt ở trường học, do áp lực của cha mẹ yêu cầu cậu tiến bộ hơn trong học tập. “Tôi chỉ có 30.000 won’’ (32 USD), cậu viết. ‘’Ai có thể bán cho tôi một liều thuốc ngủ được không. Tôi không muốn một cái chết đau đớn như kiểu nhảy lầu’’.

Ngày 28-3-2007, một người đàn ông 28 tuổi có blog là ‘’Hành trình tới thiên đường’’ đã bị bắt giữ vì tội bán xyanua kali cho một cậu bé 15 tuổi mà anh ta gặp qua internet. Cậu bé đã sử dụng chất độc này để tự sát.

“Mọi người thường sử dụng blog có các tên như ‘’Nào, cùng nhau lìa đời’’, ông Kim cho biết. “Giờ đây, họ đã thận trọng hơn. Họ chỉ gặp người khác một lần qua mạng, sau đó tắt trang web và dùng thư điện tử hay điện thoại di động. Bạn cần phải tìm kiếm rất nhiều thì may ra mới theo được dấu vết của họ’’.

Tiềm ẩn nguy cơ tự sát qua mạng

Hiện nay, thông tin về những hình thức tự tử “ngập tràn” trên mạng. BBC cho hay qua việc sử dụng 4 máy tìm kiếm thông tin, nhóm chuyên gia của tờ Y tế Anh đã khảo sát các website liệt kê những vấn đề liên quan đến tự vẫn. Kết quả nhận được các chuyên trang tự vẫn thường xuyên xuất hiện trên 3 hệ thống tìm kiếm.

Có gần 10% trong tổng số 240 trang cung cấp các phương thức đơn giản hóa tự vẫn, 9% trang thông tin mang tính nói đùa về các hành động tự sát. Ngược lại chỉ có 13% kênh thông tin tuyên truyền về các biện pháp ngăn ngừa nghiêm cấm hành động này.

Điều đó thôi thúc các nhà tâm thần học tại Anh kêu gọi mở chiến dịch ưu tiên xây dựng kênh thông tin phòng ngừa tự sát. Những người tham gia chiến dịch vận động cho biết những mạng thông tin về phương thức tự vẫn phát triển một cách tự do có thể làm cho những ai dễ tổn thương tâm lí mau chóng đưa chân vào hành vi. Không như những quốc gia khác, các chuyên trang tự sát không bị cấm hoạt động tại Anh.

Tại Anh, theo qui định của Luật tự vẫn 1961 thì những hành động giúp đỡ, xúi giục và tiếp tay để người khác tự sát được coi là bất hợp pháp. Nhưng điều luật lại miễn truy tố những cá nhân có hiểu biết và tham gia hành vi này.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nữ chuyên gia tâm lí Lucy Biddle nói rằng do thiếu qui định về pháp lí nên các nhà cung cấp dịch vụ internet và các bậc cha mẹ học sinh cần sử dụng những phần mềm kiểm duyệt dể ngăn ngừa các em thiếu niên truy cập vào những chuyên trang tự tử. Theo quan điểm của bà, Internet và những kĩ thuật truyền thông hiện nay có thể tạo ra những hiệu ứng về tự sát một cách chẳng mấy khó khăn. Do đó, các tổ chức và cá nhân cần nâng cao nhận thức để có thể đẩy lùi căn bệnh tâm lí này.

Tại Hàn Quốc, kể từ năm 2005, các cổng web hoạt động dưới áp lực của nhiều nhóm xã hội đã bị cấm sử dụng các từ kiểu như tự sát hay cái chết khi đặt tên cho blog. Nếu một người sử dụng mạng đánh từ khoá ‘’tự sát’’ thì lập tức công cụ tìm kiếm đưa ra kết quả là những đường link của các trung tâm tư vấn.

Cũng vào năm 2005, Uỷ ban An toàn internet Hàn Quốc đã ra quyết định xoá bỏ 566 blog, nhóm chat và những thông báo web khuyến khích việc tự tử (con số này vào năm trước mới chỉ dừng lại ở mức 93). Tuy vào năm 2006, số blog, chat… bị dỡ bỏ đã giảm xuống 147 nhưng lại tăng tới 161 chỉ trong bốn tháng đầu năm nay. Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc các biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng này.

Tại Việt Nam, hầu như chưa có con số thống kê hay nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên một điều dễ thấy là có không ít những trang web – kể cả những tờ báo điện tử, vẫn có những mục như tâm tình, tư vấn … có nội dung liên quan nhiều đến cuộc số bế tắc, chán nản mà người tâm sự bày tỏ ý định muốn …tự tử. Mặc dù ý kiến trao đổi, tư vấn trở lại thường là những lời khuyên, lời động viên … - nhưng thật khó có thể nói rằng những diễn đàn như vậy chỉ có ý nghĩa tích cực là chia sẻ nỗi đau, sự tuyệt vọng. Rất nhiều diễn đàn vô hình chung trở thành nơi để những người chán đời, thất tình … gặp nhau (vì những người đang lạc quan, yêu đời hầu như chẳng bao giờ vào những diễn đàn như vậy). Điều gì sẽ xảy ra – nếu xét theo chiều hướng bi quan?