Friday, August 1, 2014

Qui định về treo cờ tổ quốc & cờ công ty

Một số doanh nghiệp đã gửi thư hỏi Ecolaw về việc treo cờ của công ty mình trước trụ sở hay nhà máy. Mặc dù phần đông đều hiểu rằng việc treo cờ không có gì là sai, nhưng vẫn e ngại có thể bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”. Bài viết dưới đây trao đổi về vấn đề này.


Tôi có tìm hiểu và thấy rằng hiện nay chưa có văn bản pháp luật chính thống nào của Nhà nước Việt Nam qui định về cách thức (việc) treo cờ doanh nghiệp. Điều này cũng có thể hiểu là doanh nghiệp không bị cấm treo cờ của mình tại Việt Nam. Trên thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp treo cờ tại trụ sở của mình.

Trên website của một số địa phương có đăng một số qui định và hướng dẫn về cách treo cờ Tổ quốc và quốc gia khác tại Việt Nam. Tài liệu được ghi là Vụ lễ tân – Bộ ngoại giao biên soạn. Theo đó, tôi tổng hợp lại vài ý chính như sau:

Theo thông lệ quốc tế, các doanh nghiêp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài có thể treo quốc kỳ nước mà công ty mẹ có quốc tịch. Cờ nước ngoài treo tại các cơ sở này cần tuân thủ một số nguyên tắc:

+ Chỉ được treo cờ nước ngoài cùng với quốc kỳ Việt Nam (tức là phải có cờ VN đi kèm),

+ Cờ Việt Nam được treo ở vị trí trang trọng số một,

+ Chỉ được treo quốc kỳ những nước đã có quan hệ ngoại giao chính thức với nước chủ nhà. Như vậy, ví dụ như doanh nghiệp của Đài Loan thì không được treo cờ Đài Loan (vì Việt Nam chỉ quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, thừa nhận một nước TQ, gồm cả Đài Loan).,

+ Nếu doanh nghiệp có cờ riêng, thì có thể treo cùng cờ Việt Nam và cờ nước ngoài. Theo thông lệ, cờ riêng của doanh nghiệp ở vị trí cuối cùng theo thứ tự trong hàng cờ. Và cờ của doanh nghiệp có thể/nên treo thấp hơn cờ của quốc gia.
Dưới đây hướng dẫn về việc treo cờ của Bộ ngoại giao Việt Nam mà quí vị có thể tham khảo.

-------------------------------------------------

Cờ và nguyên tắc treo cờ

Mỗi quốc gia đêu có tỷ lệ kích thước, mầu sắc và các chi tiết chuẩn quốc kỳ của các quốc gia mình. Cờ không được bạc màu, hoen ố, cờ cũ phải huỷ đúng cách chứ không được vứt bỏ hoặc dùng vào mục đích khác.

Theo quy định, quốc kỳ Việt Nam có hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền màu đỏ thắm, giữa có ngôi sao vang năm cánh màu vàng tươi, các cánh sao làm theo chiều thẳng. Từ tâm của ngôi sao đến đầu cánh ngôi sao bằng một phần năm chiều dài lá cờ. Chiều quốc kỳ là chiều một cánh sao thẳng đứng lên trên.

Quốc kỳ các nước khác, giống như quốc kỳ của Việt Nam, đều được quy định cụ thể các chi tiết. Có nước quy định rất ngặt ngèo về độ chuẩn của quốc kỳ, thậm chí màu sắc trên lá cờ là màu chuẩn theo độ quang phổ. Chính vì tính biểu trưng của quốc gia, không cho phép có những sai sót hình dáng, màu sắc, vì vậy nhiều nước có các cơ sở chuyên may cờ.

Trong lễ tân ngoại giao, quốc kỳ được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau. Thông thường có hai cách: Cách thứ nhất là treo cờ chính thức như một cách thể hiện sự trọng thị, tôn trọng và bình đẳng quốc gia; Cách thứ hai là sử dụng cách điệu quốc kỳ như một cách trang trí tạo không khí ngày hội.

