Friday, August 1, 2014

Thủ tục yêu cầu công nhận/không công nhận bản án dân sự của toà án nước ngoài tại Việt Nam

Luật sư Trần Hồng Phong 

Người Việt Nam hiện nay ngày càng mở mang quan hệ, giao dịch với đối tác nước ngoài. Chuyện kết hôn, kinh doanh và sau đó là ly hôn, tranh chấp với người nước ngoài mà một bên là người Việt Nam hay có liên quan đến Việt Nam ngày càng phổ biến. Việc này nếu xảy ra ở nước ngoài thì sẽ thể hiện trong bản án hay quyết định của tòa án nước ngoài. Bài viết này tóm tắt về thủ tục để bản án/quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được công nhận và thực thi (thi hành) tại Việt Nam.


Bài viết này không nói về phần thi hành bản án nước ngoài tại VN. Tuy nhiên, hiểu một cách nôm na thì nếu bản án nước ngoài đã được công nhận tại VN thì sẽ được hoặc có giá trị thi hành giống như mọi bản án, quyết định khác của Tòa án Việt Nam.

Vài nét về tình hình thực tiễn thời điểm 2011

Hiện nay, việc thực hiện thủ tục để một bản án hay quyết định dân sự nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam nói chung là rất nhiêu khê và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005.

Tuy nhiên, do Bộ luật tố tụng dân sự hiện qui định quá chung chung, trong khi mối quan hệ tư pháp giữa Việt Nam và các nước (nước ngoài) hầu như là “khoảng trống”, do vậy có thể nói là hiện nay tất cả các bản án nước ngoài hầu như đều không thể/chưa thể được công nhận và thi hành tại Việt Nam – vì không đáp ứng được các điều kiện luật định.

Thực tế này đã và đang gây rất nhiều khó khăn, phiền phức cho các đương sự có liên quan và đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải sớm có hướng tháo gỡ. Nếu không, tình trạng lơ lửng pháp luật này sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chẳng hạn: Anh A là việt kiều cưới chị B là người Việt Nam, cả hai kết hôn tại Mỹ. Sau đó anh A và chị B ly hôn, có bản án của tòa án Mỹ. Nay chị B trở về VN và muốn kết hôn với người khác. Muốn vậy, chị B phải có giấy xác nhận mình đang là “người độc thân”. Để có xác nhận này, bản án ly hôn của chị B tại Mỹ phải được công nhận (có giá trị) tại Việt Nam. Thế nhưng với qui định như hiện nay (xem bài viết này), hầu như chị B không thể làm được việc tưởng chừng đơn giản và hiển nhiên đó. Và phải thông qua hai cơ quan là Bộ Tư pháp và Tòa án.

Trong khi đó, trước năm 2005, khi Bộ luật tố tụng dân sự chưa ra đời, việc công nhận bản án ly hôn của chị B là đơn giản, chỉ cần liên hệ với Sở Tư pháp nơi trước đây chị B sinh sống, để cập nhật và điều chỉnh tình trạng hôn nhân của mình trong hồ sơ hộ tịch.

Hay nói cách khác, bài viết này chỉ mang tính lý thuyết là chính, để mọi người biết được qui định của pháp luật về vấn đề này. Còn việc áp dụng vào thực tiễn thì còn có khoảng cách rất xa.

Qui định chung

Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài (gọi gọn là “bản án nước ngoài”) là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài và bản án, quyết định khác của Toà án nước ngoài - mà theo pháp luật của Việt Nam được coi ( có thể hiểu như ) là bản án, quyết định dân sự. Ví dụ như bản án ly hôn giữa anh A và chị B như nêu ở trên.

Thẩm quyền xem xét và công nhận bản án nước ngoài có giá trị tại Việt Nam thuộc Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên về thủ tục, đương sự ( người liên quan trong bản án nước ngoài) sẽ không trực tiếp gửi đơn yêu cầu đến tòa án mà phải thông qua “trung gian” là Bộ tư pháp Việt Nam.

Về nguyên tắc, Toà án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án nước ngoài trong các trường hợp sau đây: Bản án của nước mà Việt Nam và nước đó “đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này”. Và đây chính là vướng mắc lớn nhất hiện nay: hầu như tới nay Việt Nam chưa ký “kết hay gia nhập điều ước” về vấn đề này với nước nào - trong số gần 200 nước trên toàn thế giới.

