Friday, August 1, 2014

Thủ tục đặc biệt : xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của TANDTC

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG giới thiệu

(Ecolaw.vn) – Luật tố tụng dân sự Việt Nam vừa bổ sung một qui định có tên gọi là “thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, mở ra một cơ hội (dù nhỏ nhoi) cho những người bị oan ức có thể tìm đến được với công bằng và công lý.


Vì sao có “thủ tục đặc biệt”?

Tại Việt Nam, một vụ án nói chung (dân sự, hình sự, hành chính …) chỉ được xét xử qua 2 lần : sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm sẽ là chung thẩm, có hiệu lực pháp luật và giá trị thi hành ngay. Nói nôm na là sau khi có bản án phúc thẩm là “xong việc”, kết thúc vụ kiện để chuyên qua giai đoạn thi hành (bản) án.

Tuy nhiên, chính vì e ngại rằng nhiều khi dù đã xử qua 2 lần nhưng bản án chung thẩm vẫn có thể bị sai, gây oan ức, tạo ra bất công xã hội … nên tại Bộ luật tố tụng dân sự có qui định về một thủ tục gọi là “thủ tục xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật”. Thủ tục này chính là thủ tục “giám đốc thẩm”. ( Về nguyên nhân vì sao bản án phúc thẩm mà vẫn có sai sót, gây oan ức thì phải hỏi chính những vị thẩm phán xét xử. Nhưng chung qui thì chỉ do một trong hai lý do sau: thẩm phán yếu kém về chuyên môn và/hoặc thẩm phán có tiêu cực (nhận tiền chạy án).

Theo đó, nếu có căn cứ cho rằng trong quá trình xét xử, thẩm phán xét xử đã có những sai phạm như : vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, áp dụng pháp luật sai hoặc kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án … - thì bản án đó sẽ được kháng nghị giám đốc thẩm. Sau khi bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm, Tòa án sẽ thành lập một số vị thẩm phán gọi là “Hội đồng thẩm phán” để xem xét lại bản án phúc thẩm "có vấn đề" nói trên (tức là bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm).

Tại phiên họp xem xét bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm ( còn gọi là phiên xử giám đốc thẩm), những vị thẩm phán ( còn gọi là “Hội đồng giám đốc thẩm” sẽ có trách nhiệm đưa ra 1 trong 4 quyết định ( cũng có thể xem là 4 tình huống) như sau:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, nói nôm na, ý của Hội đồng giám đốc thẩm là “bản án bị kháng nghị là sai, nhưng chúng tui cho rằng thực ra không sai. Chúng tui đề nghị giữ nguyên bản án đó. Vẫn thi hành bản án đó”.

2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa. Trường hợp này, nói nôm na, ý của Hội đồng giám đốc thẩm là “bản án bị kháng nghị là sai, nhưng chúng tui cho rằng bản án sơ thẩm đã xử trước đây là đúng. Chúng tui kết luận bản án sơ thẩm sẽ trở thành bản án chung thẩm. Thi hành bản án sơ thẩm”.

3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại. Trường hợp này, nói nôm na, ý của Hội đồng giám đốc thẩm là “bản án bị kháng nghị là sai. Chúng tui thấy cần phải xét xử lại. Có thể chỉ cần xét xử lại phiên tòa phúc thẩm hoặc phải xét xử lại từ đầu (tức là quay lại xét xử sơ thẩm, rồi phúc thẩm”.

4. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, nói nôm na, ý của Hội đồng giám đốc thẩm là “bản án bị kháng nghị là sai, cần phải hủy và chúng tui đề nghị đình chỉ việc giải quyết vụ án”. Trường hợp này xem như không còn bản án nào nữa. Vì sao vậy thì thú thật là tôi cũng chưa hiểu hết !

Qua 4 tình huống như trên, có thể thấy nếu như ở tình huống 3, đương sự (người bị oan ức) còn có cơ hội được xem xét lại sự việc của mình (xét xử lại), còn những tình huống khác thì xem như “ván đã đóng thuyền”, không còn trong mong gì ở sợ công bằng, công minh của tòa án nữa.

Tuy vậy, vì trên thực tế, có rất nhiều quyết định của Hội đồng thẩm phán (như trong 4 tình huống nói trên) dù đã ban ra nhưng đương sự vẫn kêu trời vì oan ức, vì quyết định giám đốc thẩm tuy cao mà vẫn sai ( lý do chủ yếu vẫn như trên: hoặc là thẩm phán yếu kém hoặc là có tiêu cực, thiếu trách nhiệm gì đó…) nên năm 2011 vừa qua, Quốc Hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong luật sửa đổi này, Quốc Hội đã đưa hẳn một chương mới vào luật (Chương XIXa) với tên gọi là “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao”.

Thủ tục “đặc biệt” này chính là sự đề nghị xem xét lại các quyết định giám đốc thẩm như nói trên của các vị thẩm phán ở TAND tối cao.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, điều này là cần thiết nhưng đáng buồn. Vì nó thể hiện rằng: việc xét xử của ngành Tòa án Việt Nam những năm qua là có vấn đề, chất lượng xét xử và phẩm chất của thẩm phán là không tốt và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Thủ tục đặc biệt” thực hiện như thế nào?

Theo qui định trong các điều luật mới bổ sung, “thủ tục đặc biệt xem xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” chỉ được thực hiện khi có 1 trong 4 trường hợp sau:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản “yêu cầu”, hoặc

2. Ủy ban tư pháp của Quốc hội có văn bản “kiến nghị”, hoặc

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản “kiến nghị”, hoặc

4. hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản “đề nghị”

Theo đó,

- Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó.


- Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.


- Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.

- Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không nhất trí với kiến nghị, đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, có thể thấy “thủ tục đặc biệt” nói trên thực chất không phải là một phiên tòa xét xử mà thực chất chỉ là một “phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” – tức là một số vị thẩm phán “có chọn lọc” được tham gia.

Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp.

Thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như quy định ở trên.

Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự, nếu có, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy từng trường hợp mà quyết định như sau:

a) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;

b) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tòa án nhân dân tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Những qui định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012. Tuy nhiên, để thực hiện những qui định “đặc biệt” như trên vẫn còn là chuyện khá mới mẻ, cho nên luật cũng qui định “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành” qui định trên.

Theo những qui định mang tính "định hướng" như nói trên, người dân bị oan sai, chèn ép ... có thêm một cửa quan nữa để gửi đơn khiếu nại/cầu cứu: Đó là Ủy ban thường vụ Quốc Hội và/hoặc Ủy ban tư pháp của Quốc Hội ( ngoài hai cửa "truyền thống" là Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao).

Chúng ta hãy cùng chờ và mong rằng với “thủ tục đặc biệt” nêu trên, chất lượng xét xử của ngành Tòa án Việt Nam sẽ khá dần lên, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm sự công bằng, khách quan, bảo đảm công lý được thực thi.

Ghi chú: Chúng tôi sẽ bổ sung bài viết này khi có văn bản hướng dẫn thi hành của Tòa án nhân dân tối cao.

------------------------------------

Bài liên quan:

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án