Treo cờ chính thức đòi hỏi biết treo cờ đúng quy cách theo thông lệ lễ tân ngoại giao, quy định của nước chủ nhà và nước khách. Một nguyên tắc cơ bản khi treo cờ chính thức khi mà các thủ tục lễ tân và nghi lễ ngoại giao yêu cầu:

- Cờ phải đúng quy định về kích cỡ, tỷ lệ, màu sắc…

- Nơi treo cờ là nơi trang trọng, đảm bảo thẩm mỹ và mỹ quan.

- Treo tại một toà nhà, cột cờ phải ở mặt tiền chính của tào nhà và không bị che khuất tầm nhìn. Có thể là cột cờ trước toà nhà hoặc cắm trên nóc hoặc mặt tiền của toà nhà.

- Chiều cao cột cờ, kích thước của quốc kỳ cần cân đối với không gian nơi treo cờ.

- Nếu treo cờ trên cột, kích cỡ của cờ có tỷ lệ cân đối với chiều cao của cột cờ. Thông thường, chiều rộng của cờ bằng khoảng một phần sáu chiều cao của cột cờ.

- Các cột cờ trong một cụm để treo quốc kỳ của các nước phải cao bằng nhau, được thiết kế giống nhau và đỉnh các cột cờ giống nhau. Trường hợp cờ cắm trong nhà, đỉnh cán cờ mỗi nước có thể làm khác nhau nếu đúng theo quy định của nước đó, ví dụ cờ hiệu Tổng thống Mỹ đỉnh cán cờ là con đại bàng, đỉnh cờ hiệu Tổng thống Nga là mũi giáo.

- Cờ cắm trong nhà, cán cờ dài ngắn tuỳ theo không gian của phòng, tuy nhiên không để cờ chạm đất.

- Khi treo quốc kỳ nhiều nước thì các cờ cần có kích thước tương đương và treo cao ngang nhau.

- Mỗi cờ có một cột hay cán cờ riêng.

- Không kết hợp dùng một cột đang được sử dụng với công năng khác làm cột treo cờ. Ví dụ khi treo cờ ngoài đường phố, nếu dùng cột điện làm điểm cao để treo cờ cần phải có cán cờ gắn vào cột điện như cách cắm cờ trên mặt tiền hoặc nóc nhà.

- Nếu treo một “rừng” quốc kỳ, cờ của nhiều nước, mỗi nước nhiều quốc kỳ, số lượng cờ của mỗi nước bằng nhau, cờ nước chủ nhà có thể nhiều hơn với một số lượng hợp lý.

- Tuỳ theo của mỗi nước, nhiều nước quy định quốc tang cờ tang treo lưng lửng giữa giữa chiều cao của cột cờ. Trong trường hợp này, cờ được kéo cao lên đến đỉnh, sau đó từ từ hạ cờ xuống lưng chừng cột cờ. Có nước còn quy định, trong trường hợp có quốc tang, phía trên quốc kỳ có một dải băng đen. Theo quy định của Việt Nam, khi có quốc tang, cờ treo như bình thường nhưng có kèm theo một dải băng đen phía trên.

- Trường hợp một dãy cờ, có thể là cờ nhiều quốc gia hoặc cờ quốc gia treo cùng cờ của chủ thể địa phương hay của tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế. Nếu cờ của một quốc gia treo theo quy định quốc tang thì cờ quốc gia khác treo cùng cũng được treo tương tự.

- Trong trường hợp nước tiếp nhận cơ quan đại diện có quốc tang và nước tiếp nhận treo cờ rủ, trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài, cờ quốc gia hoặc cờ Tổ chức Quốc tế cử cơ quan đại diện không nhất thiết cũng treo rủ. Trong trường hợp nước hoặc Tổ chức Quốc tế cử cơ quan đại diện cũng tuyên bố để tang của nước cử hay theo quy định của nước hoặc tổ chức cử theo phép lịch sự cho phép cơ quan đại diện của mình treo cờ rủ. Trụ sở cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận có quốc tang cũng treo cờ rủ.

- Nếu treo quốc kỳ hai nước, tuỳ theo quy định lễ tân ngoại giao của mỗi nước, phần lớn các nước quy định, nếu đứng từ ngoài nhìn vào cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ nước khách bên phía trái. Đây cũng là quy định của lễ tân ngoại giao Việt Nam.

