Thursday, August 7, 2014

Biên bản hòa giải

Biên bản hòa giải là văn bản tố tụng do tòa án lập, ghi nhận ý kiến, quan điểm của các bên tại buổi hòa giải do Tòa án tiến hành, trong một vụ án dân sự nói chung.

Dưới đây là một Biên bản hòa giải do Tòa án nhân dân Quận 8 TP. Hồ Chí Minh lập.








 ---------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự, theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, tòa án sẽ tiến hành một thủ tục gọi là “phiên hòa giải”. Mục đích là để các bên có thể trao đổi, thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết tranh chấp, mà không nhất thiết là phải đưa ra xét xử. Mục đích là tôn trọng quyền “tự định đoạt” của các bên. Việc hòa giải là thủ tục mang tính bắt buộc và được lập thành văn bản – chính là Biên bản hòa giải như ở trên. Theo qui định, đương sự được tòa cung cấp bản photo biên bản hòa giải ngay sau khi kết thúc phiên hòa giải. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tòa hẹn lại, vì những lý do như : thẩm phán chưa ký, chưa thể đóng dấu …vv.


2. Theo đó, nếu các bên hòa giải thành, tức là thống nhất được cách giải quyết, thì trong vòng 7 ngày sau khi hòa giải, nếu không bên nào thay đổi ý kiến, Tòa sẽ ra một văn bản có tên gọi là “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, có giá trị như một bản án. Còn nếu các bên không đạt được thỏa thuận, tức là không hòa giải thành, thì tòa sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Mà cụ thể là sẽ đưa vụ án ra xét xử.

3. Tuy nhiên, tùy theo tình tiết của vụ án, việc hòa giải có thể được tòa tiến hành nhiều lần. Thông thường là khoảng 2, 3 lần, hay thậm chí nhiều hơn. Chẳng hạn, lần đầu 2 bên hòa giải không thành. Nhưng sau đó một bên cung cấp thêm chứng cứ mới, và bên kia chấp nhận. Như vậy, tòa sẽ tiến hành hòa giải một lần nữa.

4. Nói chung, nếu là tình huống hòa giải không thành, thì cũng không có gì quan trọng lắm. Tuy nhiên, nếu là hòa giải thành, thì các bên cần phải về suy nghĩ lại thật kỹ. Xem kết quả hòa giải có đúng với yêu cầu, nguyện vọng của mình chưa? Có thể chấp nhận kết quả như vậy hay không? Và nếu muốn thay đổi, thì phải ngay lập tức gửi Đơn đề nghị thay đổi ý kiến hòa giải, trước khi Tòa án ra quyết định.

5. Một điểm cần lưu ý là theo qui định, thì việc hòa giải phải được tiến hành dưới sự điều hành, chủ tọa của vị thẩm phán phụ trách vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì có tới ít nhất 70% các phiên hòa giải không có thẩm phán! ( Thật kỳ lạ khi việc “trái luật” này – mà theo tôi là ở mức độ nghiêm trọng, lại diễn ra hầu như thường xuyên, phổ biến khắp nơi mà chẳng ai dám … hó hé gì !). Thay vì tiến hành hòa giải, vị thẩm phán khoán hẳn cho thư ký của mình. Sau đó, đưa Biên bản cho thẩm phán ký để … hợp thức hóa.

6. Nhìn chung, phiên hòa giải là một thủ tục quan trọng và có ý nghĩa trong quá trình giải quyết vụ án (vì có thể giải quyết xong luôn mà không cần đưa ra xét xử). Do vậy, nếu đương sự có thuê luật sư, thì nên đề nghị luật sư cùng có mặt tại phiên hòa giải, để có thể trình bày, trao đổi hoặc đưa ra những ý kiến, quan điểm sáng suốt và xác đáng nhất.

-------------------------------

Bài liên quan:

• Thông báo về phiên hòa giải
• Đơn thay đổi ý kiến hòa giải