Bản án nước ngoài cũng có thể được Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở “có đi có lại” mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó. Điều này có thể hiểu là nếu Mỹ công nhận bản án của Việt Nam tại Mỹ thì Việt Nam sẽ công nhận bản án của Mỹ tại Việt Nam (tức là “có đi có lại). Tuy nhiên thực tế hiện nay cũng chưa có nước nào “có đi có lại” với Việt Nam.

Bản án nước ngoài được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định của Toà án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

Bản án nước ngoài không được Toà án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam.

Toà án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận bản án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi có đơn yêu cầu không công nhận. Điều này hiểu nôm na là: Nếu chị B (nói ở ví dụ trên) không yêu cầu thi hành bản án ly hôn (ở Mỹ) của mình tại Việt Nam và có đơn yêu cầu Tòa án VN “không công nhận” bản án đó tại Việt Nam thì tòa án Việt Nam sẽ xem xét yêu cầu này của chị B. ( Tức là trường hợp này chị B có yêu cầu “ngược” với nguyện vọng “xác nhận độc thân” của mình – như nêu ở trên).

Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài tại Việt Nam

Luật Việt Nam qui định người được thi hành có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Toà án nước ngoài - nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam, hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu.

Để dễ hình dung, có thể lấy lại ví dụ trường hợp anh A chị B nói trên. Giả sử Tòa án Mỹ xử ly hôn ra bản án tuyên hai người được ly hôn và anh A phải chia cho chị B một số tài sản là 50.000 USD. Trường hợp này, nếu anh A đang cư trú, làm việc tại VN thì chị B có quyền yêu cầu Tòa án VN công nhận bản án ly hôn ở Mỹ của mình, sau đó (nếu bản án đã được Tòa án VN công nhận) yêu cầu thực hiện bản án này – tức là yêu cầu anh A phải trả 50.000 USD cho mình. Tuy nhiên, nếu anh A đang ở Mỹ thì chị B đành … chịu chết ! Vì Tòa án VN sẽ không nhận đơn ( do “người phải thi hành án” (anh A) không cư trú, làm việc tại VN).

Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài tại Việt Nam

Đơn yêu cầu

Khi có nhu cầu, đương sự (người yêu cầu) sẽ gửi một văn bản có tên là “Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam” – gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam.

Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

b) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu còn phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài tại Việt Nam;

c) Yêu cầu của người được thi hành; trường hợp bản án, quyết định của Toà án nước ngoài đã được thi hành một phần thì người được thi hành phải ghi rõ phần đã được thi hành và phần còn lại có yêu cầu công nhận và cho thi hành tiếp tại Việt Nam.

( Lưu ý: Đơn yêu cầu phải viết bằng tiếng Việt. Nếu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp).

Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu

Gửi kèm theo đơn yêu cầu có thể là (nếu có)

- Các giấy tờ, tài liệu được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Bản sao hợp pháp bản án nước ngoài; văn bản xác nhận bản án đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những điểm này;

- Văn bản xác nhận việc đã gửi cho người phải thi hành bản sao bản án, quyết định đó. Trường hợp người phải thi hành vắng mặt tại phiên toà của Toà án nước ngoài thì phải có văn bản xác nhận người đó đã được triệu tập hợp lệ.

( Trên đây là những yêu cầu có thể nói là rất nhiêu khê !).

Lưu ý : Các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Chuyển hồ sơ cho Toà án

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, các giấy tờ, tài liệu kèm theo, Bộ Tư pháp sẽ chuyển hồ sơ đến Toà án có thẩm quyền (thông thường là tòa án địa phương nơi người phải thi hành án đang cư trú).

Quá trình giải quyết của Tòa án Việt Nam

Nói chung là khá rườm rà và theo các bước như sau:

Bước 1: Thụ lý hồ sơ và yêu cầu giải thích

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến, Toà án có thẩm quyền sẽ thụ lý (nhận giải quyết) và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Toà án có quyền yêu cầu người gửi đơn, Toà án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ.

Văn bản yêu cầu giải thích và văn bản trả lời được gửi thông qua Bộ Tư pháp Việt Nam. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Toà án Việt Nam yêu cầu giải thích, Bộ Tư pháp gửi cho người gửi đơn yêu cầu hoặc Toà án nước ngoài văn bản yêu cầu giải thích đó.

