Thursday, August 7, 2014

Quyết định tạm đình chỉ xét xử vụ án

trong quá trình giải quyết một vụ án nói chung, có rất nhiều khả năng, tình huống có thể xảy ra. Trong đó có việc tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án/xét xử. Hậu quả của việc tạm đình chỉ vụ án là việc giải quyết vụ án xem như tạm bị “treo”, nhằm chờ đợi một sự kiện pháp lý mới.



Dưới đây là một quyết định tạm đình chỉ việc xét xử phiên tòa phúc thẩm do Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM ban hành vì lý do chờ kết quả giám định.







------------------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Theo qui định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự, việc giải quyết vụ án dân sự (bao gồm phiên tòa xét xử) bị tạm đình chỉ khi rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Đương sự ( nguyên đơn, bị đơn …) là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.

- Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật. Ví dụ: ông A đang là bị đơn trong vụ án bất ngờ bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, không thể nhận biết, đi đứng được. Và chưa biết/xác định ai sẽ là người đại diện cho ông A tại phiên tòa.

- Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế. Ví dụ: ông B là nguyên đơn ủy quyền cho ông C thay mình tham gia tố tụng tại phiên tòa trong thời hạn 1 năm. Khi tòa chưa giải quyết xong vụ án thì thời hạn ủy quyền hết hạn.

- Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án. Ví dụ như trong vụ án ở trên ( ghi trong quyết định tạm đình chỉ), phía bị đơn đề nghị xác định tính hợp pháp của chữ ký trong giấy mượn tiền. Cụ thể là phía bị đơn đề nghị tòa án ra quyết định trưng cầu giám định chữ ký. Vì yêu cầu của phía bị đơn là hợp lý, nên tòa đồng ý và sẽ ra Quyết định trưng cầu giám định. Việc giám định phải thực hiện tại cơ quan giám định. Do vậy, đây là trường hợp chờ cơ quan giám định “giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.

- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Khi tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, xem như vụ án bị “treo”, không tiến mà cũng không lùi. Toà án không xoá tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Toà án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

3. Theo qui định, khi tòa ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Trong trường hợp cụ thể, nếu cho rằng việc tạm đình chỉ là không đúng luật, kéo dài thời hạn xét xử hoặc có dấu hiệu bất thường, tiêu cực … thì đương sự có quyền làm đơn kháng cáo quyết định này. Cũng như Viện kiểm sát, với chức năng là cơ quan giám sát tư pháp, có quyền kháng nghị quyết định tạm đình chỉ. Khi đó, đơn kháng cáo sẽ được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm chung.

4. Trên thực tế, để kéo dài thời gian giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho mình, nhiều đương sự đã vận dụng qui định về việc này một cách linh hoạt và thông minh, dẫn đến việc tòa án “buộc lòng” phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Trong sự “bức xúc” của bên kia. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài, thêm phần phức tạp…

5. Khi các lý do tạm đình chỉ không còn nữa, thì Toà án có trách nhiệm tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Vụ án xem sự “khởi động” trở lại và bắt đầu giải quyết tiếp tục tính từ thời điểm bị tạm đình chỉ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi tạm đình chỉ, thay vì tiếp tục giải quyết, tòa án sẽ ra quyết định ‘đình chỉ” luôn. Tức là không giải quyết vụ án nữa. Khi nào tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án – xin vui lòng tìm hiểu trong Bộ luật tố tụng dân sự.

6. Lưu ý: qui định về việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án nêu trên đây là trong vụ án dân sự. Tuy nhiên trong các lĩnh vực khác như hình sự, hành chính, lao động … cũng có những nét tương đồng.