Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ là văn bản tố tụng do tòa án ban hành, nhằm yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý hay lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ, làm cơ sở để tòa xem xét, đánh giá các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án.
Dưới đây là một Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ do Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành.
--------------------------------------------------
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Trong một vụ án dân sự, Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ thực ra được tòa đáp ứng theo đề nghị của một bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn …) chứ không phải tự nhiên Tòa án ban hành quyết định này. Sở dĩ như vậy là vì trong tố tụng dân sự, luật qui định nghĩa vụ chứng minh là trách nhiệm của đương sự. Điều này có nghĩa là người nào đưa ra yêu cầu, thì phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ - thể hiện quan “chứng cứ”. Nếu không có chứng cứ thì xem như yêu cầu của mình không có căn cứ, không đủ cơ sở để tòa chấp nhận. Ví dụ: ông A kiện đòi nợ ông B 100 triệu đồng. Như vậy, ngoài đơn kiện đòi nợ, ông A còn phải chứng minh bằng cách cung cấp cho tòa chứng cứ về việc ông B có nợ mình. Chẳng hạn là giấy mượn tiền.
2. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chứng cứ lại do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đang quản lý, lưu giữ chứ không phải là người đưa ra yêu cầu có sẵn. Như trong trường hợp nêu trong quyết định nói trên, một bên yêu cầu giám định dấu vân tay trên một tờ giấy vay tiền. Nhưng muốn giám định dấu vân tay thì phải có mẫu so sánh, chính là dấu vân tay trên các giấy tờ của bên kia, đó chính là Giấy Chứng minh nhân dân. Do vậy, Tòa án đã hỗ trợ bên yêu cầu giám định bằng cách yêu cầu bên kia cung cấp “tài liệu bản chính có dấu vân tay”, để gửi cơ quan giám định tiến hành giám định.
3. Theo qui định tại Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự mới được sửa đổi bổ sung năm 2012, thì hiện nay đương sự cũng có quyền trực tiếp yêu cầu cá nhân, cơ quan hay tổ chức cung cấp chứng cứ mà không nhất thiết phải thông qua tòa án nữa. Luật cũng qui định “cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ”. Tuy nhiên, trên thực tế chưa chắc yêu cầu của cá nhân đã “ép phê”, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức “lớn”. Trong những trường hợp như vậy, đương sự vẫn nên nhờ tòa án hỗ trợ trong việc ra quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ như nói ở trên.
4. Vậy chứng cứ là gì ? Theo qui định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự, “chứng cứ là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do luật quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự”.
----------------------------------------
Bài lên quan:
Đơn đề nghị cung cấp tài liệu, chứng cứ