Sau đó, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời yêu cầu giải thích từ nước ngoài, Bộ Tư pháp gửi cho Toà án Việt Nam đã yêu cầu văn bản trả lời đó. ( Như vậy, có thể thấy nếu nước ngoài kéo dài hay thậm chí không trả lời thì sẽ lại càng nhiêu khê hơn).

Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, tuỳ từng trường hợp mà Toà án ra một trong các 3 quyết định sau đây:

a) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu: nếu người gửi đơn rút đơn yêu cầu hoặc người phải thi hành đã tự nguyện thi hành hoặc người phải thi hành là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó không được thừa kế hoặc nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó đã được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp: trong trường hợp không đúng thẩm quyền hoặc không xác định được địa chỉ của người phải thi hành hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành;

c) Quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Trong trường hợp Toà án yêu cầu giải thích theo quy định như trên thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài thêm hai tháng (hoặc hơn nữa – nếu không có kết quả giải thích từ phía nước ngoài !).

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu Toà án sẽ mở “phiên họp”.

Bước 3: Phiên họp xét đơn yêu cầu

Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó một Thẩm phán làm chủ toạ.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.
Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ; nếu họ vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên họp.

Việc xét đơn yêu cầu vẫn được tiến hành nếu người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có đơn yêu cầu Toà án xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

Nguyên tắc giải quyết đơn yêu cầu:

Hội đồng không “xét xử lại” vụ án đã xử ở nước ngoài, mà chỉ kiểm tra, đối chiếu bản án nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan để quyết định.

Hội đồng có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc quyết định không công nhận bản án nước ngoài.

Bản án nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu thuộc các trường hợp sau:

1. Bản án chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có Toà án đã ra bản án, quyết định đó.

2. Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên toà của Toà án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ.

3. Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Toà án Việt Nam.

4. Về cùng vụ án này đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam hoặc của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ án, Toà án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó.

5. Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Toà án đã ra bản án, quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật Việt Nam.

6. Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Bước 4: Gửi quyết định của Toà án và việc kháng cáo

Sau khi ra quyết định, Toà án gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp quyết định đó; nếu đương sự ở nước ngoài thì quyết định được gửi thông qua Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Toà án ra quyết định, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định đó.

Đơn kháng cáo phải nêu rõ lý do và yêu cầu kháng cáo.

Bước 5: Xét kháng cáo, kháng nghị

Toà án nhân dân tối cao sẽ xét quyết định của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp cần phải yêu cầu phía nước ngoài giải thích ( như ở trên đã nêu) thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá 2 tháng.

Thành phần Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị gồm ba Thẩm phán. Phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, kháng nghị được tiến hành như phiên họp xét đơn yêu cầu.

Hội đồng xét kháng cáo, kháng nghị có quyền sau:

- Giữ nguyên, sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của TAND cấp tỉnh.

- Đình chỉ việc xét kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp đương sự rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị hoặc.

Quyết định của TANDTC là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Thủ tục xét đơn yêu cầu không công nhận bản án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam

Trái ngược với yêu cầu công nhận bản án nước ngoài ở trên là yêu cầu không công nhận bản án nước ngoài.

Thời hạn gửi đơn yêu cầu không công nhận

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam, đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự đó đến Bộ Tư pháp Việt Nam.

Đơn yêu cầu không công nhận

Đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài phải có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người làm đơn; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

b) Yêu cầu của người làm đơn.

Kèm theo đơn yêu cầu phải có bản sao hợp pháp bản án nước ngoài và các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh yêu cầu không công nhận của mình là có căn cứ.

Việc chuyển đơn yêu cầu và các giấy tờ, tài liệu kèm theo đến Toà án có thẩm quyền được thực hiện giống như trường hợp yêu cầu công nhận ở trên.

Việc chuẩn bị xét đơn yêu cầu và việc xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, nước ngoài được tiến hành cũng như trường hợp ở trên.

Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra một trong các quyết định sau đây:

a) Không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài;

b) Bác đơn yêu cầu không công nhận.

Việc gửi quyết định của Toà án; việc kháng cáo, kháng nghị và xét kháng cáo, kháng nghị được thực hiện giống như trường hợp yêu cầu công nhận ở trên.

( Theo Bộ luật tố tụng dân sự)