- Treo cờ nhiều nước và hàng cờ theo hàng ngang, vị trí cho cờ đầu tiên, nếu đứng từ ngoài nhìn vào hàng cờ, có thể có cách sắp xếp như sau:

+ Bắt đầu từ bên trái sang bên phải,

+ Bắt đầu từ giữa trở ra hai bên, theo thứ tự bên trái, bên phải.

- Nếu treo quốc kỳ nhiều nước, thông thường, cờ được treo từ vị trí đầu tiên cho đến hết thứ tự theo vần chữ cái tên các nước có ngôn ngữ nước sở tại hoặc ngôn ngữ khác theo quy định của tổ chức mà các quốc gia có cờ là thành viên hay các nước thành viên thảo thuận.

- Nếu một tổ chức quốc tế có cờ riêng, thông thường trong lễ tân ngoại giao, cờ tổ chức quốc tế được treo ở vị trí cuối cùng trong hàng cờ các nước thành viên. Tuy nhiên, tuỳ theo quy định hay thông lệ của tổ chức đó, cờ của tổ chức có thể đứng tách riêng ngoài hàng cờ của các quốc gia thành viên.

Cờ của tổ chức ASEAN đứng cuối cùng trong hàng cờ các nước thành viên,

Cờ của Liên hợp quốc tại Trụ sở của tổ chức Liên hợp quốc đứng tách riêng, trước cờ đầu tiên trong hàng cờ của các nước thành viên.

- Nếu cờ khác tỷ lệ, cần chuyển đổi theo tỷ lệ chiều rộng và chiều dài của cờ nước chủ nhà. Khi treo tại Việt Nam cùng với cờ Việt Nam, quy đổi theo kích thước của cờ Việt Nam là 2/3 để tránh tình trạng cờ to, cờ bé. Tuy nhiên trong trường hợp cần chuyển đổi tỉ lệ kích thước quốc kỳ, cần tham khảo thông lệ lễ tân ngoại giao và thông báo trước cho phía khách. Trường hợp nếu không quy đổi tỉ lệ kích thước cờ như của nước chủ nhà hoặc cờ các quốc gia được treo cùng, để tránh tình trạng cờ to cờ bé quá khác nhau trong một hàng cờ, thông thường trong lễ tân ngoại giao, người ta xử lý theo nguyên tắc sau:

+ Lấy chiều dài của các cờ bằng nhau, nếu tỉ lệ chiều rộng và chiều dài theo quy định quốc gia của nước có cờ nhỏ hơn so với nước chủ nhà hoặc phần lớn cờ các quốc gia trong hàng cờ. Thí dụ kích thước cờ của Cuba ½.

+ Lấy chiều rộng của cờ bằng nhau, nếu tỉ lệ chiều rộng và chiều dài theo quy định quốc gia của nước có cờ lớn hơn so với nước chủ nhà hoặc phần lớn cờ các quốc gia trong hàng cờ. Thí dụ kích thước cờ của Thuỵ Sĩ là 1/1.

- Nếu quốc kỳ của một nước có hình dáng đặc biệt, ví dụ như hình đuôi nheo mà không thể chuyển đổi sang hình chữ nhật với tỉ lệ như cờ nước chủ nhà. Trong trường hợp này, tuỳ theo tỉ lệ cụ thể mà chuẩn bị một lá cờ tương đương về chiều rộng hay chiều dài với cờ nước chủ nhà hay với cờ các nước khác được treo cùng.

- Nếu treo cờ không cán như cách kéo cờ khi trao giải thưởng trong các sự kiện thể thao hay treo theo kiểu dây cờ. Có hai cách treo:

+ Treo cờ như cờ đang bay trong gió khi treo ở cột cờ, phần gắn vào cán cờ luôn ở phái bên trái theo hướng khán giả nhìn vào cờ.

+ Khi treo cờ phần để móc vào cán hay cột cờ ở phía trên hướng của cờ quay về phía bên trái nếu đứng từ ngoài nhìn vào. Nguyên tắc này phù hợp với thói quen theo phản xạ nhận biết một vật ví dụ như đọc chữ, bao giờ cũng bắt đầu từ trái qua phải và từ trên xuống dưới.

- Theo thông lệ lễ tân quốc tế, trường hợp diễn giả phát biểu trước công chúng, nếu theo quy định có cắm cờ đằng sau diễn giả, cờ đặt đằng sau phía bên tay phải của diễn giả. Trường hợp diễn giả có cờ hiệu riêng hoặc cùng lúc đại diện cho một tổ chức chính trị, xã hội có cờ hiệu riêng và cờ hiệu cùng cờ quốc gia được cắm đằng sau diễn giả thì cờ được cắm như sau: Quốc kỳ được cắm đằng sau phía bên tay phải, cờ hiệu được cắm phía bên trái diễn giả.

Trong trường hợp cờ được gắn trên phông phía sau diễn giả, cờ được treo theo nguyên tắc như cách treo cờ không cán. Nếu chỉ có một cờ, thường cờ được gắn chính diện phía sau diễn giả. Nếu treo cờ quốc gia cùng cờ hiệu, nguyên tắc gắn cờ cắm nêu ở trên. Lưu ý, cờ phải được gắn cao hơn diễn giả, tuỳ theo kích cỡ của cờ, nếu là cờ lớn, đầu của diễn giả khi đứng không cao quá 1/3 cờ gắn phía sau.

- Theo thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài được phép treo quốc kỳ nước mà công ty mẹ có quốc tịch. Cờ nước ngoài treo tại các cơ sở này tuân thủ một số nguyên tắc:

+ Chỉ được treo cờ nước ngoài cùng với quốc kỳ nước sở tại,

+ Cờ của nước sở tại được treo ở vị trí trang trọng số một,

+ Chỉ được treo quốc kỳ những nước đã có quan hệ ngoại giao chính thức với nước chủ nhà,

+ Nếu các cơ sở có cờ riêng, có thể được treo cùng quốc kỳ. Theo thông lệ, cờ riêng của doanh nghiệp ở vị trí cuối cùng theo thứ tự trong hàng cờ. Tuy nhiên cũng có nước quy định, cờ của doanh nghiệp treo thấp hơn cờ của quốc gia.

- Trụ sở văn phòng đại diện công ty hay tổ chức nước ngoài (trừ các cơ quan đại diện ngaọi giao, lãnh sự hay tổ chức quốc tế được hưởng ưu đãi miễn trừ), theo tập quán lễ tân ngoại giao, không treo cờ nước mà công ty có quốc tịch ngay cả khi treo cùng với cờ nước sở tại.

Trong phòng làm việc hoặc phòng khách của văn phòng đại diện có thể cắm cờ hay trang trí cờ nước mà công ty hay tổ chức có quốc tịch. Tuy nhiên không nên cắm hay trang trí nếu quốc gia đó chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước chủ nhà.

- Trang trí cổ động bằng hình tượng quốc kỳ là một hình thức phổ biến trong các dịp diễn ra các nghi lễ quan trọng của các quốc gia hay một sự kiện trong quan hệ quốc tế. Trang trí bằng các hình tượng cờ có nhiều cách. Trên cơ sở các quy định cơ bản về quốc kỳ, người ta cách điệu thành cờ phướn, cờ đuôi nheo, các giải băng hay vẽ trên các pa – nô, áp – phích hoặc kết hình quốc kỳ bằng các chất liệu khác nhau như bằng hoa, bằng vải, đèn màu…

Khi trang trí bằng cờ, dù đã được cách điệu mang tính chất tượng trưng cho quốc kỳ, hình tượng quốc kỳ vẫn biểu trưng cho một quốc gia vì vậy vẫn phải đảm bảo các nét đặc trưng chính của quốc kỳ, mọi người cảm nhận ngay đó là hình tượng quốc kỳ của quốc gia nào và phải mang tính thẩm mỹ cao. Nơi đặt hoặc treo cờ trang trí cũng phải là nơi trang trọng và nghiêm túc. Chính vì vậy, khi cách điệu quốc kỳ thành cờ trang trí cần phải được tính toán rất cẩn trọng trách để hiểu nhầm thành hành động xuyên tạc quốc kỳ.

(Nguồn: Tài liệu Bồi dưỡng kiến thức về Lễ Tân - Bộ Ngoại giao)

Website tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

http://www.baria-vungtau.info/news.aspx?cateid=120&News_ID=572